Hotline 24/7
08983-08983

Thoát vị đĩa đệm khi nào cần phẫu thuật và thời gian hồi phục bao lâu?

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi các dây thần kinh ở vùng cổ và thắt lưng bị chèn ép, gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Vậy bệnh sẽ có diễn tiến ra sao? Khi nào mới cần can thiệp phẫu thuật và bao lâu thì khỏi? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của ThS.BS Lê Xuân Long - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Thống nhất để hiểu rõ hơn.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng như thế nào, thưa bác sĩ?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Xương sống của con người gồm nhiều đốt, thông thường là 32 đốt. Dưới thắt lưng theo y học phân chia có 5 đốt, giữa các đốt sống thắt lưng sẽ có 1 miếng sụn mềm giống như 1 cục cao su, xung quanh nó là bao xơ tương đối rắn chắc, mục đích để giữ cục cao su không thoát vị đi đâu được.

Bệnh lý thoát vị đĩa đệm xảy ra khi bao xơ yếu hoặc bị rách làm nhân mềm bên trong cục cao su rớt ra ngoài, từ đó gây chèn ép vào các rễ thần kinh ở xung quanh nó.

Những rễ thần kinh này theo cấu tạo giải phẫu sẽ chạy xuống chỉ huy cảm giác, vận động ở dưới chân, do đó bệnh nhân sẽ bắt đầu đau lưng rồi lan dần xuống chân (1 chân hoặc 2 chân).

Thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa khác nhau như thế nào?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Dân gian hay sử dụng từ đau thần kinh tọa để chỉ trường hợp khi người bệnh đau lưng và lan dọc xuống 1 chân hoặc 2 chân.

Bệnh có nhiều nguyên nhân đều là do dây thần kinh tọa bị ảnh hưởng, có thể do thoát vị đĩa đệm, cột sống thắt lưng, do viêm, u chèn ép. Nhưng một trong những yếu tố thường gặp nhất đó là thoát vị đĩa đệm.

Để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm bệnh nhân cần làm gì?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Khi đến bệnh viện người bệnh sẽ được các bác sĩ chuyên khoa hỏi kỹ bệnh sử và thăm khám lâm sàng xem có dấu hiệu gì nghi ngờ bị thoát vị đĩa đệm hay không.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì người bệnh sẽ được bác sĩ đề nghị chụp MRI cột sống thắt lưng, đo điện cơ để xác định vị trí bị thoát vị đĩa đệm ở đốt sống lưng số mấy, bệnh đang tiến triển nặng hay nhẹ, có chèn ép dễ thần kinh không và liệu chèn ép này có thể gây biến chứng gì không tốt cho người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm Thoát vị đĩa đệm xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau của cột sống, nhưng thắt lưng là hay gặp nhất.

Thoát vị đĩa đệm có bao nhiêu mức độ?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Theo chuyên khoa, thoát vị đĩa đệm chia làm 4 giai đoạn:

Đầu tiên là giai đoạn thoái hóa đĩa đệm, trong giai đoạn này nhân mềm của đĩa đệm vẫn nằm trong bao xơ, bao xơ chỉ hơi yếu đi và lồi ra một chút, hơi đụng nhẹ rễ thần kinh làm cho cấu trúc xương sống không vững chắc nên khiến bệnh nhân đau lưng. Đau nhẹ và thỉnh thoảng lan xuống dưới chân khoảng 1-3 ngày là hết.

Nếu tình trạng này không được phát hiện sớm sẽ có thể tiến triển nặng lên, khi đó gây ra lồi đĩa đệm, nghĩa là nhân mềm bên trong đĩa đệm làm phồng bao giữ nó. Và hiện tượng chèn ép vào dây thần kinh cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, khiến bệnh nhân đau xuống dưới chân nhiều và thời gian đau kéo dài.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này nếu đi khám chuyên khoa sớm và được các bác sĩ thăm khám, kê thuốc, hướng dẫn cách tập luyện thì người bệnh vẫn có thể chung sống hòa bình và bệnh có thể tiến triển tốt hơn.

Ngược lại, nếu bỏ qua giai đoạn này đến giai đoạn thoát vị đĩa đệm thật sự, nghĩa là bao xơ của đĩa đệm rách ra hẳn, miếng nhân mềm đĩa đệm bị chảy ra ngoài, thậm chí rớt ra 1 miếng, ép vào chùm dây thần kinh từ trên lưng chạy xuống chân thì khi đó hầu như không còn khả năng điều trị bằng thuốc hoặc phương pháp tập luyện giữ gìn; mà người bệnh sẽ phải can thiệp phẫu thuật để lấy nhân mềm đĩa đệm thoát vị mới không gây chèn ép và hư hại dây thần kinh.

Những phương pháp bảo tổn thoát vị đĩa đệm?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Khi người bệnh rơi vào 2 giai đoạn đầu của thoát vị đĩa đệm là thoái hóa đĩa đệm và lồi đĩa đệm nhẹ thì người bệnh có thể điều trị bảo tồn bằng các biện pháp như:

Nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong thời gian bị đau.

Tập vật lý trị liệu và vận động nhẹ nhàng.

Khi ngồi lâu, đi xa thì nên mang nẹp cột sống thắt lưng.

Kéo dãn cột sống thắt lưng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Sử dụng các loại thuốc giảm đau, giãn cơ, chống sưng như paracetamol,… do bác sĩ kê toa, người bệnh không tự ý mua để uống và điều trị.

Ở mức độ cao hơn, bác sĩ chuyên khoa sẽ có thể tiêm thấm các chất thuốc coticoid hoặc thuốc tê vào xung quanh rễ thân kinh để giúp rễ thần kinh mau phục hồi.

Phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệmPhương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hiện nay là mổ nội soi, hay gọi mổ qua da.

Những phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hiện tại có nhiều mức độ khác nhau. Ở những mức độ nhẹ có thể điều trị giảm áp đĩa đệm bằng cách dùng que để luồn từ bên ngoài vào trong đĩa đệm và đốt nhân đệm bằng tia laser hoặc sóng cao tần, giúp nhân đệm giảm bớt thể tích và áp lực đè ra ngoài bao đĩa đệm, nhờ đó khối đĩa đệm phồng cũng sẽ nhẹ đi.

Phương pháp này chỉ sử dụng cho những trường hợp đầu đĩa đệm hơi phồng nhẹ ở mức độ 1, 2.

Còn trong những trường hợp nặng hơn thì phải tiến hàng can thiệp phẫu thuật, có thể sử dụng nhiều phương pháp:

Thứ nhất, đối với trường hợp thoát vị đĩa đệm nhỏ, chèn ép nhẹ thì có thể mổ lấy nhân đệm thoát vị cột sống thắt lưng qua nội soi, qua ống nong.

Thứ 2, đối với trường hợp thoát vị đĩa đệm đã vỡ bao, có mảnh rời, chèn ép dây thần kinh nặng thì phải mổ lấy nhân đệm thoát vị, đặt nhân đệm nhân tạo thay vào nhân đệm đã bị lấy đi, nẹp vít cột sống qua chân cung để làm vững cột sống.

Hiện tại phương pháp được đánh giá tiên tiến nhất trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là mổ nội soi, hay gọi mổ qua da. Trước đây khi mổ các bác sĩ phải rạch 1 đường dài ở sống lưng bệnh nhân (từ 8-10cm), ngày nay chỉ cần rạch những đường nhỏ ở 2 bên xương sống (1-2cm) mà vẫn có thể tiến hành giải áp dây thần kinh, đặt nẹp vít cho bệnh nhân.

Đa số người bệnh được phẫu thuật bằng phương pháp mổ xâm lấm tối thiểu hay nẹp vít qua da đều có thể đứng lên đi lại nhẹ nhàng sau 2-3 ngày, sau 5-7 ngày có thể xuất viện và sinh hoạt bình thường sau 2-3 tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần tránh làm các công việc nặng lúc này.

Bệnh sẽ ra sao nếu bệnh nhân từ chối phẫu thuật?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Trong trường hợp người bệnh dù đã được bác sĩ chuyên khoa khám, giải thích bệnh lý này cần mổ do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đã tiến triển ở mức độ nặng và chèn ép rễ thần kinh nặng có thể gây ảnh hưởng cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân vì lý do nào đó mà trì hoãn thì bệnh có thể diễn tiến theo hướng sau:

Thứ nhất, ở mức độ vừa phải, thoát vị đĩa đệm chèn ép làm hư hại 1 phần rễ thần kinh của bệnh nhân. Thông thường sẽ bị tổn thương rễ chỉ huy cảm giác trước, cho nên người bệnh sẽ cảm giác bớt đau, thậm chí hết đau do rễ thần kinh cảm giác bị hư hại. Đổi lại khi đó sẽ có 1 khu vực ở chân người bệnh bị mất cảm giác.

Thứ 2, trường hợp nặng, khối thoát vị chèn ép làm hư hại cả phần rễ vận động của dây thần kinh, khi đó một số cơ do rễ thần kinh chỉ huy sẽ bị tổn thương và gây liệt nhóm cơ đó.

Thông thường, thoát vị đĩa đệm hay gặp ở đốt sống thắt lưng số 4, số 5 và rễ này thường sẽ chỉ huy vận động của bàn chân góc lên cho nên bệnh nhân có thể bị cà lết bàn chân xuống đất gây khó chịu, vấp té và dáng đi không đẹp.

Thậm chí nặng hơn bệnh nhân bị yếu nhiều nhóm cơ đi lại khó khăn, thậm chí tiêu tiểu không tự chủ.

phẫu thuật thoát vị đĩa đệmKhi có chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bệnh nhân nên tuân thủ và tránh hoạt động nặng hay thay đổi tư thế đột ngột

Người cao tuổi được chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm cần chuẩn bị những gì?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Khi vào bệnh viện người bệnh sẽ được khám và làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe và bệnh lý kèm theo trước khi tiến hành mổ.

Nếu có bệnh lý kèm theo như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim, thiếu máu cục bộ chưa ổn định thì người bệnh sẽ được các bác sĩ điều trị ổn định và khi đạt được sức khỏe để mổ thì người bệnh sẽ được mổ.

Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện đa khoa với thế mạnh về Tim mạch - Lão khoa, vì vậy đây sẽ là địa chỉ thuận lợi và an toàn cho người bệnh khi cần phẫu thuật thoát vị cột sống thắt lưng, nhất là người lớn tuổi có nhiều bệnh lý tim mạch kèm theo.

Thoát vị đĩa đệm có tự khỏi hay không?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Trường hợp bệnh nhân mới bị lồi đĩa đệm trong tình trạng thoái hóa đĩa đệm hay lồi đĩa đệm hóa nhẹ thì nên tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế ngồi lâu, tạm dừng tập thể dục, tránh làm việc nặng, không nằm võng, đệm dày,… thì có thể giúp bao xơ đĩa đệm phục hồi và người bệnh có thể sẽ hỏi mà không cần tiến hành phẫu thuật.

Còn trong trường hợp người bệnh đã bị thoát vị đĩa đệm thật sự ở mức độ 3, 4 thì đa số không còn được chỉ định điều trị bằng thuốc hay phương pháp nội khoa bảo tồn nữa, mà cần can thiệp phẫu thuật để tránh biến chứng do rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày, có thể bị hư hại và không phục hồi được.

Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm?

ThS.BS Lê Xuân Long trả lời:

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi bao xơ đĩa đệm bị thoái hóa hư hại và đĩa đệm chịu tác động của chấn thương, sức năng cơ thể nó sẽ thoát vị ra ngoài chèn ép vào dây thần kinh, cho nên để phòng tránh thoát vị đĩa đệm chúng ta nên:

Tránh ngồi lâu 1 tư thế, ví dụ nhân viên văn phòng thường làm việc trong 1 tư thế kéo dài quá lâu, thì nên 30 phút phải thay đổi tư thế 1 lần để làm giảm áp lực cho đĩa đệm.

Tập thể dục, phải tập thường xuyên, ví dụ chỉ tập 1-2 lần/tuần thì ít đem lại hiệu quả.

Nếu có tiền sử bị đau lưng thì phải tránh vận động hoặc môn thể thao nặng như nâng tạ, nhảy cao, leo trèo,… nhưng bơi lội sẽ là môn thể thao thích hợp cho người bệnh.

Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

Tránh tư thế sai không tốt cho cột sống, ví dụ cúi lâu hoặc cúi xuống lấy vật nặng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X