Sau tuổi dậy thì, chiều cao có tăng lên được nữa hay không?
Qua tuổi dậy thì có thể tăng chiều cao được hay không? Phải làm gì để tăng chiều cao sau tuổi dậy thì? Là những câu hỏi rất nhiều bạn đọc đặt ra cho AloBacsi. Trong bài viết dưới dây, ThS.BS Calvin Q Trịnh - Trưởng đơn vị Trung tâm Hiệu chỉnh xương khớp - Y học Thể thao Bệnh viện 1A sẽ giải đáp những thắc mắc trên cho bạn đọc.
1. Dấu hiệu nhận biết độ tuổi dậy thì ở trẻ là gì?
Nhờ BS nhắc lại: độ tuổi dậy thì của trẻ nam và nữ là bao nhiêu? Dấu hiệu nhận biết trẻ dậy thì là gì ạ?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Thông thường, ở bé gái dậy thì trong giai đoạn từ 9 - 13 tuổi, bé trai phát triển chậm hơn từ 1 - 2 năm. Vào khoảng 10 - 11 hoặc 14 - 15 tuổi, là những giai đoạn dậy thì của đa số các bé gái và bé trai.
Bản thân mỗi người rất ít khi ý thức được thời điểm dậy thì của mình vào lứa tuổi nào. Thông thường các dấu hiệu dậy thì được cha mẹ, ông bà, người thân nhận biết khi trẻ bắt đầu có những thay đổi về giọng nói, hình thể hoặc phát triển chiều cao, ngực to, thậm chí mọc râu…
Thay đổi về mặt cơ quan sinh dục, mọc lông, cơ quan sinh dục phát triển lên, ở bé gái sẽ xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên, ở bé trai có lần xuất tinh đầu tiên, là những dấu hiệu nhận biết giai đoạn dậy thì ở trẻ bắt đầu.
2. Làm sao để nhận biết giai đoạn kết thúc dậy thì ở trẻ?
Có một số trẻ dậy thì sớm hay muộn, không theo độ tuổi trung bình, vậy làm sao để phụ huynh nhận biết con của mình sắp kết thúc giai đoạn dậy thì?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Sau khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu của giai đoạn dậy thì, quá trình phát triển, đặc biệt ở cơ xương khớp sẽ bị giới hạn trong vòng 2 - 3 năm sau đó. Nghĩa là trong giai đoạn dậy thì (từ 1 - 2 năm) sự phát chiều cao tăng vọt và nhận thấy rất rõ rệt (có thể tăng mười mấy cm trong một năm), nhưng sau 2 - 3 năm xương sẽ bắt đầu cốt hoá.
Lúc này, sự tăng trưởng chiều cao sẽ bắt đầu phát triển chậm lại, thay vì trước đó có thể tăng đến mười mấy centimet (cm) trong một năm. Nhưng sau giai đoạn dậy thì có thể nhiều năm chiều cao mới có thể tăng được một vài centimet. Đây là quá trình phát triển cơ xương khớp trong giai đoạn dậy thì.
3. Qua giai đoạn dậy thì, trẻ còn phát triển chiều cao được nữa không?
Sau khi qua giai đoạn dậy thì, tốc độ tăng chiều cao của nam và nữ như thế nào, và đến khi nào thì ngừng cao, thưa BS?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Sau giai đoạn dậy thì từ 3 - 5 năm, cơ thể sẽ phát triển như một người trưởng thành, khi đó chiều cao sẽ dừng lại. Vào khoảng 18 tuổi, tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ dừng lại, nhưng nhiều tài liệu lại cho thấy ở độ tuổi 20 - 22 hoặc 24 tuổi chiều cao mới ngừng phát triển hoàn toàn.
Mặc dù ngừng phát triển hoàn toàn, nhưng chiều cao sau giai đoạn dậy thì 2 - 3 năm, sự tăng trưởng sẽ rất ít và thậm chí sau giai đoạn trưởng thành (18 tuổi) đôi khi chiều cao thay đổi, được tính bằng milimet (mm)/1 năm và không đáng kể.
4. Làm cách nào để đánh giá chính xác tăng trưởng chiều cao ở trẻ?
Có xét nghiệm nào để đánh giá chính xác việc trẻ có còn cao lên được nữa không ạ?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Thông thường, để đánh giá chính xác vấn đề tăng trưởng chiều cao ở trẻ trong giai đoạn dậy thì, sẽ dựa vào xét nghiệm hormone tăng trưởng. Một số trường hợp, có hormone tăng trưởng nhưng đôi khi các cơ quan khác không đáp ứng. Tuy nhiên, khi thực hiện xét nghiệm, ba mẹ có quyền hy vọng, khi trẻ đáp ứng dưới tác động của hormone tăng trưởng, có thể phát triển thêm về chiều cao.
5. Cần làm gì để trẻ có thể phát triển thêm chiều cao trước khi ngừng hẳn?
Điều mà phụ huynh lo lắng khi trẻ qua tuổi dậy thì đó là chiều cao không như mong muốn, và làm sao để “chạy nước rút” giúp trẻ cao thêm trước khi ngừng hẳn. Vậy những điều cần làm lúc này là gì, thưa BS?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Xin đề cập đến một trường hợp là tình trạng dậy thì sớm. Ở bé gái, bắt đầu giai đoạn dậy thì từ 9 - 13 tuổi, đôi khi từ 7 - 8 tuổi sẽ bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt. Khi dậy thì sớm, quá trình tăng trưởng xương sẽ kết thúc sớm, vì vậy các bé gái 7 - 8 tuổi sẽ thấy bé cao lớn vượt lên, nhưng về sau sẽ không tăng trưởng chiều cao thêm nhiều và được tính bằng milimet.
Do đó, việc dậy thì sớm là không tốt và dậy thì quá muộn cũng là một vấn đề cần chú ý theo dõi ở trẻ. Nghĩa là sau 14 - 15 tuổi, trẻ vẫn chưa dậy thì, tay, chân nhỏ và chiều cao còn thấp so với bạn bè cùng trang lứa, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay. Không nên để trẻ đến độ tuổi 17 - 18 tuổi mới đưa đi thăm khám, là thời điểm khá muộn để có thể điều trị.
Quá trình phát triển chiều cao của một đứa trẻ giống như “xây một ngôi nhà”, cần phải xây từ móng và dần dần xây lên cao, không thể như chạy marathon 3km trong vòng 30 phút, không có cách nào giúp tăng tốc trong vài phút cuối. Chiều cao trong độ tuổi 17 - 18 ở 1m4 - 1m5 tăng lên 1m7 - 1m8 là một điều khó xảy ra. Ngoại trừ trường hợp can thiệp bằng phẫu thuật kéo chân.
6. Làm thế nào để tăng chiều cao lên thêm từ 3 - 5cm?
Để tăng chiều cao từ 1m4 - 1m5 lên 1m7 - 1m8 là một điều không thể, nhưng đạt ngưỡng chiều cao của một cá thể ở từng trẻ, ví dụ từ 1m4 muốn lên thêm khoảng từ 3 - 5cm, liệu có cách nào không thưa BS?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Để tăng chiều cao từ 3 - 5cm sẽ có nhiều cách. Đầu tiên, không cần can thiệp vào bất kỳ vấn đề nào khác, chỉ cần chỉnh về hình thể. Đôi khi ở trẻ gặp tình trạng gù hoặc gù nặng, hay có chân hình vòng kiềng. Khi tiếp nhận điều chỉnh về hình thể, trẻ có thể tăng chiều cao lên thêm từ 3cm.
Hoặc trong giai đoạn đã trưởng thành, mong muốn cao thêm 10cm, vẫn có một phương pháp cuối cùng là phẫu thuật kéo dài chân. Khi thực hiện phương pháp kéo dài chân, phụ huynh nên lưu ý là tỉ lệ giữa thân và chân của trẻ đã đều nhau hay chưa, khi thực hiện phẫu thuật chỉ có thể kéo được phần xương chày ở chân.
Có những người tỉ lệ thân và chân đã mất cân đối sẵn, nghĩa là có phần thân ngắn và chân dài. Khi thực hiện kéo dài thêm phần chân có thể chiều cao sẽ tăng lên nhưng trẻ vẫn sẽ không tự tin do khi diện bikini hoặc các loại đồ thể thao, vẫn cho thấy sự mất cân đối trong hình thể.
Trong trường hợp mất cân đối xảy ra, không nên cố tình làm cho tình trạng cơ thể mất cân đối thêm. Không nên thực hiện phẫu thuật kéo dài chân trong trường hợp này. Có thể tìm một phương pháp khác như hiệu chỉnh hình thể hoặc làm cho cơ thể thon gọn trở lại. Hoặc nếu bệnh nhân có gù, có chân dạng vòng kiền nên hiệu chỉnh lại cho cơ thể trở về hình bình thường và đẹp hơn, trẻ vẫn có thể đạt được một chiều cao tăng lên một vài centimet.
7. Loại thực phẩm chức năng nào phù hợp giúp tăng chiều cao sau tuổi dậy thì?
Mới đây, AloBacsi nhận câu hỏi của bạn Thảo Ngụy: “Bác sĩ ơi cho em hỏi con trai em năm nay học lớp 11 mà cao chỉ 1m60, bé nó học nội trú ở trong trường không có điều kiện tập thể dục để mà phát triển thêm chiều cao.
Em muốn bác sĩ tư vấn có loại thuốc nào giúp cháu nó cao lên thật hiệu quả mà không ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá vì cháu nó bị viêm dạ dày nhẹ ạ, vì trên thị trường nhiều loại quá em không biết chọn loại nào? Em cảm ơn bác sĩ”. Xin nhờ BS Calvin giải đáp.
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Các yếu tố quyết định tăng trưởng chiều cao ở một đứa trẻ gồm có di truyền, dinh dưỡng và lối sống. Ở một trẻ đã 17 tuổi, không thể thay đổi được yếu tố di truyền. Khi học tập trong trường, có những bữa ăn đầy đủ cho trẻ nhưng không thể đảm bảo bữa ăn có đầy đủ dưỡng chất hoàn toàn để trẻ có thể phát triển trí tuệ cũng như chiều cao một cách đầy đủ như ở nhà.
Về vận động có thể gặp khó khăn và rất khó trong việc tăng trưởng chiều cao. Những loại thuốc bán ở các nhà thuốc đa phần là các loại Canxi và Vitamin D3, những loại thuốc này có tác dụng làm xương chắc khoẻ, không giúp tăng trưởng chiều cao. Khi phụ huynh muốn tăng trưởng chiều cao phải bổ sung thêm các hormone tăng trưởng.
Nếu muốn uống hoặc tiêm các loại hormone tăng trưởng cần phải đi xét nghiệm và thăm khám tại các chuyên khoa để các bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra quyết định. Để trả lời câu hỏi trên của bạn đọc, tốt nhất là tăng cường dưỡng chất và tăng cường vận động, là cách duy nhất giúp trẻ tăng chiều cao hiệu quả. Gần như không có loại thuốc nào giúp chiều cao có thể tăng lên một cách nhanh chóng.
8. Môn thể thao nào phù hợp cho trẻ tập luyện trong giai đoạn dậy thì?
Trong giai đoạn này, môn thể thao nào là phù hợp để trẻ luyện tập?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Nhiều bậc phụ huynh đặt ra câu hỏi, khi gần hết giai đoạn dậy thì làm sao để tăng trưởng chiều cao? Có cách nào để bù lại? Để trẻ có được sự tăng trưởng chiều cao tốt phải bắt đầu từ trong giai đoạn mang thai, trong hai năm đầu tiên và trong giai đoạn dậy thì. Là hai giai đoạn quan trong nhất giúp tăng trưởng cao. Không nên để hết giai đoạn dậy thì mới tìm cách tăng trưởng chiều cao là đã quá muộn.
Khi phụ huynh mong muốncon mình đạt ngưỡng chiều cao quá lớn trong một thời gian ngắn, ép trẻ ăn và vận động, tập luyện thể thao quá mức, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trẻ.
Có hai loại hình thể thao phụ huynh nên tập trung cho trẻ tập luyện trong giai đoạn dậy thì. Đầu tiên là các môn kích thích sự phát triển của sụn tăng trưởng như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, điền kinh… Thứ hai là phụ huynh nên cho trẻ kết hợp luyện tập các môn có tính chất kéo dãn gân, cốt, vươn mình lên để kích thích hormone tăng trưởng như bơi lội, xà đơn, thể dục dụng cụ… Nên phối hợp hai loại hình thể thao có tính chất khác nhau, kết hợp sẽ giúp cho sự phát triển của trẻ tốt hơn khi chỉ tập chung luyện tập vào một môn nhất định.
9. Tập luyện thể thao như thế nào là phù hợp?
Thời gian tập luyện mỗi ngày bao lâu, vào buổi nào là phù hợp, thưa BS?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Về thời gian, nên cho trẻ tập luyện trong vòng 30 - 45 phút là phù hợp nhất. Trong giai đoạn này, không nên tập luyện quá sức. Ở một số vận động viên chuyên nghiệp, khi dành quá nhiều thời gian để tập luyện sẽ có tác dụng ngược. Nghĩa là chiều cao sẽ không phát triển và cơ thể sẽ chỉ tập trung phát triển vào các hệ cơ, không phát triển ở hệ xương.
10. Làm thế nào để nhận biết trẻ luyện tập thể thao quá sức?
Có cách nào để nhận biết trẻ đang tập luyện quá sức không ạ?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Việc tập luyện quá mức ở trẻ rất dễ nhận biết. Chẳng hạn, các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, uể oải, cảm thấy người kiệt sức, ăn uống không được và không còn hứng thú với môn thể thao đang luyện tập. Dấu hiệu nguy cấp hơn là ngất xĩu, truỵ tim mạch, là những biểu hiện của tình trạng luyện tập thể thao quá mức.
Không nên chỉ thấy lợi ích của việc vận động thể thao, đồng thời phải nhận thấy được tác hại của việc luyện tập quá mức. Nên điều chỉnh thời gian trong vòng 30 - 45 phút với một đứa trẻ là đủ thời gian tăng cường sức khoẻ và phát triển cơ thể.
11. Hiệu chỉnh cơ xương khớp có giúp trẻ tăng chiều cao?
Xin BS cho biết thêm, hiệu chỉnh cơ xương khớp có cần thiết cho trẻ muốn tăng chiều cao một cách gấp rút khi sắp qua tuổi dậy thì?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Hiệu chỉnh cơ xương khớp không giúp trẻ tăng trưởng chiều cao, chỉ giúp cân chỉnh hình thể của trẻ. Khi trẻ phát triển nhanh sẽ gây ra tình trạng mất cân đối về hình thể hoặc về cơ, gây ra các triệu chứng gù, vẹo, lệch vai hay chân có dạng vòng kiềng…
Hiệu chỉnh cơ xương khớp sẽ giúp hình thể của trẻ trở về hình dạng hoàn thiện, toàn mỹ, phương pháp này hoàn toàn không có tác dụng trong việc phát triển chiều cao. Trong trường hợp trẻ bị gù và chân vòng kiềng, hiệu chỉnh cơ xương khớp sẽ giúp trẻ tăng chiều cao thêm vài centimet từ việc chỉnh dáng, chỉnh hình thể đúng cho trẻ.
12. Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ tăng thêm chiều cao khi qua tuổi dậy thì như thế nào?
Phụ huynh nên cho con mình bổ sung thêm những dưỡng chất như thế nào để tăng trưởng chiều cao khi qua tuổi dậy thì, thưa BS?
ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Nên bổ sung những dưỡng chất cho trẻ theo lời khuyên của các bác sĩ dinh dưỡng như đường, đạm… đầy đủ các thành phần dinh dưỡng trong một bữa ăn. Ngoài ra, một yếu tố cần phải được bổ sung trong mỗi bữa ăn là Canxi và D3 để giúp xương chắc khỏe. Đôi khi, Canxi và D3 trong bữa ăn không cung cấp đủ cho cơ thể nên cần bổ sung thêm.
Đặc biệt các sản phẩm và chế phẩm từ sữa, nhà sản xuất luôn bổ sung Canxi và Vitamin D3 trong thành phần sữa. Vì vậy, trẻ nên dùng thêm các sản phẩm và chế phẩm có chiết xuất từ sữa.
Xem lại chương trình
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình