Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao phải tầm soát và tiêm ngừa HPV cho nam giới?

Đó là vấn đề được PGS.TS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch LCH Phụ sản TPHCM nhấn mạnh trong bài báo cáo của mình tại phiên Phụ khoa, Hội nghị Khoa học thường niên lần IX do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp Hội Phụ sản TPHCM và Hội CHU Grenoble (Pháp) tổ chức. Theo đó, chuyên gia nhấn mạnh việc đẩy mạnh tầm soát HPV cho nam giới trong cộng đồng.

Trên 30 type HPV lây truyền từ người sang người qua quan hệ tình dục

Thông tin về những đặc điểm của HPV - PGS.TS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch LCH Phụ sản TPHCM cho biết, Human PapillomaVirus (HPV) là loại virus có cấu trúc DNA thuộc họ Papovaviridae, khác với các loại virus như viêm gan siêu vi A, C, SARS coronavirus có cấu tạo di truyền RNA-.

HPV gồm hơn 200 type đã được nhận biết, có trên 30 type lây truyền từ người sang người qua quan hệ tình dục. Người ta chia HPV ra làm 2 nhóm: nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao. Trong đó, nhóm nguy cơ thấp gồm các type 6, 11, 42, 43, 44; nhóm nguy cơ cao gồm các type 16, 18, 31, 33, 34, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68. Đặc biệt, nhóm nguy cơ cao thường có mối liên hệ với bệnh ung thư.

Hầu hết, các trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng và HPV có thể thoái triển trong vòng 2 năm mà không cần điều trị, nên tần suất xảy ra không biết rõ. Có một số ít trường hợp HPV tồn tại kéo dài nhiều năm. Nếu đó là type nguy cơ cao, khả năng có thể dẫn đến ung thư.

Theo Rayleen M. Lewis ở Hoa kỳ năm 2018, ước tính tỷ lệ hiện mắc bất cứ loại HPV nào trong nhóm tuổi từ 15-59 khoảng 40%. Đỉnh tuổi nhiễm HPV thay đổi tùy địa phương, như ở Phần Lan, nhiễm HPV thường xảy ra trong độ tuổi 20 - 29 tuổi.

Theo Susanne K.Kjaer, nguy cơ nhiễm HPV là 79% phụ nữ, tỷ lệ này cũng tương đương trong nam giới và cách truyền bệnh chủ yếu qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp lây truyền không do quan hệ tình dục mà có thể do tiếp xúc ngoài da. Dùng bao cao su không hoàn toàn bảo vệ khỏi nhiễm HPV, bởi vì HPV có thể nằm ở âm hộ, bìu, hậu môn là nơi bao cao su không thể bao trùm hết. Mặc dù có sự khác biệt về tần suất nhiễm các type HPV giữa các vùng địa lý nhưng type 16, 18 thường gây ung thư ở hầu hết các nơi trên thế giới.

PGS.TS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch LCH Phụ sản TPHCM

Tại sao phải tầm soát HPV cho nam giới?

PGS.TS Vũ Thị Nhung cho biết, khi những bệnh nhân nữ có kết quả xét nghiệm HPV dương tính họ thường đặt ra câu hỏi: Chồng có bị nhiễm hay không? Có cần làm xét nghiệm để tầm soát xem người chồng có nhiễm HPV không? Có phải chồng quan hệ với người khác rồi về lây bệnh cho vợ không? Chồng họ có thể bị ung thư sinh dục không? Để trả lời những thắc mắc này, cần có những nghiên cứu liên quan đến vấn đề nhiễm HPV ở nam giới.

Trên cơ sở đó, vấn đề tầm soát HPV cho nam giới được đặt ra, nữ chuyên gia thông tin, theo một nghiên cứu mới được công bố năm 2023 trong tạp chí The Lancet Global Health, cứ 3 người đàn ông trên 15 tuổi lại có 1 người nhiễm HPV, ít nhất là 1 type HPV ở cơ quan sinh dục.

Tỷ lệ hiện mắc là 31% cho bất cứ các loại HPV và 21% cho HPV nhóm nguy cơ cao. HPV 16 chiếm tỷ lệ cao nhất (5%), kế tiếp là HPV 6 (4%). Bệnh ung thư dương vật, hậu môn, hầu họng thường liên quan đến HPV 16. Nam giới thường là nơi ẩn chứa của các type HPV sinh dục nên phải đưa nam giới vào tầm kiểm soát bệnh nhiễm HPV để làm giảm tỷ lệ mắc mới ở cả nam và nữ.

Cho đến nay, chưa có một xét nghiệm nào được công nhận dùng để tầm soát HPV cho nam giới. CDC không khuyến cáo tầm soát HPV cho nam giới một cách thường quy trước khi họ có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng. Hiện tại, đã có nhiều nghiên cứu dịch tễ về nhiễm HPV ở phụ nữ nhưng còn thiếu những dữ liệu về tỷ lệ hiện mắc và sự phân bố các type HPV ở nam giới. Nghiên cứu cho thấy HPV có thể phát hiện ở dịch tiết niệu đạo bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm ở niệu đạo, ở ngoài da của cơ quan sinh dục, ở hậu môn...

PGS Vũ Thị Nhung đưa ra một số nghiên cứu về vấn đề tầm soát HPV ở nam giới. Nghiên cứu thứ nhất của tác giả Loredana Manolescu, thực hiện ở Romania, nghiên cứu trên 37 nam giới trong thời gian 2007-2008. Làm xét nghiệm tầm soát HPV bằng cách dùng que gòn nhỏ đưa vào niệu đạo sâu từ 1,5-2cm. Kết quả HPV dương tính là 17/37 trong đó 15 ca lấy mẫu ở niệu đạo (40,5%) và 2 ca lấy mẫu ở sang thương trên dương vật. Trong nghiên cứu này cho thấy mẫu lấy ở niệu đạo có thể phát hiện HPV, ngay cả ở người không có triệu chứng.

Nghiên cứu thứ hai của Maria Gabrielle de Lima Rocha và cộng sự (2012), thực hiện trên 43 cặp vợ chồng mà người vợ có nhiễm HPV và tổn thương CIN ở cổ tử cung. Tuy nhiên có 43 người chồng và chỉ 23 người vợ còn quan hệ tình dục trong vòng 6 tháng cho đến lúc nhận vào nghiên cứu. Ở người chồng, mẫu bệnh phẩm lấy ở nhiều vị trí, gồm: quy đầu, rãnh quanh quy đầu, da ngoài thân dương vật. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm HPV là 51,2% (22/43), có sự tương đồng cùng nhiễm HPV ở 2 vợ chồng là 56,5% (13/23), trong đó 84,6% (11/13) người chồng nhiễm cùng type nguy cơ cao với vợ.

Nghiên cứu thứ ba của Sérgio M. Nicolau (2005), nghiên cứu trên 50 người chồng có vợ nhiễm HPV ở cổ tử cung, cho thấy 76 % có HPV DNA dương tính. Những xét nghiệm mô học trên các mẫu sinh thiết không cho chẩn đoán nhiễm HPV chính xác. Dùng chổi quẹt trên cơ quan sinh dục (quy đầu, rãnh quanh quy đầu, niệu đạo) cho kết quả dương tính đến 92% trong số nhiễm HPV.

Cuối cùng là nghiên cứu của Lucia Giovannelli và cộng sự (2007), thực hiện trên 50 người đàn ông. Mẫu bệnh phẩm lấy ở 3 vị trí: quẹt chổi trên da dương vật, trong niệu đạo và tinh dịch. Xét nghiệm HPV dương tính lần lượt ở các vị trí đó là 88,9%, 50% và 33,3%. Thay mẫu lấy từ nước tiểu bằng tinh dịch cũng giúp cải thiện sự phát hiện HPV DNA ở nam giới.

Dùng bao cao su không hoàn toàn tránh khỏi HPV

Qua đó, chuyên gia khuyến cáo về vấn đề phòng ngừa HPV. Nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD), nguy cơ lây nhiễm sau giao hợp khoảng 20%. Đến nay vẫn chưa có cách điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng.

Thứ nhất, sử dụng bao cao su, theo nghiên cứu của ReppK.K. và cộng sự, thực hiện một nghiên cứu cắt ngang năm 2012 ở 3 quốc gia về vấn đề phòng ngừa HPV bằng bao cao su và đây được xem là một yếu tố quan trọng giúp làm giảm tỷ lệ phát hiện HPV.

Nghiên cứu của Baldwin và cộng sự năm 2004, thực hiện trên 393 đối tượng nam giới cho thấy, sử dụng bao cao su thường xuyên có liên quan đến giảm tỷ lệ nguy cơ nhiễm HPV. Tuy nhiên, bao cao su không thể giúp hoàn toàn tránh khỏi nhiễm HPV.

Thứ hai, hút thuốc lá, theo Schabath và cộng sự chứng minh, hút thuốc liên tục với hơn 5 năm, có liên quan đến tỷ lệ mắc mới HPV cao, nhất là nhiễm nhóm nguy cơ cao và khả năng HPV được thải trừ thấp.

Nielson và cộng sự tìm thấy những người hút 10 điếu mỗi ngày có liên quan đến nhiễm HPV. Kaderli cho thấy tỷ lệ người đàn ông hút thuốc nhiễm HPV là 68.2% so với 63.2% không hút thuốc. Tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ hút thuốc là 40.8% so với 25.2% không hút thuốc. Như vậy, nam giới hút thuốc sẽ có tỷ lệ nhiễm HPV cao hơn nữ giới, do đó, nam giới ngừng hút thuốc là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa nhiễm HPV.

Thứ ba, tiêm ngừa, chủng ngừa HPV là biện pháp ngừa hiệu quả các type mục tiêu của thuốc chủng. Thuốc có hiệu quả cao trước khi có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, cần lưu ý, thuốc chủng không ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như không chữa bệnh đang nhiễm HPV.

Hiện nay, ở Hoa Kỳ chỉ lưu hành vắc xin ngừa 9 chủng. Theo đó, vắc xin thế hệ mới được sử dụng cho cả nam và nữ giới, bảo vệ khỏi 9 type virus HPV phổ biến là 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Loại vắc xin này cũng đã có mặt tại Việt Nam từ tháng 5/2022.

Nghiên cứu của Chatterjee A cũng cho thấy, vắc xin ngừa 9 chủng HPV có hiệu quả 100% ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản gây ra do các type 16, 18, 31, 33, 45, 52, và 58.

Nghiên cứu gộp của Drolet M, thực hiện cho 60 triệu người ở 14 quốc gia có thu nhập cao năm 2019 cho thấy, chủng ngừa HPV chỉ cho nữ giới trên diện rộng cũng có tác dụng phòng ngừa cho những người không chủng. Bệnh sùi mào gà hậu môn sinh dục giảm 31% ở phụ nữ trong lứa tuổi từ 25 - 29 tuổi, giảm 48% ở thanh thiếu niên 15-19 tuổi và giảm 32% nam giới trong lứa tuổi từ 20 - 24 so với giai đoạn trước khi có thuốc chủng.

Phó giáo sư thông tin thêm, chỉ định dùng vắc xin ngừa 9 chủng cho nam, nữ từ 9 - 45 tuổi. Liều lượng áp dụng là 2 liều đối với trẻ <15 tuổi3 liều đối với người từ 15 tuổi trở lên. Nếu một người đã nhiễm một loại HPV nào thì vẫn có thể chủng để phòng các loại HPV chưa nhiễm có trong thuốc ngừa.

Chuyên gia kết luận, nghiên cứu thực hiện được trên nam giới đã cho thấy, nam giới nhiễm HPV là nơi chứa đựng nguồn bệnh, có thể lây truyền HPV cho những người phụ nữ khác. Do dó, cần có nhiều nghiên cứu về HPV ở nam giới để giúp sự giảm nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, chương trình chủng ngừa HPV nên áp dụng không chỉ cho bé gái mà còn phải áp dụng cho những bé trai trước khi các bé bước vào tuổi dậy thì.

Dùng thuốc tránh thai, thuốc nội tiết rất dễ nhiễm HPV

Sau bài chia sẻ, một câu hỏi từ phía người tham dự đặt ra “Trường hợp bệnh nhân bị HPV kéo dài trong 3 năm, bệnh nhân này có tiền sử chồng có thói quen hút thuốc lá, vậy giờ có biện pháp nào để phòng ngừa? Và HPV tồn tại dai dẳng trên bệnh nhân nhưng xét nghiệm HPV luôn âm tính thì làm cách nào?” được PGS.TS Vũ Thị Nhung giải đáp, bệnh nhân này có thể tự thoái triển, tuy nhiên, người chồng vẫn bị nhiễm HPV, do đó, dù vợ điều trị khỏi, quay lại quan hệ với chồng vẫn sẽ bị nhiễm trở lại.

Vì vậy, khi điều trị HPV cho vợ, việc tốt nhất, nếu có thể nên làm xét nghiệm HPV cho cả người chồng để xác định tình trạng nhiễm, từ đó xác định được nguồn lây nhiễm, tránh tình trạng tái nhiễm ở bệnh nhân sau khi đã được điều trị khỏi.

Còn về vấn đề loại trừ HPV, chỉ có thể dựa vào sức đề kháng và miễn dịch của bệnh nhân để tự diệt được HPV, ngay cả việc bơm thuốc vào âm đạo của người phụ nữ, chỉ có tác dụng hỗ trợ sức đề kháng diệt trừ HPV. Theo đó, để có một sức đề kháng tốt, đầu tiên, cần bỏ thói quen hút thuốc lá, lối sống lành mạnh.

Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi cho việc nhiễm HPV, đặc biệt là thuốc tránh thai, thuốc nội tiết. Những người sử dụng hai loại thuốc này rất dễ nhiễm HPV, nguyên nhân do nồng độ của estrogen trong thuốc, có thể tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nhiễm HPV.

Do đó, bệnh nhân cần tạo thói quen tập thể dục thường xuyên, ăn uống bổ sung thêm các chất chống gốc tự do như: vitamin A, C, E… xây dựng đời sống, tinh thần, thể chất lành mạnh. Trường hợp đã điều trị khỏi nhưng tái nhiễm, phải xem xét lại bạn tình của bệnh nhân. Vì vậy, cần xem xét, đẩy mạnh tầm soát HPV ở nam giới.

>>> Hội nghị Khoa học thường niên BV Hùng Vương: 63 bài báo cáo, quy tụ chuyên gia hàng đầu về Sản Phụ khoa trong nước và quốc tế

>>> Chiến lược nào giúp “xóa sổ” ung thư cổ tử cung tại TPHCM?

>>> Từ sàng lọc chẩn đoán đến chăm sóc và quản lý thai phụ đái tháo đường thai kỳ

>>> Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị tổn thương sàn chậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ

>>> Tiếp cận chẩn đoán trước sinh các bất thường ở quý 3 thai kỳ

>>> Cách lựa chọn và sử dụng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X