Tỷ lệ tái nhiễm Helicobacter Pylori có thể lên đến 30%
Theo ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành, tỷ lệ tái nhiễm Helicobacter Pylori khá cao, có thể lên đến 30%. Do đó, việc dự phòng tái nhiễm là một trong các biện pháp bắt buộc sau khi đã diệt trừ Helicobacter Pylori.
1. Đâu là những sai lầm thường gặp khi người bệnh nhiễm vi khuẩn HP?
Trong quá trình công tác, BS nhận thấy đâu là những sai lầm thường gặp khi người bệnh nhiễm vi khuẩn HP cũng như trong quá trình điều trị ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Nếu có những bệnh lý biểu hiện triệu chứng đường tiêu hóa và có chỉ định tìm và diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori của thầy thuốc phải tiến hành.
Trường hợp không nằm trong nhóm tìm và diệt mà người bệnh vô tình xét nghiệm và phát hiện vi khuẩn HP thì không nên lo lắng vì tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng khá cao. Khi đó, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp thích hợp nhất cho từng trường hợp.
Nếu không rơi vào những trường hợp chỉ định tìm và diệt thì không nhất thiết phải diệt vi khuẩn HP. Đối với những trường hợp cần điều trị, đã có phác đồ và tỷ lệ thành công từ 80 - 90%.
2. Những điều cần lưu ý về vi khuẩn HP
Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS nhắc lại một lần nữa, đâu là những thông tin đúng, chuẩn về khoa học về vi khuẩn HP mà chúng ta cần nhớ ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Helicobacter Pylori đã được khoa học chứng minh là một tác nhân gây các nhóm bệnh lý về dạ dày tá tràng và đặc biệt có thể gây viêm dạ dày, loét dạ dày, xuất huyết dạ dày hoặc gây một số biến chứng nếu nhiễm chủng độc lực cao và có thể gây ung thư dạ dày.
Tỷ lệ nhiễm Helicobacter Pylori trong cộng đồng khá cao và không phải ai nhiễm vi khuẩn HP cũng mang chủng độc lực cao có thể gây ung thư dạ dày. Vì vậy, người bệnh không nên quá lo lắng, trừ khi nhiễm HP mà trong gia đình có người bị ung thư dạ dày hoặc phát hiện ung thư dạ dày cùng với nhiễm vi khuẩn HP. Khi đó, cần phải tìm và diệt vi khuẩn HP để dự phòng trường hợp biến chứng nặng xảy ra.
Hiện nay, tỷ lệ tái nhiễm Helicobacter Pylori khá cao. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tái nhiễm có thể lên đến 30%. Chính vì vậy, việc dự phòng tái nhiễm là một trong các biện pháp bắt buộc sau khi đã diệt trừ Helicobacter Pylori.
Vi khuẩn HP lây qua đường tiêu hóa, vì vậy cần lưu ý:
- Hạn chế ăn chung, uống chung
- Hạn chế mớm cơm, nhai cơm hoặc thổi rồi đút cho trẻ nhỏ
- Hạn chế sử dụng chung ly uống nước, để tránh lây nhiễm trực tiếp theo đường miệng - miệng, đường dạ dày - miệng
- Khuyến cáo nên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn để tránh lây theo đường phân - miệng.
- Đồng thời, để dự phòng tốt tình trạng nhiễm vi khuẩn HP, khi ăn uống phải lựa chọn thực phẩm hợp vệ sinh để tránh lây bệnh trong quá trình chế biến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình