Trà tía tô có công dụng gì? Tía tô dùng tươi hay khô sẽ hiệu quả hơn?
Công dụng của tía tô tươi và tía tô khô đều giống nhau. Tuy nhiên, tùy vào mục đích sử dụng mà sẽ có cách dùng và liều lượng khác nhau. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông - Tây y kết hợp TPHCM sẽ hướng dẫn mọi người dùng trà tía tô đúng cách.
1. Công dụng của tía tươi hay khô đều giống nhau
Tía tô đã rất quen thuộc với người Việt trong hình ảnh tô cháo giải cảm hay góp mặt trong rổ rau sống. Xin PGS cho biết tía tô dùng tươi sống hay nấu chín thì công dụng có khác nhau không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Nếu sử dụng tía tô với liều lượng đủ khi ăn hoặc theo yêu cầu của việc điều trị thì công dụng của 2 loại này không khác nhau.
Khi dùng trong thực phẩm, chúng ta có thể dùng tía tô tươi. Tuy nhiên, khi dùng làm thuốc để điều trị bệnh, chúng ta dùng tía tô khô sẽ tốt hơn. Bởi tía tô tươi có nhiều nước nên chúng ta phải dùng một lượng rất lớn.
Khi chúng ta dùng 20g lá tía tô khô cùng với một số thành phần khác có thể có hiệu quả. Độc vị của tía tô có thể dùng tới 30g lá khô.
Như vậy nếu sử dụng tía tô tươi với liều lượng 200 - 300g thì liệu rằng chúng ta có thể ăn nổi không. Để đảm bảo liều lượng cho yêu cầu khi điều trị bệnh, chúng ta nên dùng tía tô khô sẽ tốt hơn.
2. Tía tô khô thường dùng trong thuốc nam và thuốc bắc
Tía tô có thường được dùng trong thuốc nam, thuốc bắc ở dạng khô không, thưa PGS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Từ nghìn năm trước, khi chưa có sự phát triển của nền y học hiện đại, con người tìm tòi trong thực phẩm và các phương tiện tự nhiên để chữa bệnh. Tía tô xuất hiện rất sớm và được sử dụng nó để điều trị khá nhiều loại bệnh cho cơ thể.
Tất cả bộ phận của cây tía tô đều được sử dụng làm thuốc điều trị. Trong Đông y, người ta gọi lá tía tô là tô diệp, hạt tía tô là tô tử, cành, thân là tô ngạnh, rễ là tô căn.
Trong toa thuốc đông y, các thầy thuốc thường kê 8g tô tử để điều trị ho, long đờm hoặc 12g để điều trị hen suyễn. Trong trường hợp bị viêm phế quản, viêm họng hoặc tiêu chảy, thầy thuốc dùng 20g tô diệp để điều trị.
Như vậy, trong đông y tía tô được dùng làm thuốc dưới dạng khô. Họ sẽ rửa sạch cây tía tô và đem phơi khô âm can, tức là phơi trong mát, không được phơi ngoài nắng. Hoặc có thể sấy khô tía tô với nhiệt độ thích hợp để loại bỏ hết nước.
Các dược thảo được dùng làm thuốc dưới dạng khô để sử dụng được lâu và không bị mốc, bị ẩm do thành phần nước.
Do đó, dù là phơi hay sấy tía tô đều phải ở nhiệt độ thích hợp để loại bỏ hết nước nhưng không làm tổn hại các thành phần còn lại.
Như vậy, trong Đông y, tía tô thường được sử dụng dưới dạng khô với những tên gọi như trên, không dùng tên tía tô.
3. Những lợi ích của trà tía tô
Gần đây xuất hiện sản phẩm trà tía tô, theo PGS thì trà tía tô mang lại lợi ích gì? Những ai nên sử dụng trà này ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Không phải chỉ khi trà tía tô xuất hiện thì con người mới sử dụng. Chúng ta đã sử dụng rất nhiều dưới dạng tự nấu nước uống. Tuy nhiên, tía tô được sản xuất dưới dạng trà thì nó tiện dụng hơn, nhưng cần chú ý liều lượng.
Chúng ta có thể sử dụng trà tía để giúp hoạt động của hệ miễn dịch tốt hơn, sử dụng để giải cảm sau khi đi nắng hoặc mắc mưa. Chúng ta có thể ăn kèm tía tô khi ăn cá hoặc các loại hải sản.
Khi dùng tía tô ở dạng thực phẩm chúng ta có thể sử dụng thoải mái và mọi đối tượng.
Tuy nhiên, khi dùng trà tía tô cho mục đích điều trị bệnh thì liều lượng phải khác. Tùy theo hàm lượng nhà sản xuất ghi trên sản phẩm là bao nhiêu mà chúng ta có thể sử dụng hợp lý.
Với mục đích giải cảm, chúng ta có thể sử dụng trong khoảng từ 15 - 20g trà tía tô mỗi ngày, tách trà sẽ đậm đặc hơn. Trên mỗi gói trà đều có liều lượng và tùy mục đích chúng ta sẽ dùng liều khác nhau.
Chúng ta có thể pha 1 - 2 gói trà trong 1 lít nước để uống thay nước hàng ngày. Nếu muốn sử dụng cho điều trị bệnh, tùy vào mỗi loại bệnh, liều lượng trà sẽ khác nhau.
4. Uống trà tía tô với lượng bao nhiêu là đủ?
Mỗi ngày chúng ta uống trà tía tô với lượng bao nhiêu là đủ? Có nên dùng trà tía tô thay cho trà xanh hay các loại thức uống khác không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ có lời khuyên khác nhau. Ví dụ bị nám da, đồi mồi, thâm thì giai đoạn đó bạn dùng trà tía tô. Khi bị stress, căng thẳng, áp lực bạn cần thư giãn thì có thể dùng tía tô, trà xanh hoặc một số loại trà khác.
Như vậy, trà tía có thể thay thế trà xanh hay không sẽ tùy vào cơ địa và mục đích sử dụng.
Nếu chúng ta bình thường thì có thể sử dụng các loại trà khác nhau. Nếu mục đích của bạn là muốn sáng da, bớt đồi mồi, bớt thâm thì dùng trà tía tô trong một thời gian rồi thay thế bằng loại trà khác. Bởi trong tía tô có các thành phần dược chất, nếu sử dụng trà tía tô thường xuyên cũng không tốt lắm.
Trong 1 tuần, chúng ta có thể dùng trà tía tô 3 ngày, những ngày còn lại sử dụng trà gừng, trà xanh hoặc các loại trà khác. Việc đa dạng các loại trà có thể đem lại sự sảng khoái như mong muốn.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình