TIPs ăn uống giúp giảm trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả
Sau khi ăn, không nên đi ngủ ngay, bữa ăn phải cách giấc ngủ từ 2 - 3 giờ. Trong một bữa ăn không nên ăn quá no, quá nhiều, nhiều dầu mỡ,… là những khuyến cáo của ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành để tình trạng trào ngược dạ dày thực quản được cải thiện.
1. Vì sao người bệnh GERD cần phải chia nhỏ bữa ăn trong ngày và không nên ăn quá no?
Thưa BS, vì sao người bệnh GERD cần phải chia nhỏ bữa ăn trong ngày và vì sao không nên ăn quá no? Bữa tối nên kết thúc trước mấy giờ để không ảnh hưởng giấc ngủ bởi các triệu chứng của GERD ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Vùng nối giữa dạ dày và thực quản là một cơ thắt, có nhiệm vụ đóng chặt khi dạ dày co bóp. Cơ chế của trào ngược dạ dày thực quản là giảm trương lực, cũng như sự giãn cơ thắt thực quản dưới. Bất kỳ lý do gì làm trương lực của cơ thắt này yếu đi sẽ có nguy cơ làm axit (thức ăn từ dưới) trào lên.
Chính vì vậy, khi ăn một bữa ăn quá no, quá nhiều, dạ dày sẽ có bóp. Nếu co bóp nhiều và trương lực giảm, dịch sẽ dễ trào lên. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn một lần vừa đủ, dạ dày sẽ ít bị quá tải và giảm trào ngược.
Sau khi ăn, không nên đi ngủ ngay, vì lúc này dạ dày sẽ tăng cường lưu lượng máu và co bóp nhiều nhất. Nếu nằm ngay sau khi ăn, áp lực của cơ thắt thực quản sẽ rất yếu và dễ bị trào ngược. Do đó, bữa ăn phải cách giấc ngủ từ 2 - 3 giờ.
2. Người bệnh GERD nên ăn nhanh hay chậm sẽ tốt hơn?
Nhiều người có thói quen ăn rất nhanh, không nhai kỹ. Điều này có ảnh hưởng đến nguy cơ tái phát bệnh GERD? Người bệnh GERD nên ăn nhanh hay chậm sẽ tốt hơn ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trào ngược dạ dày có nhiều cơ chế như cơ chế trương lực, áp lực của cơ thắt thực quản dưới bị giãn, sự co bóp của dạ dày không được như bình thường.
Do đó, khi ăn thực phẩm nếu không nhai kỹ, nuốt nhanh, thực phẩm không được ghiền nát bởi một phần vùng răng miệng, bắt buộc dạ dày phải làm việc nhiều hơn. Nếu người bị trào ngược kèm theo cơ chế chậm làm rỗng, co bóp không tốt, thực phẩm trong dạ dày sẽ lưu ở đó lâu hơn, dẫn đến dễ sinh hơi và tiết các axit. Khi dạ dày bóp sẽ kích thích làm cơ thắt thực quản yếu và dễ trào ngược hơn.
Khuyến cáo người bị trào ngược phải ăn chậm, nhai kỹ để khi bước vào vùng hầu họng thức ăn đã được nghào nhuyễn và khi xuống dạ dày không phải làm việc quá mức. Lúc này tình trạng trào ngược ít xảy ra hơn.
3. Người bệnh GERD nên chế biến thực phẩm theo cách nào?
Cách chế biến nào (chiên, xào, hấp, luộc…) sẽ phù hợp với người bệnh khi các triệu chứng GERD dữ dội hơn?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Đối với người bị trào ngược, về thực phẩm phải hạn chế dầu mỡ. Nếu ăn đồ luộc, hấp chín, nhai kỹ sẽ giúp dạ dày hoạt động tốt hơn.
Chất xơ là chất duy nhất được xem là chất phi dinh dưỡng không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, không khuyến cáo người bị trào ngược sử dụng lượng chất xơ tự nhiên quá nhiều.
Vì đây là chất không được tiêu hóa, không được hấp thu nên khi vào dạ dày, nhiệm vụ của dạ dày chỉ làm mềm để tạo khối, thành phân thải ra ngoài. Khuyến cáo, dù luộc hay hấp cũng chỉ ăn lượng vừa đủ, không quá no, quá nhiều khi đó mới hỗ trợ đường tiêu hóa khỏe mạnh, không bị trào ngược.
4. Khó tiêu, đầy hơi do GERD có nên uống nước có gas?
Một số trường hợp khác, vì bị khó tiêu, đầy hơi do GERD nên hầu hết các bữa ăn đều lựa chọn thêm nước uống có gas. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Chúng ta thường cho rằng, uống nước có gas khi bụng bị đầy, khó chịu sẽ dễ tiêu hơn.
Thực chất, trong thành phần của nước có gas và khi chướng bụng đều một lượng bọt khí li ti. Nếu uống nước có gas, nhiều bọt khí li ti sẽ tạo thành bọt khí lớn hơn và tạo cảm giác ợ hơi, thoát hơi ra ngoài, cảm giác dễ chịu giả tạo.
Về bản chất, đây không phải là thuốc giúp tiêu hóa tốt hơn. Vì vậy, việc lạm dụng nước có gas đối với những trường hợp bị đầy hơi, chướng bụng, ăn khó tiêu, đôi khi không tốt cho đường tiêu hóa.
Sử dụng nước có gas với liều lượng thích hợp có thể giúp kích thích tiêu hóa, làm tình trạng này cải thiện. Nếu trong vòng 1 - 3 ngày triệu chứng được cải thiện và không có biểu hiện nào khác thì đây là trường hợp biểu hiện sinh lý, có thể yên tâm. Tuy nhiên, nếu sử dụng mà tình trạng đầy hơi, chướng bụng vẫn kéo dài sau 3 ngày thì đó là biểu hiện thực thể, cần đi khám và không được lạm dụng nước có gas trong những trường hợp này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình