Vai trò của nội soi cắt khối tá tụy trong ung thư vùng bóng vater, ứng cử viên tiềm năng trong điều trị ung thư dạ dày
Ung thư vùng bóng vater và ung thư dạ dày là những bệnh lý khá thường gặp tại Việt Nam. Hiện nay, cả hai bệnh lý này đều đã có những phương pháp điều trị hiệu quả, tuy nhiên cần cập nhật cũng như nghiên cứu thêm phương thức mới để tăng hiệu quả trong điều trị. Các vấn đề xoay quanh việc phẫu thuật nội soi cắt khối tá tuỵ giúp hạn chế xâm lấn cho bệnh nhân ung thư vùng bóng vater, phẫu thuật cắt thân răng ở răng khôn liên quan đến thần kinh xương ổ dưới, quản lý và điều trị đau thắt lưng mạn tính đa mô thức… được trình bày tại Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2023 do Bệnh viện An Bình tổ chức vào ngày 23/12/2023.
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tuỵ giúp hạn chế xâm lấn cho bệnh nhân ung thư vùng bóng vater
Với bài báo cáo “Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy trong điều trị ung thư vùng bóng vater”, đại diện của nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Bình Dân thông tin, u đầu tuỵ và u quanh bóng vater là bệnh khá thường gặp ở Việt Nam 7-9% ung thư đường tiêu hóa. Trong những năm gần đây, tại Bệnh viện Bình Dân bắt đầu ứng dụng phẫu thuật nội soi vào phẫu thuật cắt khối tá tuỵ.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả sớm của phẫu thuật cắt khối tá tuỵ, nêu lên những khó khăn trong quá trình phẫu thuật, tai biến và biến chứng đã gặp trong quá trình điều trị.
Qua nghiên cứu cho thấy, nhóm tuổi trung niên là thường gặp nhất, tỷ lệ nam giới mắc bệnh gấp 1,3 lần phụ nữ. Hầu hết các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng gợi ý, được tiến hành các xét nghiệm chuyên biệt phát hiện bệnh. Trong đó, triệu chứng chán ăn là phổ biến nhất, bên cạnh các dấu hiệu sốt, lạnh run, thiếu máu, khám lâm sàng bệnh nhân đau bụng, vàng da, ngứa, túi mật to. Đối với hình ảnh học, CT có độ nhạy rất cao và thường là phương tiện đầu tay phát hiện bệnh.
Chuyên gia thông tin, từ nghiên cứu ghi nhận kết quả, phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tỷ lệ thành công là 100%, không có tử vong và không chuyển mổ mở. Tỷ lệ tai biến trong mổ là 12,5%, không có trường hợp nào phải chuyển mổ mở. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, tổn thương thân Henlé và động mạch vị tá là 2 tai biến cần lưu ý. Ngoài ra, tỷ lệ biến chứng chung sau mổ còn cao 35%, đặc biệt là biến chứng rò tụy 15% (5% phải mổ lại do biến chứng trực tiếp của rò tụy).
Từ thực tế này, đại diện của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Bình Dân kiến nghị, cần chẩn đoán sớm u đầu tuỵ và u quanh bóng vater, giúp tăng khả năng phẫu thuật và tăng kết quả điều trị. Và phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy là phương pháp giúp hạn chế xâm lấn, cải thiện tình trạng bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Cần phát hiện sớm nguy cơ tổn thương thần kinh xương ổ dưới khi phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới
Tiếp nối phiên báo cáo với bài “Phẫu thuật cắt thân răng ở răng khôn liên quan đến thần kinh xương ổ dưới”, BS.CK1 Bùi Nguyên Phương Thảo - Quyền điều hành Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện An Bình chia sẻ, một số biến chứng phẫu thuật răng khôn hàm dưới có thể gặp phải trong phẫu thuật bao gồm chảy máu, di dời mảnh răng, gãy xương hàm dưới… và sau phẫu thuật gồm có viêm ổ răng khô, tiêu xương, tổn thương thần kinh lưỡi và tổn thương thần kinh xương ổ dưới.
Trong đó, răng khôn hàm dưới có mối liên quan chặt chẽ thần kinh xương ổ dưới. Khi tổn thương thần kinh xương ổ dưới xảy ra sẽ dẫn đến sự dị cảm kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Nguy cơ trung bình khi ống thần kinh nằm sát chân răng, nguy cơ cao khi chân răng nằm trong ống thần kinh và ống thần kinh ôm sát vòng quanh chân răng.
BS.CK1 Bùi Nguyên Phương Thảo cho biết, đối với những răng khôn liên quan đến thần kinh hàm dưới, ngoài phẫu thuật cắt thân răng còn có 1 số biện pháp khác như nhổ răng chỉnh hình, cắt xương quanh thân răng. Tuy nhiên cắt thân răng là phẫu thuật đã được sử dụng trong thời gian dài, đạt hiệu quả cao với tỉ lệ biến chứng thấp. Khi áp dụng phẫu thuật cắt thân răng đối với những răng khôn liên quan đến thần kinh xương ổ dưới tại Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện An Bình cho thấy đạt hiệu quả cao, tỷ lệ biến chứng thấp. Nếu năm 2020 chỉ có 197 ca thì đến năm 2023 đã thực hiện 625 trường hợp.
Trong bài báo cáo, BS.CK1 Bùi Nguyên Phương Thảo cũng chia sẻ về quy trình phẫu thuật tại Bệnh viện An Bình. Một là xác định sự liên quan giữa chân răng khôn và thần kinh xương ổ dưới trên phim 2D và 3D. Hai là cần đánh giá thêm các yếu tố trước khi thực hiện thủ thuật như tuổi của bệnh nhân, mức độ phát triển của chân răng, bất thường của các cấu trúc xung quanh… Ba là thông báo cho bệnh nhân lợi ích cũng như nguy cơ của thủ thuật như: nhiễm trùng, phẫu thuật lần 2 để lấy chân răng, tỷ lệ thất bại của thủ thuật, dị cảm...
Cuối cùng, chuyên gia khuyến nghị: “Điều quan trọng là phát hiện nguy cơ tổn thương thần kinh xương ổ dưới khi phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới. Để đạt được hiệu quả của thủ thuật đòi hỏi bác sĩ phải tuân theo đúng chỉ định, quy trình và yêu cầu của phẫu thuật”.
Những điểm quan trọng trong điều trị đau thắt lưng đa mô thức
Trong bài báo cáo “Quản lý và điều trị đau thắt lưng mạn tính đa mô thức”, BS Võ Chí Khuyến - Đơn vị Ngoại Thần kinh, Bệnh viện An Bình chia sẻ, đau thắt lưng bao gồm một loạt các loại đau khác nhau như đau cảm thụ, đau rễ thần kinh lan xuống chân, và trong một số trường hợp, đau nociplastic do sự khuếch đại đau trong hệ thần kinh trung ương và thường được xếp vào loại đau lưng thấp không đặc hiệu. Thông thường, các phân loại đau này chồng chéo nhau.
Hầu hết mọi người đều có ít nhất một cơn đau thắt lưng cấp tính trong đời. Tình trạng này hay tự giới hạn, nhưng thường trở thành mãn tính. Hơn 60% những người bị đau lưng thấp cơ học sẽ tiếp tục bị đau hoặc tái phát thường xuyên sau khi khởi phát. Đau lưng thấp mạn tính là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.
Những cơn đau cấp tính được định nghĩa là tình trạng đau diễn ra dưới 4 tuần, đau bán cấp là từ 4 - 12 tuần và mạn tính là những cơn đau trên 12 tuần. Năm 2019, 13 nghiên cứu từ Bắc Mỹ, Bắc Âu và Israel cho thấy tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 1.4% đến 20.0%, và tỷ lệ mắc mới hàng năm dao động từ 0,024% đến 7%, cao nhất ở Hoa Kỳ.
Tỷ lệ đau thắt lưng ở các quốc gia thu nhập thấp, trung bình thấp và trung bình cao ở châu Phi cho thấy tỷ lệ mắc bệnh suốt đời chung là 47%. Tỷ lệ mắc bệnh của đau lưng thấp tăng theo tuổi, với tỷ lệ 1% - 6% ở trẻ em từ 7-10 tuổi, 18% ở thanh thiếu niên, và tỷ lệ mắc bệnh cao nhất từ 28% đến 42% ở những người từ 40 tuổi đến 69 tuổi.
BS Võ Chí Khuyến cho biết: “Đau lưng dưới cấp tính hoặc bán cấp nên bắt đầu bằng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) hoặc thuốc giãn cơ (bằng chứng trung bình). Tramadol hoặc duloxetine như phương pháp điều trị thứ hai và opioid là phương pháp điều trị cuối cùng. Khuyến cáo không nên sử dụng opioid thường xuyên cho đau lưng dưới cấp tính và chống lại việc sử dụng chúng cho đau lưng dưới mãn tính”.
Gabapentinoids được hầu hết các tổ chức khuyến cáo cho việc điều trị đau thần kinh. Thuốc chống trầm cảm ba vòng cũng được sử dụng trong việc quản lý đau thần kinh, và chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine duloxetine được FDA chấp thuận cho đau cơ xương khớp, bao gồm đau lưng dưới.
Chuyên gia cảnh báo, người bệnh đau thắt lưng trải qua phẫu thuật cột sống có thể bị đau lưng dưới tái phát được gọi là hội chứng phẫu thuật cột sống thất bại. Tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 10% đến hơn 40% sau phẫu thuật cắt bỏ phần bản sống, có hoặc không kèm theo làm cứng.
Nguyên nhân có thể bao gồm dính, viêm, mất vững cột sống, biến chứng của phẫu thuật (rễ thần kinh bị tổn thương), lựa chọn bệnh nhân không phù hợp, kỹ thuật thất bại. Phẫu thuật thay đĩa đệm thường được chỉ định ở những bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm có chèn ép thần kinh và không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Chuyên gia đi đến kết luận:“Tỷ lệ đau lưng dưới mãn tính dự kiến sẽ tăng lên cùng với sự già hóa của dân số và khi các tiến bộ công nghệ dẫn đến lối sống ít vận động hơn. Điều trị đau lưng thấp là điều trị đa mô thức, không chỉ đơn thuần là dùng thuốc hay phẫu thuật”.
Chế độ ăn theo khung IDDSI đã được Bộ Y tế thêm vào danh sách điều trị thanh toán bằng bảo hiểm
Mang đến bài báo cáo “Giới thiệu khung IDDSI”, TS Lê Khánh Điền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình cho biết, hiện nay các chuyên gia thấy vấn đề rối loạn nuốt gây ra tình trạng viêm phổi và tử vong rất cao. Quy định về kết cấu thức ăn, các bước trước đây có những quy định riêng.
Uỷ ban sáng kiến chuẩn hóa chế độ ăn rối loạn nuốt quốc tế (IDDSI) được thành lập năm 2013 với mục tiêu phát triển một tiêu chuẩn quốc tế về thuật ngữ và định nghĩa trong các thức ăn, được thay đổi kết cấu, được làm đặc để cho các cá nhân có rối loạn nuốt ở mọi lứa tuổi, mọi quốc gia, mọi nền văn hóa.
Sau 3 năm nổ lực liên tục, Hội đồng chuẩn hóa chế độ ăn rối loạn nuốt quốc tế đã đưa ra những khung IDDSI vào năm 2016 và công bố nghiên cứu trong năm 2017 bao gồm 8 mức độ kết nối. Chế độ ăn theo khung IDDSI đã được Bộ Y tế đưa lên trang web và xếp vào danh sách điều trị thanh toán bằng bảo hiểm. Trên trang quốc tế IDDSI cũng đã có bảng dịch chính thức của Việt Nam về hệ thống chuẩn hóa chế độ ăn rối loạn nuốt.
TS Lê Khánh Điền thông tin, hệ thống chuẩn hóa chế độ ăn rối loạn nuốt quốc tế (IDDSI) an toàn cho việc sử dụng thống nhất và khoa học. Do trước đây thiếu các định nghĩa và khái niệm thống nhất về ăn, uống như thế nào. Có nhầm lẫn, bối rối giữa các nhân viên y tế, kể cả người chăm sóc và gia đình.
Mang lại hiệu quả trong giao tiếp lâm sàng, bao gồm chỉ định và ghi chép hồ sơ. Tránh được trường hợp thông tin không nhất quán, tái lượng giá lặp đi lặp lại do thuật ngữ không thống nhất, tốn kém thời gian làm rõ thông tin.
Chế độ ăn theo khung IDDSI là một chế độ quan trọng trong việc phòng ngừa rối loạn nuốt cho bệnh nhân tránh được những nguy cơ hít sặc vào phổi.
Sulforaphane có khả năng ngăn chặn sự xâm lấn tế bào ung thư dạ dày
Đề cập đến “Đánh giá tác động của sulforaphane lên sự biểu hiện của mmp-9 gây ra bởi nicotine thông qua trục tín hiệu mapk/ap-1, ros/nf-κb trên tế bào ung thư dạ dày”, TS Phạm Ngọc Khôi - Bộ môn Mô Phôi - Di truyền, Khoa Khoa học cơ bản - Y học cơ sở, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM nhận định: “Hiện nay, ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý có tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ tử vong khá cao. Đây chính là một trong những đối tượng được nghiên cứu trong bài báo cáo”.
Nicotine là một hợp chất nitơ dị vật được tìm thấy trong khói thuốc lá. Hiện nay, Nicotine có rất nhiều tác dụng không mong muốn đối với cơ thể, đặc biệt là kích thích cho sự tăng sinh của các tế bào ung thư.
Chia sẻ về mục tiêu nghiên cứu, TS Phạm Ngọc Khôi cho biết: “Mục tiêu nghiên cứu của đề tài này là nghiên cứu trên các dòng tế bào ung thư dạ dày. Chất gây cảm ứng ung thư được chọn là Nicotine, tác động đích chính là nghiên cứu về enzym phá vỡ màn đáy, và hợp chất kháng ung thư chúng tôi chọn trong bài nghiên cứu là Sulforaphane. Thông qua nghiên cứu, chúng tôi mông muốn đáng giá tác động của Sulforaphane trong việc ngăn chặn Nicotine tạo ra sự biểu hiện của MMP-9’ bằng 2 con đường tín hiệu MAPKs (p38 MAPK, Erk1/2)/AP-1 và ROS/NF‐κ.
Chuyên gia thông tin, đối tượng, môi trường nuôi cấy, hóa chất và kháng thể được chọ lựa từ công ty Sigma-Aldrich, Missouri, Hoa Kỳ. Dòng tế bào AGS trong nghiên cứu được chọn từ dòng American Type Culture Collection (ATCC) từ ngân hàng Công thương Hoa Kỳ.
Về các phương pháp nghiên cứu, nhóm đã sử dụng rất nhiều phương pháp. Để nghiên cứu về biểu hiện gen, nhóm đã sử dụng kỹ thuật RT-PCR. Nghiên cứu về định tính sự biểu hiện protein, sử dụng kỹ thuật Western blot. Đánh giá về sự hoạt động của MMPs, sử dụng kỹ thuật gelatin zymography. Để đánh giá về hoạt động chuyển gen, nhóm đã sử dụng kỹ thuật luciferase.
Nghiên cứu về sự oxy hóa tế bào và chống oxy hóa tế bào, nhóm nghiên cứu đã dùng thử nghiệm ROS. Nghiên cứu được sự xâm lấn và chứng minh được vai trò của MMP-9 sử dụng phương pháp Matrigel. Quan trọng hơn hết, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp xử lý và phân tích số liệu thống kê.
Nghiên cứu đã đưa ra được 3 tính thông tin mới và hữu ích. Đầu tiên là tính hướng mới, cung cấp một cái nhìn mới về cơ chế di căn ác tính của tế bào ung thư dạ dày qua sự biểu hiện của MMP-9. Tiếp đến là tính thông tin mới, đánh giá vai trò tiềm năng của sulforaphane ngăn chặn nicotine ảnh hưởng lên tế bào ung thư dạ dày. Cuối cùng là tính độc đáo, xác định được trục tín hiệu tế bào MAPKs (p38 MAPK, Erk1/2)/AP-1, ROS/NF‐κB liên quan đến sự phát triển của ung thư dạ dày.
Qua nghiên cứu, chuyên gia đi đến kết luận: “Sulforaphane đã làm giảm sự biểu hiện của MMP-9 thông qua con đường tín hiệu nội bào MAPKs(p38 MAPK, Erk1/2)/AP‐1 và ROS/NF-κB. Qua nghiên cứu có thể đưa ra kết luận ban đầu, Sulforaphane hoàn toàn có khả năng trở thành ứng cử viên tiềm năng cho khả năng ngăn chặn sự xâm lấn tế bào ung thư dạ dày trong tương lai”.
Đặt stent niệu quản an toàn, hiệu quả khi nhiễm trùng tiểu có bích tắc do sỏi, do hạt
Trong bài báo cáo “Hiệu quả của việc đặt stent niệu quản trong điều trị tắc nghẽn gây nhiễm trùng tiểu” của ThS.BS.CK1 Trần Quốc Phong - Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh, tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên phức tạp là một vấn đề rất phổ biến trong chuyên khoa tiết niệu.
Nếu không được điều trị kịp thời trong những trường hợp có bế tắt sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn huyết, trường hợp xấu nhất có thể gây tử vong cho người bệnh. Trong những trường hợp này, có 2 phương pháp cần phải thực hiện ngay cho bệnh nhân để giải áp trên hệ tiết niệu, là đặt thông GG ngược dòng hoặc mở thận qua da.
Hai phương pháp này đều có tính hiệu quả như nhau, nhưng đối với đặt thông GG sẽ giảm thiểu tối đa sự xâm lấn cho người bệnh. Cho đến hiện nay, không có nhiều số liệu cho thấy phương pháp nội soi niệu quản đặt thông GG gây ra sự tăng mức độ trầm trọng cho bệnh lý.
ThS.BS.CK1 Trần Quốc Phong cho biết: “Đã tiến hành nghiên cứu tại Bệnh viện Bình Dân năm 2016-2017. Bệnh nhân khi đến bệnh viện khám có tình trạng nhiễm trùng, có thể kèm theo nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn đường niệu do sự bí tắc của thận. Tất cả bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng và soi niệu quản đặt thông GG.
Nghiên cứu được tiến hành theo hồi cứu và báo cáo lại ca, tiêu chẩn chuẩn đoán được sử dụng là . Kết quả thu được là có 1.083 trường hợp, trong đó có 1.029 (95%) được chẩn đoán niệu quản nhiễm trùng, 30 ca chẩn đoán kết hợp GG toàn thân, 24 ca (22,2%) có tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Tất cả các trường hợp này đều có tình trạng bí tắc của đường tiết niệu trên, 92% do sỏi và các trường hợp khác là do hẹp của đường niệu.
Qua nghiên cứu, chuyên gia đưa ra kết luận, việc nội soi niệu quản đặt thông Double G có tính an toàn và hiệu quả trong những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu có bí tắc do sỏi, do hạt. Thủ thuật nên được thực hiện sớm nhất có thể khi bệnh nhân có những biểu hiện nhiễm khuẩn đường tiết niệu có bí tắc do sỏi, do hạt để tránh hiện tượng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn huyết suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.
>>> Hội nghị khoa học kỹ thuật 2023 BV An Bình: Nội dung phong phú trải đều trên các chuyên khoa
>>> Biến cố tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường
>>> Những điểm mới trong điều trị đau lưng mạn tính, nghe kém, béo phì và tán sỏi niệu quản
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình