Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ nên làm gì khi thai chậm tăng trưởng?

Thai chậm tăng trưởng là tình trạng thai kém phát triển, kích thước và cân nặng thai thấp hơn so với chỉ số dự kiến của tuổi thai. Vậy làm thế nào để biết thai chậm tăng trưởng? Mẹ nên làm gì khi phát hiện vấn đề này? Tất cả sẽ được BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ giải đáp.

1. Đái tháo đường, tiền sản giật, các yếu tố nguy cơ gây chậm tăng trưởng thai kỳ

Làm thế nào để phát hiện sớm tình trạng thai chậm tăng trưởng, thưa BS? Các xét nghiệm nào các chị em không nên bỏ qua trong thai kỳ, nhằm phát hiện sớm tình trạng thai chậm tăng trưởng ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Để phòng ngừa và phát hiện sớm thai chậm tăng trưởng, đầu tiên chị em cần tuân thủ lịch khám thai đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Bởi vì, có nhiều trường hợp thai bị nhiễm trùng từ 3 tháng đầu thai kỳ, có thể đó là yếu tố thức đẩy giới hạn tăng trưởng ở giai đoạn sau của thai kỳ.

Do đó, khi khám thai ở 3 tháng đầu thai kỳ, những xét nghiệm máu, tầm soát dị tật thai cũng là yếu tố giúp bác sĩ chẩn đoán giai đoạn sau. Vì vậy, các chị em phải đi khám thai đầy đủ để biết được ở các mốc khám thai, mẹ sẽ được làm những xét nghiệm gì.

Thông thường, ở các lần khám thai, chị em đều được siêu âm để kiểm tra, giúp đo kích thước của thai để biết được tốc độ tăng trưởng có tốt hay không, từ đó, biết được tình trạng phát triển của em bé.

Ngoài ra, chị em sẽ tự theo dõi cân nặng ở nhà hoặc khi khám thai, bác sĩ sẽ thông báo bề cao tử cung, đó là các dấu hiệu bệnh nhân có thể thấy. Còn vấn đề siêu âm, đó kích thước, chị em cần phải đi khám mới có thể thấy được.

Do đó, chị em cần đi khám thai, bên cạnh siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra mẹ có mắc bệnh lý gì hay không. Ví dụ, bệnh lý đái tháo đường, tiền sản giật là các yếu tố nguy cơ gây chậm tăng trưởng. Trường hợp này, mẹ sẽ được test dung nạp đường, tầm soát bệnh lý tiền sản giật ở giai đoạn rất sớm, thường là 3 tháng đầu thai kỳ bắt đầu xét nghiệm tiền sản giật.

Những xét nghiệm trên giúp đưa ra các phương pháp dự phòng tiền sản giật trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

2. Siêu âm doppler phụ thuộc chỉ định bác sĩ dựa trên tuổi thai

Siêu âm Doppler mạch máu thai nhi cần được thực hiện khi nào và ý nghĩa của siêu âm nói lên điều gì, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Siêu âm doppler phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ dựa trên tuổi thai. Ví dụ, trong trường hợp em bé có thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, bác sĩ sẽ đo thêm doppler động mạch của em bé để thấy các dấu hiệu thiếu máu nuôi em bé.

Có rất nhiều chỉ số trên kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ dựa trên các chỉ số đó để xác định thai nhi tăng trưởng mức độ nào, tùy mức độ sẽ có chế độ khám thai và điều trị khác nhau.

3. Bác sĩ chỉ định nhập viện ngay nếu mẹ có dấu hiệu bất thường khi khám thai

Quá trình thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng để chẩn đoán thai chậm tăng trưởng sẽ diễn ra như thế nào, thưa BS? Thời điểm siêu âm ra sao và khoảng cách nhau tối thiểu cần bao lâu?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Tùy thuộc vào sự phát triển của thai nhi trong tử cung sẽ có thời điểm khám thai khác nhau. Đối với trường hợp thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung kèm các bất thường khác nặng hơn, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nhập viện ngay. Một số trường hợp khác, mẹ bầu cần thái khám mỗi tuần hoặc mỗi 3 ngày tùy thuộc vào dấu hiệu lâm sàng của bé.

Vì vậy, cần lưu ý, khi khám thai ở 3 tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ cho đo tim thai em bé. Nếu tim thai bình thường, không có yếu tố nguy cơ, có thể dự đoán thai bình thường trong vòng 7 ngày sau đó. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ cho nhập viện để theo dõi và kiểm tra lại một cách chính xác.

4. Chia nhỏ bữa ăn, tăng đạm và rau xanh, giảm tinh bột, giúp ích cho sự phát triển của thai

Vậy còn đối với các mẹ bầu cần làm gì khi thai chậm tăng trưởng?

- Việc sinh hoạt, nghỉ ngơi cần chú ý những vấn đề nào?

- Dinh dưỡng cho thai phụ cần lưu ý những nguyên tắc nào trong tình huống này? Nhiều mẹ bầu có xu hướng ăn nhiều hơn, bổ sung nhiều đồ bổ hơn (như yến, sâm…), theo BS điều này có nên không và nếu được thì nên ăn như thế nào ạ?

- Những thói quen xấu mẹ bầu cần tránh khi thai chậm tăng trưởng là gì ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Nhiều trường hợp sản phụ tự trách bản thân như: “Bác sĩ ơi, em ăn ít quá con em nhỏ; chắc em ăn sai cách nên con em nhỏ,”… Tuy nhiên, nguyên nhân thai giới hạn tăng trưởng có thể bắt nguồn từ mẹ, từ con, nguyên nhân từ bánh nhau. Có rất nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề thai chậm tăng trưởng, do đó dinh dưỡng chỉ là một phần trong vấn đề này.

Trong thai kỳ, chị em chỉ biết ăn vào mà không biết ăn gì tốt cho con, mẹ bầu có xu hướng ăn nhiều tinh bột. Lưu ý, trong thai kỳ, các mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, lượng tinh bột tăng ít và bổ sung nhiều đạm, rau xanh. Đặc biệt, nên uống sữa tươi không đường giúp tăng hàm lượng canxi cho bé, cung cấp canxi tốt hơn. Vì vậy, các mẹ nên có chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng và hợp lý trong suốt thai kỳ. Trong suốt quá trình khám thai, bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề bổ sung thuốc sắt và axit folic tốt cho thai.

5. Theo dõi cử động thai tại nhà như thế nào?

Mẹ nên theo dõi cử động thai tại nhà như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Từ 20 tuần trở đi, mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận được cử động thai của em bé, có thể em bé nhào lộn, đạp, búng ở trong bụng, người mẹ đều cảm nhận được. Vì vậy, nên lưu ý từ 20 tuần trở đi, khi bắt đầu cẩm nhận được cử động, chị em sẽ bắt đầu đếm cử động thai. Đây là điều chỉ có người mẹ có thể làm được và cảm nhận rõ ràng.

Cách đếm cử động thai: Một ngày đếm 2 lần, sau khi mẹ ăn no, em bé sẽ đạp nhiều hơn. Do đó, bác sĩ Sản phụ khoa sẽ hướng dẫn mẹ đếm 2 lần sau ăn no. Ví dụ, sau ăn trưa hoặc sau ăn tối, mẹ cần đếm trong 1 tiếng đồng hồ, trong thời gian này, nếu em bé đạp trên 4 lần là bình thường.

6. Lịch khám thai thay đổi tùy mức độ giới hạn tăng trưởng của thai

Khi bị thai chậm tăng trưởng, việc khám thai của mẹ bầu thay đổi như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Một thai phụ đến khám thai nếu được chẩn đoán thai giới hạn tăng trưởng, lịch khám thai sẽ gần hơn.

Ví dụ, một thai phát triển bình thường trong giai đoạn 32 tuần, bác sĩ sẽ hẹn lịch khám thai khoảng 4 tuần sau đó. Nhưng đối với thai chậm tăng trưởng, bác sĩ chỉ định lịch khám thai gần hơn, có thể là 7 ngày, trường hợp nặng hơn sẽ tái khám trong 3 ngày hoặc cho nhập viện ngay để theo dõi. Vì vậy, lịch khám thai sẽ thay đổi tùy theo mức độ giới hạn tăng trưởng của thai.

7. Theo dõi thai nhi trong trường hợp thai chậm tăng trưởng cần những cận lâm sàng nào?

- Các cận lâm sàng nào mẹ cần làm trong quá trình theo dõi thai nhi trong trường hợp thai chậm tăng trưởng ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trong quá trình khám thai có rất nhiều xét nghiệm kiểm tra sức khỏe của thai.

Ví dụ, trong quá trình siêu âm, bác sĩ nghe được tiếng tim của em bé, tiếng tim thể hiện được một phần tình trạng sức khỏe của em bé trong bụng mẹ. Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ coi cử động thai, cử động nuốt của em bé,… Đó là những dấu hiệu xác định sức khỏe của thai nhi. Trong siêu âm doppler, bác sĩ có thể coi được mạch máu để kiểm tra xác định có bất thường, xem em bé có thiếu máu nuôi hay không.

Ngoài ra, khoảng 3 tháng cuối thai kỳ sẽ được đo tim thai. Các sản phụ đi khám thai thường được ngồi dựa lưng trên ghế và đo bằng máy, mẹ sẽ được nghe tiếng tim thai và bấm nút cử động thai mỗi khi cảm nhận được em bé đạp.

Thông thường, biểu đồ tim thai sẽ được đo trong vòng 40 phút để kiểm tra tình trạng tim thai của em bé. Nếu tim thai của em bé khỏe, bác sĩ có thể dự đoán em bé phát triển bình thường vài ngày sau đó.

Cần lưu ý, tùy thuộc từng bệnh lý, ví dụ nếu mẹ bị tiền sản giật, bác sĩ sẽ đo huyết áp của mẹ có ổn định không kèm theo các xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng mẹ có ổn định để tiếp tục dưỡng thai hay không. Trường hợp sản phụ bị đái tháo đường, bác sĩ sẽ đo đường huyết. Nếu đường huyết ổn định, có thể dự đoán em bé phát triển tốt, nếu đường huyết của mẹ lên xuống thất thường, đó là dấu hiệu cảnh báo có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi cần có rất nhiều xét nghiệm cho cả mẹ và con. Đó là một quá trình khá phức tạp. Vì vậy, chị em nên đi thăm khám để được bác sĩ Sản phụ khoa tư vấn đầy đủ.

>>> Phần 1: Thai chậm tăng trưởng, khởi phát sớm phải được lấy ra nuôi bên ngoài

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X