Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ đột quỵ do biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường, còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh mạn tính, không lây nhiễm, rất phổ biến, biểu hiện bởi lượng đường trong máu tăng cao. Bệnh đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận… Những biến chứng này gây ra gánh nặng to lớn cho người bệnh và người thân cũng như xã hội. Một trong những biến chứng nguy hiểm và là nguyên nhân gây từ vong hàng đầu ở người bị đái tháo đường chính là đột quỵ.

I. Đột quỵ do biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường là gì?

Biến chứng mạch máu lớn xảy ra tại động mạch cảnh đưa máu lên não có thể làm giảm lưu lượng máu đến não, dẫn đến thiếu máu não, làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong. Đột quỵ xảy ra khi dòng máu lưu thông lên não bị tắc nghẽn do cục máu đông.

Bệnh nhân tiểu đường type 2 có nguy cơ đột quỵ cao gấp 1.5 đến 4 lần so với bình thường. Nguy cơ sa sút trí tuệ và tái phát liên quan đến đột quỵ và tỷ lệ tử vong liên quan đến đột quỵ cũng tăng cao ở bệnh nhân tiểu đường.

II. Tại sao biến chứng mạch máu lớn của tiểu đường có thể gây đột quỵ não?

Hiện tượng tăng đường huyết làm quá trình xơ vữa mạch máu diễn ra nhanh hơn người bình thường, hình thành cục máu đông trong lòng động mạch hay mảng xơ vữa lây bít tắc lòng mạch, cản trở lượng máu giàu oxy đến nuôi não. Mảng xơ vữa này không chỉ gây tổn thương não, khi xuất hiện ở tim gây nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.

Tiểu đường dẫn đến tăng huyết áp (đường huyết tăng cao làm tăng hoạt tính giao cảm dẫn đến tăng sức cản ngoại vi và hậu quả là tăng huyết áp). Mà tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ não.

Đa số người bệnh tiểu đường có lượng cholesterol (mỡ) tăng cao làm mảng xơ vữa nhiều thêm. Khi những mảng xơ vữa này được tích tụ bên trong động mạch, chúng bắt đầu hạn chế và làm giảm lưu lượng máu tới các cơ quan trong cơ thể, cản trở cung cấp dưỡng chất và oxy nuôi dưỡng tế bào não, từ đó gây ra đột quỵ não. Ngoài ra, các mảng bám hay huyết khối cũng có thể khiến cho mạch máu trong não bị vỡ, làm một vùng não không được cung cấp máu và gây ra đột quỵ não. Khi quá trình này xảy ra trong não, nó dẫn đến tổn thương hệ thần kinh vĩnh viễn với những di chứng nặng nề như: liệt toàn thân hay nửa người, suy giảm khả năng nhận thức, không nói chuyện được, mất khả năng lao động hoặc nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Do đó, tiểu đường được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.

III. Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ do biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường?

Một số yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não ở người tiểu đường đó là:

Lười vận động: Những người lười vận động thì nguy cơ tim mạch tăng cao hơn vì tăng sản xuất cholesterol - một loại mỡ trong máu có thể gây tích tụ trên thành mạch máu nếu như bạn bị béo phì do lười vận động.

Cholesterol cao hơn bình thường: Hầu hết các bệnh nhân tiểu đường thường bị nhiễm mỡ máu có lượng cholesterol trong máu vượt quá mức cho phép, nhất là cholesterol có hại làm cho quá trình xơ vữa động mạch càng trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ đột quỵ càng cao. Điều quan trọng là các yếu tố này thường xuất hiện đồng thời ở bệnh nhân tiểu đường.

Tăng huyết áp: Khi bị tăng huyết áp, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu. Tăng huyết áp có thể làm cho tim căng giãn và tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, biến chứng mắt và thận.

Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Vì vậy, việc ngưng thuốc lá đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường vì hút thuốc lá và tiểu đường cùng làm hẹp mạch máu.

Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ: Bạn không thể thay đổi nguy cơ này do yếu tố gia đình.

Một khi các yếu tố này kết hợp với bệnh tiểu đường thì sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên nhiều lần. Chính vì vậy, ngoài yếu tố gia đình không thể thay đổi, khi điều trị bệnh tiểu đường không bao giờ được bỏ quên tác động vào các yếu tố nguy cơ này, đặc biệt là thói quen hút thuốc lá, ít vận động, do vậy nguy cơ tai biến là rất có thể nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn.

Xem thêm: Các biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường

IV. Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ do biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường?

Theo ThS.BS Nguyễn Minh Nguyệt - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ, Nguy cơ mắc đột quỵ do bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát được nếu thực hiện nghiêm túc các lưu ý sau:

Kiểm soát đường huyết và huyết áp (nếu có) ở mức ổn định thường xuyên

Định kỳ thăm khám sức khỏe để giúp điều chỉnh liều dùng và kiểm soát bệnh được hiệu quả hơn

Kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp như: ăn nhiều trái cây tươi, các loại rau không chứa tinh bột, ít chất béo, giàu chất xơ. Hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, đồ ăn chiên xào, không nên hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có tính kích thích như cà phê, rượu bia…

Xây dựng lối sống khỏe mạnh, luyện tập thể dục thể thao giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả và ngăn chặn đột quỵ não.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X