Hotline 24/7
08983-08983

Mang thai, ăn uống thế nào để “vào con, không vào mẹ”?

Hầu hết mọi bà bầu đều quen thuộc với câu nói “ăn cho hai người” và tăng càng nhiều cân càng tốt nhưng sự thực có đúng như vậy không? BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ đã giải đáp những câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về tăng cân khi mang thai, chế độ ăn trong khi mang thai và sau khi sinh con, làm sao để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi.

Tăng bao nhiêu cân khi mang thai là đủ và an toàn?

Nhiều người thường nghĩ khi mang thai là ăn cho 2 người nhưng theo góc độ khoa học lại nói đây là quan niệm sai lầm. Xin BS cho biết có phải khi mang thai nên bổ sung càng nhiều chất dinh dưỡng càng tốt không? Các mẹ nên ăn như thế nào để tốt cho cả mẹ và thai nhi?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đây là câu hỏi mà rất nhiều sản phụ quan tâm, đến hỏi bác sĩ sản phụ khoa. Ngày xưa mọi người thường nghĩ bà bầu phải ăn nhiều hơn, món ngon trong nhà đều để dành cho các mẹ bầu. Trước đây, quan niệm này có thể đúng. Nhưng ngày nay, điều kiện dinh dưỡng đã tốt hơn.

Đứng trên góc độ khoa học, phải xem xét đến nhu cầu dinh dưỡng trong thai kỳ. Một người phụ nữ khỏe mạnh, không làm việc tay chân nhiều, không quá vất vả sẽ cần nhu cầu năng lượng khoảng 2.000kcal mỗi ngày. Khi mang thai, nhu cầu tăng lên tầm 2.500kcal/ngày. Khi mang thai, nhu cầu năng lượng không tăng nhiều nên không cần phải ăn gấp đôi bình thường.

Về mặt sản khoa, các bác sĩ sản phụ khoa luôn khuyến khích sản phụ tăng cân theo đúng chuẩn. Số cân phải tăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một người phụ nữ mang thai bình thường, trong suốt thai kỳ tốt nhất nên tăng khoảng 11 - 15kg. Tuy nhiên, con số này không áp dụng với những chị em có cân nặng trước mang thai thuộc tình trạng quá cân. Phụ nữ mang thai có vấn đề béo phì, thừa cân sẽ có nguy cơ của thai kỳ nhiều hơn bình thường. Mức tăng cân ở phụ nữ béo phì sẽ giảm đi một chút. Ngược lại, những chị em có BMI dưới 18,5 được xem là nhẹ cân trước khi mang thai, phải tăng cân nhiều hơn mức thông thường.

Từ những thông tin trên, có thể thấy quan niệm “ăn gấp đôi” đã không còn đúng. Ăn như thế nào để tăng cân vừa đủ thì phải xác định mục tiêu cần tăng bao nhiêu. Các chị em có thể thấy khi đi khám thai, bác sĩ sẽ đo các số đo của thai. Ước lượng cân thai trên siêu âm của bác sĩ chỉ ở mức tương đối nhưng cũng có giá trị để theo dõi. Mỗi lần khám thai, bác sĩ đều đưa ra một biểu đồ tăng trưởng để xem em bé tăng bao nhiêu gram theo số tuần tuổi thai. Dựa theo tốc độ đó có thể biết được em bé có tăng cân tốt hay không. Các chị em được khuyến cáo nên đi khám thai đầy đủ để thấy được tốc độ tăng cân của em bé.

Với những trường hợp tốc độ tăng cân của em bé đang giảm, em bé có nguy cơ suy dinh dưỡng, bác sĩ sản phụ khoa sẽ tư vấn chế độ ăn đặc biệt hơn cho mẹ bầu. Chế độ ăn của các mẹ bầu không giống nhau.

Béo phì làm tăng nguy cơ thai chết lưu

Mẹ bầu tăng cân quá mức hoặc suy dinh dưỡng trong thai kỳ sẽ gặp phải những vấn đề gì? Lời khuyên của BS cho những trường hợp này là gì?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Phụ nữ mang thai mà béo phì thì họ sẽ rất mệt vì cơ thể nặng nề. Vệc mang tử cung có em bé, nước ối và bánh nhau làm mẹ bầu dễ bị đau lưng. Lớp mỡ dưới da nhiều sẽ càng thêm nặng nề.

Vấn đề đầu tiên là vóc dáng người phụ nữ thay đổi quá nhiều. Nhiều chị em chia sẻ khi mang thai thậm chí còn không dám soi gương. Thực tế, trong thai kỳ có nhiều yếu tố khiến chị em không tự tin vào bản thân. Từ một thân hình chuẩn, phụ nữ mang thai mập lên thấy rõ nếu tăng cân nhiều.  Nội tiết trong quá trình mang thai khiến da sạm đi. Càng tăng cân nhiều thì tình trạng rạn da càng nặng.

Về mặt sản phụ khoa, những thai phụ béo phì thường có nguy cơ em bé béo phì. Các bác sĩ sản phụ khoa cũng lo lắng vấn đề đường huyết của mẹ không ổn định sẽ làm đường huyết thai không ổn định, có nguy cơ thai tử vong trong bụng mẹ. Đặc biệt ở phụ nữ béo phì, nguy cơ thai chết lưu trong bụng sẽ cao hơn.

Phụ nữ béo phì cũng tăng nguy cơ các bệnh lý khác như tiền sản giật (bệnh lý khi sản phụ bị tăng huyết áp do thai). Có nhiều yếu tố thúc đẩy tiền sản giật. Tiền sản giật có thể xảy ra các tai biến như con bị suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ thai chết lưu, phải sinh sớm. Khi mẹ bị tiền sản giật nặng, mặc dù con còn non, chỉ mới 32, 34 tuần, trong một số tình huống có chỉ định của bác sĩ, bắt buộc phải sinh sớm.

Hiện nay, các chị em có điều kiện chăm sóc thai kỳ rất tốt. Các chị em bắt đầu quan tâm đến sức khỏe và dinh dưỡng. Vấn đề dinh dưỡng là vấn đề mà mẹ có thể can thiệp nhiều nhất để đảm bảo con mình khỏe mạnh. Bác sĩ sản khoa thường khuyên chị em quay lại kiểm tra vết may, vết mổ, kiểm tra phụ khoa sau khi sinh 6 tuần. Lúc này, nhiều chị em than phiền với bác sĩ về chuyện khó giảm cân vì đã tăng cân quá nhiều trong lúc mang thai.

Dinh dưỡng khi mang thai: Nên chia nhỏ ăn 5 - 6 bữa/ngày

Nhờ BS chia sẻ những kinh nghiệm, bí quyết trong việc ăn uống, xây dựng thực dơn để có một thai kỳ khỏe mạnh?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trước hết tôi chia sẻ với góc độ là một người mẹ. Khi mang thai, tôi cũng từng được cho trứng ngỗng. Là một bác sĩ, đương nhiên bản thân mình có kiến thức cơ bản về vấn đề sản phụ khoa nhưng trong lần đầu tiên mang thai, tôi cũng rất lo lắng. Tôi đọc sách thai giáo, nghiên cứu nhiều thứ. Điều tôi rút ra được sau kinh nghiệm sinh và nuôi 2 bé đó là sự đồng hành của gia đình cực kỳ quan trọng.

Một mẹ bầu có kiến thức là điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu người chồng cũng có kiến thức để chăm sóc, thấu hiểu những thay đổi nội tiết trong quá trình mang thai. Hoặc mẹ bầu biết ăn uống thế nào là tốt nhưng mẹ, cô, dì lớn tuổi lại nấu nhiều món khác, không ăn sẽ khiến họ buồn lòng. Thế nên cần có sự đồng hành, cùng chia sẻ kiến thức giữa các thành viên trong gia đình.

Khi mang thai, hai vợ chồng tôi đã đọc rất nhiều sách. Ngoài sách y khoa còn có sách thai giáo, sách hướng dẫn chăm sóc con. Sau khi đọc, chúng tôi tóm tắt nội dung lại thành một tập sách và gửi cho ba mẹ cùng đọc để có được sự ủng hộ. Mọi người đều có mục tiêu là làm cho em bé trong bụng khỏe mạnh, nếu có kiến thức đúng thì gia đình sẽ dễ dàng chăm sóc sản phụ, lập chế độ dinh dưỡng tốt.

Như đã chia sẻ ở trên, quan điểm mẹ bầu cần ăn gấp đôi, gấp ba là không đúng. Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu chỉ tăng một chút. 3 tháng đầu là giai đoạn nghén dữ dội nhất, khiến mẹ bầu bị sụt cân. Các chị em không cần quá lo lắng. Theo khuyến nghị, trong 3 tháng đầu vẫn có thể sụt cân nhẹ, sau đó sẽ tăng cân bù lại vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Nên chia nhỏ bữa ăn vì nội tiết thay đổi khiến người mang thai không muốn ăn nhiều, chỉ thèm một số mùi hay món ăn đặc biệt. Những thức ăn có nhiều mùi khiến mẹ bầu dễ bị nôn hơn. Trong 3 tháng đầu thai kỳ nên chia nhỏ thành 5 - 6 bữa/ngày, thay vì 3 bữa như bình thường. Sữa tươi không đường cung cấp hàm lượng canxi cao mà không làm mẹ tăng cân nhiều. Trong thai kỳ là giai đoạn cung cấp dinh dưỡng tốt cho con. Các giai đoạn thai kỳ khác nhau có mức tăng cân khác nhau. 3 tháng đầu có thể không tăng, tăng ít hay sụt cân nhẹ. Đến 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, nhu cầu ăn uống sẽ cao lên.

Các chị em thường thắc mắc ăn gì tốt cho quá trình mang thai nhưng trước hết là mẹ bầu phải ăn được. Khi mang thai, tử cung to ra, dạ dày nằm ngang khiến chị em dễ ngán khi ăn, không ăn nhiều được. Lúc này cần chia nhỏ bữa ăn và ăn những món mình thích. Bác sĩ không khuyến cáo ăn nhiều tinh bột, nên giữ lượng tinh bột như bình thường hoặc chỉ tăng một ít. Bên cạnh đó, cần tăng lượng đạm và rau xanh.

Một câu hỏi thường gặp ở các mẹ là ăn gì để con thông minh. Trí thông minh của em bé còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như IQ của ba mẹ, môi trường nuôi dưỡng. Dinh dưỡng chỉ là một phần thôi. Ba mẹ nên ăn uống đủ chất, cung cấp đủ vitamin, bổ sung DHA để pháp triển não em bé.

Ăn gì để vào con mà không vào mẹ?

Trong 2 lần mang thai, BS có đạt được cân nặng kỳ vọng không? Làm sao để đạt được mục đích ăn vào con chứ không vào mẹ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: May mắn là tôi có kiến thức tốt và có sự ủng hộ từ gia đình nên suốt thai kỳ tăng cân đều đặn. 2 tháng sau sinh tôi cho con bú hoàn toàn và gần như trở về vóc dáng ban đầu. Tôi được đồng nghiệp nhận xét là mang thai “gọn”. 2 bé sinh ra vẫn đủ ký, một bé 3kg và một bé 3,2kg.

Các chị em thường cố ăn nhiều để con lớn, nhưng có những trường hợp mẹ tăng đến 30kg sinh con nặng 3kg và mẹ chỉ tăng 11kg vẫn sinh con được 3kg. Từ đó có thể thấy việc ăn gì, dinh dưỡng thế nào rất quan trọng. Mẹ bầu cần điều chỉnh sao cho chế độ ăn khoa học nhất. Với một người có cân nặng bình thường, trong thai kỳ tăng 11 - 15kg là vừa đủ.

Nếu có thắc mắc rằng ăn món này, món kia có tốt không, mẹ bầu hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Hiện nay, mỗi lần khám thai chị em đều được gặp bác sĩ sản phụ khoa để xem tình hình phát triển như thế nào. Các chị em cứ mạnh dạn hỏi bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn tốt nhất.

Cho con bú có thể giúp mẹ giảm cân

Nhiều chị em rất mong muốn có thể lấy lại vóc dáng để tự tin hơn trong cuộc sống và trong công việc. Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi thắc mắc rằng tại sao những diễn viên, ca sĩ sau khi sinh có thể lấy lại vóc dáng rất nhanh. Nhờ BS chia sẻ liệu có bí quyết nào để giảm cân an toàn và đúng chuẩn y khoa.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Không hiếm trường hợp chị em 45kg, khi mang thai lại “tăng vèo” lên 65 - 70kg. Sau khi sinh xong có thể giảm vài cân vì em bé đã ra ngoài cùng với nước ối, nhau thai nhưng vẫn còn dư cân rất nhiều.

Có một điều mà bản thân tôi đã áp dụng cũng như tư vấn cho các mẹ bầu là y khoa hiện tại khuyên các bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Trong quá trình cung cấp sữa để nuôi con, năng lượng cũng tiêu hao bớt một phần. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là cung cấp một nguồn năng lượng rất tốt cho bé, đồng thời giúp mẹ giảm cân nếu có chế độ ăn hợp lý.

Sau khi sinh xong, nhất là sinh mổ, mẹ sẽ bị đau ở vết mổ và cần thời gian để vết mổ lành hẳn. Một số chị em sinh thường có cắt tầng sinh môn cũng phải may và bị đau. Do đó chưa thể tập thể dục ngay sau khi sinh. Ở góc độ của bác sĩ sản khoa, 6 tuần sau sinh là thời điểm mà cơ thể đã hồi phục gần như hoàn toàn, hết sản dịch nên chị em có thể tập thể dục bình thường.

Để cân nặng quay về mức trước khi mang thai thì ăn uống chiếm vai trò quan trọng. Chỉ cần duy trì chế độ ăn vừa phải, cho con bú và tập thể dục thì mẹ sẽ tự động giảm cân được. Khi ăn nhiều mà không vận động nhiều, không vắt sữa thì năng lượng dư thừa sẽ khiến mẹ khó quay trở lại cân nặng bình thường.

Các loại thuốc được bác sĩ chỉ định uống trước và trong khi mang thai như sắt, axit folic, canxi vẫn nên tiếp tục uống sau khi sinh xong. Duy trì chế độ ăn vừa phải, cho con bú và tập thể dục sẽ giúp mẹ giảm cân từ từ. Nhiều mẹ than phiền việc chăm sóc con nhỏ khiến bản thân mệt mỏi, đầu bù tóc rối. Thế nhưng các chị em nên dành thời gian chăm sóc bản thân, chăm sóc da, quan tâm đến vóc dáng để có động lực giảm cân.

Chế độ dinh dưỡng khoa học trong giai đoạn mẹ cho con bú

Trong khi mang thai, nhiều người cố gắng ăn nhiều để mong con lớn hơn. Đến khi sinh xong lại có xu hướng ăn ít lại để giảm cân. Tuy nhiên, các BS lại khuyên rằng lúc này vẫn cần ăn uống đầy đủ để có đủ sữa cho con bú mỗi ngày. Làm thế nào để cân đối được chế độ dinh dưỡng vừa tốt cho sức khỏe bản thân, vừa tốt cho con đang còn bú mẹ và nhanh lấy lại vóc dáng, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Chúng ta nên biết khi cho con bú, lượng sữa vắt ra hằng ngày đã lấy đi rất nhiều năng lượng. Một số chị em nếu không thể kiêng khem có thể nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng. Chị em có thể tính xem món ăn đó chứa bao nhiêu kcal, ăn bao nhiêu là đủ.

Trong giai đoạn sau sinh, bác sĩ vẫn khuyên sản phụ nên ăn như trước sinh, đặc biệt là tăng đạm vì năng lượng để cho con bú thậm chí còn tăng lên một chút. Ăn nhiều cơm nhưng không tăng đạm cũng không tốt. Nên nhớ, chế độ ăn là yếu tố quan trọng nhất để giảm cân sau sinh. Nguyên tắc là tăng đạm và rau xanh, giữ nguyên lượng cơm như bình thường.

Thời điểm sau sinh, nhiều chị em không ngủ đủ vì phải thức để chăm con. Các ông bố nên hỗ trợ trong việc chăm con để người mẹ tranh thủ ngủ đủ, có lượng sữa tốt, duy trì được việc cho con bú.

Cảm ơn Vinlac Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X