Hotline 24/7
08983-08983

Cứ 10 người có 3 nằm trong nguy cơ tái nhiễm vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) sống trong dạ dày, lây nhiễm qua đường tiêu hóa và hô hấp. Vậy dự phòng tái nhiễm HP bằng cách nào? Những câu hỏi này được ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp.

1. Hiểu con đường lây nhiễm để phòng tránh tái nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori

Vì sao nhiễm khuẩn HP thường hay tái phát, thưa BS? Do vi khuẩn này “cứng đầu” hay do đâu?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Tỷ lệ nhiễm và tái nhiễm Helicobacter Pylori (HP) trong cộng đồng khá cao. Vấn đề tái nhiễm Helicobacter Pylori do đường lây dễ dàng.

Hai đường lây có thể gây thành đại dịch: đường tiêu hóa và đường hô hấp. Vừa qua, có đại dịch COVID-19 lây qua đường hô hấp, còn với đường tiêu hóa, trước đây có các đại dịch như tiêu chảy do lỵ.

Đường tiêu hóa là con đường tiếp xúc, ăn uống hàng ngày, việc lây nhiễm từ đường tiêu hóa nhiều, do đó, nguy cơ tái nhiễm HP trong cộng đồng rất cao. Các nghiên cứu cho thấy, mỗi lần tiệt trừ vi khuẩn HP thành công, nguy cơ tái nhiễm sau 11 tháng lên đến 30%, có nghĩa cứ 10 người có 3 người nằm trong nguy cơ tái nhiễm, đây là tỷ lệ khá cao.

Nguyên nhân không phải do HP “cứng đầu” mà do cách dự phòng tái nhiễm không hợp lý, gây ra tình trạng tái nhiễm.

Có những trường hợp HP kháng thuốc, không đáp ứng với các loại thuốc kháng sinh trong các phác đồ hiện hành. Đây là trường hợp có trong thực tế nhưng tỷ lệ rất thấp. Vấn đề chính là sau khi tiệt trừ, người bệnh phải hiểu được con đường lây nhiễm để phòng tránh tái nhiễm.

2. Một người nhiễm vi khuẩn HP, có cần tầm soát và điều trị cho cả gia đình?

Theo BS, một người nhiễm HP, có cần tầm soát và điều trị cho cả gia đình? Việc không điều trị dự phòng cho cả gia đình đóng vai trò như thế nào trong việc trở thành nguy cơ tái nhiễm cho người bệnh?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Để tiệt trừ HP hiệu quả, trong một gia đình, nguy cơ cả nhà đều nhiễm có thể xảy ra nếu không có các biện pháp cụ thể. Theo khuyến cáo hiện nay, trong một gia đình nhiễm HP nguy cơ cao, cụ thể, HP có thể gây ung thư dạ dày.

Ví dụ, trong gia đình có một người bị ung thư dạ dày và nhiễm HP, việc tốt nhất là nên tầm soát tất cả những người sống chung và ăn chung với bệnh nhân đó, đồng thời tiệt trừ HP. Hoặc những nhóm bệnh nhân nhiễm HP, trên hình ảnh nội soi có tổn thương u lympho hay gọi là u Malt hoặc những tình trạng viêm teo, chuyển sản,… các trường hợp này có nguy cơ cao.

Những người nằm trong nhóm nguy cơ cao nếu không dự phòng được trong một gia đình, các khuyến cáo đưa ra là nên tầm soát, diệt HP cho những người ăn chung, sống chung để dự phòng các nguy cơ cao.

3. 4 điều cần tuân thủ để dự phòng nhiễm vi khuẩn HP

Nếu không điều trị cả nhà, vậy cần làm gì để bảo vệ gia đình khỏi nguy cơ nhiễm HP, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Để dự phòng tình trạng nhiễm HP trong một gia đình, cần lưu ý:

Thứ nhất, rửa tay sạch trước khi ăn. Bởi vì, HP sống trong dạ dày nhưng được thải trong đường tiêu hóa đi ra phân, nếu như không sửa tay sạch, có khả năng lây nhiễm từ đường phân - miệng.

Thứ hai, trong bàn ăn, hạn chế sử dụng vật dụng chung, nên dùng dụng cụ riêng để gắp thức ăn vào chén cho nhau, tránh lây nhiễm chéo.

Thứ ba, mỗi người nên có một ly uống nước riêng và rửa ly sau mỗi lần uống để hạn chế lây nhiễm.

Thứ tư, trong một gia đình, hai vợ chồng đều nhiễm HP, nên diệt hết cho cả hai vợ chồng để tránh tái lại. Với con cái, hạn chế hôn môi, tránh nước bọt của mình cho trẻ để phòng ngừa lây nhiễm HP sang con và ngược lại.

Đó là những cách dự phòng lây nhiễm HP trong cùng một gia đình hoặc sống gần, sống chung.

4. Rửa sạch tay trước khi ăn để dự phòng tái nhiễm vi khuẩn HP

Ngăn chặn nguy cơ tái nhiễm HP, người bệnh nên làm gì và không nên làm gì ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Đối với người đã điều trị HP, có kết quả diệt thành công, để tránh tái nhiễm phải hiểu được đường lây. Đường lây của HP là đường phân - miệng, dạ dày - miệngđường miệng - miệng.

Việc tránh lây dịch tiết, nước bọt từ người này qua người kia là con đường hiệu quả để tránh việc nhiễm lại HP.

Bên cạnh đó, trong những thực phẩm ăn uống, nên chọn cơ sở, nhà hàng, đồ ăn chế biến hợp vệ sinh để tránh lây chéo, đó là những phương pháp hữu hiệu.

Ngoài ra, không chỉ dự phòng HP, mà nhiều tác nhân gây bệnh khác như virus, vi khuẩn khác, luôn nhớ trước khi ăn phải rửa tay sạch sẽ để dự phòng bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X