Trẻ uống trên 600ml sữa một ngày có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt
Trong bài viết này, BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh - Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có những chia sẻ về tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ, cũng như cách để phòng ngừa hiệu quả.
1. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ?
Đầu tiên xin nhờ BS giải thích cho khán giả, cũng như quý phụ huynh hiểu rõ nguyên nhân hay yếu tố nào dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Thiếu sắt sẽ gây tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Các nhóm nguyên nhân bao gồm:
- Trẻ nhũ nhi hoặc trẻ dậy thì hoặc trẻ sinh non, nhẹ cân nhu cầu sắt sẽ tăng dẫn đến thiếu sắt.
- Do bổ sung không đủ, ví dụ như quá trình ăn uống không cung cấp đủ chất sắt.
- Giảm hấp thu sắt do dùng thuốc hoặc bệnh lý dẫn đến không hấp thu được.
- Chảy máu kéo dài hoặc những bệnh lý về rối loạn hấp thu sắt.
2. Trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh lý thiếu máu, thiếu sắt?
Những trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh lý thiếu máu, thiếu sắt cao hơn thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Trước đây, do ăn uống kém, không đủ chất dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt. Nhưng hiện nay, ăn uống đủ nhưng không hợp lý cũng có thể gây ra tình trạng này. Chẳng hạn như uống sữa quá nhiều, trên 600ml/ngày. Bên cạnh đó, những trẻ có nguy cơ như sinh non, sinh đôi, nhẹ cân hoặc trẻ trong giai đoạn tăng trưởng phát triển cũng có thể thiếu máu, thiếu sắt.
3. Thiếu máu, thiếu sắt gây ảnh hưởng thế nào đến quá trình phát triển của trẻ?
Thưa BS khi trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến quá trình phát triển của trẻ?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như mệt mỏi, chóng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực hoặc gặp các vấn đề toàn thân như chậm phát triển, tóc khô, suy tim, quấy khóc, khó ngủ, khó tập trung, dễ nhiễm trùng…
4. Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu máu, thiếu sắt
Ngay tại nhà, có những dấu hiệu nào để phụ huynh nhận biết con của mình đang bị thiếu máu, thiếu sắt ạ?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Phụ huynh phải xem trẻ có yếu tố nguy cơ hay không. Nếu có yếu tố nguy cơ nên cho trẻ đi khám và tầm soát trước khi có biểu hiện thiếu máu, thiếu sắt. Thông thường sẽ thiếu sắt trước, sau đó đến rối loạn tạo máu và đến thiếu máu, nên đến giai đoạn thiếu máu là đã trễ.
Triệu chứng thiếu máu là trẻ xanh xao, mệt, chóng mặt, ăn uống kém, chậm phát triển,…
5. Khi nào nên đưa trẻ đi khám và tầm soát thiếu máu, thiếu sắt?
Đối với những trẻ có yếu tố nguy cơ nhưng không biểu hiện ra ngoài, vẫn khỏe mạnh bình thường thì độ tuổi nào nên đưa trẻ đi khám và tầm soát thiếu máu, thiếu sắt?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Những trẻ có yếu tố nguy cơ như sanh non, sanh đôi, nhẹ cân hoặc trẻ có bệnh lý gây chảy máu kéo dài, kém hấp thu phải được tầm soát.
Ngoài ra, những trẻ bình thường thì khoảng 9 - 12 tháng nên tầm soát một lần. Sau đó, 18 tháng sẽ tầm soát lần nữa và sau đó là mỗi năm tầm soát một lần.
6. Xét nghiệm nào giúp chẩn đoán trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt?
Cần làm xét nghiệm hay chẩn đoán nào để xác định chính xác trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Để chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt sẽ dựa vào lâm sàng như khám, đánh giá yếu tố nguy cơ, chế độ ăn…
Về xét nghiệm sẽ làm xét nghiệm công thức máu, để kiểm tra hemoglobin trong máu, hồng cầu có bị nhỏ nhược sắc hay không và cuối cùng là định lượng ferritin trong huyết thanh.
7. Thời gian điều trị thiếu máu, thiếu sắt kéo dài bao lâu?
Khi trẻ đã được chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt thì hướng điều trị tiếp theo cho trẻ là như thế nào và quá trình điều trị mất bao lâu?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt chỉ chiếm 50%. 50% còn lại là nguyên nhân gây ra thiếu máu, thiếu sắt và yếu tố nguy cơ.
Cần điều trị thiếu máu, thiếu sắt và điều trị nguyên nhân cho trẻ. Chẳng hạn trẻ bị xuất huyết tiêu hóa phải được chữa xuất huyết tiêu hóa, song song với điều trị thiếu sắt. Trung bình điều trị thiếu máu, thiếu sắt khoảng 3 - 6 tháng.
8. Cần lưu ý gì khi bổ sung sắt cho trẻ?
Phụ huynh cần lưu ý gì khi điều trị bổ sung sắt để hấp thu đối đa cho trẻ, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Chất sắt hơi khó uống (có mùi tanh), mặc dù nên uống lúc bụng đói để dễ hấp thu hơn nhưng vì vị sắt khó uống nên khuyến cáo có thể uống sau khi ăn.
Thứ nhất, phải tuân thủ đúng liều của bác sĩ, vì uống quá nhiều có thể gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, kích thích làm bé ói hoặc tiêu chảy, đau bụng,…
Thứ hai, tránh dùng các chất làm hạn chế hấp thu sắt như trà, trái cây hoặc rau có vị chát. Uống sữa quá nhiều cũng tạo ra cơ chế cạnh tranh hấp thu sắt.
9. Trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hằng ngày thế nào?
Phụ huynh có con em bị thiếu máu, thiếu sắt quan tâm nhất là chế độ dinh dưỡng. Vậy, khi trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hằng ngày như thế nào, nên bổ sung gì, tăng cường gì và hạn chế nhóm thực phẩm nào thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung săt. Tuy nhiên, ngay cả trẻ bình thường cũng cần ăn uống đầy đủ chất sắt.
Khuyến cáo trẻ trên 6 tháng không chỉ uống sữa mà bắt buộc phải ăn dặm, ít nhất 2 bữa ăn dặm/ngày có đầy đủ chất sắt. Đối với trẻ trên 3 tuổi phải ăn 3 bữa/ngày có đầy đủ chất sắt.
Thức ăn đầy đủ chất sắt bao gồm: sản phẩm từ động vật như cá, thịt bò, thịt heo, gan,… và từ thực vật như các thức ăn có màu đỏ, màu xanh đậm,… Tránh ăn các thức ăn hạn chế hấp thu sắt.
10. Trẻ từng bị thiếu máu, thiếu sắt cần phòng ngừa tái phát và thăm khám như thế nào?
Với những trẻ đã từng bị thiếu máu, thiếu sắt cần làm gì để phòng ngừa tái phát? Sau khi điều trị, trẻ cần phải theo dõi và tái khám như thế nào?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Để phòng ngừa tái phát phải biết được nguyên nhân mình bị thiếu máu, thiếu sắt và điều trị dứt điểm. Song song đó là có chế độ ăn giàu sắt.
Tái khám cũng dựa trên nguyên nhân, đặc biệt đối với trẻ em mỗi năm nên tầm soát thiếu máu, thiếu sắt một lần.
11. Có nên bổ sung sắt cho trẻ trong thời gian dài?
Nhiều cha mẹ sợ con bị tái phát tình trạng thiếu máu, thiếu sắt nên thường bổ sung sắt một thời gian dài sau khi điều trị, điều này có nên hay không thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Bổ sung khi không thiếu sắt có thể gây ra tác dụng ngược. Ví dụ, sắt tanh, khó uống làm em bé bị stress. Hoặc gây tác dụng như táo bón, có thể cạnh tranh hấp thu với chất khác (chất có ion giống sắt).
Vì vậy, chỉ nên bổ sung khi cần hoặc bổ sung khi cần phòng ngừa, không thể bổ sung trường kỳ.
12. Làm thế nào để phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt?
Cuối chương trình nhờ BS gửi lời khuyên đến quý vị khán giả nên phòng ngừa tình trạng thiếu máu, thiếu sắt như thế nào?
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Mai Anh trả lời: Thứ nhất phải xem xét trẻ có bị thiếu máu thiếu sắt hay không. Thứ hai là có chế độ ăn hợp lý và tránh uống quá nhiều sữa. Hiện tại, có rất nhiều trẻ uống trên 600ml/ngày.
Thứ ba, đối với trẻ có yếu tố nguy cơ như sinh non, nhẹ cân, sinh đôi hoặc tăng trưởng cao, béo phì hoặc ở lứa tuổi dậy thì, trẻ dưới 3 tuổi, trẻ từ 1 - 3 tuổi nên chủ động đi khám để phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình