Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ung thư cổ tư cung là một trong những bệnh phụ khoa rất phổ biến và nguy hiểm, chỉ đứng thứ 2 sau ung thư vú. Do đó, việc trang bị cho bản thân những kiến thức về căn bệnh này là điều vô cùng cần thiết.

I. Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là một hình trụ rỗng dài khoảng 5cm, nối phần giữa tử cung của phụ nữ với âm đạo. Nó giống như một bức tường phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ. Ung thư bắt đầu khi các tế bào trên bề mặt của cổ tử cung phát triển bất thường, tạo ra khối u trong cổ tử cung, sau đó nhân lên mất kiểm soát và di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

II. Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn cuối, dẫn đến việc nhiều phụ nữ bị bệnh mà không biết.

Tuy nhiên, khi các triệu chứng xuất hiện, chúng lại dễ bị nhầm với các tình trạng thông thường như kinh nguyệt và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs).

Do đó, khi gặp phải các triệu chứng dưới đây bạn nên cảnh giác và hãy đến gặp bác sĩ để khám ngay:

  • Chảy máu bất thường, chẳng hạn như giữa các kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh
  • Tiết dịch âm đạo và có mùi khác với bình thường
  • Đau ở xương chậu
  • Đi tiểu nhiều hơn
  • Đau khi đi tiểu

Virus HPV týp 16 và 18 chiếm đến 70% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.

III. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

Gần 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Trong đó, virus HPV 16 và 18 chiếm đến 70% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.

Bệnh có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc da với da, quan hệ tình dục, bao gồm cả âm đạo, hậu môn và thậm chí quan hệ tình dục bằng miệng và tay.

Hầu hết những người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều bị nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời. Trong số, khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao (HPV 16 và 18).

Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm một chủng virus HPV gây ung thư không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư cổ tử cung. Bởi hệ thống miễn dịch của bạn loại bỏ phần lớn các trường hợp nhiễm HPV, thường trong vòng 2 năm.

Ngoài ra, HPV cũng có thể gây ra các bệnh ung thư khác ở phụ nữ và nam giới, bao gồm:

  • Ung thư âm hộ
  • Ung thư âm đạo
  • Ung thư dương vật
  • Ung thư hậu môn
  • Ung thư trực tràng
  • Ung thư vòm họng

IV. Các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung

HPV là nguy cơ lớn nhất đối với ung thư cổ tử cung. Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ của bạn bao gồm:

  • Virus HIV
  • Chlamydia
  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Uống thuốc tránh thai
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Mang thai sớm hoặc mang thai nhiều lần
  • Quan hệ với nhiều người
  • Tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung
  • Chế độ ăn ít trái cây và rau quả
  • Vệ sinh cá nhân kém
  • Suy giảm miễn dịch

V. Các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Giai đoạn cho biết liệu ung thư của bạn đã lan rộng hay chưa, và nếu có, nó đã lây lan bao xa. Giai đoạn ung thư của bạn có thể giúp bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.

giai đoạn ung thư cổ tử cung4 giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Ung thư còn nhỏ. Nó có thể đã lan đến các hạch bạch huyết, nhưng không lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn 2: Ung thư lớn hơn. Nó có thể đã lan ra bên ngoài tử cung và cổ tử cung hoặc đến các hạch bạch huyết. Nhưng vẫn chưa đến các bộ phận khác trên cơ thể.
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã lan đến phần dưới của âm đạo hoặc đến khung chậu. Nó có thể làm tắc niệu quản, ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Nhưng không lây sang các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn 4: Ung thư có thể đã lan ra ngoài khung chậu đến các cơ quan như phổi, xương hoặc gan của bạn.

VI. Điều trị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có khả năng điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Các phương pháp điều trị gao gồm:

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật được coi là phương pháp chính trong điều trị ung thư cổ tử cung, giúp loại bỏ các khối u và các mô xung quanh để điều trị ung thư cổ tử cung.

Đối với ung thư lan rộng hơn, phẫu thuật có thể bao gồm việc loại bỏ cổ tử cung và các cơ quan khác trong khung chậu.

2. Xạ trị

Xạ trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách sử dụng chùm tia X năng lượng cao và ức chế sự phát triển của chúng. Bao gồm:

Xạ trị bằng máy chiếu xạ được đặt bên trong cơ thể, gần tử cung để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này được sử dụng cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Xạ trị bằng máy chiếu xạ đặt ngoài cơ thể, bệnh nhân được chiếu xạ vùng xung quanh tử cung theo liệu trình 1 ngày 1 lần, 5 ngày/tuần trong thời gian từ 5-6 tuần.

3. Hóa trị

hóa trị ung thư cổ tử cungHóa trị là phương pháp dùng các loại thuốc tiêu diệt tế bào ung thư.

Hóa trị sử dụng thuốc (dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch) để tiêu diệt các tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Hóa trị thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn (giai đoạn IV) khi khối u đã di căn tới các cơ quan khác.

4. Liệu pháp nhắm mục tiêu

Bevacizumab (Avastin) là một loại thuốc giúp ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới giúp ung thư phát triển và tồn tại. Thuốc này thường được dùng cùng với hóa trị.

5. Liệu pháp miễn dịch

Pembrolizumab (Keytruda) có thể được tiêm tĩnh mạch 3 tuần một lần cho bệnh nhân không đáp ứng với xạ trị và hóa trị.

VII. Phòng chống ung thư cổ tử cung

Một trong những cách dễ nhất để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là kiểm tra thường xuyên bằng xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) hoặc xét nghiệm hrHPV. Việc sàng lọc này sẽ giúp phát hiện ra các tế bào tiền ung thư, từ đó giúp bệnh nhân điều trị trước khi chúng chuyển thành ung thư.

Nhiễm HPV là nguyên nhân lớn dẫn đến ung thư cổ tử cung. Nhưng bạn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin Gardasil và Cervarix. Tuy nhiên, bạn nên thực hiện việc chủng ngừa này trước khi quan hệ tình dục là tốt nhất. Cả bé trai và bé gái đều có thể chủng ngừa HPV.

Dưới đây là một số cách khác để bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung:

  • Không quan hệ tình dục với nhiều người
  • Sử dụng bao cao su khi bạn quan hệ tình dục
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trong kỳ hành kinh, sau kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục
  • Xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X