Tía tô có công dụng gì theo y học cổ truyền và hiện đại?
Tía tô là một loại rau gia vị phổ biến đối với người dân Việt Nam, còn được sử dụng nhiều trong Đông y với tác dụng chữa một số bệnh thường gặp. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông - Tây y kết hợp TPHCM, chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
1. Công dụng của tía tô theo đông y, y học cổ truyền
Từ xa xưa, tía tô được biết đến là một loại rau thơm bổ sung hương vị cho nhiều món ăn ngon, và nổi tiếng là vị thuốc giải cảm. Xin PGS cho biết theo đông y thì cụ thể tía tô có những công dụng gì?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Tía tô là loại rau thơm đặc biệt, được dùng trong bữa ăn hàng ngày. Trong Đông y, toàn bộ cây tía tô được sử dụng như vị thuốc và được gọi bằng tên khác, ví dụ lá tía tô sẽ được gọi là tô diệp, thân gọi là tô ngạnh, hạt là tô tử, rễ là tô căn. Cho nên, chúng ta sẽ không nhận ra tía tô khi thầy thuốc kê đơn bằng những tên gọi này.
Mỗi phần của cây tía tô sẽ có công dụng khác nhau. Nhưng tía tô có mùi thơm đặc trưng, khác xa với những loại rau thơm khác. Cay, the, ôn, ấm là những nhận xét của người xưa về tía tô. Khi y học hiện đại, các thầy thuốc tìm ra được nhiều hoạt chất khác trong tía tô.
Qua quan sát và theo dõi, các hoạt chất của tía tô đi vào cơ thể thông qua kinh tỳ và kinh phế. Điều này cho thấy người xưa có hệ thống hóa cách sử dụng chứ không phải chỉ nói chung chung.
Từ kinh nghiệm, cho thấy tía tô được sử dụng để điều trị trong rất nhiều trường hợp như giải cảm, hạ sốt, hen suyễn, đau bụng tiêu chảy do ngộ độc hải sản. Tía tô có thể sử dụng trong điều trị dạ dày như đau thắt dạ dày, trào ngược dạ dày,...
Ngoài ra, tía tô còn được dùng cho phụ nữ khi băng huyết, động thai, đau bụng khi hành kinh. Đặc biệt, tía tô được sử dụng cho làm đẹp, giúp trắng sáng da. Bên cạnh đó, tía tô được sử dụng cho một số trường hợp khác, điển hình là viêm khớp.
Khi bị đau nhức khớp xương, bệnh nhân có thể nhai sống lá tía tô, sắc nước để uống hoặc cấu tạo thành một số bài thuốc để chữa viêm khớp, viêm khớp gút - vua của các loại bệnh khớp, gây cơn đau dữ dội.
Tía tô được sử dụng như loại thuốc chống lão hóa, giúp sống lâu hơn. Do đó, tía tô được các thầy thuốc khuyên dùng.
Trong một số món ăn như bún cá, bún ốc - có hải sản dễ gây độc, bao giờ cũng có tía tô ăn kèm.
2. Công dụng của tía tô theo y học hiện đại
Dưới cái nhìn của y học hiện đại, tía tô có những chất gì, giúp điều trị những bệnh gì, thưa PGS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Tía tô đã xuất hiện hàng ngàn năm trước, được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Trong những năm gần đây, từ thế kỷ 20, tía tô được nghiên cứu rất nhiều ở các nước châu Á.
Tên khoa học của tía tô là Perilla frutescens Lamiaceae. Khi mà tía tô có tên khoa học nghĩa là nó đã được nghiên cứu về các thành phần hóa học để lý giải vì sao tía tô được dân gian ứng dụng điều trị bệnh.
Khi nghiên cứu, người ta tìm thấy cây tía tô có thành phần chủ yếu là tinh dầu (có nhiều ở lá tía tô) như perillaldehyde, limonene. Trong tô tử (hạt tía tô) có chứa dầu béo - đây là chất rất cần thiết cho cơ thể, nhưng đôi khi chúng ta lầm tưởng rằng ăn nhiều mỡ sẽ thừa cân, béo phì, rối loạn cholesterol.
Chúng ta phải biết rằng, nếu thiếu chất béo, các vitamin A, D, E, K không thể tan; không tạo được màng tế bào và màng tế bào cũng không chắc. Chính vì vậy ta cần cung cấp chất béo nhưng phải là chất béo chưa bão hòa - có nhiều trong hạt tô tử. Bên cạnh đó, thân và cành tía tô có thêm những thành phần như casein, dầu béo.
Ngoài tinh dầu và dầu béo, tía tô còn có các vitamin A, C, B; kẽm, sắt. Các thành phần hóa học này thông qua cơ chế dược lý, nó sẽ có tác dụng làm trắng sáng da, giảm đau, điều trị viêm khớp, chống dị ứng.
3. Tía tô có ưu điểm nổi bật gì so với các loại rau thơm khác cũng có công dụng chữa bệnh?
Nếu so sánh với nhiều loại rau thông dụng, vừa là rau thơm, vừa là vị thuốc thì tía tô có ưu điểm nổi bật gì ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Tất cả các loại rau thơm đều có mùi thơm, đó chính là tinh dầu. Tinh dầu có rất nhiều gốc hóa học khác nhau, ví dụ tinh dầu bạc hà là menthol, tinh dầu tía tô là andehit.
Mỗi loại tinh dầu đều có tác dụng khác nhau, nếu chúng có tác dụng giống nhau thì tinh dầu tía tô sẽ có tác dụng hơn các loại khác. Đa phần sẽ có tính kháng viêm, kháng sinh, chống dị ứng ở vùng trên của cơ thể. Ví dụ, bạc hà thường được dùng xông mũi, tiêu đàm, trị viêm họng.
Đối với tía tô, nó có tác dụng trên toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, qua những công trình nghiên cứu, ta sẽ thấy rõ hơn tác dụng của tía tô.
Nghiên cứu tại Nhật cho thấy, trong tinh dầu của tía tô có tác dụng chống co thắt trên cơ chế chống lại hoạt động của gốc tự do, làm ức chế sản xuất histamin. Trong hen suyễn, histamin làm co thắt phế quản; histamin cũng gây nổi mề đay, mẩn ngứa.
Gốc tự do là phân tử bình thường trong cơ thể, nhưng do một tác động nào đó làm mất đi điện tử ở vòng ngoài. Ví dụ, cacbon có điện tử vòng ngoài là 8, phân tử là 16; vì lý do như môi trường khói bụi, tia tử ngoại, tia UV hoặc thức khuya, stress nặng sẽ làm mất 1 electron và trở thành gốc tự do và gây hại cho cơ thể.
Do đó, nhiều người ngạc nhiên khi bị mất ngủ hoặc stress sẽ dẫn đến viêm họng, viêm ruột,...
Qua nghiên cứu, tinh dầu của tía tô hơn hẳn tinh dầu của các loại rau khác như diếp cá (chữa trĩ, vấn đề sa trệ của cơ trên), kế sữa (tác dụng hạ men gan).
4. Tía tô được ưa chuộng ở những nước nào, cách sử dụng ra sao?
Ở châu Á, tía tô được ưa chuộng tại những nước nào, thưa PGS? Cách sử dụng của họ có khác Việt Nam không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Cách sử dụng tía tô ở Việt Nam sẽ khác rất nhiều so với các nước, cả trong thực phẩm và thuốc.
Ở Việt Nam, trong các món ăn có thủy hải sản như cua, ốc, cá thì luôn luôn có tía tô ăn kèm để góp phần giải độc. Giống với người Việt, khi ăn hải sản sống, người Nhật luôn đi kèm với lá tía tô.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, họ dùng tía tô ở nhiều dạng như tươi, khô, nước sắc, bào chế thành thực phẩm chế biến sẵn. Cách dùng tía tô ở Ấn Độ cũng khác xa so với Việt Nam.
Tía tô thường có 2 loại tím và xanh, nên một số địa phương sẽ gọi là tử tô. Dù là loại nào thì chúng cũng có thành phần giống nhau.
Tía tô ở Đài Loan, Hàn Quốc đa phần có màu đỏ, nguyên nhân có thể do thời tiết, khí hậu, đất đai. Ở Nhật, tía tô khá hiếm, họ thường phải nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhìn chung, tùy theo mỗi tập quán, sự phát triển y học mà ở mỗi quốc gia sẽ có cách dùng khác nhau. Nhưng mục đích chung vẫn là giải độc thủy hải sản, điều trị cảm cúm.
5. Lợi ích của trà tía tô với sức khỏe
Gần đây, tía tô đã được chế biến thành trà. Xin PGS cho biết về những lợi ích khi chúng ta uống trà tía tô?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:
Lợi ích đầu tiên là tiện dụng, chỉ việc chế nước sôi và sử dụng được ngay. Chúng ta cũng an tâm rằng khi họ bào chế các thành phần có trong tía tô sẽ đủ hàm lượng để sử dụng.
Tuy nhiên, nếu không đủ điều kiện mua trà tía tô thì có thể thay bằng tía tô tươi, khô. Dễ dùng nhất là tía tô tươi, có thể dùng trong bữa ăn hàng ngày. Nếu dùng tía tô để điều trị bệnh thì rửa thật sạch toàn bộ cây tía tô và nấu nước uống.
Tùy theo điều kiện của bản thân, chúng ta có thể sử dụng trà tía tô hoặc nấu nước tía tô.
Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Trà tía tô Shisoko đã đồng hành cùng chương trình.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình