Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Đeo đai chống gù có cải thiện tình trạng "bà còng"?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, đai đeo chồng gù có một số ích lợi trong việc cải thiện trục cột sống, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng tùy tiện mà phải cá thể hóa từng đối tượng.

Nguyên nhân cứng khớp buổi sáng

Một số người cao tuổi sáng ngủ dậy bị cứng khớp tay. Xin BS cho biết hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng là do nguyên nhân gì ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Đây là hiện tượng khá phổ biến, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Và không chỉ người lớn tuổi, người trẻ tuổi cũng có thể gặp hiện tượng này, tuy nhiên, người lớn tuổi là đối tượng mắc nhiều hơn. Sáng dậy, các khớp bị cứng lại, bệnh nhân sẽ khó có thể cử động. Tùy theo các bệnh lý gây ra hiện tượng cứng này mà có thể sẽ khỏi sau khi cử động vài động tác, hoặc có thể kéo dài nhiều giờ hoặc suốt cả ngày.

Hai bệnh lý thường gặp nhất đưa đến tình trạng cứng khớp bàn tay vào lúc sáng dậy, đứng đầu là tình trạng thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Bệnh lý thoái hóa khớp thường gặp ở người lớn tuổi, biểu hiện là sáng dậy bệnh nhân khó cử động, tuy nhiên khi người bệnh cố gắng cử động bàn tay thì trong vòng vài lần hoặc từ 15-20 phút đã có thể cử động lại hoàn toàn bình thường.

Ngược lại, viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm nặng, tổn thương các khớp bàn tay, do đó tình trạng cứng khớp nặng nề hơn và kéo dài hơn. Bên cạnh cứng khớp, bệnh nhân còn có tình trạng đau khớp nhiều, hạn chế cử động, thường kéo dài trên 1 tiếng đồng hồ, một số người còn kéo dài hơn. Ngay cả trong ngày, dù tình trạng có cải thiện nhưng vẫn còn có hạn chế, bệnh nhân không thể gấp sát tay vào bình thường được.

Kê gối sau chân khi nằm ngủ: Nên hay không?

Việc kê gối sau chân khi nằm ngủ giúp nhiều người thấy thoải mái. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng hành động này không tốt, có thể ảnh hưởng đến khớp gối. Ý kiến của BS thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Thói quen này gặp ở rất nhiều người, tuy nhiên, đứng về khía cạnh khoa học, chúng ta sẽ phân tích kê gối dưới chân khi nằm ngủ là tốt hay không?

Chúng ta biết rằng, với những tình trạng có các bệnh lý ở vùng cột sống lưng hoặc bệnh lý ở khớp gối, để giảm đau cho bệnh nhân khi đi ngủ, người bệnh được khuyên kê gối ở phía dưới khớp gối. Khi chân được nâng lên như vậy sẽ vừa giảm áp vùng thấp của lưng vừa giảm áp áp lực khớp gối, do đó sẽ góp phần giảm đau và giữ tư thế tốt nhất cho khớp. Vì thế, thói quen này chẳng những không có hại cho khớp gối mà còn tốt hơn.

Ngoài ra một số bệnh lý cũng được khuyến cáo kê chân cao khi ngủ, như suy tĩnh mạch chi dưới. Bên cạnh tác động lên khớp, thói quen này còn có tác dụng làm giảm tải mạch máu của hệ tĩnh mạch khi ngủ. Do đó, đây là tư thế nằm ngủ có lợi. Để đạt được những lợi ích này, gối cần được kê từ phía dưới dượng chân (mặt sau khớp gối) cho tới gót chân, không nên kê gối ngay phía sau khớp gối.

Đai đeo có giúp nắn chỉnh chân vòng kiềng?

Hiện nay trên mạng có bán sản phẩm đai đeo giúp nắn chỉnh chân vòng kiềng, có thể sử dụng khi đứng, nằm, ngồi. Xin BS cho biết phương pháp này có hiệu quả không, vì sao ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Chân vòng kiềng thường gặp ở trẻ em và người trẻ, có thể là do các bệnh lý bẩm sinh hoặc sai lệch trong phát triển xương của trẻ do mang giày dép không đúng cỡ, tư thế không đúng. Ở người lớn, chân vòng kiềng có thể là hậu quả của các bệnh lý ở khớp gối làm biến dạng khớp.

Chân vòng kiềng được coi là lệch trục của khớp gối. Để có thể chỉnh được trục của khớp gối, các cơ ở vùng khớp gối đóng vai trò rất quan trọng, cụ thể cơ cẳng chân và cơ tứ đầu đùi nếu mạnh lên có thể chỉnh được (phần nào) biến dạng lệch trục của khớp trong khi đai mang vào xiết lại có thể giữ được khớp tạm thời bớt bị biến dạng và lệch trục. Nhưng khi tháo đai ra sẽ trở lại như cũ. Nếu mang đai kéo dài có thể ảnh hưởng đến cơ bắp chân và cơ đùi (làm yếu cơ), như vậy sẽ ngược lại với khuyến cáo điều trị và cải thiện lệch trục.

Trong thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy các đai nẹp chân cải thiện chân vòng kiềng ở trẻ em và người lớn được coi là không hiệu quả và không có sự khuyến cáo từ các chuyên gia.

Các bạn nhớ rằng tập luyện làm mạnh các khối cơ để chỉnh trục đầu gối là quan trọng nhất. Trong trường hợp lệch trục quá nặng hay quá nhiều, nếu có bệnh đi kèm cần điều trị bệnh gây ra hiện tượng này, và để chỉnh trục khớp gối cần can thiệp bằng phẫu thuật.

Khi nào nên đeo đai chống gù lưng?

Trên mạng cũng có sản phẩm đai đeo chống gù lưng, BS có ý kiến thế nào về sản phẩm này ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Gù lưng có thể gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé trong độ tuổi đi học, khi các cháu ngồi viết hay làm bài ở tư thế không đúng. Ngoài ra còn có một số bệnh lý khác, tuy nhiên, nguyên nhân do sai tư thế là phổ biến nhất.

Trong khi đó, ở người lớn, tình trạng gù lưng có nhiều nguyên nhân hơn, nhưng chủ yếu là hai nguyên nhân: thoái hóa cột sống, thoái hóa đĩa đệm, xẹp đĩa đệm hoặc do loãng xương, xẹp đốt sống. Vì vậy, nếu người lớn bị gù lưng cần tìm ra bệnh chính để điều trị, không chỉnh gù cột sống được.

Với trẻ nhỏ, một trong những biện pháp điều trị là mang đeo để chỉnh hình cột sống. Các đai đeo này cho thấy có ích lợi trong việc cải thiện trục cột sống, tuy nhiên cần nhớ đến các chỉ định và chống chỉ định của bệnh. Đai đeo này cần phải dựa vào trên lâm sàng mới quyết định dùng hay không. Để đánh giá gù cột sống nặng hay nhẹ phải dựa vào góc COBB - chỉ số đo góc tình trạng gù và cột sống bình thường.

Người ta thấy rằng đai này không được sử dụng nếu trẻ chưa có khung xương trưởng thành, vì khi mang vào có thể gây hạn chế xương. Khi góc COBB ở dưới 20 độ cũng không có chỉ định đeo đai; nếu góc COBB trên 50 độ, đeo đai cũng không có hiệu quả. Những trường hợp này không sử dụng đai chỉnh hình cột sống.

Ngoài ra, những trường hợp khác, đai đeo được coi là biện pháp đầu tiên để chỉnh hình cột sống ở những người trẻ, trẻ em bị gù vẹo cột sống.

Khớp gối kêu: Phân biệt sinh lý và bệnh lý

Nguyên nhân gây ra hiện tượng khớp gối kêu rắc rắc ở người trẻ và người già có khác nhau không ạ? Khi nào khớp gối kêu là dấu hiệu nguy hiểm, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem xét tiếng kêu rắc rắc ở đâu ra? Nhiều nghiên cứu cho thấy khớp gối có cấu trúc khớp hoạt dịch, tức là có khoang trống trong đó chứa dịch, đồng thời khoang này chứa những bóng khí xen lẫn trong những dịch đó, khi cử động hay co duỗi, áp lực trong khớp thay đổi và làm những bóng này như ép lại rồi vỡ ra, do đó phát ra tiếng động. Đây là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường.

Chúng ta không thể liên tục làm vỡ bóng khí mà cần có thời gian. Vì vậy, khi gấp lần đầu thì kêu, nhưng gấp tiếp sẽ không kêu nữa. Thời gian cần thiết để có tiếng kêu lần 2 là khoảng 20 phút.

Ngoài cơ chế của bóng khí vỡ sinh lý này còn có thêm cơ chế khác, là các dây chằng gân cơ bám vào khớp, sụn khớp, khi bị kéo dãn đột ngột có thể phát ra tiếng động. Trong trường hợp có sai lệch cấu trúc khớp (ví dụ như mặt khớp sai lệch) cũng có thể góp phần gây ra tiếng động.

Như vậy, ở người trẻ, cử động khớp gối lần đầu tiên kêu, nhưng lần tiếp theo không kêu thì có thể an tâm bởi đó là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, ở người già, thoái hóa khớp gối làm tổn thương cấu trúc khớp gối nhiều, khi cử động có tiếng lạo xạo liên tục, thì trường hợp này là bệnh lý.

Tóm lại, để phân biệt sinh lý hay bệnh lý, thứ nhất cũng là tiếng động nhưng chỉ kêu lần đầu tiên, sau đó không kêu là sinh lý, nhưng nếu tiếng động phát ra liên tục là bệnh lý. Thứ hai, bên cạnh tiếng động kèm theo các biểu hiện ra còn có đau vùng khớp, sưng khớp, biến dạng khớp.

Thoái hóa khớp do thói quen vặn cổ, bẻ ngón tay?

Theo BS, vặn cổ khi mỏi và bẻ ngón tay có dễ gây thoái hóa khớp không ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Mọi người thường có thói quen bẻ ngón tay. Trước đây có quan niệm rằng bẻ khớp tay kêu làm tổn hại khớp và nguy cơ đưa đến bệnh lý thoái hóa khớp về sau. Tuy nhiên, bằng chứng từ các nghiên cứu gần đây cho kết quả hoàn toàn khác, tức là cơ chế phát ra tiếng kêu chỉ xảy ra ở những khớp có hoạt dịch, tức là có khoảng trống để chứa hoạt dịch, và cơ chế này do sự vỡ của các bóng khí khi thay đổi áp lực trong khớp.

Quan trọng hơn nữa, bẻ ngón tay hoàn toàn không có nguy hại cho người thực hiện và không có mối tương quan với bệnh lý thoái hóa khớp về sau.

Tuy nhiên, ngược lại với bẻ ngón tay, cấu trúc cột sống cổ không phải khớp hoạt dịch mà là khớp xương, chỉ có những đốt sống và dây chằng gân cơ. Tiếng động phát ra khi vặn cổ mạnh là do các dây chằng gân cơ dãn ra đột ngột và cọ xát vào vùng xương. Khi vặn cổ quá mạnh sẽ làm sai lệch cấu trúc cột sống cổ và có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm.

Trong cột sống của chúng ta, bên cạnh thần kinh còn có mạch máu nuôi não, khi vặn cổ quá mạnh làm nghẽn mạch máu lên não đột ngột và có thể gây tai biến mạch máu não. Trong những trường hợp nhẹ hơn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc, trong đó có cấu trúc dây chằng gân cơ cũng như cấu trúc đĩa đện, đưa đến thoát vị đĩa đệm hay thoái hóa khớp về sau.

Do đó, động tác vặn cổ không được khuyến cáo và nên hạn chế thực hiện. Nếu bị mỏi cổ, thay vì vặn đột ngột để phát ra tiếng động thì nên làm những động tác nhẹ nhàng như cúi xuống, ngửa lên, nghiêng phải, nghiêng trái, xoay phải, xoay trái để giảm tình trạng mỏi cổ mà không có hại.

Biện pháp giảm đau mỏi tay khi dùng bàn phím quá lâu

Nhờ BS hướng dẫn cách giúp giảm đau-mỏi tay khi phải sử dụng bàn phím máy tính nhiều giờ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Một số bệnh lý ở ngón tay, cổ tay gắn liền với tình trạng sử dụng khớp quá nhiều, thí dụ như ngón tay bật, ngón tay lò xo, hội chứng ống cổ tay là bệnh lý thường gặp ở những người làm văn phòng sử dụng bàn phím quá nhiều. Vậy làm sao để tránh tình trạng mỏi khi sử dụng bàn phím thời gian dài, cũng như tránh được nguy cơ các bệnh lý như vừa đề cập? Chúng ta sẽ có một số khuyến cáo như sau:

Trước tiên, để giảm áp lực lên bàn tay, cổ tay, cần phải có tư thế chuẩn  khi ngồi làm việc, ngồi thẳng lưng; dái tai, vai, và chậu hông phải trên một đường thẳng.

Thứ hai, cổ tay phải thấp hơn khuỷu tay để tránh mỏi cánh tay.

Thứ ba, cố gắng làm sao cho trục bàn tay và trục cẳng tay trên một đường thẳng.

Cuối cùng, khi sử dụng bàn phím phải nhớ nguyên tắc, cứ 30 phút phải cho bàn tay, cổ tay nghỉ vài phút. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng căng cơ tay, cổ tay và toàn thân, nên đứng dậy thay đổi tư thế, vận động toàn thân, chẳng những đỡ mỏi lưng cổ mà còn tránh mỏi cổ tay.

Đó là những biện pháp đơn giản, nếu tuân thủ, để ý sẽ tránh được tình trạng mỏi tay trong khi sử dụng bàn phím quá lâu hoặc nguy cơ tổn thương cấu trúc bàn tay như đã đề cập ở trên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X