Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị ho có đờm: Làm thế nào để giúp con dịu cơn ho, giảm khò khè?

Con bị ho có đờm khiến người luôn mệt mỏi, khó chịu và quấy khóc. Cha mẹ cần làm gì để giúp con làm dịu cơn ho, giảm khò khè và nhanh chóng hồi phục bệnh? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời chính xác.

1. Trẻ ho có đờm, do đâu?

Cuối năm, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, kèm theo nhiều đợt mưa bão kéo dài và ô nhiễm môi trường, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, phổ biến nhất là các vấn đề liên quan đến đường hô hấp, điển hình như tình trạng ho.

Trong đó, ho có đờm là dạng ho thường gặp nhất ở trẻ tại thời điểm này. Đây là hiện tượng mà khi các bé xuất hiện các cơn ho đi kèm với chất dịch nhầy trong cổ họng gây cản trở việc hít - thở của bé.

Ho có đờm ở trẻ là tình trạng xảy ra phổ biến vào lúc giao mùa

Nguyên nhân gây ho thường là cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản khiến trẻ bị ho khan, đôi khi ho có đờm do dịch từ mũi chảy xuống họng. Bên cạnh đó, trẻ ho có đờm còn liên quan đến vấn đề viêm do dị ứng, đặc biệt là hen suyễn. Đây là một trong những bệnh lý thường gia tăng mạnh trong mùa lạnh.

Ho có đờm không chỉ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn mà nó còn gây cản trở quá trình hô hấp của trẻ, nếu không được điều trị kịp thời thì hậu quả sẽ rất đáng tiếc, thậm chí có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

2. Nhìn màu đờm khi ho, mẹ biết ngay khi nào cần đi bệnh viện

Trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp khoảng 4 - 6 lần/năm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến trẻ chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Thường, các trường hợp viêm đường hô hấp trên (như viêm mũi, viêm họng,…) chiếm khoảng 70-80% là do virus, có thể tự khỏi trong vòng 10-14 ngày nếu bé được chăm sóc phù hợp.

Còn 20-30% sẽ diễn tiến nặng hơn trong các trường hợp viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi...), đặc biệt viêm phổi thì nguyên nhân chủ yếu ở các nước đang phát triển như Việt Nam là do các loại vi khuẩn. Trường hợp này trẻ buộc phải được điều trị kháng sinh để tránh biến chứng, thậm chí nguy cơ tử vong. Cho đến nay, viêm phổi vẫn là nguyên nhân hàng đầu khiến nguy hiểm đến tính mạng trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Nếu cơn ho có đờm của trẻ kéo dài liên tục dai dẳng, kèm màu sắc đờm bất thường cha mẹ nên đưa con đi khám ngay

Do đó, trường hợp trẻ ho có đờm bình thường thì không có gì đáng ngại. Nhưng nếu trẻ ho khạc đờm với màu sắc như mủ xanh, vàng, thậm chí màu rỉ sét thì đây là dấu hiệu chứng tỏ nhiều khả năng bé bị nhiễm trùng hô hấp nặng do các loại vi khuẩn gây ra.

Tình huống này cha mẹ cần phải đưa bé tới bệnh viện thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân để điều trị kịp thời, nếu chủ quan bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng, đưa đến nhiều biến chứng khó lường.

Đặc biệt, nếu bé ho khạc đờm có lẫn máu thì nên cảnh giác với lao phổi, vì đây là một bệnh lý vẫn còn đang lo ngại trong cộng đồng Việt Nam hiện nay.

Tham khảo thêm:

3. Bật mí những bí quyết giúp chấm dứt tình trạng ho có đờm ở trẻ

Tuấn Thanh - tranthanhtuan…@gmail.com

Tôi tên Thanh, bé nhà tôi năm nay được 4,5 tuổi. Cháu bị ho có đờm kéo dài 1 tuần nay, bác sĩ cho hỏi dấu hiệu này cảnh báo bệnh gì? Và ho có đờm bao lâu không khỏi thì cần đi khám? Mong được bác sĩ tư vấn để gia đình có hướng điều trị tốt nhất cho bé ạ.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Tuấn Thanh thân mến,

Trẻ trong giai đoạn 4-5 tuổi ho có đờm kéo dài 1 tuần thì có thể bé nhà bạn đã gặp tình trạng viêm đường hô hấp có khả năng do nhiễm trùng và phần lớn là nhiễm trùng ở đường hô hấp trên do virus gây ra.

Nếu bé không có dấu hiệu bệnh nặng, không khó thở hay vấn đề gì đặc biệt thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc ho cũng như các biện pháp khác để chăm sóc tại nhà trong khi chờ bé có khả năng tự khỏi được.

Nhưng nếu tình trạng sau 1 tuần bệnh vẫn không thuyên giảm hay xuất hiện dấu hiệu bệnh nặng thì nhất thiết phải cho bé đi khám và được điều trị tốt nhất.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1

Ngọc Hân - tranngochan8…@gmail.com

Thưa bác sĩ! Khi trẻ bị ho có đờm, cha mẹ nên làm gì và không nên làm gì ạ? Phải làm sao để phòng ngừa biến chứng khi trẻ bị ho có đờm? Trân trọng cảm ơn.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Khi trẻ bị ho có đờm, điều quan trọng nhất là xem bé có dấu hiệu bệnh nặng hay nguy hiểm không để đưa trẻ đi bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng như ho kèm ngủ li bì không đánh thức dậy được, ho kèm dấu hiệu tím tái hoặc co giật,… thì cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu ngay, vì lúc này tính mạng của trẻ đang bị đe dọa.

Hoặc nếu trẻ ho kèm theo khó thở, như thở co lõm lồng ngực (khi trẻ hít vào, bạn quan sát dưới lồng ngực, nếu có hóp hay lõm vào thì đây là dấu hiệu chứng tỏ con bạn đã bị viêm phổi nặng) cần được tiếp nhận chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, trường hợp này không thể chăm sóc bé tại nhà được mà thay vào đó hãy đưa con đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Nếu bé không có dấu hiệu bệnh nặng, không khó thở hay vấn đề đặc biệt nào khác thì bạn có thể yên tâm để điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu điều trị tại nhà cũng cần lưu ý 1 số vấn đề như sau:

  • Về dinh dưỡng cần cho bé ăn đầy đủ dưỡng chất. Nên cho trẻ ăn thêm nhiều hoa quả, rau xanh, trái cây giàu vitamin để tăng sức đề kháng. Lưu ý, không nên kiêng ăn. Ví dụ nhiều người hay nói kiêng thịt bò, tôm, cua để giúp bé giảm ho, nhưng bạn cũng không cần cho trẻ kiêng tuyệt đối.

  • Khi ho các bé có thể đau họng, khó ăn uống hơn bình thường, rất dễ nôn ói, vì vậy bạn nên cho trẻ ăn đồ mềm hơn để con dễ nuốt hơn.

  • Hãy chia các cữ ăn và bú thành nhiều bữa nhỏ để tránh tình trạng bao tử đầy bé dễ bị nôn ói.

  • Uống đầy đủ nước, giúp giảm ho và đây cũng là phương pháp long đờm, thậm chí tương đương với các loại thuốc long đờm hiện nay. Ngoài ra, cũng tránh được hiện tượng mất nước. Trong trường hợp bé bị viêm đường hô hấp dưới chẳng hạn nếu để mất nước xảy ra thì tình trạng sẽ nặng hơn rất nhiều.

  • Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng, chẳng hạn khi bé bị sốt thì cần dùng thuốc hạ sốt như paracetamol, bé có khò khè thì dùng các loại thuốc phế quản theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Bạn cũng cần lưu ý rằng, ho là phản xạ tự vệ có lợi cho các bé, đặc biệt trong tình trạng bé ho có đờm. Nhờ bé ho mà đờm mới được tống xuất ra ngoài giúp đường thở thông thoáng và hít thở dễ dàng.

Vì vậy, không nên tìm đủ mọi cách để ức chế phản xạ ho này, chỉ khi nào bé ho quá nhiều, mất ngủ, đau họng, nôn ói… thì mới cần sử dụng các loại thuốc ho phù hợp với lứa tuổi, an toàn, tránh tác dụng phụ và phù hợp với kiểu ho có đờm của em bé.

Hoàng Diễm My - myhoang5t@gmail.com

Bé nhà tôi đang bị ho có đờm nên lúc nào bé cũng khò khè, khó thở. Tôi nên làm gì để giảm sự khó chịu cho con? Nhất là vào ban đêm con khó ngủ và quấy khóc rất nhiều, nên tôi sợ con sẽ bị sặc đờm, như vậy có nguy hiểm gì không bác sĩ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Nếu khó thở thì đây thật sự là dấu hiệu bệnh nặng. Bạn phải đưa bé đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu khó thở ở trẻ em như sau:

Nặng nhất là thở có lõm lồng ngực. Trong tình huống này, bạn cho bé nằm trên giường, vén áo cao lên để quan sát phần dưới lồng ngực, bình thường khi bé hít thở dưới lồng ngực sẽ nở ra đều đặn, không gắng sức. Ngược lại. nếu bé thật sự khó thở thì phần dưới lồng ngực bị lõm, hóp vào và thấy một sự gắng sức rõ rệt. Cách xử trí tốt nhất là đưa bé nhập viện càng sớm càng tốt, vì nhiều khả năng bệnh của đã tiến triển nặng.

Thứ 2 là thở nhanh. Để biết bé có thở nhanh hay không cần đếm nhịp thở của bé trong vòng 1 phút bằng việc sử dụng đồng hồ có kim giây và quan sát bụng khi bé nằm yên, không quấy, không khóc, không bú.

Chẳng hạn nếu bé dưới 2 tháng tuổi mà bạn đếm được nhịp thở từ 60 lần/1 phút, hoặc bé từ 2 tháng đến dưới 1 tuổi nếu thở từ 50 lần/1 phút trở lên và trên 1 tuổi mà 40 lần/1 phút chứng tỏ là thở nhanh, nghĩa là bé khó thở thật sự.

Trong trường hợp này nhiều khả năng bé đã có triệu chứng của viêm phổi. Do đó, lời khuyên của tôi là bạn phải cho bé tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Vì viêm phổi sẽ chỉ đạt hiệu quả tốt nếu bé được điều trị kịp thời và nhanh chóng.

Thứ 3, ở một số trường hợp khác chúng ta cũng có thể gặp tình trạng khó thở, nhất là bé dưới 3 tháng tuổi với triệu chứng đơn giản là nghẹt mũi. Bởi ở độ tuổi này các bé không biết thở bằng miệng nên thở bằng mũi là chính. Nhưng mũi thường hẹp nên rất dễ tắc mũi và làm bé vô cùng khó chiu. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vài giọt vào lỗ mũi và làm sạch vài lần, nếu bé dễ chịu, bớt quấy, khóc hơn và thậm chí bớt khò khè thì đó đúng là tình trạng nghẹt mũi.

Còn vấn đề khò khè, cần phân biệt với tắc mũi hay xảy ra ở lứa tuổi dưới 3 tháng tuổi. Thực tế, đây là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, trong các trường hợp này để xác định đúng triệu chứng khò khè thì cần phải có sự thăm khám của bác sĩ, bởi việc đánh giá đơn giản của các bậc cha mẹ chỉ phát hiện hiện 50% các trường hợp.

Để phân biệt trẻ khò khè hay nghẹt mũi, cách đơn giản nhất là bằng nước muối sinh lý để thông đường mũi. Nếu do nghẹt mũi trẻ sẽ giảm triệu chứng khó thở, còn nếu sau khi làm sạch mũi nhiều lần bé vẫn còn khò khè thì cần lưu ý đây là tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp bên dưới. 2 nhóm bệnh quan trọng ở trẻ em gây ra tình trạng này là viêm phế quản, hen suyễn. Cả 2 trường hợp này cần phải đưa bé đi khám bệnh để xác định nguyên nhân thật sự và tìm ra biện pháp điều trị cần thiết.

Duong Thi Nu - nuduong…@gmail.com

Xin cho hỏi BS các mẹo dân gian như: Tắm nước gừng giúp giảm đờm; thoa dầu vào lòng bàn chân; rau diếp cá; nước vo gạo; hỗn hợp đường nâu, tỏi và gừng liệu có hiệu quả trong việc điều trị ho có đờm ở trẻ không bác sĩ? Trẻ nào nên dùng, trẻ nào không nên dùng ạ? Chân thành cảm ơn.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc, thậm chí còn có cả mẹo dân gian. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên đều được truyền trong dân gian với hình thức truyền miệng, truyền tay, rất ít phương pháp nào được chứng minh có hiệu quả thật sự về mặt khoa học.

Tôi nghĩ rằng sức khỏe con em chúng ta là vốn quý, để chăm sóc tốt nhất cho bé có lẽ chúng ta nên áp dụng biện pháp thật sự khoa học đã được chứng minh hiệu quả và an toàn.

Pham Thị Luyến - luyentu1204…@gmail.com

Em thấy trong hội mẹ bỉm sữa có chia sẻ về thuốc ho Cozzlvy, nên muốn nhờ chuyên gia tư vấn Cozzlvy tiêu đờm, giảm ho cho trẻ như thế nào? Dùng cho trẻ từ bao nhiêu tuổi? Dùng sao cho đúng ạ? Em cảm ơn rất nhiều.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Thuốc ho Cozzlvy có nguồn gốc từ dược thảo, thành phần chính là cao lá thường xuân. Như chúng ta biết, để điều trị ho tại Việt Nam có nhiều bài thuốc dân gian, chẳng hạn như tắc (quất) chưng đường hoặc hoa hồng bạch hấp đường phèn,…

Còn ở các nước phương Tây, ngàn năm nay đã lưu truyền bài thuốc từ lá thường xuân, vì loại thảo dược này quanh năm suốt tháng lá đều xanh mướt. Đặc biệt ở Đức đã có nghiên cứu chứng minh rằng nếu lá thường xuân được bào chế dưới dạng cao lỏng thì có tác dụng điều trị các loại ho có đờm rất hiệu quả cho người bệnh. Ngoài ra, nó còn giúp kháng viêm, giúp giãn phế quản nhẹ, như vậy bệnh nhân sẽ đỡ tắc nghẽn đường thở, cải thiện đường hô hấp.

Ở Việt Nam, trong thời kỳ hội nhập chúng ta cũng du nhập các loại thuốc từ lá thường xuân này vào việc điều trị và Cozzlvy là một trong những loại dược phẩm được sản xuất từ lá thường xuân. Vì vậy đây là một ứng cử viên trong việc điều trị ho có đờm cho trẻ em. Đặc biệt theo thông tin từ nhà sản xuất thì thuốc này có thể sử dụng cho trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên rất an toàn và hiệu quả.

Liều lượng sử dụng sẽ tùy theo lứa tuổi, để dễ nhớ nếu bé dưới 5 tuổi thì 1 lần sử dụng nửa muỗng cà phê hay 2,5ml. Còn trẻ trên 5 tuổi thì dùng 1 muỗng cà phê 5ml cho 1 lần. Và 1 ngày sử dụng 3 lần.

Thuốc ho Cozzlvy có thể mua ở các nhà thuốc. Khi sử dụng, cha mẹ cần tuân thủ liều lượng đã khuyến cáo hoặc theo hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ.

Thanh Nga - thanhnga…@gmail.com

Em tên Thanh Nga ạ. Bác sĩ ơi, thời tiết chuyển mùa, cộng thêm không khí thường xuyên bị ô nhiễm, nhất là đang trong mùa mưa bão thì làm sao để bảo vệ hệ hô hấp của trẻ nói chung và tránh để trẻ bị ho, phòng ngừa diễn tiến bệnh nguy hiểm nói riêng, thưa bác sĩ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Đây là vấn đề lớn không chỉ các bậc cha mẹ mà hầu hết mọi người đều quan tâm, bởi lẽ khi thời tiết thay đổi cụ thể vào thời điểm này tất cả các bệnh viện, các khoa Nhi trong toàn quốc đều quá tải do các bệnh hô hấp, trong đó viêm đường hô hấp là chủ yếu.

Vấn đề đặt ra là làm sao có thể giúp bé tránh khỏi viêm đường hô hấp nói chung hay ho nói riêng tại thời điểm này, thì tôi chia thành 2 nhóm giải pháp chính:

Thứ nhất, giải pháp trước mắt. Trong thời điểm này hãy cho các bé tránh khỏi các tác hại xấu từ việc thay đổi thời tiết gây ra, chẳng hạn khi trời mưa cần mặc cho bé đủ ấm, tránh gió lùa,… nếu không sẽ tăng bệnh về hô hấp vì sức đề kháng các bé chưa đủ thích nghi với điều kiện này.

Hoặc khi trời nóng, không nên mặc nhiều đồ cho trẻ khiến trẻ đổ mồ hôi, ngược lại nên nới rộng quần áo, làm sao để bé mặc đồ thấy dễ chịu, thông thoáng. Ngoài ra, nếu sử dụng quạt máy hay điều hòa thì phải điều chỉnh nhiệt độ để bé dễ chịu trong thời tiết nóng bức và tránh tác hại do việc sử dụng phương tiện giải nhiệt gây ra.

Tiếp theo là rửa tay. Không chỉ hiệu quả trong việc phòng chống bệnh tay chân miệng, COVID-19, mà còn trong các trường hợp khác việc rửa tay đúng cách có thể giảm thiểu được 2 loại bệnh đang là thủ phạm hàng đầu khiến trẻ nhập viện, đó là viêm phổi và viêm phế quản. Bởi lẽ các mầm bệnh này tuy là bệnh đường hô hấp nhưng đường lây chính vẫn là bàn tay nhiễm bẩn. Không nói quá khi nói bàn tay sạch là một loại vắc xin vô cùng rẻ tiền.

Kế nữa là đeo khẩu trang. Trong thực trạng hiện nay, COVID-19 vẫn là mối bận tâm lớn của toàn xã hội và thế giới, chính phủ vẫn khuyến cáo ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM phải duy trì việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Ngoài việc phòng chống COVID-19 thì trong trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, đeo khẩu trang cũng giúp bảo vệ trẻ tránh trường hợp nhiễm trùng hô hấp này.

Thực tế, đối với người bệnh khi đeo khẩu trang sẽ tránh phát tán virus hoặc các loại mầm bệnh từ người bệnh ra môi trường xung quanh. Do đó nên duy trì thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng trong thời điểm này.

Thứ 2, giải pháp lâu dài. Chẳng hạn như vấn đề dinh dưỡng cần nuôi dưỡng trẻ tốt, dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp, không suy dinh dưỡng và cũng tránh béo phì. Đặc biệt có thể cho ăn thêm các loại hoa quả, rau xanh có nhiều vitamin sẽ giúp bé có sức đề kháng chống mọi bệnh tật chứ không chỉ nhiễm trùng hô hấp.

Sau đó là chủng ngừa, đây là biện pháp vô cùng hữu hiệu. Ngoài việc thực hiện tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà Nhà nước đã ưu ái dành cho trẻ, nếu có điều kiện cha mẹ nên cho con em mình, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi tiêm thêm 2 vắc xin ngừa cúm và phế cầu. Bởi đây là 2 tác nhân quan trọng gây nhiễm trùng đường hô hấp, thậm chí nhiễm trùng hô hấp nặng mà chúng ta có thể phòng ngừa được.

Các bé nếu đang trong độ tuổi còn bú sữa mẹ thì nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu sau khi sanh. Vì sữa mẹ đã được chứng minh là có vai trò bảo vệ các bé trong nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi. Một em bé được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ được giảm 1/4 nguy cơ viêm phổi so với bé không được thừa hưởng nguồn sữa mẹ quý báu này.

Ngoài ra còn cần dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường sinh hoạt của gia đình cũng như phòng em bé nên giữ vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp, tránh khói bụi, không nên sử dụng các loại than củi nấu bếp.

Đặc biệt cần tránh khói thuốc lá. Nếu bé hít khói thuốc lá thụ động sẽ tăng gấp đôi nguy cơ viêm phổi so với các em bé khác. Trong trường hợp bé bị viêm tiểu phế quản mà còn hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn, dễ xảy ra nhiều biến chứng và dễ tái phát hơn.

Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề https://alobacsi.com/benh-ho-o-tre-em/

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X