Tiểu dầm ở trẻ em: Khi nào cần điều trị?
Trong chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe tháng 5 do Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp đã nhấn mạnh, tiểu dầm ở trẻ nhỏ là một vấn đề thường gặp và phổ biến. Tình trạng tiểu đêm ở trẻ trên 5 tuổi và kéo dài trên 6 tháng cần được đưa đi thăm khám bác sĩ ngay.
Tiểu dầm về đêm là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ
PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp cho biết: “Tình trạng tiểu dầm là một vấn đề rất thường gặp ở trẻ, theo y khoa tình trạng này được gọi là tiểu dầm đơn độc ở trẻ em. Việc quan trọng đầu tiên là phụ huynh cần nhận biết tình trạng của trẻ như thế nào, để xem xét có nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ hay không?
Tiểu dầm ban đêm đơn độc không có triệu chứng đi kèm, không tiểu dầm vào ban ngày và không có nguyên nhân thực tế. Đây là hiện tượng nước tiểu thoát ra ngoài khi ngủ. Nhìn chung trẻ 3 tuổi đái dầm ban đêm ba mẹ không cần lo lắng nhiều. Tình trạng tiểu đêm không ý thức ở trẻ trên 5 tuổi, trong một tuần trên 2 lần có biểu hiện tiểu dầm ban đêm và kéo dài trên 6 tháng, phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám ngay”.
Thông thường, tình trạng tiểu dầm vào ban đêm ở bé trai sẽ nhiều hơn bé gái. Tần suất của tình trạng tiểu dầm vào ban đêm sẽ giảm dần theo thời gian và độ tuổi. Có 15% trẻ nhỏ 5 tuổi tiểu dầm, nhưng khi đến 6 - 7 tuổi sẽ giảm còn 13 - 10%. Ở những trẻ từ 15 tuổi trở lên, tình trạng tiểu dầm còn 1 - 2%. Theo một nghiêm cứu được thực hiện tại TPHCM cho thấy, thực tế trung bình có đến 7% trẻ từ 5 - 10 tuổi gặp tình trạng tiểu dầm.
Nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu dầm về đêm ở trẻ em
Về sinh bệnh học, việc giảm tiết vasopressin, anti diuretic hormone (ADH) khi ngủ sẽ dẫn đến tình trạng tiểu dầm vào ban đêm khi ngủ ở trẻ. Giảm khả năng giữ nước tiểu trong bàng quang khi ngủ, tăng co bóp cơ vòng bàng quang. Hệ thống thần kinh không có khả năng đánh thức trẻ dậy khi bàng quang đầy.
“Nguyên nhân gây tiểu dầm vào ban đêm thông thường sẽ mang tính di truyền. Theo các nghiên cứu, nếu ba và mẹ đã từng đái dầm khi nhỏ, nguy cơ đái dầm của con sẽ là 77%. Tỷ lệ này sẽ giảm còn 44% nếu chỉ ba hoặc chỉ mẹ từng đái dầm, và xuống 15% nếu không ai trong ba mẹ đã từng đái dầm”, PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp thông tin.
Lượng chất ADH do cơ thể giảm tiết vào ban đêm sẽ khiến cho lượng nước tiểu tăng vào ban đêm. Một trong những yếu tố tác động cũng có thể gây giảm tiết ở trẻ đó là việc sử dụng trà, cà phê, coca và chocolat quá nhiều, những loại thực phẩm này có yếu tố làm thức, khi vào cơ thể trẻ sẽ gây ức chế ADH.
Bên cạnh đó, nguyên nhân đến từ các yếu tố tâm lý vẫn chính là vấn đề hàng đầu, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm. Khi trẻ gặp phải những căng thẳng về mặt tâm lý như bị cô giáo la mắng, bị bạn bè tách biệt khỏi nhóm, ám ảnh, lo sợ hay phải thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã từ ba mẹ, gia đình tan vỡ hoặc phải chào đón thêm một thành viên mới.
“Ở một đứa trẻ tiểu dầm vào ban đêm sẽ có một số hành vi như từ chối ngủ chung với bạn, từ chối tham dự các lớp học dã ngoại và tham gia trại hè. Từ chối đi chơi với với gia đình. Một số trẻ sẽ xấu hổ về tình trạng này của bản thân, than phiền và thiếu tập trung khi ở lớp, mệt mỏi vào buổi sáng” - chuyên gia chia sẻ.
PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp khuyến nghị, khi trẻ trên 5 tuổi và phụ huynh cảm nhận được tình trạng này gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ, thiếu tự tin vào bản thân; hoặc là lý do làm cho trẻ từ chối tham gia các hoạt động của trường, lớp và xã hội như cắm trại, du lịch,…; hoặc khi các bậc phụ huynh cảm thấy quá lo lắng về tình trạng tiểu dầm kéo dài ở trẻ nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để nhận được lời khuyên.
Các phương pháp giúp hạn chế đái dầm ở trẻ em
Các bậc phụ huynh có thể hạn chế đái dầm ở trẻ bằng các pháp đơn giản như:
- Cần chú ý cho trẻ uống đủ nước vào thời điểm ban ngày, buổi sáng và buổi trưa ít nhất 30ml/kg cân nặng. Hạn chế uống nước và sữa (thức ăn lỏng) vào sau bữa tối, cách 3 - 4 giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm. Tuy nhiên, ba mẹ không nên tỏ ra quá nghiêm ngặt vì trẻ có thể hiểu là trẻ đang bị trừng phạt và trẻ sẽ tỏ thái độ thù địch.
- Cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu hóa để tránh táo bón và khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn.
- Cho trẻ đi tiểu trước khi ngủ. Ba mẹ cần tạo niềm tin cho con là có thể tự kiểm soát được tiểu dầm. Động viên bé và khen thưởng bé khi bé qua được một đêm khô ráo.
- Ba mẹ tuyệt đối không nên có hành vi phạt trẻ khi con tiểu dầm.
Chuyên gia nhấn mạnh: “Trong nuôi dạy trẻ nhỏ, ba mẹ cần kiên nhẫn, hạn chế việc xử phạt và tăng cường khen thưởng cho con. Việc xử phạt có thể khiến trẻ ức chế tâm lý và không giúp con vượt qua được vấn đề của mình. Nhưng nếu động viên tinh thần và khen thưởng khi trẻ làm tốt hoặc không sẽ đem lại kết quả tốt hơn trong việc giúp trẻ giải quyết vấn đề của mình”.
Điều trị cho trẻ tiểu dầm, cha mẹ cần kiên nhẫn đồng hành cùng con
Nếu một số phương pháp thông thường hỗ trợ trẻ giải quyết tình trạng tiểu dầm tại nhà không hiệu quả, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho trẻ sử dụng đồng hồ báo thức. Tỷ lệ thành công của phương pháp này trong việc điều trị tiểu dầm ở trẻ là 70 - 80%. Phương pháp điều trị này cần sự hỗ trợ từ người thân, nhằm giúp trẻ đi vào nhà vệ sinh mỗi khi được đánh thức. Việc thất bại trong điều trị sẽ được đánh giá sau ít nhất là 2 - 3 tháng.
Đa số các trường hợp khi đưa trẻ đến thăm khám, việc điều trị không dùng thuốc được các bác sĩ khuyến khích hơn điều trị dùng thuốc. Việc đầu tiên cần làm trong điều trị không dùng thuốc là ba mẹ nên ghi lại những lần bé tiểu dầm vào 1 quyển sổ hoặc lịch để theo dõi. Điều quan trọng là hãy luôn động viên, khen thưởng khi trẻ thành công một lần. Thay và giặt đồ cho trẻ cẩn thận trước khi đến lớp để gạt bỏ mặc cảm, sự tự ti của con trước thầy cô, bạn bè.
Về mặt tâm lý, tránh cho trẻ chứng kiến những cuộc cãi vã của người lớn. Luôn quan tâm đến các yếu tố tác động tâm lý trẻ như mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, anh chị em ruột…
“Trong trường hợp nếu không điều trị được bằng các phương pháp thông thường, các bác sĩ sẽ cho trẻ điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, việc dùng thuốc sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho trẻ, vì vậy tôi không khuyến khích điều trị qua việc dùng thuốc cho phụ huynh trong đa số các trường hợp. Những biện pháp thông thường sẽ giải quyết gần 95% vấn đề. Nếu dùng thuốc, chỉ nên cho trẻ dùng trong thời gian ngắn hoặc dùng với mục đích kiểm soát triệu chứng nếu các biện pháp khác đều thất bại”, PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp khuyến cáo.
Về diễn tiến, tình trạng tiểu dầm sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất bình thường của trẻ. Nhưng nếu tình trạng vẫn tiếp diễn ở trẻ lớn, đặc biệt trên 10 tuổi, sẽ gây nhiều ảnh hưởng về vấn đề tâm lý đến trẻ. Bệnh nhi sẽ là tâm điểm chú ý của bạn bè, bị chê cười, mất tự tin, căng thẳng, buồn rầu và mặc cảm. Lâu dần, tâm tính các bé sẽ trở nên bất thường, khó chịu và khó hòa nhập.
Trong các biện pháp dự phòng cho tình trạng tiểu dầm ở trẻ, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần tập cho trẻ đi tiểu chủ động trước 18 tháng, khi trẻ ngủ dậy mà chưa đi tiểu, sử dụng bô hoặc ghế bô để hỗ trợ đùi và chân trẻ.
Cho trẻ đi tiểu khi thấy trẻ có biểu hiện muốn đi tiểu, không ép trẻ ngồi bô cho đến khi trẻ tiểu và cũng không quá quan trọng nếu thất bại trong thời gian đầu. Các bậc phụ huynh cần kiên nhẫn cho trẻ tập luyện, những phương pháp này thường thành công không quá sau 3 tháng. Không nên thay đổi cách thức liên tục.
“Tóm lại, tiểu dầm ở trẻ nhỏ không khó để khắc phục và điều trị. Chính vì vậy, ba mẹ hãy cùng đồng hành và hỗ trợ con trong quá trình điều trị để trẻ không bị chướng ngại về tâm sinh lý, giúp bé tự tin vượt qua và trưởng thành hơn” - PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp nhắn nhủ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình