Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư đầu và cổ do HPV chưa có phương tiện tầm soát hiệu quả

Theo TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, ung thư đầu và cổ có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khác với thư cổ tử cung, ung thư đầu cổ chưa có phương tiện tầm soát hiệu quả.

Tại Hội thảo Hàng năm Phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 27 - năm 2024, TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết: “Ước tính HPV liên quan đến khoảng 5% các ung thư trên toàn cầu. HPV được xem là virus lây truyền qua đường tình dục, là nguyên nhân chính gây các ung thư đường sinh dục. Tuy nhiên, HPV cũng có thể lây nhiễm lên vùng đầu cổ”.

Nghiên cứu BROADEN, quan sát ung thư khẩu hầu , thanh quản, vòm hầu, hốc miệng do HPV qua 2 giai đoạn 2008 - 2009 và 2018 - 2019. Các mẫu này được gửi về trung tâm xét nghiệm p16INK4a IHC, HPV-DNA PCR, và HPV E6*1 mRNA. Tổng cộng có 4492 bệnh nhân/4023 mẫu bệnh phẩm ở Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật.

Kết quả cho thấy, ung thư đầu cổ liên quan đến HPV chủ yếu là ung thư khẩu hầu và giai đoạn 2018 - 2019 tăng cao hơn giai đoạn 2008 - 2009.

Một nghiên cứu khác, trên 148 nghiên cứu/12.163 ca carcinôm tế bào gai đầi cổ/44 quốc gia. Đánh giá bằng xét nghiệm E6/E7 mRNA và p16(INK4a), HPV DNA cho thấy, vị trí thường gặp nhất là amidan, đáy lưỡi, khẩu cái không đặc hiệu.

Độ lưu hành HPV cao nhất là amidan và đáy lưỡi. Độ lưu hành HPV thấp nhất là khẩu cái cứng và lưỡi di động. Trong đó, HPV-16 chiếm tỷ lệ cao nhất trong ung thư đầu cổ có nhiễm HPV và xuất hiện ở > 50% ở tất cả các vị trí: amidan 93,8%, đáy lưới 97,9%, khẩu cái mềm 95,7%. Nhìn chung, HPV-16.

Ghi nhận trên toàn cầu, 90% các trường hợp ung thư đầu và cổ do HPV là do các type HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 với HPV type 16 và 18 chiếm 85%.

Bên cạnh đó, về độ lưu hành, HPV DNA trong ung thư tế bào gai khẩu hầu ở Bắc Mỹ (60%) cao hơn đáng kể so với châu Á (51%), châu Đại Dương (48%) và châu Âu (41%); thấp nhất là ở Trung và Nam Mỹ (15%). Tỷ lệ nhiễm HPV trong ung thư khẩu hầu khoảng 50%.

 TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trình bày những nội dung liên quan đến "Gánh nặng bệnh tật của ung thư đầu cổ do HPV"

TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh thông tin, đối với nghiên cứu PROGRESS, độ lưu hành của tất cả các type HPV hốc miệng tổng cộng là 6,6%. Độ lưu hành cao nhất là 16,8% và 8,1% được quan sát thấy đối với tất cả các type HPV ở nhóm tuổi 51 - 60 tuổi ở cả nam và nữ.

Mật độ lưu hành của các type HPV nguy cơ cao (HR-HPV) chỉ khoảng 2%. Độ lưu hành cao nhất là 6,8% và 1,4% được quan sát thấy đối với HR-HPV ở nhóm tuổi 51 - 60 tuổi ở cả nam và nữ. Trong đó tất cả các loại tuổi và type, độ lưu hành HPV ở nam giới cao hơn so với phụ nữ.

Gánh nặng các ung thư đầu cổ liên quan HPV trên toàn cầu: ung thư khẩu hầu có tỷ lệ khoảng 45 - 70%, ung thư thanh quản là 22 - 28% và ung thư hốc miệng là khoảng 24%.

Về số ca mắc trên toàn cầu: ung thư khẩu hầu chiếm 106.400 ca (nam 86.339 ca và nữ 20.061 ca), ung thư thanh quản có 189.191 ca (nam là 165.794 ca và nữ là 23.397 ca) và ung thư hốc miệng là 389.846 ca (nam là 269.000 ca và nữ là 120.847 ca).

Ngoài ra, TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh cho biết: “Tần suất ung thư khẩu hầu có sự gia tăng theo thời gian và gia tăng ở các trường hợp HPV dương tính. Ngược lại, những trường hợp HPV âm tính hoặc ung thư khẩu hầu liên quan đến hút thuốc lá, uống rượu (nguy cơ truyền thống) có xu hướng giảm”.

Tại Hoa Kỳ (2001 - 2017), xu hướng ung thư do HPV ở nam tăng khoảng 2%/năm và nữ ổn định. Ở nữ, ung thư hậu môn do HPV tăng cao; đặc biệt ung thư cổ tử cung và ung thư âm đạo do HPV tầng suất giảm 1%/năm. Tuy nhiên, ở nam ung thư hầu họng tăng lên khoảng 3%/năm và ung thư khẩu hầu ở nữ tăng 0,5%/năm.

Nhìn chung, những ung thư vùng đầu cổ, đặc biệt là ung thư khẩu hầu liên quan đến HPV có xu hướng gia tăng, ở nam chiếm khoảng 80% - tỷ lệ mắc cao hơn gấp 5 lần so với nữ. Nghiên cứu cho thấy, ung thư biểu mô tế bào gai khẩu hầu do HPV ở nam giới nhiều hơn ung thư cổ tử cung ở nữ giới.

Gánh nặng của ung thư đầu cổ do HPV

Theo TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh, ung thư khẩu hầu hoặc ung thư đầu cổ do HPV là những ung thư mà điều trị tương đối khó khăn và có những ảnh hưởng đến bệnh nhân như:

- Ảnh hưởng chức năng: Ảnh hưởng chức năng nói, nuốt, thở, cử động cổ, vai, cánh tay. Khô miệng, giảm vị giác, không kiểm soát được nước bọt.

- Ảnh hưởng hiện mạo hình thể: Thay đổi diện mạo do phẫu thuật là lo lắng nhiều nhất cho bệnh nhân. Diện mạo cơ thể thay đổi đáng kể so với 6 - 12 tuần sau điều trị.

- Ảnh hưởng tâm lý: Gây ra lo lắng, trầm cảm cho bệnh nhân. Tỷ lệ tự sát cao > 60% so với bệnh nhân ung thư khác và cao > 4 lần so với dân số chung.

- Ảnh hưởng quan hệ: Tác động tiêu cực đến quan hệ thân mật và tình dục. Ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ xã hội. Kỳ thị liên quan đến nhiễm trùng lây qua đường tình dục.

Do đó, ung thư đầu và cổ có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khác với thư cổ tử cung, ung thư đầu cổ chưa có phương tiện tầm soát hiệu quả. Đáng chú ý, vắc xin HPV có thể là phương tiện phòng ngừa ung thư vùng đầu cổ do HPV.

TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh chia sẻ: “Khẩu hầu là vị trí eo thắt ở đầu cổ. Ở khẩu hầu, không giống vùng hậu môn sinh dục, nhiễm HPV có thể xảy ra mà không cần vết xước thượng mô. Thượng mô vùng khẩu hầu có sẵn những chỗ không liên tục, vùng này giải thích cho tỷ lệ HPV liên quan ung thư amidan và khẩu cái rất khác nhau”.

Mô hình diễn tiến thành ung thư của ung thư liên quan HPV

Mỗi năm trên toàn cầu ghi nhận đến 106.000 ca ung thư khẩu hầu mới. Tại Việt Nam, các nghiên cứu trên số lượng mẫu không nhiều cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV trong ung thư khẩu hầu khoảng 50%, mỗi năm ghi nhận có khoảng 700 ca mới mắc và 372 ca tử vong. Chưa có nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm HPV trong ung thư thanh quản và ung thư hốc miệng.

Theo Globocan 2022, gánh nặng ung thư liên quan HPV tại Việt Nam như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư dương vật có số ca mắc mới là 4.612 ca và 2.571 trường hợp tử vong. Trong đó, tỷ lệ do HPV lên đến trên 80%.

Về ung thư khẩu hầu, ung thư hốc miệng, ung thư thanh quản có số ca mắc mới là 5.317 ca và số ca tử vong là 2.884 ca, với tỷ lệ liên quan đến HPV trên 22%. Nhìn chung, số ca mắc và tử vong do các ung thư liên quan đến HPV còn cao.

>>> Tỷ lệ tử vong do ung thư đường mật có xu hướng gia tăng

>>> Triển khai xạ trị định vị thân tại Việt Nam vô cùng cần thiết

>>> 80% tỷ lệ tử vong nếu gặp biến chứng tổn thương ống ngực sau cắt thực quản

Hội nghị Hàng năm Phòng chống Ung thư TPHCM - năm 2024 do Bệnh viện Ung Bướu TPHCM phối hợp cùng Hội Ung thư Việt Nam, Liên Chi hội Ung thư TPHCM và Bệnh viện K Trung ương tổ chức. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 4/12-6/12/2024, đón nhận hơn 2000 đại biểu trong nước và quốc tế về tham dự.

Nội dung hội nghị có 122 bài báo cáo, chia thành 24 phiên tại 9 hội trường, diễn ra trong 3 ngày, đề cập đến nhiều lĩnh vực: Gan - Mật, tiêu hóa, huyết học, xạ trị - kỹ thuật phóng xạ, phổi - lồng ngực, đầu cổ, điều dưỡng - chăm sóc giảm nhẹ, tuyến vú, phụ khoa - niệu, giải phẫu bệnh, dược lâm sàng, nội khoa nội tổng quát.

Trong đó chương trình tiền hội nghị tổ chức tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM vào ngày 4/12. Hội nghị chính được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Pavillon, diễn ra từ 5/12-6/12. Đặc biệt, hội thảo dành riêng ra 2 phiên cho lĩnh vực Điều dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên tổ chức Bàn tròn Dược Lâm sàng cùng nhóm chuyên gia nước ngoài.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X