Thuốc kháng sinh luẩn quẩn từ thức ăn công nghiệp đến gia súc, phân chuồng, thủy sản rồi ra môi trường
Thực trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhiều hơn việc điều trị kháng sinh ở người bệnh gấp nhiều lần, bởi việc dùng kháng sinh trên gia súc, gia cầm còn có thêm mục đích tăng trọng. Thịt và phân của chúng tồn dư kháng sinh tiếp tục nhân rộng hiện tượng kháng kháng sinh trong cộng đồng.
Trong chương trình hội thảo phòng chống kháng thuốc kháng sinh ngày 21/11 diễn ra tại TPHCM, các chuyên gia đến từ Liên chi hội Truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford và Sở Y tế TPHCM đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý: 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có đơn theo quy định, vòng đời thuốc kháng sinh ngày càng ngắn, số lượng công ty nghiên cứu thuốc kháng sinh ngày càng ít đi… Nhiều nhà khoa học thế giới đang đặt ra câu hỏi liệu nhân loại có bước vào “kỷ nguyên hậu kháng sinh”, tức thời kỳ không còn kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng.
Sau phần mở đầu của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Chủ tịch liên chi hội Truyền nhiễm, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM với bài trình bày “Tổng quan về đề kháng kháng sinh”, cung cấp thông tin tổng quan về tình trạng kháng kháng sinh, từ lịch sử cho đến nguyên lý kháng thuốc ở vi trùng là phần trình bày của PGS.TS.BS Ngô Thị Hoa - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, với bài “Kháng sinh và chăn nuôi”.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM phát biểu khai mạc.
PGS.TS.BS Ngô Thị Hoa cho biết kháng kháng sinh không chỉ xuất phát từ việc người dân tự ý sử dụng kháng sinh để chữa bệnh mà một phần nguyên nhân quan trọng là từ việc chăn nuôi. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp khá phổ biến ở nước ta hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 6 trên thế giới về việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi, còn trong nuôi trồng thủy sản thì đứng thứ 3.
Theo thống kê, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhiều hơn việc điều trị kháng sinh ở người bệnh gấp nhiều lần, bởi con người chỉ dùng đến kháng sinh khi bị bệnh, còn việc sử kháng sinh trong chăn nuôi còn có thêm mục đích tăng trọng cho gia súc, gia cầm.
Ở Việt Nam, mô hình chăn nuôi V-A-C (vườn ao chuồng) được áp dụng phổ biến ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng dư lượng thuốc kháng sinh không được xử lý triệt để
Ở Việt Nam, mô hình chăn nuôi V-A-C (vườn ao chuồng) rất quen thuộc ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều đáng lo ngại là không chỉ sản phẩm thịt của các gia súc, gia cầm này còn tồn dư kháng sinh mà chất thải của động vật cũng góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.
Kháng sinh được trộn sẵn trong thức ăn công nghiệp, mặc dù có đăng ký và liệt kê các loại kháng sinh trên bao bì nhưng việc thức ăn này cụ thể có chứa loại kháng sinh nào, hàm lượng bao nhiêu lại là công thức bí mật của nhà sản xuất.
Gia súc, gia cầm sau khi ăn thức ăn công nghiệp thì trong thịt sẽ tồn dư thuốc kháng sinh (đi vào cơ thể người dùng), phân thải ra đem cho cá ăn, phơi khô đem bón cây, hoặc thải trực tiếp vào đất, vào ao hồ sông suối cũng làm cho lượng kháng sinh này “lẩn quẩn” trong môi trường, góp phần nhân rộng hiện tượng kháng kháng sinh.
PGS.TS.BS Ngô Thị Hoa: Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi nhằm kích thích tăng trưởng và điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm góp phần đẩy nhanh tình trạng kháng kháng sinh ở người.
PGS.TS.BS Ngô Thị Hoa và cộng sự đã làm khảo sát và có số liệu chứng minh việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi sẽ dẫn đến việc phát tán vi trùng kháng thuốc trên người chăn nuôi và trong cộng đồng (kể cả người không chăn nuôi cũng có tình trạng này).
PGS.TS.BS Ngô Thị Hoa cho biết xu hướng phát triển chăn nuôi ở Việt Nam không đi ngoài sự phát triển của ngành chăn nuôi thế giới, các cơ quan chức năng cũng đã có hướng dẫn người dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sao cho an toàn, hợp lý nhưng Việt Nam có rất nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tuân thủ tốt quy định dùng kháng sinh như các nước phát triển.
Về vấn đề sử dụng kháng sinh trong các bệnh viện, ThS.DS Huỳnh Phương Thảo - Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nhấn mạnh cần đẩy mạnh xét nghiệm vi sinh, ý kiến này được nêu trong bài báo cáo “Sự cần thiết phải quản lý sử dụng kháng sinh, chương trình Quản lý kháng sinh tại bệnh viện”.
ThS.DS Huỳnh Phương Thảo - Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
ThS.DS Huỳnh Phương Thảo cho rằng nên làm kháng sinh đồ từ sớm để lựa chọn kháng sinh đúng ngay từ đầu, hạn chế việc điều trị “bao vây” nhiều loại kháng sinh trên một bệnh nhân. Ngoài ra, cần có các hoạt động phòng chống kháng thuốc như: liên thông dữ liệu bán thuốc kê đơn tại nhà thuốc bệnh viện, liên thông dữ liệu kê đơn tại các phòng khám của bệnh viện, sinh hoạt thân nhân người bệnh - truyền thông sức khỏe tại bệnh viện…
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đúc kết: nếu không phản ứng cấp bách trong việc bảo tồn thuốc kháng sinh, nhân loại có thể bước vào “kỷ nguyên không có thuốc kháng sinh”, là tới giai đoạn bác sĩ chỉ có thể rửa tay để ngăn chặn nhiễm trùng và cầu nguyện cho bệnh nhân có hệ miễn dịch tốt để tự mình chiến thắng vi trùng.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh buổi hội thảo không phải đưa đến cho mọi người cái nhìn bi quan về hiện trạng kháng thuốc kháng sinh mà mong rằng cộng đồng sẽ chung tay ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, thực tế đã có những loại kháng sinh đã lâu không sử dụng lại trở nên hiệu quả khi điều trị nhiễm trùng.
Các chuyên gia có mặt tại hội thảo phòng chống kháng thuốc ngày 21/11 tại TPHCM: DS.CK2 Lê Hoàng Nhã - phòng nghiệp vụ Dược - Sở Y tế TPHCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, PGS.TS Ngô Thị Hoa, ThS.DS Huỳnh Phương Thảo
Hồng Nhung - ảnh: Thanh Quang
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình