Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Trẻ dậy thì sớm, tăng chiều cao bằng cách nào?

Nhiều cha mẹ hoang mang khi con của mình dậy thì sớm làm mất cơ hội tăng chiều cao về sau, và rối ren tìm những phương cách "hỗ trợ" chiều cao cho con mà không rõ thực hư. ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng Đơn vị nghiên cứu Cơ Xương Khớp - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ "gỡ rối" cho phụ huynh về cách tăng chiều cao khi con trẻ dậy thì sớm.

I. Dậy thì sớm là gì?

Như thế nào là dậy thì sớm?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Dậy thì là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển các cơ quan và bộ phận sinh dục. Giai đoạn này xảy ra bình thường ở khoảng 8-11 tuổi ở trẻ nữ, 9-12 tuổi ở trẻ nam. Nếu quá trình này xuất hiện sớm hơn khoảng bình thường đó (trước 8 tuổi ở trẻ nữ, trước 9 tuổi ở trẻ nam) được coi là dậy thì sớm.

Mặc dù định nghĩa đơn giản nhưng trong thực tế rất khó xác định bởi có nhiều dấu hiệu không chắc chắn các cơ quan sinh dục của trẻ đã phát triển. Đôi khi có thể chẩn đoán dễ dàng dựa vào các biểu hiện trên lâm sàng và tiền sử của trẻ. Nhưng trong một số trường hợp khó cần phải dùng tới một số hỗ trợ của cận lâm sàng.

Dấu hiệu nhận biết khi trẻ nam và trẻ nữ dậy thì sớm?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Ở trẻ nữ, các dấu hiệu đầu tiên ghi nhận báo động trẻ bắt đầu vào tuổi dậy thì là sự phát triển của ngực, kế tiếp là một số triệu chứng như phát triển hệ thống lông ở cơ quan sinh dục hoặc vùng nách, quan trọng nhất là bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.

Ở trẻ nam, dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bước vào tuổi dậy thì là sự tăng kích thước của tinh hoàn, dương vật, kế đó là sự phát triển lông ở nách, đồng thời phát triển lông rậm ở mặt (tức là râu). Ngoài ra, ở trẻ nam và trẻ nữ kèm theo tình trạng phát triển chiều cao đột ngột cùng một số dấu hiệu như tăng tiết chất nhờn trong người, dễ nổi mụn…

tăng chiều cao khi trẻ dậy thì sớm là mối quan tâm của bố mẹVấn đề chiều cao khi trẻ dậy thì sớm luôn là mối quan tâm của nhiều bố mẹ

II. Dậy thì sớm gây hậu quả gì?

Nếu không điều trị dậy thì sớm sẽ mang lại những hậu quả nào?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Trong dậy thì sớm có nhiều thể. Thể đầu tiền là thể dậy thì trung ương, nghĩa là nguyên nhân gây tình trạng dậy thì này là do sự bất thường của trục hạ đồi, tuyến yên và các cơ quan sinh dục làm cho tăng tiết hormone sinh dục bất thường. Trong trường hợp này, một số nguyên nhân tự phát và có một số bệnh nhân do các bệnh lý trên não như u não, viêm nhiễm, hoặc hậu quả sâu của chấn thương của những điều trị có can thiệp vùng não.

Thể thứ hai là dậy thì thể ngoại biên. Thể này không liên quan đến trục hạ đồi, tuyến yên, cơ quan sinh dục, mà là do tăng tiết các hormone sinh dục estrogen hoặc testosterone bất thường, thường là do bệnh lý của các cơ quan như buồng trứng ở trẻ nữ và tinh hoàn ở trẻ nam.

Thể thứ ba là thể dậy thì lành tính. Trong thể này không đủ các triệu chứng như trên, mà chỉ một phần, như chỉ có phát triển ngực ở trẻ nữ hoặc chỉ có phát triển tình trạng rậm lông ở trẻ nam.

Sự can thiệp điều trị hay không phụ thuộc vào thể bệnh. Nếu trẻ bị thể trung ương hoặc ngoại biên, và thứ phát sau các bệnh lý của não hoặc các cơ quan sinh dục, việc ưu tiên hàng đầu là phát hiện và điều trị các bệnh lý này, như giải quyết các vấn đề u não, các u ở buồng trứng hoặc tinh hoàn. Khi giải quyết được các tình trạng này cũng giải quyết được tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em.

Đa số các trường hợp dậy thì sớm thể trung ương nhưng tự phát không có nguyên nhân cần phải điều trị đặc hiệu để giảm bớt các biến chứng tai hại của quá trình dậy thì sớm này. Riêng thể lành tính (chỉ đơn độc phát triển ngực ở trẻ nữ, hoặc rậm lông ở trẻ nam) là không cần thiết phải can thiệp và điều trị.

Can thiệp, điều trị dậy thì sớm cho trẻ được bắt đầu và kết thúc ở thời điểm nào, thưa BS? Các bé sẽ được dùng những thuốc gì ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Chúng ta đã nhắc tới những thể nào cần điều trị, và trong thực tế rất cân nhắc khi can thiệp bằng thuốc, vì đây là những thuốc ức chế các hormone bị rối loạn. Giả sử như thể trung ương phải ức chế hormone được tiết từ tuyến yên để ngăn chặn quá trình dậy thì sớm.

Trong thực tế, cần dựa vào:

Thứ nhất, độ tuổi xuất hiện dậy thì của trẻ. Nếu gần với khoảng 8 tuổi như đã đề cập thì không cần thiết phải điều trị. Nếu xảy ra sớm ở khoảng 6 tuổi thì khi đó mới cân nhắc vấn đề điều trị.

Thứ hai, tốc độ phát triển các triệu chứng. Đa phần các trường hợp bác sĩ sẽ theo dõi trẻ 3-6 tháng để xem những thay đổi như sự lớn lên của ngực, tinh hoàn, sự phát triển của rậm lông và sự tăng trưởng của hệ xương. Nếu như chiều cao của trẻ tăng trên 6cm/ năm thì vấn đề điều trị cần đặt ra.

Như vậy, việc điều trị đặt ra khi căn cứ vào những vấn đề trên. Nếu như trẻ dậy thì sớm tiến triển nhanh sẽ được điều trị ngay lập tức.

Giả sử như trẻ 6 tuổi bắt đầu điều trị, thì tới 8 tuổi ở trẻ nữ và 9 tuổi ở trẻ nam là khoảng tuổi được định nghĩa dậy thì có thể ngưng thuốc. Sau khi ngưng thuốc, 16 tháng sau quá trình dậy thì sẽ tiến triển bình thường.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục LanThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan hiện là Trưởng Đơn vị nghiên cứu Cơ Xương Khớp - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nguyên nhân phát triển chiều cao bất đồng đều ở bé trai và bé gái?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Ở giai đoạn dậy thì bình thường, trẻ nữ thường xuất hiện các triệu chứng sớm hơn và tốc độ tiến triển nhanh hơn so với trẻ nam. Bù lại, thời gian tiến triển vượt bậc của trẻ nữ ngắn hơn ở trẻ nam. Kết cục cuối cùng là người nam từ từ phát triển thời gian dài, nữ tăng chiều cao nhanh trong thời gian ngắn. Cuối cùng nam dù khởi điểm ở giai đoạn trẻ em hai giới có chiều cao ngang bằng nhau, ở giai đoạn dậy thì nữ cao vọt hơn nam, nhưng khi trưởng thành nam lại cao hơn nữ.

Nguyên nhân chính là do nội tiết tố. Nội tiết tố của nữ là estrogen tăng giảm theo chu kỳ. Ở nam, nội tiết tố chính là testosterone ổn định và tăng đều trong suốt giai đoạn trưởng thành.

III. Trẻ dậy thì sớm nên ăn uống và tập luyện như thế nào để tăng chiều cao?

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ dậy thì sớm nên chú trọng những chất gì ạ? Có phải với những bé này thì bổ sung canxi càng nhiều càng tốt hay không?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Trong dậy thì sớm, chiều cao của trẻ tăng đột ngột ở giai đoạn bắt đầu, tuy nhiên giai đoạn này sẽ chấm dứt rất nhanh trong thời gian ngắn, bởi sự tăng đột ngột này làm cho các tấm sụn tăng trưởng phát triển sớm và mất đi, làm cho chiều cao không phát triển nữa. Cuối cùng, dù là khi bắt đầu dậy thì sớm, chiều cao của trẻ cao hơn các trẻ đồng lứa, nhưng kết cục trẻ bị lùn. Đây là một trong những biến chứng quan trọng của dậy thì sớm. Do vậy, mục đích của can thiệp là ngăn ngừa tình trạng lùn do dậy thì sớm.

Một phần giúp khắc phục tình trạng chiều cao khiêm tốn của dậy thì sớm là vai trò của dinh dưỡng. Chúng ta biết rằng, thành phần chủ yếu là xương là canxi, việc hấp thu canxi gắn liền với vitamin D. Do đó, cần phải tránh tình trạng trẻ đang phát triển đột ngột thì thiếu canxi làm xương không phát triển được tối đa. Sau đó nếu tình trạng thiếu canxi tiếp tục xảy ra thì xương càng trì trệ. Như vậy, trong suốt giai đoạn dậy thì của trẻ cần cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D.

Nhiều nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn này lượng canxi cần bổ sung bằng với lượng của người trưởng thành, dù là trẻ 8 tuổi nhưng nhu cầu là khoảng 1.000-1.200mg canxi/ ngày. Tất cả các khuyến cáo nguồn canxi tốt nhất là từ thực phẩm: sữa và chế phẩm của sữa. Do đó, sữa là thực phẩm cần thiết cho trẻ em trong giai đoạn này. Nếu trẻ có vấn đề không dung nạp sữa sẽ dùng các chế phẩm của sữa như yaourt, phô mai. Nếu những thực phẩm này vẫn hạn chế bắt buộc phải bổ sung viên canxi cho trẻ nhằm đảm bảo lượng canxi đầy đủ.

sữa và chế phẩm của sữa

Câu hỏi đặt ra là lượng canxi vượt mức liệu chiều cao của trẻ có phát triển hơn nữa hay không? Các nghiên cứu cho thấy, những vấn đề cực đoan đều không tốt, và canxi cũng vậy. Nếu cho trẻ dùng quá nhiều sẽ vượt quá nhu cầu cần thiết của cơ thể, do đó cơ thể sẽ hoạt động tối đa để thải ra lượng canxi dư thừa; nếu không được thải ra canxi sẽ lắng đọng ở một số cơ quan và điều này thực sự không tốt cho sức khỏe.

Trẻ dậy thì sớm có cần luyện tập thể thao nhiều hơn các bạn hay không? Những môn thể thao nào phù hợp cho bé phát triển chiều cao ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Để bộ xương phát triển tốt nhất thì không thể thiếu bộ ba: canxi, vitamin D và vận động tập luyện. Ở phần trên đã nhắc đến canxi nên phần này chúng ta sẽ nhắc đến vận động.

Để chiều cao của xương phát triển tốt bắt buộc có vai trò của vận động. Các nghiên cứu chứng minh rằng tác động trên xương tốt nhất là các vận động weight-bearing, nghĩa là chịu trọng lượng cơ thể, ví dụ như chạy bộ, nhảy xa, nhảy cao, leo núi, tập tạ… Song song với những vận động chịu trọng lượng cơ thể, những vận động làm mạnh khối cơ như aerobic, gym cũng tốt cho trẻ.

Vậy những môn thể thao không weight-bearing, không mang trọng lượng như bơi lội, đạp xe đạp có tốt cho trẻ không? Theo nghiên cứu, khi bơi lội hay đạp xe gây ra tình trạng căng cơ vẫn tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ.

Tóm lại, càng vận động càng tốt cho trẻ. Tuy nhiên không nên để tình trạng trẻ tập quá nhiều gây kiệt sức. Đương nhiên, vận động là khuyến khích ở trẻ, nhưng nếu không chú ý bù đắp đủ năng lượng qua việc cân đối chế độ ăn uống thì rất có thể trẻ bị suy dinh dưỡng. Nhưng nếu sau khi hoạt động trẻ ăn quá nhiều mà không được kiểm soát các thực phẩm như đồ fast food, đồ chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo thì có thể dẫn tới béo phì. Béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng của dậy thì sớm, do các mô mỡ này kích thích và tiết ra các hormone sinh dục.

Một số em thiếu niên có thắc mắc với AloBacsi là thủ dâm nhiều có làm cản trở việc phát triển chiều cao hay không, nhờ BS giải đáp?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Thủ dâm là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là ở trẻ khi chưa có sự định hướng đúng đắn về hoạt động tình dục. Đặc biệt là những trẻ dậy thì sớm, sự phát triển tâm sinh lý chưa chín muồi để có thể đáp ứng nhu cầu sinh dục tăng cao do lượng hormone tăng bất thường, vì vậy trẻ có thể dễ dàng thực hiện hành động thủ dâm vô ý thức.

Thường thủ dâm gắn với một loạt tai hại như chậm phát triển chiều cao, chậm phát triển khả năng suy nghĩ và ảnh hưởng khả năng sức khỏe sinh sản về sau. Tuy nhiên các nghiên cứu chính thống cho biết những suy đoán trên là không đúng. Câu trả lời về sự liên quan giữa thủ dâm và chiều cao là hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

IV. Dậy thì sớm ở trẻ có cải thiện được không?

Làm sao để cải thiện được tình trạng dậy thì sớm ở trẻ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Trong tình trạng dậy thì sớm có biểu hiện tấm sụn tăng trưởng đóng sớm so với sự phát triển bình thường của trẻ. Ở trẻ phát triển bình thường, tấm sụm này đóng vào khoảng khi trẻ trưởng thành (15-18 tuổi), nhưng trong trường hợp dậy thì sớm có thể đóng vào khoảng 10-11 tuổi. Như vậy đến độ tuổi này trẻ không phát triển chiều cao nữa.

Quan trọng nhất là phòng ngừa sớm. Tuy nhiên ngay cả khi tấm sụn tăng trưởng đóng lại, chiều cao vẫn có thể tiếp tục phát triển với tốc độ chậm hơn. Vì vậy, các có các biện pháp tối ưu để tận dụng sự phát triển chậm này bằng bộ ba canxi, vitamin D, vận động. Một chế độ đầy đủ đáp ứng các nhu cầu để kích thích tiếp tục phát triển chiều cao của trẻ em là thực sự cần thiết.

Dậy thì sớm là quá trình cho đến hiện nay mới chỉ tìm ra một số yếu tố liên quan, như gene, lối sống và béo phì. Vì vậy cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ này để giúp trẻ phát triển bình thường. Nếu đã xảy ra dậy thì sớm cần nhìn nhận đó là quá trình bình thường để không ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Vai trò của cha mẹ và những người liên quan rất quan trọng, tác động lên cách trẻ nhìn nhận sự phát triển của mình. Nhiều trường hợp có thể cần đến sự tư vấn từ bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia tâm lý để ổn định tâm lý cho trẻ nhằm giúp trẻ có cuộc sống bình thường.

Hy vọng những chia sẻ của ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan đã giúp quý bạn đọc cũng như phụ huynh hiểu rõ hơn về những vấn đề quanh tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X