Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc giảm đau nguy hiểm với người bệnh tim

Dùng thuốc này trong 1 tuần tăng 45% nguy cơ tử vong, nếu kéo dài 3 tháng, nguy cơ tăng lên 55%.

Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phần lớn là những người cao tuổi, thường có kèm các bệnh khác gây đau như bệnh khớp. Chính vì vậy những bệnh nhân bệnh tim, kể cả những người từng bị nhồi máu cơ tim hay được kê đơn thuốc giảm đau, trong đó thông dụng nhất là các thuốc chống viêm giảm đau không phải loại steroide (sau đây viết tắt là NSAID).

Tuy nhiên, đây là những thuốc dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân tim mạch, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Một công trình nghiên cứu quy mô lớn được đăng tải trên tập san Tuần Hoàn (Circulation) của Hiệp hội Tim Hoa Kỳ tháng 5-2011 một lần nữa mạnh mẽ cảnh báo nguy cơ này.

Các thuốc NSAID có nhiều loại khác nhau, nhưng những thuốc thường được sử dụng là Ibuprofen (Alaxan), Indomethacin (Indocin), Diclofenac (Voltaren) và các thuốc ức chế men Cox-2 chọn lọc như Meloxicam (Mobic) và Celecoxib (Celebrex).
 
Ở Việt Nam, các thuốc này có thể dễ dàng mua ở nhiều nhà thuốc tây vì giá không đắt
mà tác dụng giảm đau nhanh chóng - Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị
 
Thật sự từ lâu người ta đã biết các thuốc NSAID ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân mắc bệnh tim. Một số bằng chứng còn cho thấy các thuốc này cũng có hại với người khỏe mạnh không chỉ liên quan đến vấn đề tiêu hóa (loét dạ dày) mà còn có thể tác động không tốt đến hệ tim mạch.
 
Vì vậy, các hướng dẫn thực hành lâm sàng trên thế giới đều khuyến cáo không nên sử dụng các thuốc giảm đau này ở những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh tim.

Trong trường hợp bất khả kháng, bắt buộc phải dùng, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn nhất. Chính vì vậy các thầy thuốc vẫn chấp nhận kê đơn thuốc giảm đau NSAID cho bệnh nhân với suy nghĩ sẽ không gây hại gì vì chỉ dùng trong thời gian ngắn. Nhưng quan niệm này cần thay đổi triệt để.

Trong nghiên cứu nói trên, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tiến hành theo dõi 83.675 người trưởng thành có cơn nhồi máu cơ tim cấp vào khoảng giữa năm 1997 và 2006. Tỉ lệ dùng thuốc giảm đau NSAID rất cao: có hơn 42% bệnh nhân sống sót sau đợt nhồi máu đã sử dụng ít nhất một loại NSAID.
 
So sánh giữa những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim có và không có dùng thuốc NSAID, các tác giả nhận thấy: chỉ cần điều trị các thuốc này trong vòng một tuần đã làm tăng 45% nguy cơ tử vong hay tái nhồi máu cơ tim. Nếu dùng thuốc kéo dài ba tháng nguy cơ này tăng lên đến 55%. Thuốc có nguy cơ cao nhất là Diclofenac vì chỉ cần dùng thuốc này trong vòng một tuần đã làm tăng nguy cơ tử vong hoặc tái nhồi máu cơ tim lên đến gấp ba lần.

Ngay cả trong giai đoạn hồi sức sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành, các thuốc NSAID thường vẫn được sử dụng để giảm đau. Từ nghiên cứu trên, Cơ quan Kiểm soát thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa đưa ra cảnh báo không nên dùng Diclofenac để giảm đau trong khoảng thời gian trước và sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Như vậy, ngoài tác dụng xấu gây loét dạ dày, các thuốc giảm đau không phải steroide vốn được dùng rất rộng rãi có những nguy hiểm lớn đối với hệ tim mạch, nhất là bệnh nhân mắc bệnh mạch vành và đặc biệt những người từng có đợt nhồi máu cơ tim.

Ngay cả những người dù chưa có cơn nhồi máu cơ tim nhưng có những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (tuổi cao, nam giới, hút thuốc lá, mỡ máu cao, thừa cân/béo phì, ít vận động thể lực, đái tháo đường và gia đình có nhiều người mắc bệnh mạch vành) cũng phải đặc biệt lưu ý.

Theo TS.BS Lê Minh Khôi - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X