Hotline 24/7
08983-08983

Tía tô chữa bệnh gout hiệu quả nhờ có chất gì?

Tía tô là thảo dược giúp người bệnh vượt qua cơn đau viêm khớp, trong đó có bệnh gout. Vậy tía tô có chất gì giúp ích cho bệnh gout, dùng tía tô như thế nào mang lại hiệu quả tốt nhất? PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông - Tây y kết hợp TPHCM sẽ giải đáp những thắc mắc này.

1. Bệnh gout diễn tiến thế nào, ai dễ bị?

Bệnh gout được xem là “vua của bệnh khớp” vì cơn đau của gout khiến người bệnh khổ sở vô cùng. Xin PGS cho biết theo đông y thì bệnh này có diễn tiến như thế nào, và ngày xưa dùng những thảo dược gì để chữa ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Gout là “vua của bệnh khớp” gây đau. Vì bệnh xuất hiện ở các vị vua có bữa ăn thịnh soạn, nhiều hải sản và uống rượu, bia. Bên cạnh đó bệnh gout còn được gọi là “vua của bệnh khớp” vì nó gây đau dữ dội, khiến người bệnh không chịu nổi.

Bệnh gout thường xuất hiện ở nam giới. Có 2 cơ chế gây ra bệnh gout:

  • Do rối loạn nội sinh, làm sản sinh ra nhiều acid uric từ chất đạm xấu
  • Do chế độ ăn uống

Có nhiều người không ăn cua, cá, uống rượu, bia nhưng họ vẫn bị gout.

Cả hai cơ chế gây bệnh nội sinh và ngoại sinh đều gây ra tình trạng acid uric trong máu tăng cao. Khi acid uric trong máu tăng cao nó di chuyển trong các mạch máu và đọng lại ở khớp gây viêm khớp.

Thông thường acid uric đọng lại ở khớp các phần thấp của cơ thể như mắt cá chân, ngón cái. Sau đó acid uric có thể di chuyển đến tất cả các khớp khác trong cơ thể như khớp gối, khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay,... Đến một thời điểm, acid uric sẽ xuất hiện đa khớp.

Bệnh gout xuất hiện ở nam giới chiếm 65-80% và vẫn có thể xuất hiện ở nữ giới.

Khi acid uric tăng không chỉ gây bệnh viêm khớp gout mà còn những gây ra nhiều bệnh khác như thận. Bởi thận là cơ quan lọc acid uric làm ảnh hưởng đến màng bọc gây suy thận.

Như vậy, cả hai giới đều có khả năng tăng acid uric nhưng không gây bệnh gout mà có thể gây ra các bệnh khác.

Từ trước đến nay, đông y thường sử dụng phối hợp các dược liệu với nhau, ít khi dùng độc vị. Người ta sử dụng các bài thuốc cổ phương như độc hoạt tang ký sinh, các bài thuốc của lục vị quy thược để điều trị viêm khớp gout.

Bài thuốc độc hoạt tang ký sinh gồm 12 dược liệu nhưng tang ký sinh là chuẩn dược. Bên cạnh đó còn có ngưu tất, cỏ xước, hy thiêm thảo, phòng phong và các dược liệu giúp làm giảm acid uric và chống viêm tại khớp. Bởi nguyên nhân gây ra sưng, đau dữ dội là do viêm khớp.

Ngoài các bài thuốc cổ phương, trong dân gian, khi đau khớp người ta cũng dùng nước sắc lá tía tô để uống giúp giảm đau tức thời, giải quyết tạm thời trước khi đến thầy thuốc.

2. Công dụng chữa bệnh gout của tía tô

Theo y học cổ truyền, tía tô có những chất gì có thể giúp ích cho người bệnh gout, cụ thể công dụng của các chất đó là gì ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Thân, lá, rễ tía tô đều chứa tinh dầu, đặc biệt trong lá tía tô có rất nhiều tinh dầu andehit, dầu béo, vitamin và khoáng chất.

Trong cơ chế gây ra bệnh gout, men xanthin oxidase kích hoạt, thúc đẩy sản sinh acid uric trong máu. Thành phần của tía tô có các tinh dầu, dầu béo làm ức chế, ngăn chặn men xanthine oxidase làm cho men này không có cơ hội sản sinh ra thêm acid uric.

Dù chúng ta ăn nhiều nhưng không có loại men này thì sẽ không sản sinh ra acid uric.

Các thành phần trên cây tía tô (thân, lá, rễ, hạt) gây tác dụng lên enzyme xanthine oxidase nên người ta sử dụng tía tô với vai trò là thuốc chứ không phải rau ăn. Nếu sử dụng tía tô như thực phẩm thì cần sử dụng đến 200-300g/ngày.

Do vậy, người ta thường dùng tía tô sấy khô, đảm bảo các thành phần hoạt chất để sắc nước uống giúp giảm khả năng tăng acid uric.

Bên cạnh đó, tinh dầu của tía tô cũng giúp giảm được cơn đau. Như vậy, tía tô vừa giúp giảm acid uric - nguyên nhân gây ra bệnh gout, vừa giảm được các cơn đau co thắt.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông - Tây y kết hợp TPHCM

3. Cách chữa bệnh gout bằng lá tía tô hiệu quả

Để điều trị bệnh gout bằng lá tía tô thì có mấy cách ạ? Nhờ PGS hướng dẫn cách nào hiệu quả nhất và dễ áp dụng với mọi người?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Một công trình nghiên cứu ở Nhật, khi so sánh việc sử dụng lá tía tô, toàn bộ cây tía tô với việc sử dụng allopurinol (một loại thuốc giảm acid uric trong máu), người ta nhận thấy rằng tía tô giúp giảm acid uric trong máu ngang với loại thuốc này.

Allopurinol chống chỉ định trong trường hợp chức năng thận yếu, suy thận, bắt đầu từ cấp độ 1. Vì vậy, tác dụng tương đương của tía tô giúp ích rất nhiều cho người bệnh.

Nếu bệnh nhân đã bị gout, trong giai đoạn cần giảm đau, chống viêm nhanh và hạ acid uric, có thể sử dụng thuốc tây nếu bệnh nhân chưa bị suy thận.

Bên cạnh đó chúng ta sử dụng tía tô dạng lá khô hoặc được điều chế thành trà. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng ta cần chú ý phải sử dụng đủ liều lượng. Khi sử dụng tía tô như thực phẩm uống và không có hiệu quả thì chúng ta nghĩ rằng nó không có tác dụng.

Chúng ta cần sử dụng 20-30g lá tía tô khô, sắc với nước, cô đặc lại và uống mỗi ngày để có hiệu quả. Nếu là trà tía tô, chúng ta cần xem liều lượng trên mỗi gói trà và kết hợp với các loại thuốc đang sử dụng.

Để điều trị viêm khớp gout người bệnh phải sử dụng nhiều loại thuốc kháng viêm, giảm acid uric, các loại thuốc giảm đau mới có thể chữa được. Giờ đây chúng ta có thể sử dụng allopurinol hoặc febuxostat để giảm acid uric và tía tô dưới dạng thực phẩm để giảm.

Nếu chuyên dùng lá tía tô điều trị bệnh gout, chúng ta cần chú ý liều lượng và đến thầy thuốc đông y để xác định liều lượng phù hợp.

4. Phối hợp thuốc tây và tía tô chữa bệnh gout thế nào?

Nếu bệnh nhân gout đang sử dụng thuốc tây mà muốn dùng thêm tía tô thì nên phối hợp như thế nào, thưa PGS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Nếu sử dụng phối hợp cả đông - tây y thì khoảng cách thời gian là rất quan trọng nhất. Thông thường chúng ta cần sử dụng cách nhau 2 giờ, ít nhất là 1 giờ.

Bởi khi một loại thuốc vào cơ thể, qua quá trình hấp thu ở ruột và vào máu. Nên khi chúng ta sử dụng một loại thuốc khác kèm theo sẽ xảy ra sự tương tác có thể xấu hoặc tương tác hiệp đồng.

Do chưa nghiên cứu sự tương tác này nên cần sử dụng cách ra một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, chúng ta uống trà tía tô thì khoảng 2 tiếng sau chúng ta mới dùng thuốc và ngược lại để đảm bảo sự an toàn.

Khi chúng ta dùng tía tô tươi để uống thay nước thì không được dùng nước này để uống thuốc.

Điều này không chỉ áp dụng riêng với thuốc viêm khớp gout và nước lá tía tô mà còn áp dụng với các loại thuốc khác và nước lá khác để tránh tương tác xấu.

5. Chỉ sử dụng tía tô để chữa gout có hiệu quả không?

Theo PGS, nếu bệnh gout có biểu hiện nhẹ thì chỉ dùng tía tô (không dùng thuốc tây) thì có được không? Và bệnh nhân cần làm gì để tránh cho bệnh gout diễn tiến nặng?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Dựa vào các công trình nghiên cứu trên thực nghiệm, tía tô giúp làm ức chế enzyme xanthine oxidase, góp phần giảm lượng acid uric trong máu.

Nhưng do chưa thử nghiệm trên người nên trong quá trình điều trị, các thầy thuốc thường kê các loại thuốc làm giảm acid uric và chống viêm ngay. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc tây, chúng ta có thể sử dụng tía tô để ngăn tái phát và tiếp tục theo dõi lượng acid uric hàng tháng.

Bởi đôi lúc chúng ta không thể kiêng các loại rượu, bia hoặc phải ăn các thực phẩm như cá, cua, tôm.

Tuy nhiên, không phải khi uống trà tía tô, chúng ta có thể tiếp tục uống bia, ăn các loại hải sản, phủ tạng động vật (tim, gan, phèo, phổi) vì có thể làm tăng acid uric.

Khi chúng ta bị viêm khớp gout chúng ta nên kiêng những loại thực phẩm đó và giảm uống bia và sử dụng thêm trà tía tô, tía tô tươi hàng ngày để ngăn chặn việc tăng lượng acid uric gây viêm khớp gout.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X