Hotline 24/7
08983-08983

Thời gian vàng trong đột quỵ là gì? Ý nghĩa ra sao?

Đột quỵ đang trở thành nỗi ám ảnh của mọi người, vì có đến hơn 50% tử vong hoặc tàn phế sau khi điều trị, lý do là bệnh nhân đến bệnh viện quá trễ. Bài viết dưới đây, AloBacsi xin giới thiệu các mốc "thời gian vàng" cần nhớ để tranh thủ từng giây phút cứu bệnh nhân.

Nội dung bài viết:
I. Thời gian vàng trong đột quỵ là gì?
1. Trong 4,5 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu nhỏ
2. Trong 6 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu lớn
II. Ý nghĩa thời gian vàng?
III. Thời gian vàng trong nhồi máu não và xuất huyết não có gì khác nhau?
IV. Phần mềm RAPID có nới rộng cửa sổ điều trị đột quỵ?
1. Phần mềm RAPID là gì?
2. Khi nào cần sử dụng phần mềm RAPID?
3. Nhận định sai về phần mềm RAPID

 

I. Thời gian vàng trong đột quỵ là gì?

Đây là mốc thời gian được coi là quan trọng nhất để quyết định việc cứu sống bệnh nhân hay không. Trong đột quỵ có 2 mốc “thời gian vàng” là 4,5 giờ (4 tiếng rưỡi từ khi khởi phát đột quỵ) và 6 giờ (6 tiếng từ khi khởi phát đột quỵ), bệnh nhân nhập viện đúng hoặc sớm, muộn sẽ những có biện pháp can thiệp điều trị khác nhau, cụ thể:

1. Trong vòng 4,5 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu nhỏ

Nếu bệnh nhân nhập viện trong 4,5 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ và được bác sĩ thăm khám chẩn đoán là đột quỵ nhồi máu não, cùng với các xét nghiệm đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe thì sẽ được tiêm thuốc tan máu đông (thuốc tiêu sợi huyết) đường tĩnh mạch rTPA.

Nhưng nếu người bệnh bị nhồi máu não do tắc động mạch lớn nội sọ (động mạch cảnh trong, não giữa M1, thân nền…) thì có thể tiêm rTPA, tuy nhiên sau đó sẽ được chuyển đến “phòng DSA” can thiệp lấy huyết khối.

2. Trong vòng 6 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu lớn

Dù là tắc mạch nhỏ nhưng nếu bệnh nhân nhập viện sau 4,5 giờ cũng sẽ không được chỉ định tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Mà ngược lại, nếu người bệnh tới cơ sở y tế trong khoảng thời gian 6 giờ và được chẩn đoán đột quỵ do tắc động mạch lớn sẽ được can thiệp thái thông nội mạch lấy huyết khối.

thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵKhi có triệu chứng đột quỵ người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt

II. Ý nghĩa thời gian vàng?

Theo các nhà khoa học đã phân tích và chứng minh, đối với bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu hoặc đột quỵ nhồi máu não, thì cứ 1 phút trôi đi sẽ có đến 2 triệu tế bào thần kinh chết đi. Vì vậy nếu không nắm bắt được “thời gian vàng” và đến bệnh viện kịp thời thì nguy cơ tàn phế hoặc tử vong sẽ rất cao.

Ngược lại nếu cấp cứu trong mốc “thời gian vàng” người bệnh sẽ kịp thời được điều trị bằng thuốc, bằng các phương pháp can thiệp nhanh chóng sẽ đem lại nhiều hiệu quả hồi phục.

Tuy nhiên, nếu sau mốc 6 giờ, việc can thiệp sẽ kém hiệu quả hơn so với mốc 4,5 giờ, bởi lúc này tổn thương não đã quá nặng và rất dễ gặp tỷ lệ tai biến cao sau khi can thiệp.

Vì vậy, bạn cần hết sức lưu ý nắm bắt mốc “thời gian vàng” để biết cách ứng xử khi chẳng may mình hoặc người nhà bị đột quỵ. Bởi tiết kiệm được mỗi 15 phút thì sẽ giảm được 4% nguy cơ tử vong và tàn phế cho người đột quỵ.

Đặc biệt, cũng có một số ít trường hợp khi bệnh nhân cấp cứu ngay giờ đầu nhưng lại cứu không được mà bệnh nhân đến sau 6 giờ lại được cứu thành công, điều này còn tùy thuộc vào vị trí tổn thương của thần kinh. Bởi những vị trí tổn thương càng nặng (vị trí cầu não, hành não, trung tâm điều hành thân nhiệt, hô hấp, vận động, huyết áp,…) thì chỉ cần 1 giờ trôi qua não sẽ ảnh hưởng hoàn toàn, ngược lại sẽ có những vị trí người bệnh có thể chịu được đến 6 giờ, nhưng các trường hợp này thường ít gặp.

thời gian vàng cứu sống bệnh nhân đột quỵCấp cứu trong thời gian vàng giúp nâng cao tỷ lệ thành công sau can thiệp đột quỵ

III. Thời gian vàng trong nhồi máu não và xuất huyết não có gì khác nhau?

Đối với xuất huyết não, số lượng bệnh nhân chỉ chiếm 20%-30% nhưng việc điều trị lại khó khăn và phức tạp hơn đột quỵ nhồi máu não.

Bởi thời gian nào cũng là "thời gian vàng" và nó được tính bằng việc càng nhanh, càng sớm sẽ càng tốt, chứ không phải là 4,5 giờ hay 6 giờ như đột quỵ nhồi máu não.

Ở mỗi vị trí mạch máu vỡ, dù to hay nhỏ, dù nông hay sâu thì việc cứu chữa đều trở nên bị động hơn so với đột quỵ nhồi máu não.

Tuy nhiên, với công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại ngày nay, cùng tay nghề bác sĩ ngày càng giỏi, cộng với việc bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện và điều trị đúng phương pháp, kịp thời trong thời gian vàng,... sẽ được cứu sống tới 70-80% bệnh nhân.

IV. Phần mềm RAPID có nới rộng cửa sổ điều trị đột quỵ?

1. Phần mềm RAPID là gì?

Phần mềm RAPID (hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo) là phần mềm giúp phân tích, đánh giá mức độ não bị tổn thương xem bệnh nhân có cần thiết phải can thiệp mạch máu não hay không. Nhờ đó bác sĩ sẽ có quyết định lâm sàng nhanh chóng, chính xác hơn.

 

Phần mềm RAPIDPhần mềm RAPID giúp đánh giá vùng tổn thương, vùng nhồi máu ở bệnh nhân đột quỵ

2. Khi nào cần sử dụng phần mềm RAPID?

RAPID được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân đột quỵ bị tổn thương não cấp cứu sau 6 giờ hoặc có diễn tiến lâm sàng nặng dù đến đúng "thời gian vàng".

Thứ nhất, nếu bệnh nhân đến bệnh viện sau 6 giờ, phần mềm RAPID sẽ giúp đánh giá "vùng tranh sáng tối". Nghĩa là nếu vùng thiếu máu não rộng hơn vùng nhồi máu não thì bệnh nhân sẽ được can thiệp nội mạch, tái thông mạch máu bình thường trở lại.

Thứ 2, nếu bệnh nhân đến trong giờ vàng nhưng tình trạng nặng thì việc tái thông mạch máu không còn hiệu quả, lúc này phần mềm RAPID sẽ hỗ trợ đánh giá và loại trừ để tránh tắc nghẽn đường thở và tử vong vì não khi ấy có thể tổn thương nhanh trong vòng 4 phút.

3. Nhận định sai về phần mềm RAPID

Sử dụng phần mềm RAPID không giúp kéo dài thời gian vàng cho bệnh nhân, không giúp cho bệnh nhân phục hồi tốt hay tiên lượng tốt hơn, mà chỉ giúp bác sĩ trong việc đánh giá, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị cho bệnh nhân đến muộn.

Trong một số trường hợp nhồi máu khu trú bao trong, cầu não, hành não, phần mềm RAPID cũng sẽ cho kết quả không phù hợp.

Có thể thấy, phần mềm RAPID không giúp kéo dài thời gian vàng cho bệnh nhân, nhưng có thể nới rộng cửa sổ điều trị trong tình thế "còn nước còn tát".

Do đó, việc quan trọng là người bệnh phải nắm rõ về bệnh đột quỵ, cũng như thời gian vàng để đến bệnh viện càng sớm càng được cứu chữa tốt nhất và nên phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X