Hotline 24/7
08983-08983

Thai chậm tăng trưởng, khởi phát sớm phải được lấy ra nuôi bên ngoài

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên cho biết, những trường hợp thai chậm phát triển, khởi phát sớm, bác sĩ sẽ thực hiện lấy thai ra ngoài bằng phương pháp dự sinh hoặc mổ để nuôi em bé bên ngoài, đảm bảo an toàn cho bé.

1. Thế nào là thai chậm tăng trưởng?

Nhờ BS giải thích: Thai chậm tăng trưởng là gì? Khi nào thì thai nhi được đánh giá là chậm tăng trưởng ạ? Vấn này đề này có thường gặp trong thai kỳ, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ trả lời: Để đánh giá vấn đề thai giới hạn tăng trưởng hoặc thai chậm tăng trưởng, khi sản phụ đi khám thai, bác sĩ sẽ siêu âm, đánh giá sự thay đổi theo cân nặng của mẹ, kích thước bụng, bề cao tử cung có tăng dần phù hợp với tuổi thai không.

Khi giải thích kết quả sau siêu âm, bác sĩ thường nói “bách phân vị” 50, trong đó, “bách phân vị” là từ chuyên ngành, các mẹ có thể sẽ không hiểu. Ví dụ, một trường hợp thai 38 tuần, bách phân vị 50, có nghĩa trong 100 đứa con cùng tuổi thai với bé trong bụng mẹ thì con mình đang ở thứ tự số 50 tính từ dưới lên.

Tuy nhiên, các máy siêu âm hiện tại đang so sánh theo chuẩn quốc tế, không theo chuẩn người Việt Nam, nên đôi khi mẹ cảm thấy thân người con mình ngơi ngắn so với bách phân vị của các bé người nước ngoài, khiến mẹ lo lắng.

Một điểm chung thống nhất về mặt y khoa là cân nặng của em bé hoặc chu vi vòng bụng trên siêu âm dưới bách phân vị thứ 10, có thể chẩn đoán là thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung. Hoặc đưa vào chế độ theo dõi đặc biệt để theo sát tình trạng thai nhi.

Lưu ý, có 2 chẩn đoán, một là thai giới hạn tăng trưởng, hai là thai nhỏ hơn so với tuổi thai. Vì vậy, khi đi khám thai, bác sĩ phải thăm khám rất kỹ, đánh giá các yếu tố nguy cơ của mẹ và bé để xem thai có giới hạn tăng trưởng trong tử cung hay không.

2. Thai chậm tăng trưởng có thể xảy ra ở cả 3 tam cá nguyệt

Thai chậm tăng trưởng thường xảy ra trong giai đoạn nào của thai kỳ, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thai giới hạn tăng trưởng có thể xảy ra ở cả 3 tam cá nguyệt, có thể hiểu đó là tốc độ tăng trưởng, độ lớn của em bé theo tuổi thai. Thông thường đi khám thai, mẹ sẽ thấy một biểu đồ tăng trưởng, thì em bé trong bụng mẹ cũng có biểu đồ tăng trưởng tương tự. Bác sĩ sẽ đo kích thước và cân nặng của em bé để tính biểu đồ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng của thai nhi như thế nào.

Ví dụ, những trường hợp so sánh em bé nằm ở bách phân vị thấp như dưới bách phân vị thứ 10 hay thứ 3, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá thêm nhiều yếu tố khác như doppler động mạch não giữa, doppler động mạch tử cung, từ đó, đánh giá em bé có nguy cơ thiếu máu nuôi hay không.

3. Thai chậm tăng trưởng được đánh giá tổng quát trên cả mẹ và thai nhi

Đâu là nguyên nhân gây ra thai chậm tăng trưởng ạ? Trong đó, nguyên nhân nào là phổ biến nhất, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khi đánh giá thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung có rất nhiều nguyên nhân.

Một là nguyên nhân từ mẹ. Nhiều vấn đề bệnh lý kèm theo ở mẹ có thể gây ảnh hưởng đến bệnh lý của bé. Ví dụ, mẹ bị tiền sản giật là một yếu tố nguy cơ, thai làm mẹ tăng huyết áp, trong quá trình mang thai nếu mẹ bị tiền sản giật, dinh dưỡng của mẹ cung cấp cho thai bị hạn chế. Do đó, em bé rất dễ bị giới hạn tăng trưởng, đặc biệt ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.

Một số trường hợp mẹ mắc các bệnh lý khác, ví dụ như đái tháo đường. Nhiều người hiểu rằng, đái tháo đường thai kỳ sẽ làm con to hơn bình thường, có những bé sinh ra trên 4-5kg. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mẹ bị đái tháo đường thai kỳ nhưng con bị suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng trong tử cung. Đó là các vấn đề bệnh lý của mẹ.

Ngoài ra, những trường hợp mẹ đang phải sử dụng thuốc điều trị bệnh mạn tính kéo dài như: morphin giảm đau, ung thư hay các bệnh lý hen suyễn và đang sử dụng thuốc nặng,… Những bệnh lý của mẹ đều có nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của con.

Hai là bệnh lý từ con. Các trường hợp mẹ khỏe mạnh nhưng bé bị dị tật bẩm sinh hoặc bệnh lý nhiễm trùng, cũng làm cho thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung.

Vì vậy, khi đi khám thai, bác sĩ sẽ đánh giá tổng quát các bệnh lý ở mẹ và con xem cả hai có mắc các vấn đề bệnh lý gì khác hay không.

4. Thai chậm phát triển trước 32 tuần sẽ có tiên lượng xấu

Thai chậm tăng trưởng nguy hiểm như thế nào? Tình trạng này khiến người mẹ và thai nhi đối diện với những biến cố nào kể cả sự phát triển của trẻ về sau, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Chẩn đoán thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung là chẩn đoán được bác sĩ rất cân nhắc để thăm khám theo dõi và điều trị. Bởi vì, các trường hợp này sẽ có chế độ theo dõi thai kỳ sát hơn, và có nguy cơ rất cao vì phụ thuộc vào tình trạng thai chậm tăng trưởng khởi phát sớm hay muộn.

Ví dụ, trường hợp thai giới hạn tăng trưởng khởi phát sớm, đặc biệt trước 32 tuần thì nguy cơ của bé cao hơn, tiên lượng xấu hơn so với những trường hợp thai chậm phát triển sau 32 tuần. Vì vậy, cần có quá trình khám thai để biết thai chậm tăng trưởng xuất hiện ở giai đoạn nào.

Có những trường hợp thai giới hạn tăng trưởng, khởi phát sớm, có thể bác sĩ sẽ phải thực hiện lấy thai ra sớm hơn bằng phương pháp dự sinh hoặc mổ để đảm bảo an toàn cho thai. Bởi vì có những trường hợp thai bị giới hạn tăng trưởng quá nặng, nuôi trong bụng không tốt, bác sĩ thực hiện phương pháp lấy em bé ra để nuôi bên ngoài để đảm bảo tốt hơn cho bé.

Đó là chỉ định y khoa phức tạp nên các chị em cần đi khám để chuyên gia Sản phụ khoa tư vấn kỹ về vấn đề này.

5. Thai nhỏ có thể do di truyền

Nhiều chị em chưa nhận diện rõ ràng giữa thai chậm tăng trưởng và thai nhỏ hơn so với tuổi thai. Nhờ BS chia sẻ thêm một số thông tin về hai tình trạng này? Làm sao để phân biệt ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thông thường, các chị em đi khám thai thường được bác sĩ tư vấn là thai nhỏ so với tuổi thai, trong khi doppler mạch máu bình thường và không có yếu tố nguy cơ khác. Ngoài vấn đề các yếu tố nguy cơ, thai nhỏ có thể do yếu tố di truyền, thấy rõ ở người mẹ có thể trạng nhỏ đến khám thai.

Không thể so sánh thai nhi với các chỉ số theo chuẩn nước ngoài. Vì vậy, chị em sẽ được bác sĩ tư vấn kỹ là thai nhỏ hơn so với tuổi thai, không phải vấn đề thai chậm tăng trưởng hay giới hạn tăng trưởng.

>>> Phần 2: Mẹ nên làm gì khi thai chậm tăng trưởng?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X