Hotline 24/7
08983-08983

3 đường lây nhiễm chính của vi khuẩn HP

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, tại Việt Nam có đến 70% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP. Các nguyên nhân lây nhiễm có thể là do ăn chung, hôn nhau hoặc từ thói quen móm cơm cho trẻ của phụ huynh.

1. Vi khuẩn HP có từ đâu và khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây bệnh thế nào?

Trước tiên xin nhờ BS điểm qua các thông tin: vi khuẩn HP từ đâu mà có và xâm nhập vào cơ thể chúng ta? Vi khuẩn gây bệnh như thế nào?

ThS.BS Trần Kinh Thành trả lời: Vi khuẩn HP là một thành tựu của y học. Trước năm 1982, nhiều người bị viêm dạ dày, đau dạ dày hoặc loét dạ dày, nhưng cho đó là sự mất cân bằng tiết axit HCl và các nguyên nhân khác. Tuy nhiên từ năm 1982 trở đi, bác sĩ người Úc là ông Barry Marshall đã chứng minh được rằng có một loại vi khuẩn tên là Helicobacter pylori tồn tại được trong môi trường rất khắc nghiệt - môi trường axit trong dạ dày.

Sau đó, các nghiên cứu được ra đời để điều trị, cũng như theo dõi tiến trình của Helicobacter pylori khi gây ra bệnh lý về tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày, tá tràng. Vi khuẩn Helicobacter pylori cho đến hiện nay vẫn là tác nhân gây rất nhiều triệu chứng, cũng như các nhóm bệnh lý trên ống tiêu hóa.

2. 70% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP

Tình trạng nhiễm HP tại nước ta hiện nay như thế nào, thưa BS? Tỷ lệ nhiễm HP ở độ tuổi nào là phổ biến nhất ạ?

ThS.BS Trần Kinh Thành trả lời: Theo báo cáo của nghiên cứu gần nhất cho thấy, tỷ lệ nhiễm HP ở Việt Nam khá cao, trên 70% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP. Điều này có nghĩa là cứ 10 người thì có 7 người bị nhiễm HP. Vì vi khuẩn HP lây qua đường tiêu hóa nên bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm bệnh, kể cả trẻ em, trẻ sơ sinh, cho đến người lớn, người già.

3. Vi khuẩn HP lây qua đường nào?

Vi khuẩn HP lây truyền qua những con đường nào, thưa BS? Việc ăn chung, hôn nhau có lây vi khuẩn HP không?

ThS.BS Trần Kinh Thành trả lời: 3 đường lây nhiễm chính của vi khuẩn Helicobacter pylori:

- Đường miệng - miệng

- Đường dạ dày - miệng

- Đường phân - miệng

Trong quá trình ăn uống, thỉnh thoảng sẽ có một số phản xạ ợ tự nhiên, như vậy dịch dạ dày sẽ trào ngược lên và mang theo vi khuẩn HP đến vùng miệng, vùng tuyến nước bọt. Nguy cơ lây nhiễm từ nước bọt của người này qua nước bọt của người khác rất dễ xảy ra.

Đặc biệt, văn hóa của người Việt trên bàn ăn thường có thói quen mời hoặc gắp thức ăn để thể hiện phép lịch sự tối thiểu. Tuy nhiên, nếu không sử dụng dụng cụ riêng để gắp thực phẩm mà dùng chính đôi đũa đang ăn có dính nước bọt của mình gắp cho người khác thì sẽ có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP.

Một trong những nguyên nhân không thể tránh khỏi là những nụ hôn khi yêu nhau. Việc hôn trên má không thể lây vi khuẩn, tuy nhiên nếu hôn môi, hôn có dính nước bọt sẽ làm lây nhiễm vi khuẩn HP.

4. Trong gia đình, vi khuẩn HP lây qua tình huống nào?

Người trong cùng gia đình thường lây nhiễm vi khuẩn HP cho nhau qua những tình huống nào, thưa BS?

ThS.BS Trần Kinh Thành trả lời: Khi ăn uống trong gia đình thường sử dụng chung đũa, muỗng như vậy nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, thói quen thổi nguội thức ăn, thậm chí nhai cơm nhuyễn và mớm cho trẻ hoặc hôn trẻ nếu vô tình làm dính nước bọt sẽ lây vi khuẩn HP từ người lớn cho trẻ nhỏ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X