Ghi nhận 13 người ngộ độc thiếc đầu tiên tại Việt Nam
Công ty sản xuất rèm nhựa tại Thanh Miện, Hải Dương phát hiện 13 công nhân làm việc tại bộ phận nghiền nhựa tái chế bị ngộ độc thiếc.
I. Các trường hợp ngộ độc thiếc
Tại Việt Nam đã có một số bệnh được xếp vào nhóm bệnh nghề nghiệp như điếc, bụi phổi silic,... tuy nhiên đây là lần đầu tiên tình trạng ngộ độc thiếc được ghi nhận ở nước ta.
Cụ thể, bệnh nhân đầu tiên nhập viện tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội là anh Nguyễn Đức H., 35 tuổi trong tình trạng kích động, rối loạn tâm thần, rồi hôn mê. Kết quả xét nghiệm cho thấy não của bệnh nhân bị tổn thương chất trắng lan tỏa nặng nề, nhiễm toan chuyển hóa và hạ kali máu nặng.
Ngay sau đó, bệnh viện tiếp nhận thêm 6 trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng giống như bệnh nhân H. và quan trọng họ cùng làm việc tại công ty của anh H.
Các bệnh nhân trên đã được lọc máu, giải độc thiếc và đã dần hồi phục. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân H. lại không qua khỏi và đã tử vong.
Tiếp đó, đến đầu tháng 9 này, lại có thêm 6 bệnh nhân được ghi nhận ngộ độc thiếc nhưng ở mức độ nhẹ.
Ngay sau đó, Trung tâm chống độc cũng cho biết đã kêu gọi những công nhân làm việc trong các môi trường tương tự khẩn trương đi kiểm tra sức khỏe, ít nhất là sàng lọc tại bệnh viện.
Bác sĩ Trung tâm Chống độc thăm khám cho bệnh nhân nhiễm độc thiếc. (Ảnh: bệnh viện Bạch Mai)
II. Ngộ độc thiếc là gì? Ảnh hưởng ra sao?
Thiếc gồm có thiếc kim loại, thiếc vô cơ và thiếc hữu cơ. Thiếc kim loại và thiếc vô cơ về cơ bản không độc, nhưng thiếc hữu cơ có độc tính rất cao, rất dễ hấp thu qua đường hô hấp, da và tiêu hóa.
Nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não (gây các rối loạn tâm thần kinh và tổn thương chất trắng), tổn thương gan, thận, miễn dịch, máu,…
III. Nguyên nhân và cách xử trí ngộ độc thiếc?
Nguyên nhân của ngộ độc thiếc ở nước ta thường bắt nguồn tại các công ty, cơ sở tái chế nhựa và khai khoáng. Bệnh cũng dễ gây nhầm lần với các bệnh khác, ví dụ tổn thương não chất trắng lại nghĩ do viêm não hoặc các bệnh não khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ở nước ta có lẽ đây là các ca đầu tiên được phát hiện. Trên thế giới cũng mới chỉ ghi nhận một số ca.
Vì vậy, khi có dấu hiệu khó chịu, bất thường trong cơ thể, mọi người nên lập tức tới bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời, để tránh xảy ra các tình huống nguy hiểm đến tính mạng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình