Hotline 24/7
08983-08983

Tuyến tiền liệt quá to không được điều trị có thể ứ nước thận và suy thận

Tuyến tiền liệt đóng vai trò quan trọng đối với dịch tiết của tinh dịch, nếu người có tuyến tiền liệt quá to mà không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến suy thận, do đó, nam giới trên 40 tuổi cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe tuyến tiền liệt. Đó là những chia sẻ của ThS.BS Lê Vũ Tân - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân.

1. 70% dịch tiết trong tinh dịch xuất phát từ dịch của tuyến tiền liệt

Đầu tiên, nhờ BS chia sẻ tuyến tiền liệt nằm ở đâu và có vai trò gì ạ?

ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Tuyến tiền liệt (TTL) là cơ quan đặc trưng cho nam giới mà không có ở nữ giới. Có thể hình dung TTL như sau: bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu, phía dưới bàng quang là TTL, bộ phận này có một con đường như “đường hầm” thông cổ bàng quang với niệu đạo để dẫn lưu nước tiểu.

TTL có hai vai trò quan trọng là nằm giữa đường nước tiểu và đường dẫn tinh của nam giới. TTL có vai trò quan trọng vì 70% dịch tiết trong tinh dịch xuất phát từ dịch của TTL.

2. Hai chức năng của tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt có chức năng gì? Trong đó chức năng nào là quan trọng nhất, thưa BS?

ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Các chức năng của TTL bao gồm:

Một là góp phần vào tinh dịch ở người nam giới, chức năng này rất quan trọng vì nếu không tiết tinh dịch, tinh trùng sẽ không có môi trường để sống và bơi. Khi nam giới xuất tinh, nếu không có tinh dịch, lượng xuất tinh chỉ toàn tinh trùng thì không thể tạo môi trường cho tinh trùng bơi và tiến hành thụ thai.

Hai là TTL nằm ở vị trí ngã ba giữ đường tiểu và đường xuất tinh góp phần vào việc đi tiểu, các bệnh lý ở TTL sẽ ảnh hưởng trên đường tiểu của nam giới.

3. Đi khám bệnh tuyến tiền liệt, bệnh nhân cần chuẩn bị thông tin gì?

Nếu đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, muốn đánh giá sức khỏe của TTL, các quý ông sẽ cần chuẩn bị những thông tin gì để cung cấp cho bác sĩ?

ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Để biết tình trạng TTL, người bệnh cần tâm sự với bác sĩ về các triệu chứng của họ như: có bị tiểu yếu hay không, nghĩa là trước đây tia tiểu bắn xa và mạnh, còn bây giờ tia tiểu nhỏ lại hoặc thậm chí nhỏ giọt ngay dưới chân… hay bệnh nhân có bị đau gì không, xuất tinh có đau hay không, có gặp tình trạng tiểu rắt hay không…

Trong đó, tiểu rắt là khi bệnh nhân mới tiểu xong, ngay sau đó tiếp tục muốn đi tiểu, cảm giác này không thể kiềm chế được, ở người bình thường khi mắc tiểu có thể kiềm chế nhưng với người bị tăng sản TTL sẽ không thể tự chủ. Khi mắc tiểu phải đi tiểu liền, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, một số trường hợp TTL to sẽ ảnh hưởng đến việc đi tiểu, người bệnh phải thức dậy liên tục để đi tiểu, ảnh đưởng đến giấc ngủ.

Vấn đề xuất tinh của nam giới sẽ cần tìm hiều xuất tinh có đau hay không, lượng tinh dịch có ít hơn so với trước hay không, thậm chí có người quan hệ tình dục nhưng không thấy tinh dịch xuất ra.

4. Sau 40 tuổi cần quan tấm đến sức khỏe tuyến tiền liệt

Thưa BS, một vấn đề được rất nhiều quý ông quan tâm là trước khi đến khám tại các cơ sở y tế liệu có cần kiêng cữ gì hay không hay lưu ý vấn đề gì trước thăm khám?

ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Độ tuổi dễ mắc bệnh về TTL hiện nay là nhóm tuổi trung niên sau 40 tuổi. Khi thăm khám lâm sàng có rất nhiều trường hợp bạn trẻ đang trong tuổi dậy thì hay mới lập gia đình, có thể những người này đã tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội và nghi ngờ bản thân mắc bệnh TTL, thậm chí khi đến khám tại các phòng khám quốc tế, những bệnh nhân này được chẩn đoán viêm TTL, cho bệnh nhân chiếu đèn, chiếu tia, cắt bao quy đầu… khi đó cần trấn an bệnh nhân.

Bệnh TTL sẽ có các nhóm tuổi như sau 40 tuổi cần quan tâm đến sức khỏe TTL, trước nhóm tuổi đó có thể không cần quan tâm nhiều trừ khi có các triệu chứng có thể liên quan đến TTL mới cần để ý đến.

5. Siêu âm tuyến tiền liệt qua ng trực tràng khi có nghi ngờ ác tính hoặc ung thư

Trong những phương pháp đánh giá và điều trị, siêu âm có thể giúp các bác sĩ điều trị được những bệnh gì ở TTL? Nhiều người thắc mắc giữa 2 vấn đề khi nào bác sĩ siêu âm qua đường bụng và khi nào siêu âm qua đường trực tràng?

ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Khi thăm khám TTL, ngoài hỏi bệnh sử bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, khi đó sẽ thực hiện thủ thuật thăm hậu môn trực tràng bằng cách dùng ngón tay đưa vào hậu môn của bệnh nhân. Ngón tay bác sĩ sẽ được dùng gel bôi trơn để hạn chế cảm giác đau của bệnh nhân. Việc thăm khám bằng ngón tay rất quan trọng vì ước chừng được kích cỡ của TTL, mật độ của TTL, vì TTL bình thường khác TTL ung thư. Bên cạnh đó còn phát hiện được những vùng nào làm bệnh nhân đau đớn.

Sau khi thăm khám xong sẽ cho người bệnh tiến hành xét nghiệm máu để biết chỉ số PSA, nếu PSA tăng là dấu chỉ điểm của vấn đề ung thư TTL, còn PSA < 4 là chỉ điểm tốt.

Kết hợp với PSA bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm siêu âm qua bụng hoặc siêu âm qua ngả trực tràng tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng.

Ví dụ trường hợp bệnh nhân không có vấn đề nghiêm trọng sẽ cho siêu âm bụng để đánh giá các tổn thương cơ bản, việc siêu âm bụng sẽ giúp bác sĩ ghi nhận kích thước ước chừng trên siêu âm của TTL. Thứ hai là các nốt vôi hóa hoặc nang TTL có bị ứ nước ở thận và niệu quản của bệnh nhân hay không, vì một số trường hợp TTL quá to nhưng không điều trị có thể gây ứ nước thận và thậm chí là suy thận ở bệnh nhân.

Những trường hợp được chỉ định siêu âm qua ng trực tràng được ghi nhận nghi ngờ có u ác tính hoặc ung thư, việc siêu âm qua ngả trực tràng rất có tác dụng trong việc khảo sát rõ ràng hơn ở TTL. Tiến hành bằng cách bác sĩ đưa đầu dò vào hậu môn người bệnh, đầu dò sẽ nằm sát thành trực tràng và áp sát TTL, với vị trí đó sẽ khảo sát được rất rõ các vấn đề của TTL, thậm chí có thể khảo sát các cấu trúc lân cận như túi tinh có trục trặc gì không.

Một số trường hợp thăm khám trên lâm sàng có nghi ngờ nguyên nhân vô sinh do tắc nghẽn TTL hoặc túi tinh, bác sĩ sẽ cho siêu âm TTL qua ngả trực tràng để đưa ra những kết quả và chẩn đoán chuyên biệt dành cho người bệnh.

ThS.BS Lê Vũ Tân cảnh báo, người có tuyến tiền liệt quá to mà không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến suy thận

6. Nhịn tiểu trước khi siêu âm tuyến tiền liệt

Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm, thưa BS?

ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Điều bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi siêu âm là không nên đi tiểu, bởi vì siêu âm đòi hỏi bàng quang phải đầy mới khảo sát rõ bên trong. Ví dụ khảo sát thành bàng quang thế nào, có những sang thương trong thành bàng quang hay không và cấu trúc TTL ra sao.

Một số bệnh nhân cho rằng trước khi siêu âm nên đi tiểu để bụng nhẹ, bác sĩ siêu âm dễ hơn nhưng khảo sát TTL hoặc bàng quang cần để bàng quang đầy siêu âm mới thấy rõ ràng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X