Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ thấp lùn, đâu là giai đoạn “vàng” để cải thiện chiều cao?

Vậy chiều cao của trẻ thế nào được cho là thấp lùn? Liệu có cải thiện được chiều cao nếu con bị thấp lùn? Đâu là giai đoạn vàng để tăng chiều cao cho con? Tất cả sẽ được giải đáp bởi BS.CK1 Lê Thanh Bình - Phó Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

1. Trước 5 tuổi và dậy thì là 2 giai đoạn vàng trẻ phát triển chiều cao vượt bậc

Trong quá trình phát triển, trẻ có mấy giai đoạn vàng để phát triển chiều cao?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Chiều cao của trẻ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong xã hội ngày nay, khi ra đường một người có chiều cao tốt luôn có sẵn sự tự tin hơn những người thấp hơn. Do đó, vấn đề phát triển chiều cao cho trẻ được cha mẹ vô cùng quan tâm.

2 giai đoạn phát triển chiều cao ở trẻ: trước 5 tuổi và giai đoạn dậy thì, đây là 2 giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, còn khoảng giữa hai giai đoạn này, chiều cao của trẻ sẽ tăng chậm hơn. Do đó, tất cả các can thiệp về dinh dưỡng và các vấn đề khác sẽ tập trung ở 2 giai đoạn vàng.

2. Nếu thấy chiều cao của con phát triển chậm, cần đưa đi khám

Đối với trẻ nhỏ, theo từng độ tuổi, chiều cao như thế nào được xem là bình thường, và như thế nào là lời cảnh tỉnh khi con em có dấu hiệu thấp, lùn, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Xét về giai đoạn trước 5 tuổi, đây là giai đoạn tăng chiều cao nhiều nhất trong cả cuộc đời, cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Rất khó để phân biệt chiều cao bình thường hoặc bất thường, vì ở mỗi độ tuổi, tốc độ phát triển chiều cao sẽ có sự thay đổi, tuy nhiên, để biết sự bất thường, sẽ có một mốc chiều cao như sau:

Giai đoạn trước 5 tuổi, đối với bé trai nếu tăng ít hơn 5cm/năm, bé gái tăng ít hơn 5,5cm/năm, cha mẹ cần cho bé đi khám để xem xét nguyên nhân khác hay do dinh dưỡng không đủ khiến trẻ tăng chiều cao chậm.

Giai đoạn dậy thì, chiều cao giai đoạn này tăng khá tốt, có thể từ 25 - 35cm trong suốt giai đoạn dậy thì.

3. Chiều cao phụ thuộc vào 50% di truyền và 50% do môi trường

Có mấy nhóm nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển chiều cao hơn các bạn đồng trang lứa?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đối với vấn đề phát triển chiều cao, có hai yếu tố vô cùng quan trọng. Thứ nhất là yếu tố di truyền, đóng vai trò 50% tác động đến chiều cao; 50% còn lại thuộc về yếu tố môi trường như dinh dưỡng, bệnh lý, đây là yếu tố có thể thay đổi hoặc kiểm tra được, còn với yếu tố di truyền là không thể thay đổi.

Theo đó, về yếu tố môi trường, dinh dưỡng là vấn đề cần đánh giá đầu tiên, một bạn có chiều cao không như mong đợi, bác sĩ sẽ kiểm tra dinh dưỡng đã đủ hay chưa, có tối ưu hóa dinh dưỡng hay không.

Trường hợp dinh dưỡng đã đầy đủ, bác sĩ sẽ tìm các nguyên nhân khác, tất cả các bệnh có thể ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao, ví dụ như các bệnh mạn tính liên quan tới gan, hô hấp phổi, tim, thận, những nhóm bệnh di truyền liên quan…

Bên cạnh đó, một bệnh lý không liên quan tới di truyền là chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormon tăng trưởng (GH), đó là những nguyên nhân có thể khám và điều trị.

4. Đo chiều cao mỗi 4-6 tháng một lần để theo dõi chiều cao của con

Đối với trẻ, những dấu hiệu nào cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để tầm soát có chậm tăng trưởng chiều cao hay không, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Trước đây, cha mẹ chỉ quan tâm đến vấn đề con mập hay ốm, thậm chí, hiện nay những người mẹ ở quê vẫn còn suy nghĩ này. Ví dụ, em thấy con em hay ốm, ông bà, hàng xóm nói con ốm quá, cần cho con lên cân, bụ bẫm hơn…

Tuy nhiên, hiện nay, những bà mẹ tại khu vực đô thị lớn như TPHCM bắt đầu quan tâm đến chiều cao của con, em nhiều hơn. Chiều cao là một vấn đề phải kiên nhẫn để theo dõi và đánh giá. Để biết được một bạn có chiều cao phù hợp hay không, phát triển chiều cao chậm hay không, cần phải đo chiều cao.

Việc đo chiều cao phải diễn ra thường xuyên để theo dõi kịp thời. Do đó, bác sĩ khuyến khích cha mẹ nên đo chiều cao cho con mỗi 4-6 tháng một lần, sau đó, lấy chỉ số chênh lệch của hai con số, nếu trẻ trong giai đoạn dưới 5 tuổi, hai con số chênh lệch dưới 5cm/năm. Ví dụ, trong vòng 6 tháng, con chỉ lên khoảng 2,5cm, cần đưa con đi khám. Còn nếu trong 6 tháng, bạn lên từ 3cm trở lên, có thể chiều cao phát triển bình thường.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ vẫn lo lắng việc con tăng trưởng chiều cao như vậy có phù hợp hay không, nên đến gặp bác sĩ tư vấn để biết con có tăng trưởng chiều cao chậm so với những bạn cùng trang lứa hay không.

5. Lùn do di truyền, không thể can thiệp

Thưa BS, lùn trong y học có phải bệnh hay không? Nếu là bệnh thì hướng điều trị ra sao?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Lùn là một kiến thức tương đối, đặt trong bối cảnh so sánh, ví dụ, có thể so sánh người Việt Nam hiện nay với 30 năm trước, chiều cao đã cải thiện hơn rất nhiều. Nguyên nhân của chậm tăng trưởng chiều cao có yếu tố di truyền. Giả sử, một gia đình có di truyền lùn, đó là điều phù hợp và gọi là lùn vô căn, có tính gia đình, không thể can thiệp.

Nhưng trong trường hợp lùn bất thường, ví dụ, trường hợp một bạn lùn hơn 10-20cm so với bạn cùng tuổi, hãy đi khám và tầm soát để tìm ra nguyên nhân khiến bạn tăng trưởng chiều cao chậm, chiều cao không tối ưu. Khi tìm ra được nguyên nhân, bác sĩ sẽ điều trị theo nguyên nhân đó, tuy nhiên, không phải nguyên nhân nào cũng có thể can thiệp.

6. Đến gặp bác sĩ dinh dưỡng hoặc nội tiết nếu con có bất thường về chiều cao

Khi phụ huynh nhận thấy con có chiều cao thấp hơn những bạn đồng trang lứa, nên làm gì để giúp con phát triển chiều cao tối ưu nhất, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Ví dụ, khi đi đón con, trong lớp bước ra, con mình cao hơn các bạn trong lớp, cha mẹ cảm thấy vui, nhưng nếu thấp hơn, họ sẽ đặt câu hỏi tại sao con mình lùn hơn.

Do đó, khi thấy chiều cao của con chậm tăng trưởng hơn so với bạn bè, điều đầu tiên là nên đi khám, gặp bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nội tiết để các bác sĩ xác định có nguyên nhân nào liên quan đến dinh dưỡng và nội tiết hay không. Nếu có, cha mẹ sẽ được tư vấn thay đổi dinh dưỡng để tối ưu hóa chiều cao của con trong vòng 6 tháng tới.

Trong trường hợp dinh dưỡng bình thường, bác sĩ nội tiết sẽ chỉ định những thăm khám và xét nghiệm phù hợp để tìm ra nguyên nhân, nếu mọi kết quả không có bất thường, có thể chiều cao của con chỉ là vấn đề bình thường của lứa tuổi.

7. Dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung vitamin D và vận động hỗ trợ tối ưu chiều cao

Cha mẹ nên cho con bổ sung những chất dinh dưỡng nào, tập các bộ môn thể thao gì trong quá trình con phát triển chiều cao theo đúng lứa tuổi một cách tối ưu?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Có 2 giai đoạn vàng trẻ phát triển chiều cao nhanh nhất, đó là hai giai đoạn cần đặc biệt chú ý về vấn đề dinh dưỡng, tuy nhiên vẫn cần bổ sung dinh dưỡng trong suốt quá trình phát triển của con như ăn đầy đủ các loại thức ăn, nạp đủ năng lượng một ngày cho con. Nếu đã cung cấp đầy đủ như ăn các loại thức ăn, đủ đạm, đủ các loại chất béo, đủ tinh bột, đủ rau, củ, quả, trái cây, việc bổ sung là không cần thiết.

Trừ khi con em mình kén ăn, không ăn rau, không ăn trái cây, không ăn thịt chỉ ăn cá, có nghĩa, khi chế độ dinh dưỡng của con có vấn đề, cha mẹ cần gặp bác sĩ dinh dưỡng để xem xét về chế độ ăn, cần bổ sung thêm những gì để con tăng trưởng chiều cao tốt, bởi vì, khi thiếu một trong những dưỡng chất, đặc biệt là vi chất cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao.

Nếu một bạn ăn đủ, liệu có khả năng thiếu một loại chất nào hay không? Có một loại chất chưa có thống kê cụ thể, nhưng đa số trẻ em Việt Nam thiếu là vitamin D, đây là loại chất được tạo ra chủ yếu từ ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại sẽ tạo ra vitamin D và giúp cho 75% nhu cầu của con người.

Tuy nhiên, ngày nay, 6 giờ sáng trẻ phải đến trường, ở trong trường đến trưa hoặc chiều về nhà đã hết nắng, sau đó đi chơi vào ban đêm, do đó, tình cờ khi xét nghiệm vitamin D, một số trẻ thiếu loại chất này.

Việc bổ sung vitamin D sẽ giúp hấp thu canxi, bổ sung vitamin D đầy đủ sẽ giúp sự tăng trưởng của xương tốt, có thể cần vitamin D như một yếu tố để thúc đẩy sự hấp thu và phát triển xương tốt hơn. Ngoài ra, vitamin D còn tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ tránh được nhiều bệnh.

Về vấn đề tập luyện, đến nay, chưa có nghiên cứu cụ thể khuyến cáo nên tập bộ môn nào và trong thời gian bao lâu để giúp xương tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ghi nhận, nếu một người có chế độ vận động thể lực thường xuyên kéo dài ít nhất 5 ngày/tuần, việc vận động sẽ giúp kích thích hormon tăng trưởng, đây là loại hormon giúp tăng trưởng chiều cao, theo đó việc vận động sẽ giúp tăng trưởng chiều cao, đặc biệt là tối ưu hóa trong giai đoạn trẻ dậy thì.

Đó là một trong những thông tin có thể áp dụng trong vấn đề tối ưu hóa chiều cao, tuy nhiên, về mặt bằng chứng khoa học của vận động, điều này chưa rõ ràng.

8. Bổ sung vitamin D đúng, đủ theo liều khuyến cáo

Hiện nay, nhiều cha mẹ đang lạm dụng vitamin D cho trẻ, vậy nên bổ sung vitamin D liều lượng như thế nào và cần lưu ý những gì, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Về vấn đề bổ sung vitamin D thường quy, theo sách vở và y khoa, cần bổ sung bắt buộc đối với trẻ dưới 12 tháng, còn sau 12 tháng tuổi, việc này không còn bắt buộc, tùy thuộc vào từng trẻ. Ví dụ, những trẻ hay vui chơi ngoài trời, sẽ có vitamin D nhờ tiếp xúc ánh nắng mặt trời so với một bạn ở trong nhà, tuy nhiên, chưa có chứng minh nào cho thấy phải tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong thời gian bao lâu sẽ đủ vitamin D.

Do đó, việc bổ sung vitamin D bằng thực phẩm chức năng sau 1 tuổi, có thể sử dụng theo liều khuyến cáo như sau:

  • Trẻ dưới 5 tuổi, bổ sung 400 đơn vị/ngày;
  • Trẻ dưới 3-4 tuổi, bổ sung khoảng 400 đơn vị/ngày;
  • Trẻ 3-4 tuổi trở lên, cần bổ sung 800 đơn vị/ngày.

Việc bổ sung vitamin D bằng thực phẩm chức năng sẽ giúp bổ sung vitamin D cần thiết mỗi ngày và không bị ngộ độc vitamin D.

9. Chẩn đoán điều trị vấn đề dậy thì sớm để không ảnh hưởng phát triển chiều cao

Nếu trẻ dậy thì quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao so với những bạn đồng trang lứa, vậy đối với những bạn dậy thì sớm, chiều cao thấp hơn thì còn cách nào để phát triển chiều cao trong giai đoạn này không, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đối với trường hợp dậy thì sớm, đó là nguyên nhân khiến trẻ không thể đạt được chiều cao thực tế có thể đạt được nếu dậy thì bình thường, như vậy, sẽ bị lùn hơn so với các bạn đồng trang lứa.

Để hạn chế việc dậy thì sớm, ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, việc cần làm là được chẩn đoán và điều trị sớm. Ví dụ, đối với trẻ gái, một bạn dậy thì sớm, bước qua giai đoạn có kinh, việc phát triển chiều cao sẽ dừng lại do xương đã bị đóng, không còn sụn tăng trưởng, lúc này, không còn cách nào để giúp con tăng trưởng chiều cao.

Để hạn chế vấn đề lùn, chậm tăng trưởng do dậy thì sớm, cần nhìn ra được và phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm, giúp phòng ngừa vấn đề này. Còn nếu để xảy ra, đặc biệt là giai đoạn sau của dậy thì, sẽ không thể can thiệp.

>>> Xin mời xem thêm: Sau tuổi dậy thì, chiều cao có tăng lên được nữa hay không?

10. Chọn môn thể thao yêu thích, phù hợp để vận động thường xuyên

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, nên cho con tập những bộ môn thể thao nào để tối ưu phát triển chiều cao, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nói về bộ môn thể thao giúp phát triển chiều cao. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, hãy chọn cho bạn một môn thể thao yêu thích để có vận động thường xuyên, liên tục và kéo dài.

Việc vận động thể lực thường xuyên sẽ giúp kích thích hormon tăng trưởng, hi vọng, đó là giải pháp giúp tối ưu chiều cao. Còn vấn đề lựa chọn môn thể thao, nên chọn bộ môn phù hợp với thể lực và sở thích để có vận động thường xuyên.

11. Không thể can thiệp nội khoa khi đến giai đoạn chiều cao ngừng phát triển

Trẻ đến độ tuổi nào sẽ ngừng hẳn việc phát triển chiều cao, nếu đã ngừng hẳn mà chiều cao của trẻ chưa đạt được như các bạn đồng trang lứa, liệu còn cách nào giúp các bạn phát triển thêm không, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đối với con trai, chiều cao có thể tăng đến 18 tuổi, còn với con gái, chiều cao sẽ ngừng tăng khi 15 tuổi. Khi ngừng phát triển chiều cao, đầu xương đóng lại, sụn không thể phát triển nên không thể can thiệp về mặt nội khoa nói chung, bao gồm uống thuốc hoặc dinh dưỡng.

Một số trường hợp có thể thực hiện phẫu thuật như kéo dài xương, điều này đã có trên thực tế, một bạn youtuber ở Mỹ đã thực hiện điều này, do đó, chỉ có thể can thiệp bằng phẫu thuật. Còn đối với can thiệp nội khoa như thuốc, dinh dưỡng, khi đầu xương đã đóng, không còn cách nào để can thiệp, hoặc có thể mang giày độn để có cảm giác cao hơn, cải thiện sự tự tin.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X