Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ táo bón, chậm đi cầu: Ăn gì, uống thuốc nào để nhanh khỏi?

Trẻ sơ sinh bị táo bón, chậm đi cầu không phải là tình trạng hiếm gặp, nhưng thường gây ra tâm trạng lo lắng, sợ hãi cho nhiều phụ huynh nhất là những người lần đầu nuôi con nhỏ. Trong bài viết dưới đây BS Trương Hữu Khanh sẽ giải đáp các thắc mắc về vấn đề này.

1. Trẻ đi ngoài như thế nào là bình thường và thế nào là táo bón?

Phụ huynh thấy con mình chậm đi cầu thì rất lo. Nhưng xin hỏi BS, trẻ đi ngoài như thế nào là bình thường và đi như thế nào thì được xem là táo bón ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chậm đi cầu phải phân biệt do sinh lý hay táo bón. Một em bé dưới 6 tháng chỉ bú sữa thì khoảng 5 - 10 ngày mới đi cầu, trường hợp này là sinh lý. Trẻ lớn chậm đi cầu, phân cứng như phân dê sẽ gọi là táo bón.

2. Trẻ dưới 6 tháng tuổi, 5 - 10 ngày mới đi cầu có bất thường không?

Một số trẻ dưới 6 tháng tuổi, có khi 5-6 ngày, thậm chí có trường hợp trên 10 ngày mới đi cầu. Như vậy có bất thường không thưa BS? Tần suất đi ngoài, tính chất phân như thế nào, đặc biệt là ở trẻ dưới 6 tháng tuổi mới nên lo lắng ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Em bé dưới 6 tháng, đặc biệt là những bé bú sữa mẹ hay sữa ngoài (sữa công thức) thì số lần đi ngoài trong ngày không quan trọng bằng tính chất phân.

Nếu bé vẫn chơi, vẫn bú và tăng cân bình thường thì phụ huynh không cần quan tâm một ngày bé đi cầu bao nhiêu lần, chỉ cần đi phân sạch là được.

3. Nguyên nhân dẫn đến trẻ chậm đi cầu, táo bón là gì?

Những nguyên nhân nào khiến trẻ chậm đi cầu, táo bón, thưa BS? Nguyên nhân và yếu tố gây ra tình trạng này liệu có khác nhau giữa các độ tuổi?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sẽ có sự khác nhau theo độ tuổi. Cần phân biệt rõ các trường hợp để có thể điều chỉnh cho trẻ.

- Trẻ bú sữa mẹ chậm đi cầu là bình thường, do sinh lý của trẻ.

- Bé uống sữa công thức nhưng pha sữa hơi đặc, chắc chắn bé sẽ chậm đi cầu.

- Bé đã ăn dặm mà chậm đi cầu, phân cứng ban đầu là do ba mẹ cho trẻ ăn quá đặc.

- Nếu trẻ lớn hơn thì nguyên nhân có thể do trẻ bị thiếu nước, không đủ rau, không đủ chất xơ hoặc táo bón do đường ruột không hoàn hảo.

4. Trẻ chậm đi cầu sinh lý, phụ huynh nên làm gì?

Với trường hợp không phải táo bón, chỉ là chậm đi cầu sinh lý, cha mẹ nên làm gì để con dễ đi ngoài hơn ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu chậm đi cầu sinh lý thì cần điều chỉnh các vấn đề:

- Cho trẻ ăn đúng theo lứa tuổi, nếu dưới 6 tháng chỉ cần bú sữa.

- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm sẽ cho ăn mức độ từ loãng sang đặc.

- Ăn đúng công thức, không ăn quá nhiều. Nếu cho ăn quá nhiều trẻ cũng sẽ chậm đi cầu.

- Ăn đủ 4 nhóm chất tinh bột, đạm, dầu, chất xơ.

- Uống đủ nước.

5. Cách massage bụng để trẻ dễ đi ngoài?

Nhiều người thực hiện massage bụng cho trẻ dễ đi ngoài, nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Nhờ BS hướng dẫn cách massage bụng cho trẻ trong trường hợp này ạ!

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu em bé chậm đi cầu có thể massage bụng. Khi massage sẽ xoay vòng từ hướng tay phải qua bên tay trái của trẻ. Việc xoa như vậy sẽ giúp trẻ dễ đi ngoài. Tuy nhiên vấn đề này không quan trọng bằng việc trẻ vẫn chơi bình thường và lần đi cầu cuối cùng là phân sệt.

6. Trẻ uống sữa công thức bị táo bón hoặc chậm đi ngoài, cần làm gì?

Một số trẻ chuyển sang ăn sữa ngoài, sau đó bị táo bón hoặc chậm đi ngoài khiến các bậc phụ huynh lo lắng và đổi ngay sang sữa khác. Theo BS, điều này có nên không? Nên làm gì để giảm thiểu nguy cơ chậm đi ngoài khi bắt đầu uống sữa công thức ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi sử dụng sữa công thức có thể trẻ sẽ chậm đi cầu hơn. Tuy nhiên yếu tố chính là trẻ đi cầu phân sệt, vài ngày sau mới đi.

Chú ý cách pha sữa, xem sữa pha có đặc quá không. Thông thường khi pha sẽ xới sữa lên, sau đó múc và gạt ngang, không nên nén chặt sữa. Vì khi nén chặt đậm độ sữa sẽ cao hơn và khi pha đặc trẻ sẽ chậm đi cầu. Không nên vội đổi sữa khác sẽ gây lãng phí. Nên bình tĩnh, thay đổi cách pha sữa và chỉ đổi khi thực sự cần thiết.

7. Các khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ?

Vậy còn với những trẻ bị táo bón, cha mẹ nên làm gì trong trường hợp này để con dễ đi ngoài hơn ạ? Nên tăng cường ăn những thực phẩm nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi trẻ lớn, đã ăn tạp mà chậm đi cầu là đang không bình thường. Vì vậy cần chú ý:

- Cho trẻ uống đủ lượng nước trong ngày.

- Tập ăn sữa chua.

- Ăn đủ chất xơ (rau): Một số trẻ không thích ăn rau, phụ huynh nên tập cho trẻ ăn những loại rau có độ nhớt như đậu bắp, mồng tơi sẽ dễ ăn hơn.

- Trường hợp trẻ ăn uống phù hợp nhưng không thể đi cầu thì phải uống thuốc để phân mềm.

8. Trường hợp nào cần uống thuốc làm mềm phân?

Trẻ bị táo bón, trường hợp nào phải cho uống thuốc làm mềm phân? Đâu là thuốc làm mềm phân không cần kê đơn mà trẻ có thể sử dụng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thuốc làm mềm phân là thuốc làm tăng độ thải phân, không hấp thu vào cơ thể mà làm phân mềm giúp thải ra dễ hơn. Trên thị trường có 2 loại là duphalac và sorbitol. Hoặc một số loại tương đương có thể sử dụng được mà không cần kê toa.

Tuy nhiên nếu sử dụng không hiệu quả thì nên đi khám để bác sĩ điều chỉnh liều lượng phù hợp. Đặc biệt khi sử dụng những loại thuốc này không nên ngừng đột ngột, phải giảm liều dần dần để cơ thể trẻ thích nghi.

9. Trẻ uống thuốc làm mềm phân cần lưu ý những gì?

Trẻ uống thuốc làm mềm phân cần lưu ý những gì? Liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng ra sao?

- Ngay khi trẻ đi cầu thì ngưng thuốc làm mềm phân hay sao thưa BS? Thuốc này dùng lâu dài có hại gì cho trẻ không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thuốc làm mềm phân có thể sẽ uống rất lâu. Cho đến khi trẻ lớn thay đổi cấu trúc nhưng lâu lâu vẫn sẽ lặp lại tình trạng này.

Song song với uống thuốc thì chế độ ăn phải đạt yêu cầu. Nếu ngưng thuốc đột ngột sẽ không hiệu quả. Trẻ táo bón cần uống thuốc làm mềm phân phải sử dụng thuốc một cách khéo léo.

Thuốc làm mềm phân khi uống nhiều sẽ không có hại vì chỉ tác dụng lên ruột. Liều lượng dùng không cố định, tùy thuộc vào từng trẻ. Nếu khi uống trẻ đi phân quá lỏng thì có thể ngưng 1, 2 ngày sau đó sử dụng lại. Khi phân bắt đầu lỏng thì giảm liều và uống cách ngày.

10. Trẻ bị táo bón, khi nào cần đi khám và cách phòng ngừa tình trạng này?

Trẻ bị táo bón, khi nào cần phải đi khám, thưa BS? Phòng ngừa táo bón ở trẻ như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ táo bón và đã sử dụng thuốc làm mềm phân nhưng vẫn tái đi tái lại không hết thì phải đi khám. Để bác sĩ xem có cần chụp hình khung đại tràng của trẻ hay không và quyết định đổi thuốc, đổi mức độ sử dụng. Một số trẻ táo bón rất khó điều trị, tuy nhiên có những trẻ chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn.

Táo bón không có cách phòng ngừa. Chỉ lưu ý chế độ ăn đủ chất xơ, đủ nước, tập ăn những loại sữa chua. Phụ huynh nên tập cho bé thói quen đi cầu sau khi ăn sáng hoặc ăn tối. Trẻ nhỏ thường ham chơi hoặc khi đi học trẻ sợ nhà vệ sinh ở trường nên nhịn không đi cầu. Dẫn đến đại tràng ứ phân lâu ngày gây táo bón.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X