Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Ngộ độc thiếc hữu cơ làm cho tế bào “ngạt thở”, tổn thương não, suy thận

Vừa qua, đã có 13 người ngộ độc thiếc, trong đó 1 người tử vong. Đây là lần đầu tiên tình trạng ngộ độc thiếc được ghi nhận ở Việt Nam và rất cần cảnh báo. AloBacsi đã có cuộc trao đổi với ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương xung quanh vấn đề này.

alobacsi ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời Ngộ độc thiếc hữu cơ

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

1. Xin hỏi BS, ngộ độc thiếc là gì? Nguy hiểm như thế nào?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Thiếc là một kim loại. Trong cơ thể người có một số kim loại hóa học vô cơ cần thiết như đồng, sắt… rất cần thiết cho cơ thể, nhưng chì, thiếc thì cơ thể không cần đến. Thường thì dạng kim loại chì được nói đến nhiều hơn vì nó xuất hiện khá nhiều trong môi trường công nghiệp và gây ngộ độc.

Y văn thế giới rất hiếm đề cấp đến ngộ độc thiếc, trong lịch sử cũng chỉ ghi nhận vài ba ca, bởi thiếc ít gây ngộ độc. Hơn nữa, thiếc là kim loại nặng, không cần thiết cho cơ thể, khi vào trong máu, thiếc đi đến và ảnh hưởng những cơ quan khác như gan, thận, tủy xương, đặc biệt là hệ thần kinh và dẫn đến ngộ độc.

Thông thường, ngộ độc thiếc là ngộ độc mãn tính, hiếm khi ngộ độc cấp tính.

2. Khi xâm nhập vào cơ thể thiếc gây hại ra sao, cơ quan nào tổn thương nặng nề nhất? Thời gian "ủ độc" của thiếc bao lâu mới bộc lộ triệu chứng?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Y học cũng không rõ thời gian thiếc ủ bệnh là bao lâu. Nguyên tắc là những kim loại nặng, như chì, thiếc "chỉ có vào mà không có ra" và gây "hiệu ứng tích tụ từ từ". Thiếc có thể xâm nhập vào cơ thể qua 3 đường: đường tiêu hóa, đường hô hấp và qua da. Khi xâm nhập vào cơ thể, thiếc sẽ đi vào máu và tồn đọng nhiều nhất ở thận, tủy xương và hệ thần kinh.

Cơ chế ảnh hưởng của thiếc như sau: Khi đi vào cơ thể, thiếc ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của các chất. Trong cơ thể có rất nhiều tế bào, mỗi tế bào đều có hệ hô hấp, được xem như là "lỗ mũi tự nhiên". Thiếc sẽ chèn vào "lỗ mũi" này và gây nghẹt.

3. Triệu chứng ngộ độc thiếc là gì? Dấu hiệu nào cảnh báo phải đến bệnh viện ngay?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Ngộ độc thiếc có khuynh hướng từ từ nên người bệnh không thể nhận biết được, chỉ biểu hiện ở những cơ quan bị tổn thương, do đó rất khó để chẩn đoán.

Thiếc hữu cơ có độc tính cao và dễ gây ngộ độcThiếc hữu cơ có độc tính cao, hấp thu qua đường hô hấp, tiêu hóa và da. Ảnh minh họa

4. Những dấu hiệu của ngộ độc thiếc dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác, chẳng hạn như đau đầu, chóng mặt có thể nhầm với thiếu máu. Vậy có cách nào hoặc có xét nghiệm nào để phát hiện ngộ độc thiếc?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Ngộ độc thiếc là bệnh nghề nghiệp. Thông thường, thiếc hữu cơ sẽ gây ngộ độc, nằm trong thành phần thiếc triethyl và thiếc trimethyl, trong một số thuốc diệt nấm cũng như thuốc trừ sâu rầy. Do đó, những người làm nghề phun thuốc diệt sâu bọ lâu dài có nguy cơ cao bị ngộ độc.

Bên cạnh đó, thiếc hữu cơ cũng nằm trong khá nhiều chất phụ gia của công nghệ chế biến nhựa bởi thiếc giúp nhựa ổn định hình dạng và bền với nhiệt. Việt Nam là quốc gia hay tái chế đồ nhựa. Những người làm trong nghề này lại đun nấu, lại không đeo khẩu trang thường xuyên, hoặc thiếc bay lên bám vào thức ăn, vì vậy, người bệnh dễ bị thôi nhiễm thiếc qua đường hô hấp.

Khi vào cơ thể, thiếc sẽ gây tổn thương thận gây bệnh thận mãn không rõ nguyên nhân; khi vào tủy xương gây thiếu máu; đi vào tế bào não làm hỏng chất trắng trong não. Ngay cả chụp CT, MRI, chọc dịch não tủy cũng không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ phải mò từng bước một, chỉ đến khi loại trừ viêm não và các bệnh ở não mới nghĩ đến thử nồng độ thiếc trong não.

Chỉ có một số ít bệnh viện mới làm được xét nghiệm này. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên nghĩ đến ngộ độc thiếc bởi trường hợp này rất hiếm xảy ra.

Hình ảnh phim CT sọ não của một bệnh nhân ngộ độc thiếcHình ảnh phim CT sọ não của một bệnh nhân ngộ độc thiếc có tổn thương chất trắng lan tỏa trên não điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

5. Những trường hợp ngộ độc thiếc được điều trị ra sao, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Y văn thế giới không có phác đồ chuẩn để điều trị ngộ độc thiếc. Nguyên tắc là điều trị hỗ trợ và dinh dưỡng để người bệnh hồi phục, cũng như xử lý các biến chứng ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân như rối loạn kiềm toan, axit trong máu, điều chỉnh hô hấp, điều chỉnh biến chứng động kinh, co giật, cho thở oxy.

Đồng thời dùng thêm một số chất chuyền hy vọng kéo thiếc ra khỏi "lỗ mũi" của từng tế bào và nhờ thận thải ra từ từ, nhưng điều này rất khó, phải vừa theo dõi vừa điều trị chứ chưa phác đồ chuẩn để áp dụng.

6. Ngộ độc thiếc bao lâu mới hồi phục? Mất bao lâu cơ thể mới đào thải thiếc? Sau khi ra viện cần theo dõi như thế nào? Có khám hay tầm soát định kỳ không thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Thời gian hồi phục chưa thể biết được, bởi phác đồ chuẩn của thế giới chưa có, chỉ dùng các chất gắn kim loại để thải thiếc ra nhưng hiệu quả khá hạn chế.

Một khi những kim loại nặng như thiếc, chì đi vào các cơ quan như tủy xương, não và gắn vào "lỗ mũi" của các tế bào thì rất khó để kéo ra. Hiện vẫn chưa có thuốc dùng để thải thiếc ra ngoài.

7. Di chứng do ngộ độc gây ra là gì thưa BS? Những di chứng này về sau có khắc phục được?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Khi xuất viện, người bệnh phải theo dõi lâu dài vì ngộ độc thiếc là ngộ độc mãn tính, tạm thời có thể giải quyết một số ảnh hưởng trên não và tủy xương nhưng phải theo dõi nồng độ thiếc thường xuyên. Điều trị bệnh là một vấn đề đau đầu, do đó tốt nhất là phòng bệnh.

8. Các trường hợp ngộ độc thiếc trong thời gian qua ở nước ta hầu hết là những người làm việc trong môi trường tái chế nhựa. Xin hỏi BS, ngoài môi trường này thì còn nghề nghiệp hoặc môi trường nào có thể gây ngộ độc thiếc?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Như tôi đã đề cập ở trên, ngoài công nhân làm việc trong môi trường tái chế nhựa, những người làm nghề phun thuốc trừ sâu hay thuốc diệt sâu bọ thường xuyên, lâu năm cũng có nguy cơ cao bị ngộ độc thiếc. Tuy nhiên, khi những đối tượng này bị ngộ độc sẽ nghĩ nhiều đến ngộ độc thuốc trừ sâu, ít ai nghĩ đến ngộ độc thiếc.

Công nhân tái chế nhựa là những đối tượng có nguy cơ cao bị ngộ độc thiếc.

9. Trong cuộc sống không thiếu những vật dụng được làm bằng thiếc chẳng hạn như hộp sữa bột, bao bì tráng thiếc, thức ăn đóng hộp… Liệu về lâu dài có thôi nhiễm gây ảnh hưởng sức khỏe không thưa BS? Phòng ngừa nhiễm độc thiếc nói riêng và ngộ độc kim loại nói chung bằng cách nào?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Bộ Y tế đã ra ngưỡng an toàn về thiếc. Thiếc vô cơ tương đối an toàn, nồng độ thế giới quy định vào khoảng 150-200mg/kg. Tất cả những sản phẩm thiếc vô cơ không vượt ngưỡng này nên ít gây ngộ độc. Chỉ có thiếc hữu cơ nằm trong thuốc diệt nấm hay nhựa tái chế, người lao động không chú ý bảo hộ nên dễ bị ngộ độc do thiếc tích tụ trong thời gian dài.

Đeo khẩu trang thường xuyên để tránh ngộ độc qua đường hô hấp. Để thức ăn chỗ xa, không gần nhà xưởng để tránh bị thôi nhiễm thiếc vào thức ăn gây ảnh hưởng sức khỏe.

Xin cảm ơn bác sĩ đã trả lời phỏng vấn của AloBacsi!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X