Toàn cảnh Hội nghị Khoa học Kỹ thuật thường niên 2024 của Bệnh viện Nguyễn Trãi
Sáng 18/9/2024, Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức Hội nghị Khoa học Kỹ thuật thường niên năm 2024 - Chủ đề: “Tối ưu hóa chăm sóc người bệnh tim mạch - chuyển hóa” với sự tham gia của 250 y bác sĩ trên toàn thành phố. Thông qua 2 phiên báo cáo, những cập nhật mới về kiến thức y khoa cũng như kinh nghiệm lâm sàng đã được chia sẻ, trao đổi, từ đó mở ra cơ hội điều trị hiệu quả hơn cho các bệnh nhân.
Sáng 18/9/2024, Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức Hội nghị Khoa học Kỹ thuật năm 2024 với chủ đề “Tối ưu hóa chăm sóc người bệnh Tim mạch - Chuyển hóa”. Đây cũng là cơ hội để các y bác sĩ gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kiến thức y khoa cập nhật, cũng như những kinh nghiệm thực hành lâm sàng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, BS.CK2 Quách Thanh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết: "Bệnh lý tim mạch vẫn là bệnh lý phổ biến nhất, đòi hỏi các thầy thuốc chuyên khoa phải cập nhật kiến thức liên tục, tìm tòi phương pháp mới, cách thức điều trị mới để tối ưu nhất trong điều trị cho bệnh nhân”.
Phiên 1 với chủ đề "Xu hướng mới trong điều trị tim mạch can thiệp" do BS.CK2 Quách Thanh Hưng (Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi), PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân (Trưởng Bộ môn Lão khoa, Khoa Y Trường Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất) và TS.BS Vũ Hoàng Vũ (Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) làm chủ tọa (từ trái sang phải) .
Tiếp nối chương trình là phiên 2 với chủ đề "Bệnh lý rối loạn chuyển hóa" . Ban chủ tọa gồm (từ phải sang trái) : PGS.TS.BS Nguyễn Như Vinh (Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam - Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), PGS.TS.BS Phạm Lê An (Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình TPHCM - Trưởng Trung tâm Bác sĩ gia đình, Đại học Y Dược TPHCM) và BS.CK2 Lê Thanh Phong (Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi).
Hội nghị năm nay đón tiếp 250 đại biểu tham dự là các chuyên gia, bác sĩ từ nhiều bệnh viện trong thành phố và bác sĩ khách mời từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Nguyễn Trãi và Đại học Y Dược TPHCM...
Tại phiên 1 , các chuyên gia tập trung cập nhật “Xu hướng mới trong điều trị tim mạch can thiệp” với 5 bài báo cáo đề cập đến các vấn đề gồm: Cập nhật những tiến bộ trong tim mạch can thiệp; Can thiệp sang thương thân chung động mạch vành trái: khi nào và như thế nào; Can thiệp động mạch vành và động mạch chi dưới cùng một thì; Cải thiện cấp cứu tim mạch tại Bệnh viện Nguyễn Trãi; Dự phòng vắc xin phế cầu trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.
TS.BS Vũ Hoàng Vũ - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh: "Điều trị nội khoa và phẫu thuật là điều trị nền tảng trong tim mạch. Tim mạch can thiệp ngày càng góp phần quan trọng trong điều trị bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, thuyên tắc phổi, bệnh lý van tim" .
Khi nói về "Can thiệp sang thương thân chung: khi nào và như thế nào?" , BS.CK2 Nguyễn Thái Yên - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận định: "Bệnh thân chung động mạch vành trái là một bệnh lý phức tạp đòi hỏi đánh giá toàn diện để lựa chọn chiến lược tái thông cũng như kỹ thuật can thiệp thích hợp" .
Trong báo cáo "Can thiệp động mạch vành và động mạch chi dưới trên cùng một thì" , BS.CK2 Dương Duy Trang - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115 đã trình bày những kết quả tích cực ghi nhận được thông qua một số ca lâm sàng tại đơn vị.
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng khoa Tim mạch 1, Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, để cải thiện tỷ lệ cứu sống bệnh nhân, cần phối hợp nhiều biện pháp: hồi sức nội khoa, hỗ trợ tuần hoàn cơ học, tối ưu hóa PCI, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hỗ trợ...
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân khuyến cáo, "Dự phòng vắc xin phế cầu trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch" có khả năng giảm các biến chứng liên quan đến nhiễm phế cầu và các biến cố tim mạch.
BS.CK2 Quách Thanh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (thứ ba từ phải sang) trao thư cảm ơn cho 5 báo cáo viên.
Phiên 2 bàn luận đến chủ đề “Bệnh lý rối loạn chuyển hóa” , mang đến những vấn đề như: Rối loạn chuyển hóa và bệnh Gout; Rối loạn giấc ngủ/ ngưng thở khi ngủ và rối loạn chuyển hóa; Bệnh lý mạch vành theo từng giai đoạn phụ nữ; Bước đầu xây dựng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích Big Data điện tâm đồ lưu động để tầm soát rung nhĩ.
PGS.TS.BS Phạm Lê An cho rằng hiện nay truyền thông về Gout đang nhiều hơn tăng axit uric và các nguy cơ. Cần tăng cường truyền thông tầm soát tăng axit uric cho nhóm người dưới 40 tuổi có lối sống không lành mạnh (rượu bia, thuốc lá), cơ địa béo phì, tiền sử gia đình có người mắc bệnh Gout tại tuyến cơ sở và bệnh nhân mắc bệnh không lây như cao huyết áp, đái tháo đường.
Thông điệp mà PGS.TS.BS Phạm Như Vinh - Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình TPHCM - Trưởng Trung tâm Bác sĩ gia đình, Trường Đại học Y Dược TPHCM truyền tải thông qua báo cáo "Rối loạn giấc ngủ/ngưng thở khi ngủ và rối loạn chuyển hóa" là cần tầm soát hội chứng chuyển hóa ở những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ/ngưng thở kho ngủ để phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc.
BS.CK2 Lê Hiền Cẩm Thu - Trưởng khoa Tim mạch 3, Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, phụ nữ thường mắc phải bệnh mạch vành không thể tắc nghẽn. Bệnh mạch vành cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ.
Báo cáo "Bước đầu xây dựng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích Big Data điện tâm đồ lưu động" của TS.BS Nguyễn Văn Sĩ - Khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Trãi - Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM được đánh giá là ấn tượng và mang tính thời sự.
BS.CK2 Lê Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (ngoài cùng bên phải) trao thư cảm ơn cho 4 báo cáo viên của phiên 2.
Hội nghị Khoa học Kỹ thuật là một trong những sự kiện lớn trong năm của Bệnh viện Nguyễn Trãi, là cơ hội để các y bác sĩ gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kiến thức y khoa cập nhật, cũng như những kinh nghiệm thực hành lâm sàng.