Hotline 24/7
08983-08983

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM: Nếu không mắc COVID-19, các bệnh nhân suy thận mạn có thể kéo dài cuộc sống 5-10 năm

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Chủ tịch Liên chi hội Truyền Nhiễm TPHCM chia sẻ, nếu những bệnh nhân suy thận mạn không bị COVID-19, cuộc sống của họ có thể kéo dài được khoảng 5-10 năm. COVID-19 giống như giọt nước cuối cùng để làm tràn ly.

Những ngày qua, nhiều người vẫn thắc mắc có hai bệnh nhân COVID-19 tử vong khi đã âm tính với virus SARS-CoV-2, đó là BN 418 (và gần đây là BN 453). BN 418 tử vong sau 4 lần âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp, suy thận mạn tính, đái tháo đường type 2 (cũng tương tự vậy, BN453 có 3 lần âm tính SARS-CoV-2 với tiền căn tăng huyết áp, suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận chu kỳ, tai biến mạch máu não).

Vậy vì sao bệnh nhân đã âm tính với virus này mà vẫn tử vong? Ảnh hưởng của COVID-19 lên bệnh nhân sau khi âm tính ké dài bao lâu? Từ khi âm tính đến khi khỏi bệnh và khỏe hẳn mất bao nhiêu thời gian?

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu trong chương trình "Miễn dịch cộng đồng trong cuộc chiến chống COVID-19" do AloBacsi phối hợp với Hội Y học TPHCM thực hiện.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu trả lời:

COVID-19 cũng giống như các bệnh nhiễm trùng khác, có đặc điểm giống nhau đó là khi một tác nhân gây bệnh xâm nhập vào, cơ thể sẽ tạo ra những phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm. Những phản ứng do tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể tạo ra triệu chứng bệnh. Nói một cách nôm na, virus sau khi xâm nhập vào sẽ tàn phá cơ thể của chúng ta và tấn công vào những cơ quan nội tạng. Bên cạnh đó, cơ thể chúng ta sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch, phản ứng viêm để chống lại những tác nhân này. Chính phản ứng miễn dịch, phản ứng đề kháng, phản ứng viêm do cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh gây tổn hại luôn cho những cơ quan trong cơ thể.

Do đó, đặc điểm của bệnh nhiễm trùng là khi tác nhân gây bệnh đã bị tiêu diệt (nhờ dùng thuốc, hoặc sức đề kháng của cơ thể tiêu diệt) thì sự tổn hại cơ thể vẫn còn, phản ứng miễn dịch, phản ứng viêm trong cơ thể vẫn còn. Do đó, rất nhiều bệnh nhiễm, không chỉ mỗi COVID-19, tác nhân gây bệnh sau đó đã âm tính nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục diễn tiến nặng và có thể dẫn tới tử vong. Tử vong này là do phản ứng viêm của cơ thể quá mạnh làm tổn hại cơ thể. Nguyên nhân tử vong cũng có thể là do bản thân virus tấn công trực tiếp vào những cơ quan trong cơ thể. Đối với SARS-CoV-2, virus này tấn công thẳng vào phổi gây tổn thương phổi nặng. Nếu cơ thể không tự hồi phục lại được, bệnh nhân sẽ tử vong.

Trước đây, bệnh nhân 91 phải điều trị hơn 2 tháng mới âm tính với SARS-CoV-2 nhưng diễn tiến tiếp tục nặng vì virus cùng hệ thống miễn dịch và hệ thống viêm của cơ thể tạo ra phản ứng dữ dội, gây ra "cơn bão cytokine" trong cơ thể, dẫn tới bệnh nhân tổn thương phổi nặng. Đã có giai đoạn chúng tôi lo ngại nếu phổi bệnh nhân không tự hồi phục thì người bệnh phải lệ thuộc vào máy ECMO suốt đời. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân có thể được cứu sống chỉ khi được thay phổi mới (ghép phổi).

May mắn sau đó phổi của bệnh nhân 91 hồi phục dần và dần dần được cai máy thở. Tuy nhiên hiện nay chức năng phổi của bệnh nhân này không bình phục hẳn 100%, mà chỉ có 60-70% thôi.

Quay trở lại BN 418 cũng tương tự như vậy, dù SARS-CoV-2 đã âm tính, tuy nhiên do cơ thể bệnh nhân này đã bị tổn hại trước đó rồi, lại có bệnh nền tiểu đường, suy thận, COPD, tức là phổi bệnh nhân đã suy giảm chức năng từ trước khi mắc COVID-19. COVID-19 giống như giọt nước cuối cùng để làm tràn ly. Khi bệnh nhân mắc phải sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn, nghiêm trọng hơn, chức năng các tạng trong cơ thể vốn đã suy giảm thì giờ xấu hơn. Như vậy, đối với những trường hợp này, tiên lượng cực kỳ nặng và khả năng tử vong thường khó tránh khỏi.

Do đó các bạn cũng đừng ngạc nhiên khi gần đây chúng ta có nhiều trường hợp tử vong tại Đà Nẵng, đa phần là những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính nặng. Có những bệnh nhân suy thận mạn, đến giai đoạn thận những người này không còn hoạt động được nữa, phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo định kỳ mỗi tuần 2-3 lần. Nếu những người này không bị COVID-19, với biện pháp chạy thận nhân tạo, cuộc sống có thể kéo dài được khoảng 5-10 năm. Nhưng một khi đã bị nhiễm COVID-19, tử vong là điều khó tránh khỏi.

Tương tự có một số trường hợp tử vong trên nền bệnh lơ xê mi ung thư máu (BN499). Bệnh nhân đang điều trị ung thư, mặc dù được điều trị tích cực nhưng những trường hợp ung thư ở giai đoạn cuối đã di căn thường khó qua khỏi 5 năm. Khi bị nhiễm thêm COVID-19, dù y học có cố gắng bao nhiêu cũng không thể nào cứu được những trường hợp này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X