Ung thư không còn là án tử nếu phát hiện sớm
Sự có mặt của GS. Nguyễn Chấn Hùng tại Hội nghị Phòng chống ung thư hàng năm luôn được đón nhận đặc biệt. Có những điều cơ bản và giản dị trong điều trị, trong đối thoại với bệnh nhân năm nào Thầy cũng nhắc lại, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị.
Loài người nặng gánh ung thư
Tại Hội thảo Hàng năm Phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 27 - năm 2024 do BV Ung bướu TPHCM tổ chức ngày 5-6/12, GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam thông tin, theo Globocan 2022, tổng số ca mắc ung thư mới trên toàn cầu là 19,976 triệu người, tổng số ca tử vong là 9,743 triệu người. Số người bệnh sống còn 5 năm (sau chẩn đoán) là 53,504 triệu người.
Các loại ung thư thường gặp ở nam giới là ung thư phổi (15,2%), tuyến tiền liệt (14,2%), đại trực tràng (10,4%), dạ dày (6,1%) và gan (5,8%).
Ở nữ giới các loại ung thư thường gặp là ung thư vú (23,8%), phổi (9,4%), đại trực tràng (8,9%), cổ tử cung (6,9%) và tuyến giáp (6,4%).
Tại Việt Nam, tổng số ca mới mắc là 180.480 người, tổng số tử vong là 120.184 người. Tổng số người bệnh sống còn 5 năm (sau chẩn đoán) là 409,1 nghìn người.
Ở nam giới các loại ung thư thường gặp là ung thư gan (19,9%), phổi (17,8%), dạ dày (10,6%), đại trực tràng (9,9%) và tuyến tiền liệt (6,2%).
Đối với nữ giới, tỷ lệ các ung thư thường gặp là ung thư vú (28,9%), phổi (8,7%), đại trực tràng (8,7%), dạ dày (7,3%) và tuyến giáp (6,5%).
“Ung thư biết sớm trị lành
Nếu mà để trễ dễ thành nan y”
Theo GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, tỷ lệ sống còn sau 5 năm của thế giới và Việt Nam cho thấy nhiều người được điều trị tốt và sống lâu hơn.
Theo UICC (The Union for International Cancer Control), gánh nặng ung thư toàn cầu sẽ gia tăng. Tại Hòa Kỳ sẽ gia tăng 77% từ 20 triệu ca năm 2022 đến 35 triệu ca mới năm 2050.
"Sự gia tăng mau lẹ phản ánh dân số lão hóa và lớn lên, những thay đổi gây ra do phơi trải với các yếu tố nguy cơ, vài thứ liên hệ với sự phát triển kinh tế xã hội. Thuốc lá và béo phì là các yếu tố chính làm gia tăng xuất độ ung thư. Cùng với ô nhiễm không khí thúc đẩy các yếu tố nguy cơ môi trường" chuyên gia nhận định.
Ung thư là gì?
Giáo sư Pierre Denoix (1912 - 1990) - Chủ tịch UICC đầu tiên, Giám đốc Viện Gustave-Roussy xác định, một trung tâm chống ung thư phải có 3 phương tiện chính: phẫu trị - xạ trị - hóa trị.
GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết: "Chúng ta ngày càng biết rõ bệnh ung thư nhưng không thể trị hết vì có cả hàng trăm loại và rất phức tạp
Mọc ra từ đột biến gen
Lan tràn khắp chốn, hoành hành khắp nơi”
Theo chuyên gia, các tế bào ung thư phát sinh từ các đột biến gen (hư hại của phân tử ADN) do phơi trải trong môi trường sống như: khói thuốc lá, các virus, các bức xạ... Các tế bào ung thư tiếp tục sinh sôi tăng trưởng, trở nên bất tử.
Bướu gốc hay bướu nguyên phát: Hàng tỷ các tế bào ung thư tích tụ lại thành bướu (u) hay khối bướu (khối u).
Sự xâm lấn: Từ vị trí gốc, các tế bào ung thư, đến đè ép và phá hủy các mô lân cận.
Sự di căn: Các tế bào ung thư tách khỏi bướu gốc, trôi nổi theo dòng lymphô hoặc theo dòng máu lan tràn khắp cơ thể. Vài tế bào sinh sôi tạo ra các ổ mới trong cơ thể, đó là các ổ di căn.
Các đặc trưng của ung thư
- Có các tín hiệu tăng trưởng bất thường
- Trơ lỳ với các tín hiệu ức chế tăng trưởng
- Thoát khỏi cái chết an bài
- Tiềm năng phân bào vô hạn
- Sự sinh mạch mạnh mẽ
- Khả năng xâm lấn và di căn
Năm 2011 và 2022, có thêm các đặc tính khác, mở đầu cho các hướng nghiên cứu về ung thư hiện đại.
"Trước đây, khi mổ ung thư không công nhận sự di căn mà mổ rất rộng. Đến hàng trăm năm sau, đã giải thích được đặc trưng của ung thư càng lúc càng đi xa" - GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ thêm.
Phòng ngừa ung thư
“Ung thư ngừa được bạn ơi
Ơ hờ bệnh nhập nghĩ là trời kêu”
Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế (UICC) có thông điệp năm 2010: có thể phòng ngừa 40% ung thư trên toàn cầu, chủ yếu là tránh xa khói thuốc, giữ nếp sống tốt và phòng tránh các bệnh nhiễm.
“Viêm gan virus B, C
Ngăn ngừa đại dịch chặn đường ung thư”
Bệnh nhiễm là sát thủ vô hình gây 1/5 gánh nặng ung thư: virus HBV, HCV gây ung thư gan, virus HPV gây ung thư cổ tử cung, vi khuẩn H.pylori gây ung thư dạ dày.
Hoàng đế Nội kinh tố vấn, dưỡng sinh là nuôi dưỡng cái sống.
“Tránh hư là tặc phong
Điềm đạm trống không
Chân khí lưu thông
Thần vững bên trong
Bệnh không vào được…”
Qua thăm khám sức khỏe định kỳ có thể rà tìm biết sớm các ung thư vú, cổ tử cung, ruột già (đại - trực tràng), tuyến tiền liệt, miệng, da và tuyến giáp. Phải lưu ý một số triệu chứng báo động khi bệnh mới chớm.
Các xét nghiệm tầm soát ngày càng tiến bộ và đáp ứng nhu cầu của con người. Trước đây chưa có nhũ ảnh, sau này đã có thể áp dụng, tuy nhiên ít dùng cho người trẻ và hiện nay đã có MRI vú; chụp CT để phát hiện ung thư phổi khá khó khăn và hiện nay đã có CT liều thấp,…
Các triệu chứng báo động ung thư:
- Chỗ dày (cục u) ở vú hoặc nơi nào đó
- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường
- Thay đổi thói quen của ruột và bọng đái
- Ăn không tiêu hoặc nuốt khó
- Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng
- Một chỗ lở loét không chịu lành
- Thay đổi tính chất của mụn ruồi
- Rối loạn chung chung như suy nhược, sụt cân, không thèm ăn,…
GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết, để giảm nguy cơ ung thư ruột già, từ 45 tuổi trở lên nên tầm soát. Nếu gặp các triệu chứng như chảy máu, thay đổi thói quen của ruột, đau bụng, sụt cân vô cớ hoặc có bệnh sử gia đình nên tầm soát sớm hơn.
Ăn lành bằng cách đọc nhãn hiệu. Tránh thịt cá xông khói, các thức ăn nhiều chất béo no và các thức ăn siêu chế biến. Bên cạnh đó, nên áp dụng chế độ ăn cầu vồng, dùng các thức ăn nhiều màu sắc như thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt, rau quả, hạn chế thịt đỏ.
Tập đều: Tổ chức CDC khuyến cáo nên tập thể dục vừa phải 150 phút và 2 ngày tập mạnh cơ bắp mỗi tuần. Hạn chế rượu bia, tránh xa khói thuốc.
Song song đó, từ 50 tuổi nam lẫn nữ nếu có điều kiện đều nên làm một trong các khám nghiệm sau để tầm soát ung thư đại-trực tràng: Thử tìm máu trong phân hằng năm và nội soi đại tràng sigma (ống soi mềm) mỗi 3 năm. Nội soi ruột già mỗi 10 năm. Bác sĩ thăm khám trực tràng bằng ngón tay khi thấy có triệu chứng như trĩ hoặc khám cùng lúc với nội soi đại tràng sigma. Nếu người nhà, anh hoặc chị bị ung thư ruột già nên thảo luận với bác sĩ để tầm soát sớm hơn.
Ngày càng có thêm nhiều cách định rõ bệnh
“Y học ngày nay có mắt thần
Nhìn sâu nhìn suốt thấy ung thư”
Nội soi: Họng, thanh quản, cuống phổi, dạ dày, ruột già, bọng đái... đều có thể được khám với dụng cụ nội soi.
Chẩn đoán hình ảnh: Hết sức có giá trị trong việc phát hiện ung thư.
Cắt lớp điện toán (chụp CT), cộng hưởng từ (chụp MRI), kết hợp PET/CT. Máy nhũ ảnh, máy siêu âm.
Xét nghiệm các đột biến gen: Các xét nghiệm biết được các đột biến gen của nhiều loại tế bào ung thư (phổi, vú, ruột già...) giúp thầy thuốc chọn các thuốc sinh học phù hợp.
Xét nghiệm các chốt kiểm miễn dịch (CTLA4, PD1 và PD-L1, PD-L2)
Chẩn đoán bệnh học (giải phẫu bệnh): Sinh thiết giúp chẩn đoán căn bệnh chính xác nhất. Sinh thiết cho kết quả giải phẫu bệnh (dạng vi thể hay dạng mô học) định được rõ ràng loại ung thư. Việc điều trị chủ yếu tùy thuộc vào kết quả này.
Điều trị cho những người bệnh ung thư đã có bước tiến dài trong 50 năm qua
Bùng nổ các phương pháp điều trị: Phẫu trị, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nội tiết, ghép tủy xương, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp đa mô thức
“Lưỡi dao Tia xạ Thuốc men
Có thêm Sinh trị hài hòa tối ưu”
Theo chuyên gia, nhiều người được điều trị tốt, sống còn 5 năm sau khi định bệnh, nhiều người tiếp tục sống lâu hơn và khỏi bệnh.
Theo Globocan năm 2022, ước tính trên thế giới có khoảng 53,504 triệu người sống còn sau 5 năm. Tại Việt Nam là khoảng 409,1 nghìn người sống còn sau 5 năm.
“Sao cho nhẹ gánh ung thư
Người người chung sức chung lòng mới xong”
Vào năm 2020, 194 nước quyết tâm loại bỏ lần đầu tiên một ung thư và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tung ra Chiến lược toàn diện loại trừ ung thư cổ tử cung như là một vấn đề sức khỏe cộng đồng với một Ngày hành động toàn diện Loại trừ Ung thư cổ tử cung.
GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng đặc biệt nhấn mạnh: "Ung thư không còn là một án tử nếu phát hiện được sớm, nhiều ung thư trị được (lành) và sống còn 5 năm có thể vượt hơn 90%".
>>> Ung thư đầu và cổ do HPV chưa có phương tiện tầm soát hiệu quả
>>> Triển khai xạ trị định vị thân tại Việt Nam vô cùng cần thiết
>>> Tràn dịch dưỡng trấp do tổn thương ống ngực sau cắt thực quản, hiếm gặp nhưng dễ tử vong
>>> Điều trị huyết khối trên bệnh nhân ung thư còn rất nhiều thách thức
>>> Khoảng 50% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ
Hội nghị Hàng năm Phòng chống Ung thư TPHCM - năm 2024 do Bệnh viện Ung Bướu TPHCM phối hợp cùng Hội Ung thư Việt Nam, Liên Chi hội Ung thư TPHCM và Bệnh viện K Trung ương tổ chức. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 4/12-6/12/2024, đón nhận hơn 2000 đại biểu trong nước và quốc tế về tham dự. Nội dung hội nghị có 122 bài báo cáo, chia thành 24 phiên tại 9 hội trường, diễn ra trong 3 ngày, đề cập đến nhiều lĩnh vực: Gan - Mật, tiêu hóa, huyết học, xạ trị - kỹ thuật phóng xạ, phổi - lồng ngực, đầu cổ, điều dưỡng - chăm sóc giảm nhẹ, tuyến vú, phụ khoa - niệu, giải phẫu bệnh, dược lâm sàng, nội khoa nội tổng quát. Trong đó chương trình tiền hội nghị tổ chức tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM vào ngày 4/12. Hội nghị chính được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Pavillon, diễn ra từ 5/12-6/12. Đặc biệt, hội thảo dành riêng ra 2 phiên cho lĩnh vực Điều dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên tổ chức Bàn tròn Dược Lâm sàng cùng nhóm chuyên gia nước ngoài. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình