Khoảng 50% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ
Nghiên cứu về nhu cầu và các yếu tố liên quan đến nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của ThS.ĐD Phạm Thanh Huyên - Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã khẳng định, bệnh nhân cần được tiếp cận sớm với chăm sóc giảm nhẹ, lập kế hoạch chăm sóc phù hợp cho từng cá thể.
Chăm sóc giảm nhẹ là một phần thiết yếu trong chăm sóc bệnh nhân ung thư
Năm 2022, trên thế giới có khoảng 19 triệu ca mắc mới ung thư, trong đó có 9,7 triệu ca tử vong do ung thư. Việt Nam có hơn 180 nghìn ca mắc mới và hơn 120 nghìn ca tử vong do dung thư (theo GLOBOCAN - Gánh nặng ung thư toàn cầu).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm ước tính có khoảng hơn 40 triệu người cần được chăm sóc giảm nhẹ và nhu cầu này vẫn tiếp tục tăng. Một số nghiên cứu công nhận, việc tích hợp chăm sóc giảm nhẹ là một phần thiết yếu trong việc cung cấp chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên, chăm sóc giảm nhẹ là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở TPHCM nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Để người bệnh được hưởng lợi từ kế hoạch chăm sóc phù hợp cho từng cá thể, nhóm nghiên cứu của ThS.ĐD Phạm Thanh Huyên đã tiến hành khảo sát nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Nghiên cứu có 2 mục tiêu cụ thể: xác định tỷ lệ nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ và xác định các yếu tố liên quan đến nhu cầu này của người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Bệnh viện Ung bướu.
Khảo sát được thực hiện trên những người bệnh từ đủ 18 tuổi trở lên, được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, tiên lượng sống dưới 6 tháng đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ trên từng vấn đề thường gặp ở bệnh nhân ung thư
Người bệnh ung thư thường có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ cho các triệu chứng thực thể. Với trạng thái đau (62%), có 43% người bệnh mong muốn được hỗ trợ kiểm soát đau. Trong số 54% người bệnh than phiền về triệu chứng mệt mỏi, có 43% có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ cho triệu chứng này. Các vấn đề phổ biến tiếp theo là khó ngủ và khó thở.
Nghiên cứu cũng ghi nhận, việc kiểm soát triệu chứng cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối trên lâm sàng còn hạn chế, người bệnh có lo ngại khi sử dụng thuốc opioids.
Ở khía cạnh xã hội, những người tham gia nghiên cứu gặp khó khăn đến khó khăn nhiều ở các nhóm trạng thái: nói chuyện về căn bệnh với người thân, không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, tìm người để nói chuyện... Nhu cầu về chăm sóc giảm nhẹ ở các trạng thái này ở mức trung bình đến cao.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có thể mất hầu như các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp... sau một thời gian dài điều trị. Trong phần lớn thời gian, bệnh nhân phải chống chọi với những tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
ThS.ĐD Phạm Thanh Huyên khuyến khích người bệnh duy trì các mối quan hệ xã hội, bên cạnh đó nên tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân.
Ở nhóm vấn đề tâm lý, bệnh nhân gặp trở ngại với các nỗi sợ như sợ đau khổ về thể chất, sợ tiến triển của căn bệnh, khó đối mặt tiên lượng trong tương lai. Nhu cầu chần được hỗ trợ tỷ lệ thuận với những trạng thái mà họ gặp phải.
Kết quả này cho thấy, việc can thiệp tâm lý cho bệnh nhân ung thư sẽ giúp người bệnh suy nghĩ tích cực hơn về bệnh tật cũng như về cuộc sống. Vì thế, nhóm nghiên cứu đề xuất thành lập các đơn vị can thiệp tâm lý tại bệnh viện để hỗ trợ người bệnh kịp thời.
Xét về mặt tâm linh, người bệnh ung thư cho nhu cầu cảm thấy bản thân thực sự có ích cho xã hội (45%) hoặc cho người khác (41%), chấp nhận bệnh tật (21 - 36%). Giải pháp được đưa ra là động viên, tôn trọng niềm tin tín ngưỡng của người bệnh. Dưới góc nhìn tâm linh, họ sẽ dễ dàng chấp nhận căn bệnh cũng như nhìn nhận ý nghĩa của cái chết.
Các yếu tố liên quan đến nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
ThS.ĐD Phạm Thanh Huyên chỉ ra các yếu tố liên quan đến nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại Bệnh viện Ung bướu gồm:
- Nhóm tuổi có liên quan đến các trạng thái đau, cảm thấy chán nản;
- Nhóm giới tính có ý nghĩa thông kê với nỗi sợ căn bệnh tiến triển;
- Nhóm tôn giáo có mối liên quan với trạng thái khó khăn trong việc chấp nhận mắc bệnh.
ThS.ĐD Phạm Thanh Huyên kết luận, hơn 60% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối gặp vấn đề khó khăn và khó khăn nhiều, phổ biến nhất là đau, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, sợ tiến triển bệnh, sợ đau đớn về thể xác. Bên cạnh đó, khoảng 50% người bệnh có mong muốn được hỗ trợ các vấn đề giảm nhẹ, mức độ từ trung bình đến nhiều.
Từ kết quả nghiên cứu, ThS.ĐD Phạm Thanh Huyên kiến nghị: “Trong tương lai, cần mở rộng đào tạo về chăm sóc giảm nhẹ cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng từ Trung ương đến địa phương, đồng thời triển khai hợp tác liên chuyên ngành nhằm hỗ trợ người bệnh một cách toàn diện”.
>>> Triển khai xạ trị định vị thân tại Việt Nam vô cùng cần thiết
>>> Ung thư đầu và cổ do HPV chưa có phương tiện tầm soát hiệu quả
>>> Tràn dịch dưỡng trấp do tổn thương ống ngực sau cắt thực quản, hiếm gặp nhưng dễ tử vong
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình