Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường có biến chứng nhiễm trùng da
Chăm sóc nhiễm trùng da ở bệnh nhân tiểu đường là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu như tình trạng nhiễm trùng da không được xử trí và chăm sóc đúng cách, nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là phải cắt đi một phần cơ thể.
I. Biến chứng nhiễm trùng da ở người bệnh tiểu đường?
A. Tổng quát
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan của cơ thể, bao gồm cả da. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng da có thể là dấu hiệu đầu tiên gợi ý một người mắc bệnh tiểu đường. May mắn là phần lớn các biến chứng ở da có thể được ngăn ngừa hoặc dễ dàng điều trị nếu phát hiện sớm.
Một số rối loạn về da như nhiễm trùng da do vi khuẩn, nhiễm nấm và ngứa có thể xảy ra ở người bình thường. Tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các biến chứng này cao hơn và tình trạng bệnh thường nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, một số ít vấn đề về da chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân tiểu đường như bệnh da do tiểu đường, bệnh hoại tử mỡ ở da do tiểu đường, mụn nước tiểu đường và bệnh u vàng thứ phát.
B. Nhiễm khuẩn da ở bệnh nhân tiểu đường
Một số loại nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường: Mụn nhọt; viêm nang lông (nhiễm trùng nang lông); nhọt cụm (nhiễm trùng sâu ở da và mô bên dưới); nhiễm trùng móng.
Trước đây, nhiễm trùng là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở người bệnh tiểu đường. Ngày nay, ít trường hợp bị tử vong nhờ có thuốc kháng sinh và các phương pháp kiểm soát đường huyết, chăm sóc vết thương hiệu quả. Tuy nhiên bạn không nên lơ là trong việc chăm sóc da vì tình trạng nhiễm khuẩn có thể tiến triển nặng, lan rộng và ăn sâu vào cơ và xương.
Nhiều bệnh nhân đến viện muộn bị nhiễm trùng huyết nặng và phải cắt cụt chân. Việc chăm sóc nhiễm trùng da ở bệnh nhân tiểu đường, nếu được thực hiện tốt, sẽ hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra. Đồng thời vết nhiễm trùng sẽ lành nhanh chóng, ít để lại sẹo xấu cho bệnh nhân.
C. Nhiễm nấm da ở bệnh nhân tiểu đường
Thủ phạm gây nhiễm nấm ở người bệnh tiểu đường thường là nấm Candida albicans. Loại nấm giống như nấm men này có thể gây ra những dát ngứa ở những vị trí ẩm ướt. Dát có màu đỏ được bao quanh bởi các mụn nước và vảy nhỏ.
Vị trí nhiễm nấm này thường xảy ra ở các nếp gấp ấm và ẩm của da như vùng dưới vú, xung quanh móng tay, giữa ngón tay và ngón chân, khóe miệng, bao quy đầu (ở nam giới bị hẹp bao quy đầu), nách và bẹn. Bệnh nấm da thường gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Có thể dẫn đến bội nhiễm nếu cào gây chảy máu.
II. Nguyên nhân người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng
Người bệnh tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng do nồng độ đường cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Lượng đường trong máu cao sẽ khiến các vết trầy xước nhỏ nhất cũng trở thành môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi. Đây là nguyên nhân chính khiến người mắc bệnh tiểu đường dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và lâu lành.
Ngoài ra, khi bị tiểu đường, bệnh nhân hay mắc các biến chứng đi kèm như rối loạn thần kinh cảm giác. Rối loạn này làm cho bệnh nhân tiểu đường chậm phát hiện các tổn thương ngoài da như khi bị vật nhọn sắc đâm vào vì thế tổn thương thường nặng.
Thêm nữa bệnh nhân tiểu đường thường bị tổn thương xơ vữa mạch máu ngoại biên, làm giảm lưu lượng máu đến các chi nên làm giảm dinh dưỡng mô, cung cấp oxy và khả năng gắn kết phản ứng miễn dịch hiệu quả.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố này khiến bệnh nhân tiểu đường luôn tiềm ẩn nguy cơ cao trong việc mắc phải những bệnh lý nhiễm trùng.
III. Cách phòng tránh nhiễm trùng do tiểu đường
Để phòng tránh biến chứng nhiễm trùng, người bệnh tiểu đường cần phải:
Kiểm soát tốt đường huyết và các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,… bằng cách sử dụng thuốc theo đúng quy định của bác sĩ, ăn uống khoa học và hoạt động thể chất hàng ngày.
Vệ sinh răng miệng đúng cách, dùng các loại bàn chải mềm, chải răng thường xuyên và tránh gây các tổn thương trong khoang miệng.
Luôn trang bị khẩu trang khi đi ra đường, sử dụng những loại quần áo, vớ, nón vải mềm với chất liệu thấm hút mồ hôi.
Vệ sinh đường tiểu tốt, đặc biệt là với phụ nữ, giúp giảm thiểu khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Thực hiện bằng cách giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, rửa vùng kín sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục, không nhịn tiểu và uống nhiều nước. Nhiễm nấm đường sinh dục thường có thể tránh được bằng cách vệ sinh âm đạo tốt. Ngoài ra, ăn các thực phẩm có lợi, chẳng hạn như sữa chua chứa vi khuẩn axit, có thể hữu ích để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men.
Để phòng ngừa nhiễm trùng da, người bệnh cần luôn vệ sinh da sạch sẽ, không tắm nước nóng và dùng xà phòng giữ ẩm nhẹ; giữ da khô ráo bằng cách xoa bột Talc vào những vùng da hay cọ xát vào nhau như nách, bẹn, kẽ các ngón chân; cắt móng chân, móng tay thường xuyên. Với các vết thương, cần rửa sạch bằng nước hoặc cồn và băng những vết xước da, rách da ngay khi mới phát hiện.
Xem thêm: Bệnh rộp da do tiểu đường: Nhận biết để phòng ngừa hiệu quả
IV. Biện pháp chăm sóc bệnh nhân tiểu đường có biến chứng nhiễm trùng da
A. Dưỡng ẩm, để da khô thoáng
Luôn giữ cho da của bạn sạch và khô thoáng, đặc biệt là ở vùng nách, ngón chân và bẹn. Bạn nên tắm vòi sen hoặc bồn tắm nước ấm trong thời gian ngắn và sử dụng xà phòng cũng như dầu gội dịu nhẹ. Nếu da khô, hãy sử dụng sữa tắm có chất dưỡng ẩm hoặc thoa kem dưỡng ẩm da.
Thời điểm thoa kem dưỡng ẩm tốt nhất là ngay sau khi tắm xong, khi da vẫn còn ẩm. Đồng thời, bạn nên lau khô da một cách nhẹ nhàng, đừng chà xát. Tập trung lau khô ở vị trí nách, giữa hai chân, dưới ngực và giữa các ngón chân.
B. Chăm sóc vùng da nứt nẻ
Khi chăm sóc nhiễm trùng da ở bệnh nhân tiểu đường, chúng ta nên đặc biệt chú ý đến những vùng da nứt nẻ. Đây là những vị trí da rất dễ bị tổn thương và viêm nhiễm. Những vùng da nứt nẻ nên được bảo vệ, tránh để tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc quá lạnh.
Một số mẹo để chăm sóc vùng da nứt nẻ bao gồm:
Thoa kem dưỡng ẩm lên các vết nứt nẻ
Sử dụng các loại kem giúp hỗ trợ điều trị nứt nẻ da như: Các loại kem chứa Vaseline, Glycerin, Saccharide isomerate, Mineral oil,…
Uống nhiều nước cũng là một biện pháp tốt để hạn chế khô da và nứt nẻ da.
C. Điều trị vết thương, vết loét
Đối với những vết thương, vết loét ở da, người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ. Các biện pháp chăm sóc nhiễm trùng da khi da bị vết thương, vết loét bao gồm:
Rửa vết thương bằng dung dịch sát khuẩn dịu nhẹ như Povidine hoặc nước muối sinh lý
Băng lại bằng lớp gạc vô khuẩn trong trường hợp vết loét sâu và rộng. Thay băng và rửa vết thương hàng ngày. Đối với những vết loét nhỏ nên để thông thoáng
Hạn chế va chạm vào vết loét.
D. Kiểm tra đường huyết
Đây là một trong những biện pháp chăm sóc nhiễm trùng da gián tiếp. Kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp người bệnh được tăng cường sức đề kháng. Nhờ vậy, da sẽ được bảo vệ tốt hơn. Những biện pháp kiểm soát đường huyết chủ yếu bao gồm:
Dùng thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ, kiểm tra đường huyết thường xuyên
Chế độ ăn lành mạnh: Tăng cường rau xanh và chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày
Hạn chế tối đa thức ăn chứa nhiều tinh bột và đường như: Bánh ngọt, trái cây ngọt, nước ngọt có gas,…
E. Một số biện pháp hỗ trợ khác
Việc bỏ thuốc lá, không đi chân đất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân tiểu đường có biến chứng nhiễm trùng da.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình