Hotline 24/7
08983-08983

Thiếu máu thai kỳ có nguy cơ sảy thai, sinh non

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, thiếu máu thai kỳ có thể khiến mẹ bầu sảy thai, sinh non, em bé sinh ra sức khỏe yếu, có thể phải nằm phòng ICU sau sinh.

1. Thiếu máu thai kỳ xuất hiện ở mọi giai đoạn khi mang bầu

Thiếu máu thai kỳ là tình trạng thế nào? Thường xảy ra vào tháng mấy của thai kỳ, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thiếu máu thai kỳ là tình trạng thiếu máu trong thời gian mang thai và có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.

2. Thiếu máu thai kỳ ảnh hưởng cả mẹ và thai nhi

Thiếu máu thai kỳ có thể gây những bất lợi gì cho sức khỏe của mẹ và thai nhi?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Máu là yếu tố cần thiết cho tất cả mọi người, khi mang thai, máu cần thiết cho cả mẹ và em bé. Người mẹ cần đủ nồng độ hồng cầu để duy trì hoạt động bình thường.

Đặc biệt, khi mang thai, người mẹ còn nuôi thêm thai nhi trong bụng, và em bé hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn máu nuôi của người mẹ. Do đó, nếu mẹ thiếu máu sẽ ảnh hưởng cả mẹ và em bé.

Đối với người mẹ, thiếu máu làm ảnh hưởng đến cuộc sống, mẹ luôn mệt mỏi, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh, kém tập trung và có nguy cơ mắc những bệnh lý trong thai kỳ.

Đối với em bé, nếu mẹ thiếu máu sẽ có nguy cơ sảy thai, sinh non và mắc nhiều bệnh lý kèm theo. Khi em bé ra đời, sức khỏe sẽ kém hơn những bé khác, nguy cơ phải nằm khoa ICU cao hơn so với người mẹ và em bé khỏe mạnh bình thường.

3. Thiếu máu thai kỳ do thay đổi sinh lý khi mang thai

Vì sao phụ nữ khi mang thai có thể gặp tình trạng thiếu máu thai kỳ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Vấn đề thay đổi sinh lý của người phụ nữ khi mang thai bao gồm: tăng thể tích huyết tương và thể tích dịch trong máu, tăng tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, mức độ tăng hồng cầu không bằng tốc độ tăng huyết tương. Cụ thể, tỷ lệ huyết tương tăng khi phụ nữ mang thai tới 30-40% còn tế bào hồng cầu tăng 10-15% so với trước khi mang thai.

Do đó, tình trạng thiếu máu do vấn đề sinh lý xuất hiện trong thai kỳ. Nếu chế độ dinh dưỡng của người mẹ thiếu sắt trong thời gian mang thai, không hấp thu được sắt hoặc có bệnh lý gây chảy máu trong thời gian mang thai sẽ làm tình trạng thiếu máu thai kỳ trở nặng hơn.

Trường hợp người mẹ có các bệnh lý liên quan đến huyết học, bệnh gây thiếu máu trước khi mang thai, khi có bầu, tình trạng thiếu hemoglobin của thai phụ sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi.

4. Khoảng cách sinh đẻ quá gần, thiếu dinh dưỡng gây thiếu máu thai kỳ

Những yếu tố nguy cơ nào khiến chị em có thể bị thiếu máu khi mang thai?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Các yếu tố nguy cơ khiến chị em bị thiếu máu khi mang thai, bao gồm: thứ nhất, khoảng cách giữa các lần sinh đẻ quá gần.

Ví dụ, người mẹ chưa hết giai đoạn hậu sản đã mang thai bé tiếp theo, như dân gian thường nói “Bé thôi nôi, bé lôi đầy tháng”. Nếu mang thai liên tục, người mẹ không có thời gian bồi bổ và hồi phục sinh lý để chuẩn bị cho lần mang thai kế tiếp. Từ đó, nguy cơ thiếu máu thai kỳ tăng cao.

Thứ hai, những người mẹ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, chất sắt hoặc không hấp thu được sắt trong quá trình mang thai.

Ngoài ra, người mẹ có bệnh lý gây thiếu máu trước đó như bệnh thalassemia; có bệnh lý thiếu máu, thiếu sắt nhưng không được điều trị, không được bù sắt, tình trạng thiếu máu thai kỳ sẽ nặng thêm.

5. Không phải phụ nữ huyết áp thấp là chắc chắn bị thiếu máu thai kỳ

Có phải phụ nữ cơ địa bị huyết áp thấp sẽ dễ bị thiếu máu thai kỳ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Phụ nữ cơ địa bị huyết áp thấp dễ bị thiếu máu thai kỳ là quan điểm sai. Đối với phụ nữ, thiếu sắt là vấn đề tách riêng với huyết áp. Một người phụ nữ đầy đặn nhưng không nhận đủ chất sắt vẫn gặp vấn đề thiếu máu, thiếu sắt như bình thường.

6. Da tái nhợt, tóc khô rụng, mệt mỏi là dấu hiệu của thiếu máu thai kỳ

Mẹ bầu có những dấu hiệu nào dể nhận biết mình bị thiếu máu thai kỳ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Các dấu hiệu thiếu máu ở phụ nữ mang thai như da niêm nhạt, thai phụ da dẻ xanh xao không hồng hào, dễ nhận biết qua lòng bàn tay không hồng như những người phụ nữ khác.

Tóc khô, dễ rụng; móng tay nhạt màu, dễ gãy; niêm mạc mắt không hồng như bình thường; sản phụ luôn cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực.

Khi cần gắng sức, người mẹ sẽ mệt và hoa mắt, chóng mặt, ù tai; khả năng tập trung kém; suy giảm hoạt động thể chất hàng ngày khi làm việc cường độ cao.

7. Xét nghiệm máu, phương pháp duy nhất chẩn đoán thiếu máu thai kỳ

Xét nghiệm nào cho biết chính xác thai phụ bị thiếu máu thai kỳ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất cho biết người mẹ có bị thiếu máu hay không. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ hemoglobin dưới 11g/dl là thiếu máu.

Khi có kết quả thiếu máu, cần xác định nguyên nhân. Thiếu máu do thiếu chất sắt, nồng độ sắt trong máu sẽ giảm; thiếu máu không do thiếu sắt, do những bệnh lý hồng cầu, do bệnh lý của bệnh nhân như thalassemia,… làm cho thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ nhưng không thiết sắt.

Vì vậy, khi chẩn đoán thiếu sắt, việc xác định rõ nguyên nhân sẽ giúp đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng chẩn đoán.

8. Khi nào thai phụ bị thiếu máu thai kỳ cần được truyền máu?

Có trường hợp nào cần phải truyền máu cho thai phụ không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Đa phần, các trường hợp thiếu máu, thiếu sắt sẽ đáp ứng với điều trị sắt. Do đó, khi phát hiện bệnh nhân thiếu máu, thiếu sắt, bác sĩ sẽ cho toa thuốc có chất sắt và axit folic.

Một số hiếm trường hợp thai phụ không đáp ứng với việc uống bổ sung sắt hoặc truyền sắt, gần ngày sinh hay gần chuyển dạ, nếu thiếu máu mức độ nặng, khi sinh hoặc mổ sinh em bé sẽ gây mất máu nhiều hơn.

Ví dụ, một cuộc chuyển dạ sinh thường, lượng máu mất trung bình là 300 ml, còn cuộc mổ sinh sẽ mất khoảng 500 ml máu. Nếu người mẹ mất máu nhiều và không có thời gian điều chỉnh bằng thuốc, một số trường hợp sẽ cần truyền máu.

9. Thai phụ bị thiếu máu thai kỳ cần bổ sung chất gì?

Thai phụ bị thiếu máu thai kỳ cần bổ sung chất gì? Chế độ dinh dưỡng đối với thai phụ bị thiếu máu cần chú ý điều gì?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thai phụ bị thiếu máu thai kỳ, nếu thiếu sắt, cần bổ sung sắt và axit folic.

Đối với phụ nữ thiếu máu thai kỳ do thiếu dinh dưỡng, thiếu chất sắt, cần quan tâm đến chế độ ăn, bao gồm: bổ sung đạm như thịt đỏ, thịt bò, trứng, các loại hạt; ăn nhiều rau có màu xanh như súp lơ, rau chân vịt, rau bó xôi…

Cần chú ý, sắt hấp thu tốt với vitamin C, nên bổ sung các vitamin C tự nhiên như nước cam, nước chanh. Tránh sử dụng sắt kết hợp với các chất kém hấp thu sắt như trà. Bởi vì, trong trà có tamin, khi sử dụng chung sẽ làm cản trở hấp thu sắt vào cơ thể.

10. Thai phụ ăn nhiều và liên tục một vài món để bổ sung sắt sẽ phản tác dụng

Một số gia đình thường xuyên cho thai phụ ăn thịt đỏ, huyết heo và củ dền thì có hợp lý không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thịt đỏ, huyết heo và củ dền đều là các thực phẩm giàu sắt. Tuy nhiên, đối với thai phụ, việc ăn uống toàn diện đủ cả bốn nhóm: đạm, chất đường, chất béo và tinh bột là điều quan trọng. Nếu để thai phụ ăn một món đến ngán sẽ làm phản tác dụng.

Có thể bổ sung thuốc sắt ngoài chế độ ăn, trong thuốc bổ đa sinh tố của bà bầu, luôn có đủ hàm lượng chất sắt và axit folic cho nhu cầu hàng ngày của thai phụ. Tùy theo tình huống, nếu mức độ thiếu sắt nhiều, bác sĩ sẽ bổ sung liều sắt uống phù hợp với thai phụ.

Do đó, chế độ dinh dưỡng quan trọng, nhưng không nên để thai phụ ăn một loại thức ăn thường xuyên đến mức mẹ bầu quá sợ khi nhắc đến món ăn đó.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X