Tiêm keo sinh học: Lựa chọn ít xâm lấn cho trẻ bị trào ngược bàng quang - niệu quản
Khoa Niệu - Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa tiếp nhận điều trị thành công cho bé N.T.A 3 tuổi bị trào ngược bàng quang niệu quản 2 bên với phương pháp tiêm keo sinh học.Nội soi tiêm keo sinh học chống trào ngược bàng quang - niệu quản
Vừa qua, khoa Niệu - Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận điều trị cho bé N.T.A 3 tuổi bị trào ngược bàng quang niệu quản 2 bên với bên phải mức độ IV và bên trái mức độ II. Bé đã nhiễm trùng tiểu tái phát 2 lần mặc dù đang được điều trị với kháng sinh dự phòng đều đặn.
Ngày 18/2/2020, TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng êkíp đã tiến hành nội soi bàng quang cho bé và thực hiện tiêm chất keo sinh học chống trào ngược (Dexell). Phẫu thuật kết thúc thành công và bé đã xuất viện ngay ngày hôm sau.
Nội soi tiêm keo sinh học chống trào ngược bàng quang - niệu quản
Được biết, phương pháp tiêm keo sinh học mà Bệnh viện Nhi đồng 2 triển khai là phẫu thuật được thực hiện qua nội soi đường tiểu dưới với ống soi nhỏ với ưu điểm ít đau và xâm lấn tối thiểu vào thân thể bệnh nhi, bé có thể xuất viện trong ngày. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh cao (trên 86%) với biến chứng rất hiếm gặp.
Theo ThS.BS Phan Lê Minh Tiến - Khoa Niệu - Bệnh viện Nhi Đồng 2, chất này có độ tương hợp sinh học và kết dính cao, được chính thức sử dụng ở châu Âu vào năm 1998 và được Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm của Mỹ (FDA) công nhận năm 2001 trong điều trị bệnh lý trào ngược bàng quang - niệu quản.
Hiện nay, các bệnh viện có khoa phẫu thuật nhi và có đủ các điều kiện về gây mê cũng như trang thiết bị nội soi nhi đều có thể tiến hành phương pháp này. Trong đó, bệnh viện đầu tiên tiến hành triển khai là Nhi Đồng 2 và đang ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong điều trị trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em.
[DAP]
Trào ngược bàng quang - niệu quản là sự di chuyển ngược chiều của nước tiểu từ bàng quang lên đường tiết niệu trên. Có hai loại là:
- Trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát là một bất thường bẩm sinh ở hệ thống van chống trào ngược tự nhiên làm cho cơ chế này hoạt động không tốt.
- Trào ngược bàng quang - niệu quản thứ phát khi trào ngược có kèm theo chức năng bàng quang bất thường và áp lực bàng quang tăng như van niệu đạo sau, bàng quang thần kinh hoặc bất thường nội tại của bàng quang và niệu quản như trong hội chứng Prune-Belly. Trào ngược bàng quang - niệu quản thứ phát có khuynh hướng tự lành khi áp lực trong bàng quang cải thiện.
Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều phẫu thuật chống trào ngược có thể chia ra 3 nhóm gồm: kỹ thuật cắm lại niệu quản trong bàng quang (kỹ thuật Cohen, kỹ thuật Politano-Leadbetter, kỹ thuật Psoas hitch, kỹ thuật Glenn-Anderson, kỹ thuật Hutch, kỹ thuật Paquin), kỹ thuật cắm lại niệu quản ngoài bàng quang (Lich-Gregoir) và kỹ thuật nội soi bàng quang tiêm thuốc chống trào ngược (keo sinh học). Nhìn chung, hầu hết các kỹ thuật có tỉ lệ thành công cao từ 92-98%.
Chất keo sinh học có cấu trúc phân tử là kết hợp của hai chất dạng đường là dextranomer và axit hyaluronic, được dùng trong nội soi để điều trị TNBQNQ. Tác dụng của chất này là làm chít hẹp lại lỗ đổ của niệu quản vào bàng quang, tạo được van chống trào ngược, từ đó hạn chế sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản.
[/DAP]
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình