Hotline 24/7
08983-08983

Khi nào vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, hiện nay tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP khá cao, nhưng không phải trường hợp nào cũng gây ung thư dạ dày. Trong đó, tiền sử gia đình là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng này.

1. 80% trường hợp nhiễm HP chủng độc lực cao bị ung thư dạ dày

Thưa BS, nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ra những biến chứng gì ạ? Biến chứng nào là thường gặp nhất, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Không phải ai nhiễm vi khuẩn HP cũng gây ung thư dạ dày. Các nghiên cứu chứng minh rằng, nếu nhiễm Helicobacter pylori (HP) chủng độc lực cao, sau khi phân lập có kiểu gen CagA dương tính thì tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư dạ dày lên đến gần 80%. Đối với những người nhiễm kiểu gen CagA âm tính thì nguy cơ ung thư dạ dày thấp hơn.

Hiện nay, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP khá cao. Để biết đang nhiễm HP thuộc chủng độc lực cao hay thấp phải xác định vi khuẩn HP và phân lập xem nhiễm CagA dương tính hay âm tính.

Một trong những vấn đề trên lâm sàng người thầy thuốc thường áp dụng trước khi xác định kiểu gen là hỏi tiền sử gia đình. Nếu trong gia đình của bệnh nhân có ba, mẹ hay anh, chị, em ruột (trực hệ) bị ung thư dạ dày thì bắt buộc tất cả những người còn lại phải tầm soát và diệt vi khuẩn HP vì khả năng rất cao sẽ nhiễm chủng độc cao.

2. Không phải ai nhiễm vi khuẩn HP cũng gây ung thư dạ dày

Nhiều người lo sợ, nhiễm HP là cầm chắc “bản án” ung thư dạ dày. Thực hư điều này như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Không phải ai nhiễm Helicobacter pylori cũng có nguy cơ bị ung thư dạ dày. Trường hợp này chỉ xảy ra ở những người nhiễm HP với chủng độc lực cao. Do đó, nếu đã bị nhiễm HP mà tiền sử gia đình không có người thân bị ung thư dạ dày thì nên yên tâm vì không rơi vào trường hợp có chủng độc lực cao.

Bên cạnh đó, Helicobacter pylori không chỉ gây ung thư dạ dày mà còn nhiều biến chứng khác như: viêm dạ dày, loét dạ dày, gây một số triệu chứng tiêu hóa (đầy bụng, ăn khó tiêu),…

3. Nhóm người nào có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn?

Vậy, bị nhiễm HP, những ai có nguy cơ gặp biến chứng ạ? Đặc biệt nguy cơ chuyển thành ung thư dạ dày sẽ gia tăng trên những nhóm người nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Thứ nhất là những người nhiễm HP mà kết quả nội soi có tổn thương u malt trong dạ dày (u lymphoma) sẽ là bằng chứng cho thấy nguy cơ ung thư ở nhóm có Helicobacter pylori cao hơn những tổn thương khác.

Thứ hai là trong gia đình có người bị ung thư dạ dày thì khi nhiễm HP sẽ thuộc nhóm nguy cơ cao.

Thứ ba, khi gặp triệu chứng về đường tiêu hóa và kết quả nội soi dạ dày có những tổn thương với biểu hiện viêm teo hoặc tổn thương viêm ở vùng thân vị của dạ dày hoặc có biểu hiện chuyển sản ruột là những nhóm bệnh có nguy cơ gây ung thư nặng hơn so với những kiểu viêm khác.

4. Các điều kiện thuận lợi thúc đẩy vi khuẩn HP phát triển và tấn công dạ dày

Đâu là các điều kiện thuận lợi thúc đẩy vi khuẩn HP phát triển nhanh chóng và tấn công dạ dày, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Helicobacter pylori muốn tồn tại phải sống trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Ở những bệnh nhân có bất thường về yếu tố bảo vệ và yếu tố phá hủy trong dạ dày (axit), khi sự cân bằng này diễn ra không thuận lợi, yếu tố phá hủy nhiều hơn yếu tố bảo vệ sẽ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn HP phát triển và tấn công.

Một số trường hợp, vì một lý do hay tác nhân nào đó mà môi trường tại nơi vi khuẩn HP sinh sống bị thay đổi, vi khuẩn sẽ di chuyển lên vị trí cao hơn. Đặc biệt, nếu đi chuyển đến thân vị độc lực sẽ cao hơn, dễ làm tổn thương dạ dày và có nguy cơ biến thành ung thư nhiều hơn so với trường hợp vi khuẩn HP nằm ở vị trí cổ điển.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X