Hotline 24/7
08983-08983

Những lưu ý để có kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP chuẩn xác nhất

Trong bài viết này, ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 đã đưa ra những lưu ý giúp người bệnh có được kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP chính xác nhất, tránh tình trạng tốn kém chi phí mà kết quả không như mong muốn.

1. Khi nào cần làm xét nghiệm tìm vi khuẩn HP?

Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP, khi nào cần thiết và ai nên làm, thưa BS? Có phải ai xuất hiện biểu hiện trên dạ dày cũng cần làm xét nghiệm tìm vi khuẩn HP?

ThS.BS Trần Kinh Thành trả lời: Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori trong cộng đồng rất cao, cứ 10 người thì có 7 người nhiễm đã nhiễm bệnh. Vậy có cần diệt Helicobacter Pylori cho toàn bộ dân số?

Cho đến hiện nay, theo các đồng thuận cũng như hướng dẫn quốc tế sẽ có những chỉ định tìm và diệt. Nghĩa là nếu bệnh nhân có chỉ định bắt buộc phải tìm lúc đó mới bắt đầu tìm vi khuẩn HP, sau khi tìm mà phát hiện vi khuẩn HP thì phải diệt chúng.

Chỉ định bắt buộc là các trường hợp như:

- Bệnh nhân có tình trạng khó tiêu kéo dài (khó tiêu chức năng)

- Xuất huyết (loét dạ dày)

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày mà có nhiễm HP

- Người thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân

- Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn

- Một số bệnh nhân có bệnh lý về xương khớp phải sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc bệnh lý tim mạch phải sử dụng các nhóm thuốc như Aspirin, Clopidogrel kéo dài để phòng ngừa cục máu đông, tránh gây đột quỵ

- Mặc dù không có triệu chứng nhưng nếu người bệnh vô tình xét nghiệm hoặc tìm thấy vi khuẩn HP thì có thể cân nhắc điều trị, gọi là điều trị on demand (điều trị theo yêu cầu).

2. Có mấy phương pháp giúp phát hiện vi khuẩn HP, ưu và nhược điểm ra sao?

Hiện nay có những xét nghiệm nào giúp phát hiện vi khuẩn HP, thưa BS? Ưu điểm và nhược điểm, độ chính xác của từng loại xét nghiệm tìm vi khuẩn HP này thế nào ạ?

ThS.BS Trần Kinh Thành trả lời: Có rất nhiều phương pháp để tìm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, hiện nay các gói khám sức khỏe của phòng khám hoặc một số cơ sở thường sử dụng test huyết thanh để tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori - đây là một xét nghiệm máu, thực hiện đơn giản và giá thành thấp. Tuy nhiên test này không giúp thầy thuốc quyết định điều trị diệt vi khuẩn HP.

Các đồng thuận khuyến cáo tìm vi khuẩn HP thông qua kỹ thuật nội soi - lấy một mẫu mô trong dạ dày và tìm vi khuẩn HP, nếu phát hiện sẽ bắt đầu diệt vi khuẩn. Bên cạnh đó, có thể xét nghiệm phân hoặc test hơi thở. Test hơi thở được khuyến cáo ưu tiên hơn xét nghiệm phân trong việc tìm và diệt Helicobacter Pylori.

Ngoài ra còn có một số test khác mang tính xâm lấn hơn, tuy nhiên ít được áp dụng, chỉ dùng trong những trường hợp đặc biệt như lấy mẫu mô trong dạ dày đọc dưới giải phẫu bệnh và tìm thấy vi khuẩn Helicobacter Pylori nằm trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày hoặc khi cấy và thấy vi khuẩn HP có nhiều trong môi trường vi sinh.

3. Nội soi dạ dày và test hơi thở là 2 xét nghiệm được ưu tiên

Giữa xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, test hơi thở, nội soi dạ dày - loại nào thường được chỉ định trong lần đầu đi khám và loại nào thường được chỉ định để kiểm tra tính hiệu quả của phương pháp điều trị - tiệt trừ HP, thưa BS?

ThS.BS Trần Kinh Thành trả lời: Nếu bệnh nhân có chỉ định tìm vi khuẩn HP, một trong những phương pháp được khuyến cáo đầu tay hiện nay là nội soi dạ dày (Clotest) và test hơi thở (C13 hoặc C14). Hai phương pháp này được ưu tiên sử dụng nhiều hơn xét nghiệm phân và xét nghiệm huyết thanh.

Sau khi điều trị vi khuẩn HP phải đánh giá lại bằng cách nội soi hoặc test hơi thở, trường hợp này không khuyến cáo làm xét nghiệm phân hay xét nghiệm huyết thanh. Xét nghiệm huyết thanh trong máu là một xét nghiệm kháng thể mà sau khi diệt trừ HP kháng thể trong máu vẫn có khả năng tồn tại kéo dài, một số nghiên cứu cho thấy có thể kéo dài hơn 2 năm.

4. Cần lưu ý gì để có kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP chính xác?

Những lưu ý nào người bệnh cần biết khi thực hiện kiểm tra vi khuẩn HP, thưa BS? Có cần kiêng cữ thực phẩm nào hay dừng loại thuốc nào… để không ảnh hưởng đến kết quả?

ThS.BS Trần Kinh Thành trả lời: Đối với một số test nếu không tuân thủ các điều kiện sẽ cho kết quả âm tính giả, dẫn đến tốn chi phí nhưng đem lại kết quả không mong muốn. Chính vì vậy, để kiểm tra kết quả chính xác sau khi tiệt trừ vi khuẩn HP, thầy thuốc sẽ có các khuyến cáo như:

- Nếu sử dụng nhóm thuốc ức chế axit (PPI) để điều trị các bệnh lý về dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày hoặc loét dạ dày như esomeprazole, pantoprazole, rabeprazole… phải ngưng uống ít nhất 2 tuần trước khi thực hiện test.

- Tất cả các kháng sinh dù không phải kháng sinh diệt Helicobacter Pylori cũng phải ngưng ít nhất 4 tuần trước khi làm test.

- Một số thuốc khác như Anti-H2 phải ngưng ít nhất 7 ngày.

- Các thuốc còn lại không ảnh hưởng đến kết quả.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X