ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan: Người lớn có cần bổ sung vitamin D?
Ai cũng biết vitamin D thực sự rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng người lớn có cần bổ sung vitamin D không là vấn đề thắc mắc của rất nhiều người. ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Nguyên Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp vấn đề này. Kính mời bạn đọc đón xem.
1. Vitamin D đóng vai trò thế nào trong sự phát triển của trẻ nhỏ nói riêng và con người nói chung ạ?
Vitamin D thực chất là một nội tiết tố (hormone) ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Vitamin D muốn hoạt động được cần có 1 thụ thể (receptor). Gần như tất cả các mô trong cơ thể đều có receptor để vitamin D gắn vào để hoạt động.
Theo nghiên cứu, vitamin D không chỉ có vai trò quan trọng với hệ xương khớp, mà còn gắn liền với sự hấp thu canxi ở ruột, nếu cung cấp nhiều canxi mà thiếu viatmin D thì lượng canxi ít hấp thu vào máu, không đưa được tới xương. Khi đến xương viatmin D giúp cho canxi được gắn vào khung xương cũng như gắn liền với hoạt động của các tế bào xương, giúp chúng ta có bộ xương khỏe mạnh.
Ở trẻ em, vitamin D giúp có một bộ xương phát triển toàn vẹn, ở người lớn tuổi có vai trò ngăn chặn không cho mất xương, giúp duy trì sức khỏe xương theo thời gian.
Ngoài ra vitamin D còn có vai trò ở nhiều cơ quan khác như hệ miễn dịch: vitamin D gắn vào các receptor, tế bào máu, thực bào, là một hàng rào bảo vệ cơ thể chống được tình trạng nhiễm trùng. Nếu như chúng ta có đầy đủ viatmin D, sẽ giảm được tình trạng mắc bệnh cúm, nhiễm trùng các loại.
Thiếu vitamin D có thể dẫn đến các bệnh nội khoa mạn tính quan trọng rất quen thuộc như bệnh nội tiết (đái tháo đường), bệnh tim mạch, cao huyết áp và ngay cả bệnh mà ai cũng sợ là ung thư. Khi đầy đủ vitamin D thì nguy cơ của những bệnh này sẽ giảm thấp hơn so với những người bị thiết vitamin D.
Đồng thời vitamin D còn tác động lên hệ thần kinh giúp tránh được tình trạng giảm trí nhớ, buồn rầu, lo âu.
2. Xin BS cho biết nhu cầu vitamin D của con người từ nhỏ đến lớn có liều lượng như thế nào?
Nhu cầu vitamin D sẽ thay đổi theo độ tuổi, theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, Hiệp hội Dinh dưỡng trên thế giới, đề nghị về bổ sung vitamin D gần giống nhau, tức là trẻ em dưới 1 tuổi là 400 đơn vị vitamin D mỗi ngày, trẻ trên 1 tuổi đến trẻ lớn là 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày, ở người trưởng thành cũng như người lớn tuổi là 800 đơn vị vitamin D mỗi ngày, ở người già trên 65 tuổi là 800-1000 đơn vị mỗi ngày.
Chúng ta không thể đo được lượng vitamin D hấp thụ vào cơ thể, nhưng để đánh giá tình trạng vitamin D trong cơ thể, có thể đo được nồng độ vitamin D trong máu bằng xét nghiệm, có thể thực hiện ở nhiều nơi trong thành phố.
3. Trẻ thiếu vitamin D sẽ có biểu hiện gì (mức độ từ nhẹ tới nặng), thưa BS?
Khi đo nồng độ vitamin D trong máu của trẻ dưới 30ng/ml (nanogam/ml) thì gọi là không đủ vitamin D, dưới 20ng/ml gọi là thiếu vitamin D.
Tình trạng thiếu vitamin D thể hiện rõ nét nhất ở trẻ nhũ nhi, biều hiện là trẻ hay giật mình, hay khóc đêm, thóp đóng chậm, trẻ chậm lật, chậm ngồi, chậm mọc răng, chậm đi, nặng hơn thì là còi xương. Trẻ sẽ bị biến dạng khung xương như chân vòng kiềng, ngực lép, chậm phát triển chiều cao.
4. Còn người lớn nếu thiếu hay thừa vitamin D sẽ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe ạ?
Vitamin D không chỉ là vitamin đơn thuần mà là một hormone ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể, đặc biệt là xương và ảnh hưởng đến suốt cả cuộc đời từ khi còn trong bào thai đến khi già yếu.
Ở người lớn tuổi, vitamin D sẽ giữ cho bộ xương chắc khỏe, tránh tình trạng loãng xương và gãy xương do loãng xương. Không chỉ vậy, vitamin D còn làm mạnh cơ, giảm nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi.
Ở những nước vùng ôn đới, thiếu ánh nắng mặt trời, tần suất của bệnh lý trầm cảm, bệnh lý liên quan đến tâm thần, tình trạng tự sát tăng cao hơn, người ta tìm ra việc này có liên quan đến thiếu vitamin D.
Với câu hỏi, có khi nào thừa vitamin D hay không? Theo nghiên cứu, thực hiện tại TPHCM, tần suất thiếu vitamin D ở nữ là 50%, ở nam là 30% thì tình trạng thiếu vitamin D mới là báo động chứ không phải thừa.
Ngoài ra, để có thể ngộ độc vitamin D (nếu 1 ngày cần 1000 đơn vị) thì liều ngộ độc vitamin D có thể lên đến 50.000 đơn vị bổ sung hàng ngày trong thời gian dài. Trong trường hợp này có thể có biểu hiện tăng canxi máu, bệnh nhân có tình trạng táo bón, bứt rứt thần kinh, có thể nôn ói, rối loạn tri giác.
Như vậy, ở bất kỳ lứa tuổi nào, việc cung cấp đầy đủ vitamin D theo nhu cầu đều là cần thiết.
5. Người lớn với khung xương đã ngừng phát triển rồi thì việc thiếu vitamin D có hậu quả gì không?
Khung xương của chúng ta đạt tới chiều cao tối đa sẽ ngừng phát triển ở độ tuổi 25-30 tùy cá nhân. Khung xương cố định nhưng chất lượng xương thay đổi, xương mất dần theo thời gian, nếu đủ vitamin D sẽ góp phần làm giảm tình trạng mất xương theo tuổi tác, còn nếu thiếu vitamin D sẽ gây ra tình trạng nhuyễn xương ở người lớn tuổi, tình trạng này khác với loãng xương.
Nếu như loãng xương không gây đau mà chỉ mất dần dần gây gãy xương thì trong bệnh lý nhuyễn xương lại gây đau đớn rất nhiều, đau mơ hồ, đau sâu trong các chi, đau dữ dội. Trong trường hợp này cần bổ sung vitamin D liều cao kéo dài trong vài tháng khi nồng độ vitamin D trở về bình thường rồi thì triệu chứng đau này mới giảm dần và mới cải thiện được.
6. Theo BS, những người thuộc nhóm tuổi, nhóm nghề nghiệp, nhóm bệnh nhân nào cần bổ sung vitamin D? Những người làm việc ngoài trời có thể yên tâm là họ đủ vitamin D không ạ?
Theo nghiên cứu tại TPHCM, tần suất thiếu vitamin D xảy ra cao nhất ở 2 đầu của cuộc sống, ở người trẻ dưới 30 tuổi và người lớn tuổi trên 65 tuổi. Do ở người trẻ (kể cả phụ nữ và nam giới) khi ra ngoài thường che chắn rất kỹ vì sợ ánh nắng ảnh hưởng đến làn da, gây nên tình trạng thiếu vitamin D ở người trẻ.
Ngược lại, ở người già, do tình trạng sức khỏe yếu, di chuyển khó khăn, ít ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kèm theo bệnh lý mạn tính làm tăng tình trạng thiếu vitamin D ở người lớn tuổi.
Ngoài ra, tình trạng béo phì cũng làm giảm tiếp xúc của ánh nắng mặt trời vào thành phần 7-Dehydrocholesterol trong da để chuyển hóa thành vitamin D, gây thiếu vitamin D.
Đó là nghiên cứu trên người Việt Nam tại TPHCM, theo nghiên cứu thế giới, tình trạng thiếu vitamin D liên quan đến bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính nhưu suy gan, suy thận, rối loạn tiêu hóa gây nên kém hấp thu.
Chúng ta luôn nghĩ rằng những người làm việc ngoài trời nhiều thì đủ vitamin D, điều này có phần đúng. Bởi vì chỉ cần bộc lộ 30% cơ thể, như mặc áo ngắn tay hay quần ngắn phơi nắng trong khoảng thời gian 9-10g sáng hoạc 3-4g chiều trong vòng 5-10 phút thì chúng ta đã dư lượng vitamin D sử dụng trong vài ngày, như vậy rất dễ để chúng ta có đủ vitamin D. Tuy nhiên, nếu làm việc ngoài trời nhưng mặc đồ bảo hộ trùm kín từ trên xuống dưới thì không có cơ hôi tiếp xúc được với tia UVB để tổng hợp ra vitamin D.
Bên cạnh những yếu tố nguy cơ như độ tuổi, nghề nghiệp, bệnh mạn tính, còn yếu tố cần phải quan tâm là ô nhiễm môi trường, làm giảm thành phần ánh sáng UVB tiếp xúc với da chúng ta rất nhiều.
7. Một số chị em phụ nữ e ngại việc mang thai và sinh con sẽ làm cơ thể họ thiếu hụt canxi, theo BS điều này có đúng không? Nếu thiếu thì họ nên bổ sung như thế nào? Trong thời gian ở cữ có nên đi phơi nắng không ạ?
Trong giai đoạn thai kỳ cũng như cho con bú, nhu cầu canxi ở người phụ nữ tăng cao do phải cung cấp vừa cho mẹ vừa cho con, vì vậy nhu cầu vitamin D cũng rất cao. Tuy nhiên nếu chúng ta quan tâm và cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D thì sẽ không cần lo lắng vấn đề bị thiếu hụt. Một điều chị em phụ nữ cũng nên lưu ý là trong thời gian mang thai hay cho con bú sẽ có một loạt sự thay đổi về nội tiết tố, hoàn toàn tốt cho sức khỏe xương.
Nhu cầu canxi của phụ nữ mang thai hoặc trong thời gian cho con bú tăng cao, cụ thể là 1200-1500mg/ngày (người bình thường cần 1000mg/ngày) và vitamin D cũng vậy, nếu như bình thường chúng ta cần 800 đơn vị vitamin D, thì ở phụ nữ mang thai cần 1000-1200 đơn vị/ ngày, nếu cho con bú thì cần 2000-4000 đơn vị/ngày.
Cách bổ sung vitamin D đơn giản và tối ưu nhất là ánh nắng mặt trời, chỉ cần 5-10 phút/ngày và đúng cách thì đã có đủ lượng vitamin D cho 1 ngày.
Tuy nhiên chú ý ở giai đoạn ở cữ, sau sinh sẽ có tình trạng gia tăng yếu tố melatonin - sắc tố da, nếu phơi nắng thì rất dễ bị sạm, nám da. Vì vậy cách tốt nhất chị em nên bổ sung bằng viên canxi và vitamin D phổ biến trên thị trường. Để bổ sung canxi, cần chú ý đến lượng sữa uống vào, 1 ly sữa 3000ml chúng ta có thể cung cấp 300mg canxi, tương ứng với 1 hũ yahout 250-300mg canxi.
8. Vitamin D được bào chế theo những dạng nào? Mọi người có thể tự mua uống hay cần BS kê toa ạ?
Bổ sung vitamin D ở người lớn có những loại viên nang thông dụng. Tuy nhiên ở trẻ em, những viên nang này rất khó sử dụng, cho nên có những dạng dành cho trẻ em như dạng nhỏ giọt, xịt họng vừa tiện lợi và dễ hấp thu hơn.
Thông thường những viên vitamin D được bào chế theo đững nhu cầu hàng ngày của chúng ta: 800-1000 đơn vị cho người lớn, để tối ưu cho sức khỏe xương có viên kết hợp canxi và vitamin D, thường theo nhu cầu là 500mg canxi và 800 đơn vị vitamin D. Đây là loại thuốc được bào chế với mục đích cung cấp nhu cầu hàng ngày của người trưởng thành.
Nếu như ở trong tình trạng không thể bổ sung vitamin D bằng việc phơi nắng như nhân viên văn phòng, học sinh, người già... chúng ta có thể tự mua viên này uống đúng nhu cầu được khuyến cáo là 1 viên vitamin D 800 đơn vị/ngày, có thể uống dài hạn.
Tuy nhiên, khi người già có tình trạng gãy cổ xương đùi do loãng xương, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong nhiều ngày thì nguy cơ thiếu vitamin D rất cao, để điều trị hiệu quả cần bổ sung vitamin D đúng cách, trong trường hợp này cần có sự chẩn đoán, theo dõi, chỉ định điều trị của bác sĩ.
9. Theo BS, cách bổ sung vitamin D tốt nhất cho người lớn là gì ạ?
Cách bổ sung vitamin D tốt nhất là từ ánh nắng mặt trời tự nhiên, mỗi ngày phơi nắng từ 5-10 phút vào 9-10 sáng hoặc 3-4 giờ chiều.
Nhưng có một thực tế khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nguy cơ nám da, sạm da, nhăn da, lão hóa da... rất cao, điều này làm cho chúng ta e ngại khi ra phơi nắng vào giờ cao điểm như vậy. Do đó chúng ta có thể sử dụng những loại thực phẩm được khuyến cáo có nhiều vitamin D như cá biển (cá hồi, cá tuyết, cá ngừ, cá trích...), lòng đỏ trứng, sữa, một số loại nấm, vừng mè... Đơn giản nhất, chúng ta có thể sử dụng viên vitamin D bổ sung.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình