Hotline 24/7
08983-08983

Thực phẩm TỐT và XẤU, bài tập có lợi cho người bệnh gan nhiễm mỡ

TS.BS Trần Bảo Nghi - Chuyên khoa Tiêu hóa gan mật, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, có thể ngăn ngừa gan nhiễm mỡ và các biến chứng tiềm tàng bằng cách hướng đến một lối sống lành mạnh và một chế độ ăn uống hợp lý.

1. Thay đổi lối sống là chiến lược hàng đầu trong bệnh gan nhiễm mỡ

TS.BS Trần Bảo Nghi nhấn mạnh: “Thay đổi lối sống chính là điều trị hàng đầu ở bệnh gan nhiễm mỡ”. Bệnh nhân được khuyên nên:

- Điều chỉnh lượng calo, thay đổi chế độ ăn uống để giảm cân. Hạn chế bia rượu, nên bỏ rượu hoàn toàn nếu mắc bệnh gan nhiễm mỡ do rượu.

Đối với những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, giảm cân là chiến lược quan trọng nhất để kiểm soát tình trạng bệnh. Giảm 5% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm lượng chất béo trong gan của họ. Tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể, một người thường phải ăn khoảng 1.200 - 1.500 calo mỗi ngày.

Suy dinh dưỡng là mối lo ngại đối với những người mắc gan nhiễm mỡ do rượu. Do đó, lượng calo tối ưu cho những người mắc bệnh này là khoảng 2.000 calo mỗi ngày, kết hợp khoảng 1,2 đến 1,5 g protein cho mỗi kilogram trọng lượng cơ thể.

Ngoài ra, ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn với khoảng thời gian giữa các bữa ăn ngắn hơn có thể cải thiện khả năng hấp thu thức ăn.

- Hoạt động thể chất: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục.

Tất cả mọi người đều cần tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, tập thể dục mang lại nhiều lợi ích hơn cho những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ trong việc kiểm soát các triệu chứng.

TS.BS Trần Bảo Nghi khuyến nghị những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu nên tập luyện ít nhất 150 - 300 phút với nhịp điệu vừa phải hoặc 75 - 150 phút tập thể dục mạnh mỗi tuần.

Tập các bài tập kéo giãn mỗi sáng, đi bộ trên máy trong khi xem tivi, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, làm vườn... là những cách đơn giản để tăng cường độ vận động trong ngày mà không cần phải dành thời gian cho một buổi tập luyện đầy đủ.

2. Chế độ ăn lành mạnh cho bệnh gan nhiễm mỡ

Theo TS.BS Trần Bảo Nghi, chế độ ăn uống hợp lý có thể cải thiện gan nhiễm mỡ. Để có một chế độ ăn cân bằng, người bệnh lưu ý chọn thực phẩm từ tất cả loại thức ăn, gồm cả trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc, thịt nạc, sữa có hàm lượng chất béo thấp.

Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên cắt giảm thức ăn có hàm lượng calo cao dư thừa đồng thời tăng lượng chất xơ. Hoa quả tươi, rau, ngũ cốc và các loại đậu có thể cải thiện chức năng gan.

Những loại thực phẩm mà người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chếthực phẩm có nhiều muối, thực phẩm có nhiều carbohydrate tinh luyện (đường, gạo trắng, bánh mì trắng hay những sản phẩm ngũ cốc tinh luyện khác), chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (thịt đỏ, sữa nguyên kem, thức ăn chiên rán), hải sản tươi sống.

3. Các loại thực phẩm có ích cho bệnh gan nhiễm mỡ

- Tỏi: Tỏi là gia vị quen thuộc trong nhiều món ăn, có thể giúp giảm trọng lượng cơ thể và khối lượng mỡ trong cơ thể ở những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

- Acid béo omega-3 có tác dụng cải thiện mỡ gan và nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ cao ở những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Acid béo omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá mòi, quả óc chó, hạt lanh.

- Cà phê có thể mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

- Bông cải xanh: Ăn đa dạng các loại rau rất hữu ích cho những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ và bông cải xanh là một loại rau mà người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên đưa vào chế độ ăn hàng ngày.

- Trà xanh cung cấp một số chất chống oxy hóa, chẳng hạn như catechin. Những chất chống oxy hóa này giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ.

- Quả óc chó: Mặc dù tất cả các loại hạt là một nguồn bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ kế chế độ ăn nào, nhưng quả óc chó đặc biệt giàu acid béo omega-3 và mang lại nhiều lợi ích cho những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Sử dụng các loại hạt nhiều hơn có liên quan đáng kể đến việc giảm tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

- Đậu nành hoặc whey protein làm giảm sự tích tụ chất béo trong gan. Mỡ gan giảm 20% ở phụ nữ béo phì ăn 60g whey protein mỗi ngày trong 4 tuần. Protein đậu nành chứa chất chống oxy hóa được gọi là isoflavone, giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm chất béo trong cơ thể.

4. Các loại thực phẩm nên tránh

- Đường và thực phẩm có chứa đường bổ sung: Những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, đặc biệt là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, nên tránh hoặc hạn chế thêm đường trong chế độ ăn. Những thành phần này có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu và tăng chất béo trong gan.

- Uống quá nhiều rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh gan cấp tính và mạn tính, gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

- Ngũ cốc tinh chế: Các loại ngũ cốc đã qua chế biến và tinh chế có trong bánh mì trắng, mì ống trắng và gạo trắng. Những thực phẩm này không chứa chất xơ nên có thể làm tăng lượng đường trong máu khi cơ thể phân hủy chúng. Có thể thay thế ngũ cốc tinh chế bằng: khoai tây, các loại đậu, hoặc lúa mì và ngũ cốc nguyên hạt.

- Thực phẩm chiên rán hoặc mặn có khả năng làm tăng lượng calo và có thể dẫn đến béo phì, một nguyên nhân phổ biến của bệnh gan nhiễm mỡ. Thay vào đó, có thể thêm các loại gia vị và thảo mộc vào bữa ăn để tạo hương vị cho thức ăn mà không cần thêm muối.

- Thịt: lượng chất béo bão hòa trong thịt làm tăng lượng chất béo nội tạng, bao gồm cả gan. Thịt bò, thịt lợn và thịt nguội đều chứa nhiều chất béo bão hòa. Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ cố gắng tránh những thực phẩm này.

Thịt nạc, cá, đậu phụ là những chất thay thế phù hợp. Cá thiên nhiên có nhiều dầu có thể là lựa chọn tốt nhất vì loại thực phẩm này cũng cung cấp acid béo omega-3.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X