Hotline 24/7
08983-08983

Tất tần tật những điều cần biết về bệnh nhiễm sán chó

Nguyên nhân nào gây ra bệnh nhiễm sán chó? Căn bệnh này nguy hiểm thế nào và điều trị ra sao? Làm sao để phòng ngừa nhiễm sán chó? Tất cả sẽ được BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM giải đáp.

1. Sán chó nhiễm từ thức ăn nạp vào cơ thể

Bệnh sán chó lây truyền qua những con đường nào? Liệu bệnh này có lây từ người sang người không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Giun chó/ sán chó thường sống trong động vật là con chó hoặc con mèo. Mỗi loài vật sẽ có loại giun sán riêng, vì vậy khi bị một loại giun của động vật đó nhiễm vào người sẽ không giống như bị nhiễm giun ở người. Ví dụ con người bị sán lá gan sẽ vào gan, sán lá phổi sẽ vào phổi, giun sán sẽ nằm ở da, xuống ruột sau đó ra ngoài theo chu kỳ.

Tuy nhiên, nếu loại giun đó từ động vật khác loài người, khi vào cơ thể không đúng chu kỳ nên sẽ đi đến rất nhiều cơ quan. Do đó được gọi là giun sán chó vì triệu chứng không giống nhiễm giun sán người và không lây từ người mà nhiễm từ thức ăn đưa vào cơ thể.

2. Kết quả xét nghiệm nhiễm sán chó không hoàn toàn chắc chắn

Nhiều người thắc mắc mặc dù gia đình không nuôi chó nhưng khi đi khám, xét nghiệm thì vẫn mắc bệnh sán có, vậy đâu là nguyên nhân, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Gia đình không nuôi chó trong nhà nhưng khi ăn uống, thức ăn có thể nhiễm loại giun sán do con chó thải ra. Nếu nuôi trực tiếp chó trong nhà sẽ dễ có nguy cơ bị nhiễm hơn không nuôi, do đó việc ăn sạch, uống sạch rất quan trọng.

Thứ hai, khi đi xét nghiệm nếu có kết quả kháng thể giun sán chó dương tính, không chắc chắn là người này đang bị nhiễm. Có thể khi tiếp xúc với chó lâu sẽ tự hết, kết quả xét nghiệm không hoàn toàn chắc chắn. 

3. Những thói quen làm bạn dễ bị nhiễm sán chó

Trọng cộng đồng, những ai có nguy cơ bị nhiễm sán chó? Những hành động hay thói quen nào dễ khiến con người bị nhiễm loại sán này, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc nhiễm sán chó sẽ bắt nguồn từ thói quen ăn các loại thức ăn đã bị nhiễm loại sán này, chơi chung với chó, sán bị nhiễm trên tay sau đó đưa vô miệng, đó là các hành động có xác suất nhiễm sán chó cao.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM

4. Sán chó không ảnh hưởng gì nếu nằm ở các tạng bình thường của cơ thể

Khi bị nhiễm sán chó sẽ nguy hiểm thế nào nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tùy vào vị trí tạng mà giun sán chó xuất hiện trong cơ thể, nếu nằm ở tạng thông thường sẽ không xảy ra vấn đề gì, chỉ có biểu hiện khó chịu, ngứa, nổi mề đay. Tuy nhiên nếu giun sán chó lên các bộ phận quan trọng như não sẽ trở thành vấn đề quan trọng.

5. Ba yếu tố quan trọng để chẩn đoán nhiễm giun sán chó

Vậy, đâu là những dấu hiệu cảnh báo nhiễm giun sán chó mà chúng ta cần dè chừng ạ? Các dấu hiệu này có thể nhầm lẫn với bệnh lý nào khác và làm sao để phân biệt, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người dân hiện nay nếu gặp tình trạng nổi mề đay kéo dài không giải thích được thì hãy nghĩ đến giun sán. Giun sán khi kiểm tra sán người không có hãy nghĩ đến sán động vật, đi xét nghiệm máu.

Tuy nhiên về tiêu chuẩn chẩn đoán, một xét nghiệm trong máu có kháng thể kháng lại giun chó mèo sẽ không có giá trị.

Để chẩn đoán, ngoài xét nghiệm máu cần thêm hai yếu tố bao gồm: triệu chứng lâm sàng là ngứa, các tế bào ái toan tăng, khi đó mới được kết luận nhiễm giun sán chó.

- Ngứa da là biểu hiện thường thấy nhất và cũng thường được gán với nhiễm ký sinh trùng, nhất là sán chó. Thực hư điều này như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ngứa da có rất nhiều nguyên nhân. Ví dụ môi trường sống có tác nhân gây dị ứng như xung quanh đang xây nhà, có xi măng là một tác nhân gây dị ứng, hay mùa phấn hóa, môi trường ẩm thấp cũng có thể làm dị ứng.

Nguyên nhân thứ hai là thức ăn cũng có thể gây dị ứng.

Thứ ba là giun sán.

Khi loại được tất cả các nguyên nhân gây ngứa thì đi thực hiện xét nghiệm máu sẽ có thể phát hiện nhiễm giun sán. Tuy nhiên, vấn đề là không chỉ thực hiện một xét nghiệm máu mà cần làm thêm xét nghiệm có kết quả tế bào ái toan tăng.

Trường hợp phát hiện có giun sán chó trong người sẽ thực hiện phương pháp xổ giun.

6. Uống thuốc điều trị giun sán thời gian dài có thể làm tổn thương gan

Khi có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm sán chó, người bệnh nên đến khám tại các bệnh viện nào và các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán sán chó gồm những gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi có các dấu nhiệu của nhiễm giun sán, người dân nên đến bác sĩ nội tổng quát trước, sau đó đến chuyên khoa dị ứng, tiếp đến là tới trung tâm khoa bệnh truyền nhiễm hoặc trung tâm ký sinh trùng.

Tuy nhiên, mức độ xét nghiệm và đánh giá của mỗi bác sĩ rất khác nhau, nếu uống thuốc giun sán trong vài ngày sẽ không có vấn đề, nhưng trường hợp một số bác sĩ cho uống thuốc thời gian rất dài có thể làm tổn thương gan. 

7. Gia đình nuôi thú cưng cần lưu ý những gì để phòng ngừa nhiễm sán chó?

Gia đình có nuôi chó, thú cưng, có cần xét nghiệm sán chó kiểm tra? Nếu có thì bao lâu nên kiểm tra một lần, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề quan trọng nhất khi nuôi chó mèo là có đến 2 nguồn gây dị ứng bao gồm lông và giun sán.

Khi đã nuôi thú cưng phải ngăn chặn việc lông rơi vãi trong nhà; xổ giun cho thú cưng, khi đó xác suất nhiễm giun sán chó sẽ giảm.

Nếu bị ngứa không giải thích được do nguyên nhân gì thì nên đi làm xét nghiệm. Vì khi làm xét nghiệm nhưng không có triệu chứng thì kết quả không có giá trị. Một số trường hợp nhiễm giun sán nhưng đã thải ra hết, tuy nhiên khi đi xét nghiệm vẫn còn dương tính.

8. Những thuốc điều trị sán chó hiện nay

Người nhiễm sán chó sẽ được điều trị như thế nào? Tại địa phương có thuốc điều trị sán chó, hay phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thuốc điều trị sán chó hiện nay có 2 loại: Albendazole và Ivermectin. Rất ít thuốc điều trị giun sán nên có thể xổ giun bằng Albendazole. Thông thường xổ một liều sau đó 2 tuần xổ lại. Một số phác đồ sẽ xổ uống 5 ngày liên tiếp. Khi xổ với Ivermectin có thể xổ một liều duy nhất tùy theo cân nặng của người bệnh.

Tuy nhiên nếu thấy không hết và một bác sĩ cho thuốc uống trong thời gian quá dài, nên tìm một chuyên gia khác, vì thuốc điều trị này uống thời gian dài không tốt.

9. Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị sán chó an toàn, hiệu quả

Khi sử dụng thuốc điều trị sán chó cần lưu ý những gì để an toàn và hiệu quả, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, cần uống đúng liều, nếu uống liều thấp sẽ không tốt.

Thứ hai, chỉ nên uống tối đa 5 ngày thuốc. Nếu kéo dài hơn thì nên xin ý kiến chuyên gia vì uống kéo dài có thể làm tổn thương gan. Riêng với Ivermectin chỉ uống một liều sau đó theo dõi.

Bên cạnh đó, khi uống xong hết bệnh thì ngưng, không cần đi xét nghiệm vì kháng thể còn rất lâu thậm chí suốt đời. Kháng thể giảm xuống hay biến mất không có nghĩa đã hết bệnh mà triệu chứng phải khỏi hoàn toàn.

10. Xổ giun định kỳ có ngăn ngừa được sán chó?

Xổ giun thông thường có hết giun sán chó? Hoặc nếu xổ giun định kỳ 6 tháng 1 lần có ngăn ngừa được sán chó, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thuốc xổ giun có khả năng thải rất nhiều các loại giun sán khác, nhưng nếu uống một lần Albendazole khả năng xổ hết sán chó là rất thấp, ít nhất cần uống 5 ngày.

Bên cạnh đó cần thăm khám thêm với bác sĩ, nếu còn thấy triệu chứng và làm xét nghiệm máu sẽ không có giá trị.

11. Làm gì để phòng ngừa sán chó?

Thưa BS, như vậy, cộng đồng cần làm gì để đề phòng sán chó ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để phòng ngừa nhiễm sán chó cần hiểu được nguồn nhiễm là từ con chó. Nếu gia đình nuôi thú cưng phải xổ giun cho chó, vì chó không thể ăn sạch, uống sạch như con người.

Nếu là người nuôi thú cưng, ngoài xổ giun cho chó cần chú ý vấn đề ăn uống cho bản thân, những nơi chó đã liếm không nên đụng tay vào thức ăn của nó, đồng thời rửa tay sạch sẽ vì có thể dính vào tay rồi bỏ lên miệng.

Còn người không nuôi thú cưng phải ăn sạch, uống sạch vì không may thức ăn bên ngoài cũng có nguy cơ nhiễm sán chó.

Nếu là người có triệu chứng của nhiễm sán chó hãy đi xét nghiệm, không xét nghiệm đại trà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X