Hotline 24/7
08983-08983

Những điểm mới trong điều trị đau lưng mạn tính, nghe kém, béo phì và tán sỏi niệu quản

Trong phiên 2 của Hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện An Bình năm 2023 bàn luận chủ yếu về các vấn đề xoay quanh những nghiên cứu, cập nhật phương pháp mới trong điều trị ngoại khoa với 11 bài báo cáo. Trong đó đề cập đến xử trí hiện đại trong nghe kém, điều trị đau thắt lưng mạn tính, tiếp cận và điều trị béo phì, nội soi tán sỏi ngược dòng sử dụng laser holmium…

Tổng quan hệ thống & phân tích gộp cung cấp bằng chứng có mức độ chứng cứ cao về hiệu quả của can thiệp y học

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Mở đầu phiên 2 với bài báo cáo về “Tổng quan hệ thống và phân tích gộp: Phương pháp và ứng dụng trên lâm sàng”, TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Điểm sơ qua tổng quan hệ thống và phân tích gộp, đầu tiên về thông tin và chứng cứ y học, trong y khoa có những dạng thông tin sơ cấp và thứ cấp. Thông tin thứ cấp là những thông tin được sử dụng nhiều, từ những guidellnes, sách textbook, đồng thuận, bài giảng và hướng dẫn điều trị lâm sàng. Điểm hạn chế của thông tin thứ cấp chính là độ trễ của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, những thông tin sơ cấp, từ những bài báo cáo được cập nhật mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng. Khi đó sẽ có những phát hiện mới trong lâm sàng”.

Khi những thông tin sơ cấp đã có, để tổng hợp thành thông tin thứ cấp có khi mất đến vài năm. Một trong các thông tin thứ cấp quan trọng đưa đến những guidellnes hướng dẫn những bài giảng y khoa chính là thông tin về tổng quan hệ thống và phân tích gộp.

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh định nghĩa: “Tổng quan hệ thống (SR) là tổng hợp các nghiên cứu được xác định bằng câu hỏi, được định nghĩa rõ ràng (PICÓ và sử dụng phương pháp giải quyết có tính hệ thống để trả lời câu hỏi đó (dựa trên sự khách quan của chứng cứ khoa học ). Phân tích gộp (MA) là một tổng hợp thống kê các kết quả từ 2 hay nhiều hơn các nghiên cứu khoa học có cùng nội dung”.

Mục đích của Tổng quan hệ thống & phân tích gộp (SR-MA) là tổng hợp các kết quả từ các nghiên cứu (RCTs,..) được thiết kế và thực hiện cẩn thận. Cung cấp bằng chứng có mức độ chứng cứ cao về hiệu quả của can thiệp y học.

Theo BS Nguyễn Ngọc Minh, về chứng cứ y khoa, tổng quan hệ thống và phân tích gộp đa phần là tổng quan hệ thống và phân tích gộp của các nghiên cứu can thiệp lâm sàng. Điều này có sức mạnh trong cải thiện mối liên quan nhân quả. Quan trọng nhất của y khoa là chứng minh được mối tương quan của quan hệ nhân quả giữa một phương pháp điều trị với một bệnh, điều này giúp nhanh chóng cải thiện.

Một lưu ý ở bước 10 là tổng quan hệ thống là một việc làm phải cập nhật thường xuyên, cần cập nhật định kỳ mỗi 3-5 năm. Sau 5 năm, nhóm nghiên cứu góc không tiến hành cập nhật, người khác có quyền lấy ý tưởng đó để tiếp tục nghiên cứu.

Tổng quan hệ thống được xem là một nghiên cứu chất lượng cao, sẽ bị ảnh hưởng bởi những thành phần nghiên cứu tệ. Khi đưa vào phân tích, cần phân tích 2 nhóm, một nhóm với tất cả nghiên cứu và một nhóm với những nghiên cứu chất lượng cao.

Máy trợ thính được đưa vào danh sách điều trị Bảo hiểm y tế tại Việt Nam

Đề cập về vấn đề “Cập nhật những giải pháp xử trí hiện đại trong nghe kém 2023”, TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hội thính học Việt Nam & TPHCM, UVBCH Liên Chi hội TMH TPHCM và các tỉnh phía Nam

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh thông tin: “Gần đây Hội thính học Việt Nam đã cộng tác với Bộ Y tế đưa máy trợ thínnh vào danh sách điều trị Bảo hiểm y tế, đây là một điều rất đáng mừng cho những bệnh nhân khiếm tại Việt Nam”.

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hội thính học Việt Nam & TPHCM, UVBCH Liên Chi hội TMH TPHCM và các tỉnh phía Nam

Trên toàn thế giới kể cả Việt Nam, cứ 6 gười sẽ có một người bị suy giảm thính lực. Theo khảo sát tại Mỹ, ở độ tuổi trên 12, cứ 5 người sẽ có 1 người bị mất thính lực, khoảng 2 -3/1.000 trẻ em ở Mỹ sinh ra bị mất thính lực ở 1 hoặc  cả 2 tai. Ước tính có khoảng 50 triệu người ở Hoa Kỳ bị ù tai, 90% trong số đó cũg mất đi thính lực.

Mất thính là là một vấn đề sức khỏe phổ biến thứ 3 ở người lớn tuổi sau các bệnh lý về cơ xương khớp và tim mạch. 1/3 người trên 65 tuổi bị suy giảm thính lực, các vấn đề thính giác bao gồm chứng ù tai và rối loạn xử lý thính giác.

Bao gồm chứng ù tai và rối loạn xử lý thính giác (thường liên quan đến tiếp xúc với những vụ nổ) - là một trong những nguyên nhân của tình trạng khuyến tật ở cựu chiến binh Hoa Kỳ. Mất thính giác là tình trạng khuyết tật số 1 đối với các cựu chiến binh trở về sau chiến tranh. 67 - 85% người khiến thính không đủ khả năng đeo máy trợ thính.

Chuyên gia thông tin: “Một nghiên cứu gần đây về não và thính giác hứa hẹn cho những kết tích cực đã được đưa vào các phương pháp điều trị và sản phẩm mới cho nhiều người hơn bao giờ hết. Máy trợ thính và cấy ghép ốc tai điện tử ngày nay mang lại những tiến bộ mới nhất trong việc truyền âm thanh”.

Các thiết bị trợ thính nhẹ, có độ tin cậy cao và cung cấp nhiều chương trình có thể truy cập đơn giản và dễ làm. Những chương trình này giúp nghe lời nói, tiềng ồn xung quanh và nghe nhạc được thoải mái hơn.

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh cho biết, yếu tố gây độc tai bắt nguồn từ một số loại thuốc, cũng có thể làm hỏng tế bào cảm giác nằm ở tai trong được sử dụng trong thính giác và thăng bằng, dẫn đến mất thính giác, ù tai hoặc rối loạn thăng bằng. Hiện nay có hơn 200 loại thuốc gây độc tai (theo toa và không kê đơn) được biết đến trên thị trường.

Chúng bao gồm các loại thuốc dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, ung thư và bệnh tim cũng như các cơn đau và khó chịu đơn giản. Các vấn đề về thính giác và thăng bằng do những loại thuốc này gây ra đôi khi có thể được khắc phục khi ngừng điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, đôi khi thiệt hại là vĩnh viễn.

Hiện nay, máy trợ thính không cần kê đơn và các sản phẩm khuếch đại âm thanh cá nhân (PSAPS) đã có sẵn và được bán ở nhiều nơi (trực tuyến, tại các hiệu thuốc...). Theo luật chúng có thể không được gọi là máy trợ thính vì lý do chính đáng theo quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

Một số thiết bị khuếch đại đơn giản được chế tạo trông giống như máy trợ thính và một số khác có các tính năng tương tự như máy trợ thính và tai nghe nhét tai Bluetooth. Bất kể tính năng của chúng là gì, chúng không được phép tiếp thị hoặc bán dưới dưới dạng sản phẩm giúp giảm thính lực.

Y học tái tạo (PRP, MSC) bước đầu mang lại hiệu quả điều trị cao về cả giảm triệu chứng và tái tạo cấu trúc của cột sống trong điều trị đau thắt lưng mạn tính

ThS.BS.CK2 Nguyễn Duy Phương - Phụ trách đơn vị Ngoại thần kinh, bệnh viện An Bình

Tiếp nối phiên 2 với bài báo cáo “Vai trò của Y học tái tạo trong điều trị đau thắt lưng mạn tính có nguồn gốc đĩa đệm”, ThS.BS.CK2 Nguyễn Duy Phương - Phụ trách đơn vị Ngoại thần kinh, bệnh viện An Bình

ThS.BS.CK2 Nguyễn Duy Phương chia sẻ: “Đau thắt lưng là một triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Theo một thống kê ở Mỹ, 80% người trưởng thành đến khám bệnh và có than phiền về tình trạng đau thắt lưng. Đây cũng là lý do đứng thứ 5 khiến cho người bệnh phải đến gặp các chuyên gia. Tình trạng đau thắt lưng dẫn đến giới hạn trong công việc, sinh hoạt, gây rối loạn lo âu, mất ngủ khiến cho người bệnh giảm chất lượng về cuộc sống”.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau thắt lưng, tuy nhiên khi một bệnh nhân đến gặp bác sĩ lâm sàng thăm khám về vấn đề đau thắt lưng, có những nhóm nguyên nhân nguy hiểm cần phải bài trừ là những khối tân sinh, khối u (đau day dẳn từ ngày này sang ngày khác, cơn đau tăng dần); nhiễm trùng (sự lưu hành của bệnh lao); bệnh nhân có tiền căng về chấn thương và té ngã tác động lên vùng cột sống. Đây là những dấu hiệu cờ đỏ cần được loại trừ.

Gần đây, những hiệp hội đau trên thế giới còn chú tâm đến một nhóm triệu chứng gọi là nhóm triệu chứng cờ vàng. Ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhóm triệu chứng cờ vàng sẽ được gặp rất nhiều.

Nhóm triệu chứng cờ vàng chủ yếu liên quan đến tâm lý xã hội, những người cảm thấy đau rất khủng khiếp và dữ dội, muốn được nghỉ ngơi. Đặc biệt ở những người phải làm việc quá nhiều, mong muốn có một chế độ ngơi và không muốn tiếp tục đi làm. Hoặc ở những người có vấn đề về tâm lý, tâm lý tiêu cực và ít muốn tiếp xúc với xã hội.

Theo BS Nguyễn Duy Phương, đau thắt lưng mạn tính là một tình trạng khó xác định nguyên nhân chính xác. Điều trị phức tạp, phối hợp nhiều phương pháp như điều trị bảo tồn không dùng thuốc; điều trị bảo tồn dùng thuốc: tiêm giảm đau (tiêm ngoài màng cứng, tiêm khối khớp, tiêm qua lỗ xương cùng…), đốt lạnh thần kinh bằng sóng cao tần; phẫu thuật.

“Tiêm phong bế thần kinh để điều trị đau thắt lưng mạn tính do nguyên nhân đĩa đệm (thoái hoá, lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm) có hoặc không kèm theo đau rễ thần kinh. Là lựa chọn điều trị đau thắt lưng mạn tính khi thất bại với điều trị bảo tồn và trước khi cân nhắc phẫu thuật. Tiêm phong bế với steroid (triamcinolon) hiện đang phổ biến tại Việt Nam và thế giới: giảm đau tốt, thời gian hiệu quả 3-6 tháng”, BS Nguyễn Duy Phương cho biết thêm.

Tác dụng không mong muốn của tiêm phong bế bằng steroid là nhiễm trùng, phản ứng phản vệ, ức chế các chức năng nội tiết. Hiệu quả rõ ràng trong 3 tháng đầu tiên sau khi tiến hành thủ thuật. Tỷ lệ cần chuyển sang phẫu thuật tăng đáng kể sau 12 tháng.

Đi đến kết luận và đưa ra kiến nghị, chuyên gia cho biết đau thắt lưng mạn tính do đĩa đệm là bệnh thường gặp, cần có chiến lược điều trị phù hợp, đúng thời điểm. Tiêm phong bế thần kinh là một lựa chọn điều trị, trước khi cân nhắc phẫu thuật.

Y học tái tạo (PRP, MSC) bước đầu mang lại hiệu quả điều trị cao về cả giảm triệu chứng và tái tạo cấu trúc của cột sống trong điều trị đau thắt lưng mạn tính. Ít tác dụng ngoại ý. Cần thêm các dữ liệu lâm sàng bằng RCT, đa trung tâm. Xem xét khả năng ứng dụng MSC vào điều trị. Mở rộng tiêm giảm đau bằng PRP tại các vị trí khớp khác, tiêm gân...

Trong tiếp cận và điều trị béo phì, biện pháp thay đổi lối sống là nền tảng

Với bài báo cáo “Tiếp cận và điều trị béo phì”, ThS.BS Nguyễn Phương Anh -  Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện An Bình nhấn mạnh, béo phì là nguồn cơn của nhiều bệnh tật, từ đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn, ung thư, bệnh khớp, rối loạn lipid máu đến gánh nặng tim mạch (tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, đột quỵ, thuyên tắc phổi…).

ThS.BS Nguyễn Phương Anh - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện An Bình.

Theo đó, béo phì trên lâm sàng biểu hiện sự tăng cân được xác định bằng phương pháp đo nhân trắc (anthropometry) qua BMI, vòng eo, đo thành phần cơ thể. Trong đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phân loại thừa cân khi BMI 25 - 30 (kg/m2), béo phì ≥ 30 (kg/m2). Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO), phân loại thừa cân khi BMI 23 - 25 (kg/m2), béo phì ≥ 25(kg/m2). Tuy nhiên, theo chuyên gia, nhược điểm của BMI là không phân biệt khối cơ và khối mỡ.

Ngoài ra, đo vòng bụng (vòng eo) cũng là một trong những cách chẩn đoán bệnh béo phì khi ≥ 90 cm ở nam và ≥ 80 cm ở nữ. Bên cạnh nhân trắc, khám lâm sàng, cần đánh giá khẩu phần (24h recall - khảo sát khẩu phần 24 giờ, tần suất tiêu thụ thực phẩm), đánh giá vận động, xét nghiệm cận lâm sàng.

Đề cập về điều trị béo phì, ThS.BS Nguyễn Phương Anh cho biết bao gồm thay đổi lối sống (chế độ ăn + vận động), thuốc giảm cân và phẫu thuật. Trong đó, biện pháp thay đổi lối sống là nền tảng. Một thông tin đáng chú ý cho thấy, hơn 50% bệnh nhân béo phì lấy lại toàn bộ số cân đã giảm trong vòng 1 năm, do đó cần đặt mục tiêu chống tăng cân trở lại.

Theo BS Phương Anh, một chế độ ăn kiêng lý tưởng cho người bệnh béo phì đó là cần đảm đảm bảo các tiêu chí sau: an toàn, hiệu quả, chấp nhận được về mặt văn hóa, chi phí hợp lý, có thể tuân thủ lâu dài để duy trì hiệu quả giảm cân. Cho đến nay các chế độ ăn tối ưu cho việc giảm cân vẫn còn được tranh luận, chỉ có thể cung cấp các nguyên tắc và khuyến nghị chung, không có chế độ ăn kiêng duy nhất nào có thể được chỉ định cho tất cả mọi người, đó là lý dó cần cá thể hóa nghiêm ngặt.

Chuyên gia cho biết: “Hiệu quả nhất là chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp sở thích. Song cần lưu ý, hạn chế đường bổ sung, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm chế biến, thay vào đó bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo mà không nhất thiết phải tính calo hàng ngày”.

Ăn uống cần kết hợp với vận động thể lực. Theo đó, có thể phối hợp các hình thức tập luyện như tăng cường vận động trong cuộc sống hàng ngày, hoạt động sức bền (cardio), hoạt động sức mạnh, hoạt động dẻo dai ở người lớn. Lưu ý, vận động ít nhất 30 phút đối với người lớn. Chuyên gia khuyến cáo, nên tập luyện ở mức độ trung bình (nói chuyện được nhưng không hát được), lưu ý không được luyện tập ở mức độ nặng (nói chuyện ngắt quãng).

Về thuốc điều trị giảm cân, BS Phương Anh đề cập đến Orlistat và Liraglutide 3.0 mg. Trong đó, Orlistat chỉ áp dụng cho trẻ > 12 tuổi, thường sử dụng trong trường hợp béo phì nặng kèm biến chứng và thất bại với biện pháp can thiệp lối sống. Với Liraglutide 3.0 mg, đây là một dẫn xuất GLP-1 có tác dụng ức chế khu biếng ăn ở vùng hạ đồi, làm chậm rỗng dạ dày, thường chỉ định khi BMI ở mức béo phì (> 30) hay BMI thừa cân (>27) nhưng có bệnh đi kèm.

Bên cạnh thuốc, người bệnh có thể cần phẫu thuật giảm cân khi có chỉ định từ bác sĩ. Đây là phương pháp thu hẹp dạ dày với mục tiêu giảm năng lượng ăn vào. Việc nối tắt ruột có tác dụng tăng cường tốc độ vận chuyển thức ăn qua ruột, dẫn đến giảm hấp thu thức ăn.

Phương pháp tán sỏi niệu quản bằng nội soi Laser Holmium: YAG có tỷ lệ thành công cao, biến chứng thấp trong điều trị

BS.CK2 Phạm Ngọc Tảo - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện An Bình

Với chủ đề “Khảo sát kết quả điều trị bệnh nhân sỏi niệu quản bằng phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng sử dụng laser holmium: YAG tại Bệnh viện An Bình năm 2022 - 2023”, BS.CK2 Phạm Ngọc Tảo - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện An Bình chia sẻ về đề tài này, chuyên gia cho biết, sỏi niệu quản là bệnh lý tiết niệu rất thường gặp, thường được chỉ định tán sỏi nội soi ngược dòng với tỷ lệ thành công cao, và dễ tiếp cận với đa số các cơ sở y tế. Trong khi đó, tán sỏi nội soi sử dụng laser Holmium: YAG là phương pháp tiên tiến, ít xâm lấn và tỷ lệ thành công cao.

Trong nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện An Bình từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2023, với 134 bệnh nhân được đưa vào khảo sát, ghi nhận tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, độ tuổi trung bình tương đồng với các nghiên cứu khác và y văn thế giới (gặp nhiều ở lưới tuổi 40-60). Đặc điểm sỏi niệu quản cũng tương đồng với y văn thế giới, kích thước sỏi trung bình là 9,6 mm (<10), và hầu hết ở vị trí 1/3 dưới của niệu quản. Ngoài ra đa phần sỏi niệu quản gây ứ nước thận độ I (66,4%), thời gian tán sỏi trung bình của chúng tôi là 34,2 phút và thời gian hậu phẫu trung bình là 2 ngày (40,3%).

Qua nghiên cứu, tác giả kết luận, phương pháp tán sỏi niệu quản bằng nội soi Laser Holmium:YAG có tỷ lệ thành công cao (94,%), thời gian mổ ngắn và số ngày hậu phẫu thấp cho thấy ưu điểm nổi trội so với các phương pháp khác; tỷ lệ biến chứng thấp, chủ yếu là đau hông lưng sau tán sỏi và hoàn toàn có thể điều trị nội khoa. Tuy nhiên, cần lưu ý, tỷ lệ thành công cũng cũng tùy thuộc vào vị trí và kích thước viên sỏi. Từ đó, chuyên gia khuyến nghị, nên áp dụng phương pháp này rộng rãi để điều trị bệnh sỏi niệu quản tại các cơ sở y tế đủ điều kiện.

>>> Hội nghị khoa học kỹ thuật 2023 BV An Bình: Nội dung phong phú trải đều trên các chuyên khoa

>>> Biến cố tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X