Hotline 24/7
08983-08983

GS.TS Nguyễn Duy Tài: Thiếu estrogen thời kỳ mãn kinh không phải cứ muốn là bổ sung

Làm sao để cuộc sống hạnh phúc thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh là vấn đề nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Tuy nhiên, việc bổ sung nội tiết tố nữ estrogen như thế nào phải theo chỉ định của bác sĩ, không được bổ sung tùy ý.

Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh thời kỳ thay đổi chức năng sinh sản của người phụ nữ, cần đối đầu với những vấn đề này như thế nào để cải thiện chất lượng cuộc sống được tốt hơn? Cùng AloBacsi tìm hiểu qua phần chia sẻ của GS.TS Nguyễn Duy Tài tại hội nghị khoa học và đào tạo liên tục do Liên chi hội Đông - Tây y kết hợp tổ chức vào ngày 24/10.

alobacsi GS.TS Nguyễn Duy Tài thuyết trình về GS.TS Nguyễn Duy Tài thuyết trình về "Rối loạn tâm sinh lý thời kỳ mãn kinh"

1. Mãn kinh là gì?

Mãn kinh ở nữ là sự thiếu hụt estrogen - nội tiết tố chính và quan trọng nhất của người phụ nữ do buồng trứng tiết ra.

Mãn kinh tự nhiên: 12 tháng vô kinh. Khi đã mãn kinh nếu thấy có tăng huyết âm đạo hay ra kinh thì đây là một triệu chứng bất thường; lúc này cần đi tầm soát một bệnh lý khá nguy hiểm đó là ung thư.

Tuổi mãn kinh ở Việt Nam - châu Á thường sớm hơn ở phương Tây khoảng (49-50 tuổi). Phụ nữ ở thành thị thường mãn kinh sớm hơn so với nông thôn có thể do áp lực công việc, mưu sinh đẫn đến căng thẳng, stress; nếu cuộc sống quá nhiều stress căng thẳng kéo dài làm tăng estrogen khiến hoạt động của tuyến thượng thận bị ảnh hưởng và đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rối loạn nội tiết tố.

Estrogen là một nội tiết tố chính giúp:

  • Tạo chu kỳ kinh nguyệt.
  • Dày biểu mô âm đạo.
  • Giữ độ pH âm đạo (4,5-5) giúp ngăn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
  • Phát triển môi lớn, môi nhỏ.
  • Phát triển chế tiết: Skene - Bartholin.
  • Phát triển tuyết sữa, mô đệm của vú.
  • Giúp giữ canxi xương.

2. Suy giảm estrogen gây ra triệu chứng gì?

GS.TS Nguyễn Duy Tài cho biết chỉ với một chất estrogen trong cơ thể bạn suy giảm sẽ kéo theo hàng loạt những dấu hiệu, bắt đầu từ tuổi 40: xuất hiện các triệu chứng vận mạch (khó chịu, dễ bốc hỏa xuất hiện về đêm), rối loạn giấc ngủ, thay đổi khí sắc, tính khí thất thường. Đến tuổi 50 những triệu này càng lúc càng nhiều hơn.

Bước qua tuổi 60, estrogen lúc này hoàn toàn không còn, ở tuổi này niêm mạc của bạn sẽ bắt đầu teo, giao hợp đau. Rất nhiều vấn đề xảy ra với người phụ nữ như: loãng xương, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, ….

Sự suy giảm estrogen là một quá tình sinh lý riêng biệt ở độ tuổi này; làm suy giảm chức năng điều chỉnh sinh lý của các cơ quan cơ xương khớp, tim mạch và chuyển hóa. Không dừng lại ở đó, estrogen suy giảm sẽ làm rối loạn dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch, thiếu máu mạn tính; cơ thể bạn lúc này không hấp thu được các chất dinh dưỡng.

Tất cả những triệu chứng này bình thường sẽ không sao nhưng chỉ cần một vấn đề nào đó trong cơ quan của bạn ví dụ: té ngã - nguy cơ loãng xương sẽ xảy ra và hàng loạt những vấn đề khác kéo theo, lúc này cơ thể bạn sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Trung bình mãn kinh ở phụ nữ xảy ra khoảng từ 55 - 60 tuổi. Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, những người làm việc trí thức (đã nghỉ hưu sau 5 - 10 năm) mọi thứ dần chậm chạp hơn rất nhiều như: suy yếu về nhận thức, khả năng ghi nhớ giảm; mất điều chỉnh khả năng sinh lý: giảm sức cơ, mau mệt, nhịp tim chậm. Trong trường hợp nếu đã nghỉ hưu, không tiếp tục làm việc và lao động thường xuyên thì những vấn đề này vẫn xảy ra nhưng khó nhận thấy hơn.

Với những nghiên cứu ghi nhận được năm 2010 thì ở phụ nữ mãn kinh, các vấn đề về thay đổi tâm sinh lý chiếm gần 50%, bốc hỏa 45%, đau cơ xương khớp hơn 70%, rối loạn kinh nguyệt 55,8%.

alobacsi GS.TS Nguyễn Duy Tài

3. Mãn kinh có điều trị được không? Mục tiêu điều trị mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh là một tiến trình tự nhiên theo “sinh lão bệnh tử”, không thể không xảy ra nhưng việc điều trị có thể giúp trì hoãn hoặc làm giảm các triệu chứng của mãn kinh, giúp cải thiện cuộc sống được tốt hơn. Một vài phương pháp điều trị cần đến sự đánh đổi khá nguy hiểm, những can thiệp nếu không theo dõi và điều chỉnh không cẩn thận rất có thể sẽ để lại di chứng nặng nề như: ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung.

Khoảng trước năm 2002 tất cả các nước trên thế giới đều cho phép việc điều trị nội tiết tố thay thế ở phụ nữ sau tuổi 40 (một loại thuốc điều trị thường quy); nghĩa là khi đến một độ tuổi nào đó người ta nhận thấy nồng độ estrogen bắt đầu giảm và xuống thấp lúc này sẽ sử dụng phương pháp điều trị thay thế nhằm giữ được ngoại hình, năng suất làm việc và đặc biệt là vấn đề tình dục, người ta coi việc điều trị cải thiện estrogen là điều dĩ nhiên.

Đến nay từ việc sử dụng nội tiết điều trị thay thế sẽ chuyển qua nội tiết điều trị nghĩa là: tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có chỉ định điều trị.

Có thể nói để giúp cân bằng nội tiết tố thì cách nhanh nhất đó là thay đổi lối sống, nên phối hợp điều trị thế nào để có thể cải thiện được 3 yếu tố: giảm các triệu chứng, duy trì sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống thời kỳ mãn kinh.

Qua rất nhiều hội nghị, đặc biệt là IMS - Hiệp hội mãn kinh Thế giới người ta nhận sử dụng những loại bổ sung nội tiết qua da như dán, gel bôi, đặt tại chỗ như vậy sẽ ít nguy hiểm hơn qua đường uống, vì khi uống thuốc qua gan và sẽ làm ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể bạn.

GS.TS Nguyễn Duy Tài nhấn mạnh: Bạn sẽ không thể điều trị nội tiết tố nếu chỉ định không rõ ràng, cần cân nhắc nguy cơ - lợi ích khác nhau khi điều trị tiền mãn kinh - mãn kinh. Tại thị trường Việt Nam có đầy đủ các loại thuốc để điều trị; thế nhưng làm sao để có thể tăng liều, giảm liều, điều chỉnh thuốc theo từng giai đoạn cho phù hợp thì đây là điều không phải ai cũng biết.

Để bản thân có thể kiểm soát được bệnh tật cũng như những triệu chứng trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh xảy ra, bạn nên thường xuyên khám bệnh phụ khoa định kỳ, nhất là ở độ tuổi sinh sản.

Trung bình nếu bạn đến khám với bác sĩ phụ khoa 1-2 lần/năm, trong suốt quá trình này bạn sẽ được các bác sĩ tư vấn, chăm sóc về các loại bệnh gặp phải, cách điều trị, tầm soát ung thư cổ tử cung, những rắc rối bạn sẽ gặp phải và cách khắc phục khi đến thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, giúp bạn có cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Ở những người không đi khám phụ khoa định kỳ, khi gặp phải những triệu chứng ở độ tuổi tiền mãn kinh như: bốc hỏa, nóng giận, khó ngủ, đổ mồ hôi, thay đổi tâm tính, đau cơ xương khớp… lúc này người ta thường đi đến khám các bác sĩ tim mạch, nội thần kinh hay bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Rất có thể một thời gian sau khi điều trị không thành công thì tình trạng của bạn sẽ xấu hơn hơn rất nhiều.

4. Phụ nữ nên làm gì để bước vào thời kỳ mãn kinh dễ dàng hơn?

GS.TS Nguyễn Duy Tài đưa ra 5 lưu ý giúp chị em phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh dễ dàng hơn:

  • Thay đổi lối sống: tăng cường vận động, tập các bài kháng lực, lưu ý chế độ ăn có đạm.
  • Hạn chế stress: tham gia đoàn thể, nhóm hội, tôn giáo,….
  • Chống trầm cảm: biết chia sẻ, không bảo thủ, khám sức khỏe định kì.
  • Điều trị nội tiết tố tổng hợp: gel, dán, viên uống.
  • Cân nhắc những lợi ích, nguy cơ (ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung).

Cuối cùng, GS.TS Nguyễn Duy Tài nhắn nhủ: “Sự suy giảm estrogen sẽ gây ra rối loạn tâm lý: đây là một diễn tiến sinh lý theo tuổi làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Như vậy khám sức khỏe định kỳ (điều trị đúng chuyên khoa) là rất quan trọng giúp cải thiện tình trạng của bạn trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Cần thay đổi lối sống, điều kiện môi trường, dinh dưỡng,… Chúc bạn có một cuộc sống luôn vui và hạnh phúc!”.

Đại diện Liên chi hội Đông - Tây y cảm ơn GS Nguyễn Duy Tài đã đem đến chương trình bài thuyết trình có nhiều thông tin quý giá.

Hiền Thục - Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X