Hotline 24/7
08983-08983

Tất cả những điều cần biết về “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ

Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là yếu tố quan trọng quyết định sống còn của người bệnh. Nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về khái niệm này, đưa đến những kết cục xấu cho người thân. BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm và BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu đến từ Bệnh viện Gia An 115 sẽ giúp bạn hiểu rõ về thông tin này trong bài viết sau.

1. “Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ hiểu sao cho đúng và đủ?

Khi đề nói đến cấp cứu đột quỵ, các bác sĩ thường nhấn mạnh về “thời gian vàng”. Gần đây, khi các phương tiện kỹ thuật phát triển thì nhiều người nghe là “thời gian vàng” đã được mở rộng hơn. Một lần nữa, nhờ BS nhắc lại thời gian vàng chính xác là bao nhiêu giờ, và có đúng là nó được mở rộng không ạ?

BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm - khoa Nội  thần kinh - Đột quỵ Bệnh viện Gia An 115: Như chúng ta đã biết đột quỵ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, sau các bệnh lý tim mạch và ung thư trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Đột quỵ không những có thể gây tử vong mà còn để lại các di chứng nặng nề nếu bệnh nhân may mắn sống sót, đó là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy để hạn chế hậu quả đáng tiếc này, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong “thời gian vàng”.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng: phải đưa người bị đột quỵ đến bệnh viện có chức năng cấp cứu, điều trị đột quỵ ở gần nhất. Điều đáng mừng đó là hiện có nhiều bệnh viện, trung tâm đã ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị đột quỵ, được công nhận chứng nhận đạt chuẩn Vàng của Hội Đột quỵ thế giới. Trong đó có Bệnh Viện Gia An 115 chúng tôi.

Vậy chúng ta hiểu thế nào là thời gian vàng? Não là một cơ quan "quý phái", nếu tế bào não không được cung cấp máu trong thời gian ngắn sẽ bị tổn thương và không hồi phục. Hay nói cách khác, đối với tế bào não thời gian là vàng, do đó khi nghi ngờ bị đột quỵ thiếu máu não bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ gần nhất càng sớm càng tốt. Có như vậy mới cứu sống được tế bào não bị tổn thương, còn khả năng hồi phục chức năng thần kinh, giúp hạn chế mức độ tàn phế cho bệnh nhân. Chúng ta phải chạy đua với thời gian để tái thông mạch máu não cho người bệnh.

Trước đây cửa sổ "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ là 3 giờ. Song những tiến bộ khoa học hiện nay với nhiều phương tiện chẩn đoán kỹ thuật cao đã giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng thiếu máu của vùng tế bào não bị tổn thương. Nhờ đó có thể đưa ra các biện pháp can thiệp điều trị thích hợp, nên "cửa sổ điều trị" lên đến 4,5 giờ hoặc thậm chí dài hơn tùy vị trí nhồi máu của người bệnh và vùng tổn thương có thể cứu vãn được, giúp giảm thiểu tối đa mức độ tàn phế, giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.

>>> Mạng lưới cấp cứu Đột quỵ trên địa bàn TPHCM

2. Hiểu sai về “thời gian vàng”: Đánh mất cơ hội cứu chữa và phục hồi của người bệnh

Hiểu lầm về thời gian vàng có thể đưa đến những hậu quả gì, thưa BS?

BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm: "Thời gian vàng" là thời gian tính từ lúc người bệnh bắt đầu có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ cho tới thời điểm bệnh nhân vào bệnh viện được chẩn đoán xác định đột quỵ thiếu máu, không phải tính từ thời điểm bệnh nhân vào bệnh viện.

Nói ngắn gọn hơn là tính từ thời điểm cuối cùng bệnh nhân còn được ghi nhận bình thường cho tới khi được xác định đột quỵ thiếu máu não. Vì có những trường hợp đột quỵ xảy ra khi bệnh nhân đang ngủ hoặc trong hoàn cảnh không có người xung quanh chứng kiến, bác sĩ không thể khai thác được diễn tiến từ người bệnh nên không thể xác định thời điểm khởi phát bệnh.

Do đó khi thấy môt người đột có có các triệu chứng được nói gói gọn trong từ F.A.S.T:

F nghĩa là Face (mặt): mặt không cân xứng, xệ 1 bên hoặc tê bì một bên mặt.

A nghĩa  là Arm (tay): tay yếu 1 bên hoặc tê bì so với bên kia.

S nghĩa là Spech (lời nói): nói khó khăn

T nghĩa là Time (thời gian): Chúng ta cần gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ gần nhất càng nhanh càng tốt. Điều này giúp bệnh nhân có cơ hội được cứu sống, giảm thiểu di chứng. Nếu người thân chần chừ đợi không hồi phục thì mới đưa đi bệnh viện thì có thể đã quá muộn, không cứu vãn được tế bào não, điều đó rất tiếc cho người bệnh - mất đi cơ hội để được điều trị hiệu quả, tránh tử vong hoặc tàn phế.

3. Bệnh nhân đột quỵ đến trễ “thời gian vàng”, bác sĩ giúp được gì?

Thực tế thì cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ đến trễ sau giờ vàng, lúc này, họ được điều trị như thế nào, liệu có còn hi vọng không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu - Trưởng đơn vị can thiệp mạch máu não - Bệnh Gia An 115: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, khoảng dưới 20% bệnh nhân đến bệnh viện kịp trong giờ vàng và có đến 80% là trễ giờ vàng.

Khi bệnh nhân xác định đến sau "thời gian vàng" thì quy trình code stroke vẫn diễn ra. Tiếp đến, phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID sẽ đánh giá, giúp các bác sĩ đưa ra lựa chọn nên hay không nên can thiệp nội mạch cho bệnh nhân.

Trước đây, nếu người bệnh đến sau 6 giờ thì chúng tôi không có chỉ định can thiệp nội mạch. Tuy nhiên, hiện nay nhờ có phần mềm RAPID tính toán chính xác và nhanh chóng trả lời cho bác sĩ biết được thể tích não đã bị tổn thương hay bị chết đi và thể tích não cần được cứu sống cho dù bệnh nhân đến ngoài giờ vàng.

Nếu thể tích não chết quá lớn trên 70ml và tỉ lệ vùng tranh sáng tranh tối <1.7 thì chúng tôi không có chỉ định can thiệp, vì điều này sẽ không có lợi cho người bệnh về mặt lâm sàng. Còn trường hợp tỉ lệ vùng tranh tối tranh sáng >1.7 thì chúng tôi lựa chọn vào nhóm được lấy huyết khối cơ học. Nhờ ứng dụng RAPID, chúng tôi đã mở rộng cơ hội điều trị đột quỵ cho nhóm người đến sau 6 giờ vàng lên 24 giờ, hằng năm cứu sống gần gấp đôi con số người bệnh đột quỵ.

4. Tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và động mạch, áp dụng cho trường hợp nào?

Tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và đường động mạch thì có khác biệt gì, thưa BS? Vì sao với bệnh nhân đến trễ giờ vàng thì thực hiện can thiệp tiêm tiêu sợi huyết bằng đường động mạch ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu: Đối với người bệnh đến điều trị khi đã quá “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ, không còn nằm trong nhóm chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, các bác sĩ phải tính đến phương án can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.

Tuy nhiên, khi chụp mạch số hóa xóa nền DSA cùng với sự hỗ trợ phân tích từ phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID đánh giá cục huyết khối có kích thước khá nhỏ và nằm ở vị trí thuận lợi để thực hiện bơm thuốc tiêu sợi huyết đường động mạch thì sẽ tiến hành, nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm chi phí cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm, chỉ thực hiện được ở một số ít cơ sở chuyên khoa.

5. Code blue, code red, code stroke là gì?

Các bản tin về những ca cấp cứu, có nhắc đến những từ “code blue”, “code red”, “code pink”, “code white”, “code stroke” nữa. BS có thể sơ lược cho mọi người biết những code này là gì ạ? Có phải code stroke là nguy cấp nhất không?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu: Các bệnh viện lớn ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều phải thiết lập các quy trình cấp cứu khẩn cấp nhằm đảm bảo tính cấp cứu kịp thời và nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh. Các quy trình này là 1 bảng thiết kế mô tả chi tiết phân công cụ thể giữa các khối chuyên môn và không chuyên môn trong một tổ chức y tế để cấp cứu 1 trường hợp khẩn cấp của người bệnh.

Ví dụ: Có 1 người bệnh đột ngột lơ mơ, hôn mê, lay gọi không trả lời, tím tái, mạch cảnh bắt không được thì nhân viên y tế người tiếp nhận và phát hiện đầu tiên đầu tiên phải kích hoạt ngay quy trình code blue (quy trình cấp cứu….) theo tín hiệu như sau: code blue, code blue và liên hệ ngay đội code blue hotline nội bộ 9115 ngay lập tức trung tâm code bule thông báo code blue cho toàn viện thông tin đầu đủ bao gồm: số tầng, tên khoa, địa điểm chính xác cụ thể với quy trình này trong thời gian 3 phút đội cấp cứu nâng cao có mặt tại địa điểm cấp cứu.

Hoặc Quy trình code red: Cấp cứu chảy máu khẩn cấp, quy trình này được kích hoạt khi bệnh nhân bị đa chấn thương, vỡ các mạch máu nội tạng. Các bác sĩ cấp cứu ngoại viện tại hiện trường thuộc đội cấp cứu vệ tinh 115 khi tiếp cận người bệnh lâm sàng nghi ngờ đa chấn thương hoặc nghi ngờ xuất hiện nội tạng sơ cấp cứu cho người bệnh, đồng thời thông báo ngay về trung tâm code red của bệnh viện và kích hoạt code red ngay. Khi về đến bệnh viện, bệnh nhân cấp cứu được tiếp nhận và có thể làm can thiệp cầm máu ngay.

Tại Bệnh viện Gia An 115 chúng tôi đã thiết lập các quy trình cho người bệnh: code blue, code red và code stroke (quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não) và một số quy trình nội bộ như code white, code grey… Trên thế giới thì có một số quy tình code khác như code pink, code ograne,…

Các quy trình này thường xuyên được tập huấn hàng tháng để các bác sĩ trong ê-kíp cấp cứu nâng cao và phối hợp nhuần nhuyễn xử trí nhằm đảm bảo và nâng cao cơ hội cứu sống cho người bệnh.

Có phải code stroke là nguy cấp nhất không? Tất cả các quy trình đều là khẩn cấp nhằm mục đích cấp cứu cho người bệnh. Tuy nhiên, quy trình cấp cứu chảy máu, cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu trên một người bệnh.

6. Quy trình cấp cứu đột quỵ code stroke diễn ra thế nào?

BS có thể cho biết quy trình cấp cứu code stroke tại BV Gia An 115 cụ thể là như thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu: Như các bạn đã biết ở trên, quy trình code stroke là quy trình cấp cứu đột quỵ não khi bệnh nhân có 3 dấu hiệu sớm là méo miệng, yếu liệt tay chân và mất ngôn ngữ.

Khi gọi đến cấp cứu trung tâm cấp cứu 115 người bệnh sẽ được đưa ngay đến các trung tâm và bệnh viện có đơn vị đột quỵ, điển hình như Bệnh viện Gia An 115 cũng là một trong những trung tâm đột quỵ tại TPHCM.

Khi tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ não, quy trình code stroke của Bệnh viện Gia An 115 được kích hoạt. Nhân viên tiếp nhận gọi hotline code stroke 9503 ngay lập tức, trong vòng 3 phút ê-kíp trực code stroke có mặt và khẩn trương đưa người bệnh chụp CT sọ não mục đích loại trừ bệnh nhân có xuất huyết não hay không. Theo thống kê 80% bệnh nhân sẽ bị nhồi máu nãu và 20% là chảy máu não - xuất huyết não.

Nếu người bệnh bị xuất huyết não đưa vào quy trình điều trị xuất huyết nội sọ. Nếu người bệnh bị nhồi máu não không xuất huyết và được xác định đến trong giờ vàng (từ 1 - 4,5 giờ kể từ khi có triệu chứng), kết hợp với thang điểm ASPECT dưới 7 sẽ tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Sau đó, tiếp tục chụp CTA (CT mạch não) và CTP (CT tưới máu não) để đánh giá tình trạng các mạch máu lớn (tắc hay không tắc). Nếu mạch máu lớn không bị tắc, bệnh nhân được chuyển về khoa tiếp tục theo dõi lâm sàng và điều trị tiếp tục.

Nếu bệnh nhân có tắc mạch máu lớn và đồng thời đánh giá tưới máu não bằng phần mềm RAPID (thao tác này giúp đánh giá được vùng não bị tổn thương và vùng não cần được can thiệp cứu chữa, gọi là vùng tranh tối tranh sáng), nếu tỷ lệ vùng tranh tối tranh sáng trên 1.7 có chỉ định lấy huyết khối cơ học, ngay lúc này bệnh nhân được chuyển lên phòng DSA can thiệp lấy huyết khối cơ học.

7. Cần đáp ứng tiêu chuẩn gì để được chứng nhận chất lượng điều trị của Hội Đột quỵ thế giới?

Ngày 6/5/2021, Bệnh viện Gia An 115 đã được trao Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Hội Đột quỵ thế giới, trở thành bệnh viện thứ 18 trên cả nước đạt được chứng nhận này. Xin chúc mừng BV. Nhân dịp này, BS có thể chia sẻ về quá trình để đạt được tiêu chuẩn vàng này không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu: Để được trao Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Hội Đột quỵ thế giới, Bệnh viện Gia An 115 phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe như:

  • Thời gian từ khi người bệnh nhập viện đến khi được điều trị tái thông mạch là dưới 60 phút;
  • Tỉ lệ điều trị tái thông 5-15% trong tổng số bệnh nhân nhập viện;
  • Tỉ lệ bệnh nhân được chụp MRI/CT Scanner trên 85%...

Ngoài ra, bệnh viện cũng phải đạt các tiêu chí về:

  • Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện;
  • Tỉ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện;
  • Tỉ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn chức năng nuốt tại đơn vị đột quỵ;
  • Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng hồi sức tích cực).

Kỳ trước:

>>> Trong đại dịch COVID-19, cần cảnh giác cao độ với đột quỵ

>>> Sau đột quỵ, lịch tái khám thế nào, có được đi máy bay, xe khách?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X