Hotline 24/7
08983-08983

Tràn dịch dưỡng trấp do tổn thương ống ngực sau cắt thực quản, hiếm gặp nhưng dễ tử vong

GS.TS Lê Quang Nghĩa - Bệnh viện Bình Dân cho biết, tổn thương ống ngực là một biến chứng hiếm gặp sau cắt thực quản, tuy nhiên tỷ lệ tử vong có thể dao dộng từ 50-80% nếu người bệnh mắc phải.

Vấn đề trên được GS.TS Lê Quang Nghĩa thông tin trong bài báo cáo Tổn thương ống ngực một biến chứng nguy hiểm sau cắt thực quản, tại Hội nghị Hàng năm Phòng chống Ung thư TPHCM - năm 2024.

Chuyên gia cho biết, phẫu thuật cắt thực quản là cuộc mổ khó và có nhiều biến chứng hậu phẫu nặng. Tổn thương ống ngực là biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm và điều trị khó khăn. Bệnh nhân thường tử vong vì suy dinh dưỡng và nhiễm trùng.

GS.TS Lê Quang Nghĩa - Bệnh viện Bình Dân

Dẫn chứng thực tế từ trường hợp bệnh nhân N.V.H, 50 tuổi, bị tràn dịch dưỡng trấp sau cắt thực quản qua nội soi lồng ngực vì ung thư. Giáo sư thông tin, bệnh nhân điều trị nội khoa thất bại và sau 6 lần dẫn lưu xoang màng phổi, ekip bác sĩ mở ngực phải liên sườn 6. Mô viêm dày không tìm thấy ống ngực, các bác sĩ tiếp tục khâu surjet (mass ligation) khoảng giữa động mạch chủ ngực và tĩnh mạch đơn theo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài. Kết quả tốt bất ngờ, lượng dưỡng trấp giảm dần và bệnh nhân được xuất viện sau 66 ngày nằm viện.

Giải thích về tràn dịch dưỡng trấp (chylothorax), chuyên gia cho biết, vấn đề này xảy ra do rách hoặc tổn thương ống ngực. Biến chứng có thể gây rối loạn tim, mạch, hô hấp; rối loạn biến dưỡng và thay đổi về miễn dịch.

Dưỡng trấp tích tụ ở trung thất sau và gây rách màng phổi, thường là ở bên phải, ở đáy của dây chằng phổi. Tụ dưỡng trấp trong ngực làm xẹp phổi gây khó thở và suy hô hấp nếu lượng dưỡng trấp nhiều.

Theo GS.TS Lê Quang Nghĩa, tràn dịch dưỡng trấp rất hiếm, chỉ từ 0,4-2,15%. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao, thay đổi tùy theo báo cáo, dao động từ 50-80%, thời gian tử vong thường là 90 ngày sau tai biến. Triệu chứng mở đầu tai biến là ống dẫn lưu ngực ra dịch (nhiều nhất là sau khi ăn lại bằng miệng). Khi người bệnh ăn khẩu phần có nhiều mỡ thì dịch ra trắng đục như sữa.

Chuyên gia cho biết việc điều trị tràn dịch dưỡng trấp (chylothorax) còn nhiều bàn cãi giữa điều trị bảo tồn và can thiệp phẫu thuật ngay. Trong đó, điều trị bảo tồn bao gồm nuôi ăn ngả tĩnh mạch, có thể kèm với medium-chain triglyceride hoặc nút tắc ống ngực.

Điều trị phẫu thuật vào ngả ngực phải và cột ống ngực lúc vào ngực trên cơ hoành. Phẫu thuật sớm cột ống ngực giúp kiểm soát hiệu quả ngay nhưng phải vén mảnh ghép dạ dày hay đại tràng ra phía trước. Lưu ý, cần cẩn thận không làm tổn thương các mạch nuôi của mảnh ghép.

Giáo sư cho biết thêm, 80% chỗ rò lành sau 14-35 ngày nếu điều trị bảo tồn. Tuy nhiên bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng và suy dinh dưỡng.

Để phòng ngừa tràn dịch dưỡng trấp, chuyên gia khuyến cáo cần bóc tách rõ đường đi của ống ngực trong khi cắt thực quản. Ống ngực bắt đầu từ hợp lưu của bể Pecquet rồi vào lồng ngực trong khe giữa động mạch chủ ngực và tĩnh mạch đơn trên cơ hoành (ở khoảng đốt sống T4 - T5). Ở khoảng T10 - L2, ống ngực chạy qua ngực trái và đi sau động mạch chủ ngực và rồi lên cổ. Ở cổ ống ngực đi sau bao động mạch cổ và đổ vào hợp lưu giữa tĩnh mạch dưới đòn và tĩnh mạch cổ trái.

Trong khi mổ, nếu phát hiện có tổn thương ống ngực thì khâu surjet khoảng giữa động mạch chủ ngực và tĩnh mạch đơn. Bên cạnh đó, trước khi đóng ngực cần chú ý quan sát xem có tràn dưỡng trấp không.

Cuối bài báo cáo, GS.TS Lê Quang Nghĩa nhấn mạnh, tổn thương ống ngực là tai biến rất hiếm gặp trong cắt thực quản nhưng là hậu quả gây ra rất nghiêm trọng, đưa đến tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.

Hiện nay có nhiều biện pháp được đề ra như: bơm keo, X-quang can thiệp và phẫu thuật. Bệnh án của bệnh nhân N.V.H chuyên gia nêu trên cho thấy, trong điều kiện thiếu phương tiện, ekip bác sĩ đã xử lý phẫu thuật một cách đơn giản là khâu surjet (mass ligation) bằng chỉ không tan khoảng giữa đại động mạch chủ ngực và tĩnh mạch đơn ngay trên cơ hoành.

>> Triển khai xạ trị định vị thân tại Việt Nam vô cùng cần thiết

>> Ung thư đầu và cổ do HPV ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của bệnh nhân

Hội nghị Hàng năm Phòng chống Ung thư TPHCM - năm 2024 do Bệnh viện Ung Bướu TPHCM phối hợp cùng Hội Ung thư Việt Nam, Liên Chi hội Ung thư TPHCM và Bệnh viện K Trung ương tổ chức. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 4/12-6/12/2024, đón nhận hơn 2000 đại biểu trong nước và quốc tế về tham dự.

Nội dung hội có 122 bài báo cáo, chia thành 24 phiên tại 9 hội trường, diễn ra trong 3 ngày, đề cập đến nhiều lĩnh vực: Gan - Mật, tiêu hóa, huyết học, xạ trị - kỹ thuật phóng xạ, phổi - lồng ngực, đầu cổ, điều dưỡng - chăm sóc giảm nhẹ, tuyến vú, phụ khoa - niệu, giải phẫu bệnh, dược lâm sàng, nội khoa nội tổng quát.

Trong đó chương trình tiền hội nghị tổ chức tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM vào ngày 4/12. Hội nghị chính được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Pavillon, diễn ra từ 5/12-6/12. Đặc biệt, hội thảo dành riêng ra 2 phiên cho lĩnh vực Điều dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên tổ chức Bàn tròn Dược Lâm sàng cùng nhóm chuyên gia nước ngoài.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X