Hotline 24/7
08983-08983

Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai nguy hiểm thế nào, làm sao nhận diện?

Tiền sản giật là một trong những tai biến sản khoa khiến các chị em lo sợ. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm tiền sản giật để điều trị kịp thời? Phòng ngừa tình trạng này trong thai kỳ thế nào?... TS.BS Trần Thị Nhật Vy - Phó Trưởng khoa Phụ sản - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã giải đáp các thắc mắc này trong video dưới đây.

1. Tiền sản giật là gì?

Trước tiên, nhờ BS giải thích cho các chị em hiểu rõ: Tiền sản giật là gì? Tai biến này có thường gặp ở nước ta? Nguyên nhân nào gây ra tiền sản giật, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Tiền sản giật là tình trạng gây ra những yếu tố bất lợi cho cả mẹ và thai nhi. Tiền sản giật được định nghĩa là khi người sản phụ mang thai bị tăng huyết áp thai kỳ và kèm theo đạm niệu hoặc phù. Đây là một trong những tai biến sản khoa.

Hiện nay, cơ chế bệnh sinh của tiền sản giật vẫn là một cơ chế bí ẩn. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu ủng hộ cho giả thuyết, sự phát triển bất thường của bánh nhau sẽ dẫn đến tình trạng tiền sản giật.

2. Ai có nguy cơ bị tiền sản giật?

Tiền sản giật có nguy cơ xảy ra trên những thai phụ nào, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Những mẹ bầu có thai lần đầu tiên, độ tuổi mang thai trên 35 tuổi có nguy cơ gặp phải tình trạng này.

Những năm gần đây, cuộc sống hiện đại với bộn bề công việc, nhiều người lập gia đình trễ, dẫn đến kế hoạch có em bé trễ. Do đó sẽ có nhiều mẹ bầu con so khi đã lớn tuổi. Khi đó quá trình có thai tự nhiên sẽ khó khăn, dẫn đến nguy cơ đa thai. Mẹ có bệnh lý nội khoa, tăng huyết áp trước đó sẽ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và sản giật.

Thông thường để chẩn đoán tiền sản giật, bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số huyết áp và định nghĩa rằng chỉ số tăng huyết áp thai kỳ chỉ xảy ra từ sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Tăng huyết áp nếu như có tổn thương của thận dẫn đến tiểu đạm, phù, đau hạ sườn phải, chóng mặt có nghĩa là đã diễn tiến đến tiền sản giật.

3. Tiền sản giật thường xảy ra từ tuần thai nào?

Tiền sản giật thường xảy ra từ tuần thai nào? Và thai phụ nào có nguy cơ mắc phải tình trạng này, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Như bác sĩ đã đề cập, huyết áp sẽ tăng vào tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Mỗi lần mẹ bầu đi khám định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp. Nếu huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và huyết áp tâm trương trên 90 mmHg từ sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ thì đó là tăng huyết áp thai kỳ. Nếu tình trạng tiếp diễn người mẹ có tiểu đạm, phù thì đó là dấu hiệu giúp bác sĩ nhận ra rằng thai phụ này đang có tình trạng tăng huyết áp thai kỳ đơn thuần hay đã bước qua giai đoạn nguy cơ của tiền sản giật, sản giật.

Khi đã được chẩn đoán là tiền sản giật, đầu tiên phải cho thai phụ nhập viện và đánh giá chỉ số của tiền sản giật. Nếu điều trị không kịp thời thì từ tiền sản giật có thể chuyển qua sản giật và gây nguy cơ tử vong cho mẹ và thai. Thông thường, sau khi được nhập viện mẹ bầu sẽ được đo huyết áp, theo dõi, sử dụng những thuốc hạ áp ít gây ảnh hưởng đến thai nhất, sử dụng thuốc giảm nguy cơ co giật. Một điều rất quan trọng là tùy theo tuổi thai mà quyết định chấm dứt thai kỳ ở thời điểm nào.

4. Tiền sản giật có tự hết sau khi sinh?

Tình trạng này có chấm dứt sau khi sinh hay kéo dài xuyên suốt cuộc đời người phụ nữ ạ?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Thông thường, là tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật xuất hiện trong lúc có thai sẽ kéo dài đến 6 tuần hậu sản.

5. Bị tiền sản giật, sau khi sinh chăm sóc sức khỏe thế nào?

Sau khi sinh, cần chăm sóc, theo dõi sức khỏe như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Ở châu Á và Việt Nam nói chung, sau khi sinh, tâm lý của nhiều người là phải ăn mặn để bù lại năng lượng và giữ ấm cho cơ thể. Chính thói quen này sẽ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp kéo dài, đôi khi từ tiền sản giật có thể diễn biến thành sản giật trong giai đoạn hậu sản. Do đó, chế độ ăn uống sau khi sinh cũng rất quan trọng, góp phần làm cho tình trạng này có thể lui bệnh hay không. Khi đó, các chị em phụ nữ nên:

- Uống đủ nước.

- Ăn đủ các nhóm thực phẩm: chất đường, chất đạm…

- Hạn chế ăn mặn.

- Theo dõi huyết áp tại nhà: mua máy đo huyết áp điện tử để tự kiểm tra, nếu huyết áp trên 140/90 mmHg thì hãy sớm quay lại bệnh viện để được các bác sĩ đánh giá chính xác hơn.

6. Tiền sử tiền sản giật, nguy cơ ra sao cho những lần mang thai tiếp theo?

Mang thai lần đầu bị tiền sản giật, vậy nguy cơ nào sẽ xảy ra khi mang thai những lần tiếp theo? Các chị em phụ nữ cần chuẩn bị những gì khi mang thai lần tiếp theo để tránh căn bệnh nguy hiểm này?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu đã từng có tiền căn tiền sản giật ở thai kỳ trước thì nguy cơ lần sau sẽ tăng cao hơn. Vì vậy, trong 3 tháng đầu (tam cá nguyệt 1) từ 11 đến 13 tuần 6 ngày, khi các mẹ bầu đo độ mờ da gáy, bác sĩ cũng sẽ thử những chất sinh hóa ở trong máu, đồng thời đo áp lực của động mạch tử cung và sẽ tính toán để đánh giá nguy cơ thai phụ này có xuất hiện tiền sản giật sớm trước 34 tuần hay trước 37 tuần hay không. Thai phụ nào nằm trong nhóm có nguy cơ cao của tiền sản giật bác sĩ sẽ dự phòng bằng thuốc Aspirin, từ đó làm giảm nguy cơ phát sinh tăng huyết áp tiền sản giật trong tam cá nguyệt 2 và tam cá nguyệt 3.

7. Phòng ngừa tiền sản giật khi mang thai như thế nào?

Phòng ngừa tiền sản giật, những giải pháp nào hiệu quả, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Điều kiện tiên quyết là phải có một chế độ chăm sóc tiền sản thật phù hợp.

- Đi khám thai định kỳ: Nhiều thai phụ có con lần thứ 2, thứ 3 thường mang tâm lý chủ quan. Nên đôi khi bác sĩ hẹn ngày tái khám, các mẹ bầu vì nhiều lý do bận công việc, con cái nhỏ… sẽ đi khám trễ hơn, vì vậy sẽ qua những giai đoạn như bác sĩ đã đề cập. Trong khi đó, ở tam cá nguyệt 1, lúc đo độ mờ vai gáy bác sĩ cũng tính toán những nguy cơ giúp sàng lọc sớm xem có bị tiền sản giật hay không.

- Từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ rất dễ xảy ra tình trạng tăng huyết áp và dẫn đến tiền sản giật. Vì vậy, các mẹ bầu có thể chủ động mua máy đo huyết áp tại nhà để tự theo dõi huyết áp trước khi đến bác sĩ. Thông thường khoảng thời gian đến gặp bác sĩ sản khoa rất lâu, có khi là 2 tuần hoặc 4 tuần. Nếu có máy đo huyết áp tại nhà thì các bạn sẽ là bác sĩ của chính bản thân mình, phát hiện sớm tình trạng huyết áp.

- Chế độ ăn uống phù hợp: Hạn chế ăn mặn, hạn chế ăn ngọt vì những chế độ ăn không phù hợp đó sẽ dẫn đến nguy cơ của tăng huyết áp, tiểu đường.

- Nhận biết dấu hiệu: Thấy mình tăng cân quá nhanh. Người ta khuyến cáo rằng phụ nữ chỉ số PMI bình thường từ 18 - 25 thì trong quá trình mang thai bạn chỉ được tăng 8 - 10 kg và một tháng không tăng quá 2 kg. Nếu thấy tháng này tăng cân quá nhiều, chân mang dép có vết hằn, chứng tỏ đang có dấu hiệu của phù. Một buổi sáng thức dậy thấy chóng mặt thì tất cả đều là dấu hiệu cảnh báo sớm của tăng huyết áp và tiền sản giật, giúp các mẹ bầu có thể đến khám bác sĩ sớm hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X