Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ em bị nhiễm vi trùng HP, có nên điều trị hay không?

Khi xét nghiệm cho kết quả con, em mình dương tính với vi trùng HP, các bậc phụ huynh đứng trước lựa chọn có nên điều trị HP cho trẻ? Mời quý bạn đọc AloBacsi lắng nghe ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giải đáp vấn đề này.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Tình trạng nhiễm HP ở trẻ em hiện nay

Thưa BS, theo quan sát của BS, tình trạng nhiễm HP ở trẻ em có nhiều hay không? Trẻ thường được phát hiện nhiễm HP trong tình huống nào?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Việt Nam là một trong các nước đang phát triển, tỷ lệ nhiễm HP ở trẻ em khá cao, có thể lên đến 50-60%. Trẻ em Việt Nam phát hiện nhiễm HP đa số trong tình huống người nhà, ba mẹ bị đau bao tử và biết có nhiễm vi trùng nên đưa con đi kiểm tra. Thứ hai, trẻ hay bị đau bụng, ăn không được nên đi khám, được xét nghiệm thì phát hiện vi trùng HP.

ALOBACSI ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu PhươngThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng khoa Nội soi - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Nguyên nhân lây nhiễm vi trùng HP ở trẻ em là gì?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Trước đây, người ta cho rằng HP là “hung thần, ác quỷ”. Những nghiên cứu gần đây cho thấy ở các nước đang phát triển như Việt Nam, châu Phi… vi trùng HP sống ở môi trường bên ngoài rất nhiều.

Khi ở môi trường không thuận lợi nó sẽ thu mình lại, cuộn tròn như gấu ngủ đông, đợi đến lúc chúng ta ăn ngủ tiếp xúc với số lượng lớn và nó vào trong bao tử - một môi trường thuận lợi để phát triển thì sẽ tỉnh giấc hoạt động, “xây tổ uyên ương” và gây bệnh.

Nguồn lây nhiễm HP chủ yếu từ người. Nó không sống trong các loài động vật khác như heo, chó, gà… mà con người mới là nguồn chứa chấp bệnh và lây lan ra ngoài.

Vi trùng HP có trong nước bẩn, nếu chúng ta ăn uống không hợp vệ sinh, không rửa tay trươc khi ăn, không ăn chín uống sôi… thì có thể bị lây nhiễm.

Ngoài ra, HP còn lây qua nhiều con đường khác nhau. Văn hóa của chúng ta khác với phương Tây, trong gia đình ăn cơm thường có thói quen gắp thức ăn cho nhau, dùng đũa muỗng riêng gắp đồ ăn chung… Chính những yếu tố này là nguồn lây HP.

Bên cạnh đó, người lớn khi chăm con nhỏ, trong khi các nước phương Tây chuẩn bị sẵn món ăn và trẻ sẽ tự xúc, còn ở Việt Nam vẫn còn một số nơi mớm cơm cho trẻ ăn. Như vậy, nếu người lớn bị nhiễm HP nhai cơm cho trẻ, chính dịch ợ của chúng ta sẽ mang theo vi khuẩn từ dưới bao tử lên và vô tình đưa HP sang cho trẻ.

Hay các cặp đôi đang yêu nhau, vợ chồng tình cảm không thể thiếu sự lãng mạn như hôn, đút thức ăn cho nhau đều là những nguồn có thể lây HP nếu những người đó mang vi khuẩn này. Mặc dù nước miếng, vôi răng không chứa HP nhưng chúng ta không thể chắc chắn rằng trong quá trình sinh hoạt hoặc trước đó không ợ, điều này sẽ tạo cơ hội lây nhiễm HP cho đối phương.

Dấu hiệu nào nghi ngờ trẻ bị nhiễm HP?

Trường hợp trẻ chưa làm xét nghiệm, có dấu hiệu nào nghi ngờ trẻ bị nhiễm HP?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con hay bị đau bụng nên đưa đi khám, xét nghiệm phát hiện HP thì muốn điều trị. Nhưng trẻ bị đau bụng do rất nhiều nguyên nhân. Y học đã chứng minh, Hiệp hội Bác sĩ chuyên khoa Nhi của châu Âu, Hoa Kỳ cũng nghiên cứu và thấy rằng việc nhiễm vi trùng HP nếu chỉ gây viêm, không gây lở loét bao tử thì hoàn toàn không gây đau đớn.

Như vậy, cho dù chúng ta “tiêu diệt” hết các HP trong bao tử thì em bé vẫn đau bụng bình thường. Hay nói cách khác, vi trùng HP dù có “xây tổ uyên ương” nhưng nếu không gây loét thì hoàn toàn không gây đau cho trẻ. Vấn đề đau độc lập với việc nhiễm HP.

Nói tóm lại, không có dấu hiệu nào để nghi ngờ trẻ bị nhiễm HP, song khi trẻ hay đau bụng, rối loạn tiêu hóa đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi nếu có một số dấu hiệu đặc biệt như hay đau về đêm, sụt cân, thiếu máu hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác thì sẽ được chỉ định làm nội soi dạ dày, tìm HP, nếu phát hiện HP và loét dạ dày thì lúc đó mới điều trị.

Hiệp hội Bác sĩ chuyên khoa Nhi của 2 nơi phát triển về Y học bậc nhất là châu Âu, Hoa Kỳ đã nghiên cứu, tìm thấy nhiều bằng chứng và thống nhất, vi trùng HP khi chưa gây lở loét dạ dày thì hoàn toàn lành tính, không gây đau đớn. Xin lưu ý, trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em và kể cả ở người lớn không phải do HP gây ra. Vì vậy, trẻ hay ói, không lên cân hay trào ngược, thậm chí là tình trạng đau ở trẻ (ở người lớn có gây đau) không phải do HP.

Trẻ em có nên tầm soát HP hay không?

Theo BS, những trẻ nào có khuyến cáo xét nghiệm tầm soát HP?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Trên thế giới hoàn toàn không có chỉ định nào là trẻ em phải tầm soát nhiễm HP. Bởi vì người thân ở Việt Nam quá lo lắng, thấy mình bị nhiễm HP nên sợ lây bệnh cho con cháu nên đưa đi khám, xét nghiệm mặc dù không có triệu chứng, kể cả khi có dấu hiệu trào ngược, chậm lớn cũng “đổ thừa” cho HP và đưa con đi tầm soát.

Rất nhiều trường hợp phụ huynh đưa con đi khám và không hài lòng với bác sĩ Nhi vì không cho con thử HP và khi soi chỉ viêm không loét mà không điều trị. Thực tế, bác sĩ đã làm đúng, có những trường hợp không cần điều trị vì HP sống ở trong dạ dày em bé mà không gây loét bao tử, không gây đau.

Xét nghiệm tìm HP ở trẻ em gồm những phương pháp nào?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Một vấn đề thường gặp đó là cha mẹ thường yêu cầu làm xét nghiệm máu, nhưng đối với vi trùng HP nó có thể dẫn đến chẩn đoán sai.

Thực tế, xét nghiệm máu để tìm kháng thể. Nói đơn giản hơn, khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn HP, trong máu có thể tiết ra một số chất để đánh dấu HP đã từng “xâm nhập” nhưng giờ vi khuẩn này không còn tồn tại trong cơ thể.

Nôm na có thể hiểu như thế này, giống như trong nhà chúng ta xuất hiện dấu chân con chuột hay con mèo, đó có thể là 2 con vật được nuôi trong nhà nhưng cũng có thể do nó đi ngang qua nhà mà thôi.

Dấu chân của chuột hay của mèo nếu ở trong nhà chúng ta thì chỉ cần cọ rửa là hết nhưng trong cơ thể không làm được điều này. Vi khuẩn HP giống như vết chân con mèo, chuột đã “xăm mình” lên dạ dày khiến nhiều người lo lắng khi thử máu vẫn thấy vi khuẩn tồn tại, nhưng sự thật là không còn nữa.

Ngược lại, có người cũng hoảng sợ vì đã nhiễm HP nhưng giờ xét nghiệm lại không có dấu vết gì, điều này có thể hiểu như con mèo khi đang ngang qua nhà nhưng vì quá kín kẽ khiến chúng ta không nhận ra. Vì vậy, xét nghiệm máu chỉ có ý nghĩa tầm soát để biết sơ bộ trong vùng này có bao nhiêu “vết chân mèo, chuột”, không có ý nghĩa chẩn đoán.

Để biết chắc chắn vi khuẩn HP đang hoạt động trong dạ dày ở cả người lớn lẫn trẻ em có 3 cách. Một là nội soi dạ dày, lấy mẫu để kiểm tra vi trùng HP. Hai là sử dụng test hơi thở, uống thuốc vào sau đó thở ra đẩy hơi trong dạ dày lên để kiểm tra dấu ấn của vi trùng HP. Ba là thử nghiệm phân, tìm hình ảnh đặc hiệu của con vi trùng theo phân đi ngoài.

Trẻ nhiễm HP nhưng không điều trị liệu có dẫn đến ung thư?

Nếu trẻ nhiễm Hp nhưng không điều trị thì có nguy hiểm về sau không? Nguy cơ ung thư có cao không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Đây là vấn đề lo lắng của nhiều người. Trong nghiên cứu thống kê, vi trùng HP nếu không gây loét thì có đến 99,9% là nó không gây ung thư cho trẻ em.

Vì vậy, trên toàn thế giới chưa có chuyên gia Nhi nào khuyến cáo, chỉ định nào cho rằng trẻ em phải tầm soát HP và điều trị khi thấy nó tồn tại.

Tôi nhớ hoài thời điểm đang học năm 3, một người thầy của tôi đã chỉ ra sai lầm của bác sĩ, sinh viên y khoa và nói “Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ”. Đến bây giờ tôi thấy điều này cực kỳ chính xác.

Ngày xưa, thầy thuốc Barry Marshall tìm ra con vi trùng HP gây bệnh dạ dày khi mới 24 tuổi đã trở thành tin tức “chấn động” trong giới y khoa. Sau đó, phát hiện này được trao tặng giải Nobel Y học và Sinh lý học năm 2005.

Ban đầu, người ta thấy rằng HP lây nhiễm trên người lớn nhưng sau này phát hiện nó cũng gây lây nhiễm nhiều ở trẻ em. Điều này khiến nhiều người, ngay cả các nhà khoa học nghĩ rằng ở cả người lớn và trẻ em là như nhau. Nhưng sau này các Hiệp hội chuyên nghiên cứu về nhi của thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ khuyến cáo rằng vi trùng HP xảy ra trên người lớn hoàn toàn khác với trẻ em.

Do đó, xin nhắc lại một lần nữa, ở lứa tuổi nhi đồng (dưới 15 tuổi) 99,9% vi trùng HP không gây ung thư. Nếu điều trị HP chỉ vì để yên tâm con không bị nhiễm vi trùng này hoặc điều trị vì con hay đau, trào ngược, chậm lên cân thì vẫn đề này đã được nghiên cứu, cho dù “tiêu diệt” hết HP thì những triệu chứng này ở trẻ vẫn còn tồn tại.

Chỉ một số trường hợp khi bác sĩ khám, có triệu chứng đau về đêm, thiếu máu, thiếu sắt, thử vi khuẩn có ẩn trong phân… thì lúc đó mới nội soi dạ dày để kiểm tra xác định có vi trùng HP đồng thời nếu bị loét dạ dày mới chỉ định điều trị.

Như vậy, phải theo tham vấn của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt chuyên khoa Nhi, Tiêu hóa, đôi khi bác sĩ phải vẽ biểu đồ, sơ đồ đau, trong 3-5 ngày bé đau thế nào, đau giờ nào, ăn uống ra sao… để dự đoán các tình huống, nếu nghi ngờ loét mới chỉ định nội soi dạ dày. Kết quả sau đó sẽ giúp bác sĩ quyết định điều trị hay không điều trị.

Ánh Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X