Tự truyện của một bác sĩ chuyên khoa tâm thần
BS Lê Quốc Nam vừa ra mắt cuốn tự truyện "Gọi bình yên quay về" (sách do Vương Liễu Hằng ghi, NXB Trẻ ấn hành).
Thỉnh thoảng người ta vẫn gặp anh trên truyền hình, báo chí với tư cách là một bác sĩ tâm thần. Vì vậy, tôi hơi bất ngờ khi gặp anh trong... tự truyện.
BS Lê Quốc Nam: Thật ra thì tôi không hề có ý định viết tự truyện. Ở nước ta, những người viết tự truyện là “người của công chúng” như ca sĩ, diễn viên, kịch sĩ... còn tôi chỉ là một bác sĩ tâm thần.
Nhưng anh vẫn cho ra mắt một cuốn tự truyện?
Nguyên nhân sâu sa để tôi thực hiện cuốn tự truyện vì lý do “tâm thần” nhiều hơn lý do “vì tôi”.
Anh có thể nói rõ hơn một chút?
- Tôi muốn tìm một hình thức “dễ chịu” để tiếp cận được với nhiều độc giả và qua đó cung cấp kiến thức cho họ về căn bệnh tâm thần, cũng như giúp họ hiểu hơn về người bị bệnh tâm thần để từ đó sẽ biết cách đối xử với những bệnh nhân này hơn.
Nhưng nếu chỉ có vậy, tại sao anh không dùng một hình thức khác, chẳng hạn như công bố “Nghiên cứu mới nhất về bệnh tâm thần” hoặc “Tình trạng bệnh tâm thần ở nước ta”, mà lại là tự truyện?
- Thật ra hiện nay không thiếu những loại sách như thế. Nhưng đó lại là những dạng sách chuyên môn, sách rất “khó đọc” và độc giả bình thường rất ngại ngùng khi tiếp cận loại sách ấy. Một cuốn tự truyện của một bác sĩ tâm thần sẽ làm họ thấy thoải mái và hấp dẫn họ đọc hơn chăng.
Khi đọc cuốn tự truyện, tôi thấy anh cũng rất “bình thường”. Anh cũng đã lập gia đình và cũng đã chia tay, cũng có những thất vọng, buồn bã, đau khổ như những người khác. Đặc biệt, những đoạn sách viết về sự khắc khoải sau lần ra đi vĩnh viễn của mẹ anh - người cũng mắc phải một chứng bệnh tâm thần - đã khiến tôi thật sự xúc động.
- Ai nói với anh bác sĩ không phải là người bình thường?
Ý tôi không phải vậy. Có điều tôi cho rằng bác sĩ tâm lý, tâm thần luôn khuyên người khác nên sống như thế nào, yêu như thế nào và thậm chí là buồn vui như thế nào. Nhưng còn anh, nếu khi anh cũng gặp phải những thất bại, những bế tắc trong cuộc sống, ai sẽ là người cho anh lời khuyên?
- Đây đúng là bi kịch nghề nghiệp của bác sĩ tâm thần. Bạn có cảm thấy mệt không khi luôn là kim chỉ nam cho cuộc sống... người khác. Và chính vì vậy, bạn rất khó tìm một kim chỉ nam cho mình.
Anh là một người cô đơn?
- Trong một khía cạnh nào đó, đúng là như vậy. Tại Mỹ, bác sĩ tâm thần là một trong những đối tượng tự tử cao nhất.
Vậy anh có bao giờ muốn tự tử?
- Tôi đã từng có lúc buồn muốn chết! (cười) Thế nhưng tôi chưa bao giờ có ý định tự tử, dù chỉ là thoáng qua. Tôi yêu tha thiết cuộc sống này.
Anh có lời khuyên nào cho những người đang gặp những khúc mắc, những đau khổ tột cùng? Những người đang muốn tự tử?
- Đừng vội vã hành động gì cả. Có câu: “Bạn đừng hành động trong lúc giận dữ, có ai dong thuyền ra khơi lúc bão tố bao giờ”. Khi bế tắc cũng vậy. Thật ra thì việc muốn tự tử và cảm giác buồn khổ (trầm cảm) xuất phát từ hai lý do: vì những sang chấn trong cuộc sống và do những hoạt chất trong não. Với những sang chấn, bạn sẽ có thể bình tĩnh và lấy lại cân bằng. Nhưng với lý do thứ hai thì bạn phải tìm tới bác sĩ tâm thần để được chữa trị đúng cách.
Anh vừa mới khai trương một phòng khám tâm lý y khoa - tâm thần rất quy mô?
- Đúng vậy! Cần phải nói thêm rằng đó là phòng khám tâm lý y khoa tâm thần đầu tiên tại TPHCM. Không chỉ có vậy, tôi còn mở trang web http//www.tamthan.com.vn. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề tâm thần, xin mời bạn hãy truy cập vào đấy.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình