Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc chữa “giời leo”, zona thần kinh

Khi có triệu chứng “giời leo”, zona cần tuân thủ nguyên tắc: tuyệt đối không gãi, cạo, đắp đỗ xanh, gạo nếp… vì sẽ làm cho tổn thương sâu hơn.

“Giời leo” là từ dân gian chỉ tổn thương da cấp tính có mụn nước, mụn mủ, bọng nước. Nó có thể là viêm da do tiếp xúc với côn trùng hoặc bệnh zona. Do đây là 2 bệnh khác hẳn nhau nên khi mắc, bệnh nhân cần đi khám chứ không nên tự ý dùng thuốc.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng

Thường thì bệnh phát sau khi da tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (qua quần áo khi phơi dính phải bụi phấn) từ một loại côn trùng. Tổn thương da là các đám đỏ, phù nề, có mụn nước, mụn mủ phía trên, đôi khi là dịch tiết, chảy nước; có khi là một vệt dài trông giống như bị cào xước. Các vết tổn thương có nền da sưng phù, ở giữa là các mụn mủ chi chít, xung quanh là quầng đỏ, nổi gờ lên cao hơn mặt da.

Tổn thương da có thể chỉ có một đám hoặc nhiều đám, thường khu trú ở vùng da hở như mặt, tay, chân và ở cả hai bên thân thể. Bệnh nhân bị rát ở bề mặt da, đôi khi đau nếu có mủ nhiều, có thể hơi ngứa; không bị nhức buốt dưới da, không bị giật nhoi nhói.

Zona

Là một bệnh do virus varicella gây nên. Nếu tính thời gian trong suốt cuộc đời thì tỷ lệ bệnh có thể lên tới 20% dân số. Zona có thể phát ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng tuổi càng cao thì tỷ lệ bệnh càng tăng, đôi khi trẻ em cũng có thể mắc.
 
Tổn thương mụn rộp trong bệnh zona

Đa số bệnh nhân zona có tiền sử mắc thủy đậu từ bé. Khi thủy đậu đã khỏi, một số virus varicella vẫn còn tồn tại ở trạng thái tiềm ẩn, không gây bệnh, cư trú ở hạch thần kinh. Khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể, các sang chấn tinh thần..., chúng trở lại trạng thái hoạt động, nhân lên, phát triển ra các đầu dây thần kinh cảm giác và gây bệnh. Bệnh zona thường không tái phát, không lây trực tiếp cho người khác, không gây tổn thương các phủ tạng và não.

Lúc đầu, bệnh nhân thường bị đau và rát ở một vùng da và tổ chức dưới da ở một bên thân thể. Nhiều bệnh nhân còn bị giật nhoi nhói từng cơn ở các vùng da này. Cảm giác đau rát tồn tại khoảng 1-3 ngày, sau đó nổi lên các mụn nước, tập trung thành từng chùm, nếu không điều trị kịp thời thì sẽ phát triển thành các bọng nước.
 
Tổn thương ban đầu chỉ là các đám nhỏ phân bố rải rác thành một dải, nếu không điều trị thì lan rộng ra và liên kết với nhau thành một mảng lớn một bên thân thể (cả một vùng ngực hoặc cả một vùng mạng sườn). Thường thì các mụn nước, bọng nước chứa dịch trong nhưng nếu kèm theo nhiễm trùng thì sẽ có mủ, đôi khi gây sốt.

Khi có triệu chứng “giời leo”, cần tuân thủ nguyên tắc: tuyệt đối không gãi, cạo, xát chanh, xát muối, đắp đỗ xanh, gạo nếp… vì sẽ làm cho tổn thương sâu hơn, lan rộng hơn, nhiễm trùng, loét. Có thể tắm rửa hằng ngày nhưng không được xát xà phòng trực tiếp lên vùng da bị bệnh. Cần kiêng uống rượu, bia và không ăn nhiều gia vị cay, nóng.

Với viêm da do côn trùng, nếu chảy nước, tiết dịch nhiều thì bôi các dung dịch làm dịu da, hút dịch như dalibour, jarish, xanh methylen, castelani... Nếu tổn thương ít tiết dịch, có thể dùng hồ nước hoặc hồ tetraprenisolon... Tổn thương da khô thì bôi một trong các chế phẩm có steroid như: pesancort, flucinar, gentrison, diproson, fobancort... ngày một lần trong 1-2 tuần. Nếu tổn thương có mủ, phải uống amoxicilin hoặc erythromycin, uống sau ăn. Một đợt dùng kháng sinh là 5-7 ngày.

Để giảm phù nề, ngứa và rát, có thể uống một trong các thuốc kháng histamin như phenergan hoặc loratadin trong 5-10 ngày. Hết đợt điều trị, phần lớn các tổn thương khỏi hoàn toàn không để lại sẹo. Một số trường hợp có thể để lại các vết thâm do tăng sắc tố sau viêm, các vết thâm này nhạt màu dần và mất đi trong vòng 3-6 tháng.

Với zona, thời gian trị liệu cho kết quả tốt nhất là trong vòng 48 giờ sau khi có tổn thương da; nếu điều trị trong vòng một tuần đầu thì kết quả có chậm hơn nhưng vẫn tốt. Nếu để muộn quá thì kết quả điều trị kém và có thể để lại các di chứng như: đau kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí có những người đau kéo dài đến hết cuộc đời, đặc biệt ở người cao tuổi.
 
Nếu zona gây tổn thương dây thần kinh số 5 thì có thể gây giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn, nếu gây tổn thương dây thần kinh số 7 thì có thể gây liệt mặt, méo mồm. Các biến chứng khác có thể gặp là loét lâu liền, sẹo lồi, sẹo lõm, vết trắng hoặc vết thâm do rối loạn sắc tố sau viêm...

Nếu tại chỗ tổn thương còn mụn nước, tiết dịch nhiều thì không nên bôi các loại thuốc mỡ vì sẽ làm tăng bám bụi, ứ đọng dịch tiết phù nề. Nên bôi các dung dịch như jarish, dalibour, dung dịch kháng sinh, xanh methylen, castelani... Sau 5-7 ngày tổn thương da khô hơn thì có thể bôi kem acyclovir ngày 3-5 lần. Không được gãi hoặc cạo ra trước khi bôi thuốc. Bắt buộc phải uống đủ liều kháng sinh chống nhiễm khuẩn dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Nếu có điều kiện có thể chiếu tia laser Helinion tại chỗ để tổn thương da zona chóng lành và góp phần hồi phục dây thần kinh. Những bệnh nhân đau rát nhiều có thể uống thêm các thuốc giảm đau.

Theo Thu Hiền - Sức khoẻ & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X